Phá
hạ tầng năng lượng : Nga dùng chiến lược bẻ gãy hậu phương, đánh sụp tiền
tuyến Ukraina
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 26/11/2022 - 10:23Sửa đổi
ngày: 26/11/2022 - 10:31
Nga tiếp tục trả đũa Kherson hai tuần sau khi rút
khỏi thành phố miền nam. Ngày 25/11/2022, quân đội Nga đã oanh kích nhiều khu vực
dân cư ở Kherson, khiến « 15 người chết, 35 người bị thương, trong đó có 1 trẻ
em ». Chính quyền thành phố cho biết đây là trận oanh kích tang thương nhất trong
những ngày gần đây, « nhiều ngôi nhà và chung cư cao tầng » đã bị phá hủy.
Trung tâm thành phố
Kiev mất điện sau các vụ oanh kích của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng
Ukraina, ngày 24/11/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Thống đốc vùng Kherson viết trên mạng xã hội : « Quân xâm lược Nga đã dùng bệ phóng tên lửa đa nòng oanh
kích một khu dân cư. Một tòa nhà lớn bị bốc cháy ». « Do Nga
oanh kích liên tiếp, chúng tôi phải sơ tán các bệnh nhân trong các bệnh viện ở
Kherson ». Theo bộ Tái nhập các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, được AFP
trích dẫn, tối 25/11, một chuyến tầu chở « khoảng 100 công dân đầu tiên
ở Kherson được chính phủ hỗ trợ sơ tán đã rời thành phố, trong đó có 26 trẻ em,
7 bệnh nhân liệt giường và 6 người tàn tật ».
Tổng thống Zelensky trong buổi điểm tin hàng
ngày cho biết đến tối 25/11, hai ngày sau vụ Nga bắn 67 tên lửa vào Ukraina, vẫn
còn hơn 6 triệu gia đình không có điện trên hầu hết các vùng và Kiev. Trên
trang Facebook, ông cổ vũ người dân « cố chịu đựng mùa đông này - một
mùa đông mà mọi người sẽ nhớ mãi ».
Tại sao quân Nga
đánh phá cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraina ?
Chiến lược của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng
trọng yếu của Ukraina vào lúc nhiệt độ mùa đông xuống thấp bị ông Zelensky lên
án là « tội ác chống nhân loại ». Trên đài RFI, tướng Pháp Vincent Desportes,
giáo sư về chiến lược trường Sciences Po và HEC, giải thích về ý đồ chiến lược
của Nga :
« Tôi không nghĩ là quân Nga nhắm
đến thường dân mà thường dân trở thành một trong những cách để giành kết quả
chiến lược. Chúng ta đã thấy quân Nga gặp khó khăn ở cấp chiến thuật. Vì không
thể thắng trên bình diện chiến thuật, Nga tiến lên một bậc và tìm cách chiến thắng
ở cấp chiến lược.
Kế hoạch này đơn giản. Nếu một quân đội không có hậu
phương thì sẽ không trụ được. Điều này đúng đối với cả quân đội Nga và Ukraina.
Vì thế, ý đồ chiến lược hiện nay của tổng thống Putin là đánh đổ hậu phương của
Ukraina để tiền tuyến cũng sụp đổ. Vì quân Nga không có khả năng đối đầu trực
tiếp trên chiến trường, họ tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Ukraina,
làm giảm khả năng hỗ trợ cho quân Ukraina cũng như các trận chiến của Ukraina ».
Phương Tây khẳng định
tiếp tục hỗ trợ Ukraina
NATO sẽ sát cánh với Ukraina đến chừng nào cần
thiết và sẽ không lùi bước. Theo trang web của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
Dương ngày 25/11, trong buổi trình bày về kế hoạch cuộc họp ngoại trưởng các nước
thành viên, tổng thư ký Jens Stolternberg nhấn mạnh : « Về mặt an ninh,
hỗ trợ Ukraina cũng vì lợi ích của chúng ta » vì « không thể
có hòa bình lâu dài nếu kẻ xâm lược chiến thắng ».
Cũng trong ngày 25/11, trên Twitter, chủ tịch Ủy
Ban Châu Âu cho biết Bruxelles « viện trợ lớn » giúp Ukraina tái lập mạng lưới
điện và sưởi, cụ thể là vài trăm máy phát điện để các bệnh viện dù lớn hay nhỏ
không bị gián đoạn hoạt động. Hai thủ tướng Đức và Pháp, trong cuộc gặp tại
Berlin, cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ Kiev chống cuộc chiến của Nga.
Giáo hoàng Phanxicô cũng có cử chỉ được coi là
« chưa từng có ». Trong thư ngỏ đề ngày
24/11, người đứng đầu tòa thánh thể hiện sự gần gũi với người dân Ukraina đang
phải sống ở « những thành phố bị bom đạn tấn công trong khi mưa tên lửa
gây chết chóc, tàn phá và đau thương, đói lạnh và rét ».
----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Ukraina
tìm cách khôi phục hệ thống điện nước sau các đợt oanh kích của Nga
9
tháng chiến tranh, Nga dồn dập oanh kích Ukraina
Tổng
thống Ukraina lên án “hành động khủng bố” của Nga tại Hội Đồng Bảo An
.
===================================================
.
Ukraina :
Bakhmut vẫn chiến đấu trong tang thương đổ nát
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 22/11/2022 - 20:54
Tình hình Ukraina, như thường lệ, không thể thiếu vắng
trên các trang báo Pháp. Đặc phái viên Le Monde có bài phóng sự
công phu cho biết « Tang tóc, hoang tàn, Bakhmut vẫn kháng cự » trước những
trận bão đạn pháo Nga.
Bài viết mô tả cảnh những y tá ở tiền phương vội
vã tiếp nhận các thương binh được đưa đến, sơ cứu rồi đưa về bệnh viện ở hậu cứ.
Theo bác sĩ phẫu thuật Volodymyr Pigulewski, mỗi ngày có từ 50 đến 100 thương
binh nhập viện. Mấy chục chiếc cáng thương dính đầy vết máu chồng chất sát tường,
cho thấy sức sát thương khủng khiếp của chiến trường đẫm máu nhất Donbass.
Bốn xác tử sĩ được phủ lên những chiếc chăn tạm
bợ đặt ngoài sân. Dmytro Volkov phụ trách việc vận chuyển, nói rằng số tử
trận phía Ukraina là « vừa phải » so với cường độ
ngoài mặt trận. Yara, một tình nguyện viên 29 tuổi, nước da xám ngoét vì mệt mỏi,
chăm sóc khoảng 20 thương binh mỗi ngày. Cô thổ lộ : « Nếu
không giữ khoảng cách với những chàng trai này, hình dung ra cảm giác của họ và
nghĩ rằng tình trạng này có thể xảy ra với mình hay người thân, thì không thể
làm việc nổi. Phải nén lòng, cố quên tên của họ, nếu không mỗi khi nhớ đến sẽ rất
đau lòng ».
Bakhmut là mặt trận ác liệt nhất từ nhiều tháng
qua. Quân Nga tập trung lực lượng tại đây, chủ yếu
là lính đánh thuê Wagner. Putin cố gắng tìm kiếm một chiến thắng bằng mọi giá,
nhất là sau khi phải rút khỏi Kherson. Tuy nhiên từ bốn tháng qua, Nga vẫn
không chiếm nổi thành phố này, dù lượng bom đạn dội xuống vô cùng dữ dội, ngày
cũng như đêm, hầu như không còn một cánh cửa sổ nào nguyên vẹn. Không chỉ có
các chiến binh phải chịu thương vong, mà ngày nào cũng có một, hai thường dân
trúng đạn pháo thiệt mạng. Hãy còn khoảng 15.000 dân bám trụ ở Bakhmut không chịu
di tản theo lời kêu gọi của chính phủ, đa số là người lớn tuổi. Chỉ khi nào hỏa
tiễn rơi trúng tòa nhà mình ở hay có một người thân bị tử thương họ mới chịu ra
đi.
Pháp viện trợ thêm
vũ khí giúp Ukraina bảo vệ không phận
Trong bối cảnh đó, cũng theo Le Monde,
« Pháp loan báo đợt chuyển
giao vũ khí mới cho Ukraina ». Thường xuyên bị chỉ
trích vì ít viện trợ quân sự cho Kiev, hôm Chủ nhật 20/11 bộ trưởng Quân Lực
Sébastien Lecornu loan báo viện trợ hai giàn phóng rốc-kết (LRU) và hai giàn hỏa
tiễn phòng không Crotale NG cho Ukraina, đồng thời xem xét giao thêm các giàn
radar.
Tương tự như Himars của Mỹ mà Ukraina sử dụng
rất hiệu quả trong thời gian qua để phá hủy các cơ sở hậu cần của quân Nga, LRU
có tầm bắn 80 kilomet với độ chính xác 5 mét. Quân đội Pháp sở hữu 13 hệ thống
này nhưng chỉ có 8 đang hoạt động, có nghĩa là tặng 1/4 cho Kiev. Còn Crotale
NG có thể phát hiện các vật thể bay trong vòng 20 km và tiêu diệt ở cách 11
kilomet, Pháp cũng chỉ có 12 giàn. Paris đang thuyết phục các đối tác giao những
hỏa tiễn VT1 cho Ukraina để sử dụng với Crotale vì Thales đã ngưng sản xuất từ
nhiều năm.
Về các radar, theo các nguồn tin quân sự, đó
là Ground Master 200 (GM200), một hệ thống tầm trung do Pháp sản xuất có thể
giám sát trong phạm vi 250 kilomet, rất hiệu quả để phát hiện các drone bay ở tầm
thấp như loại của Iran đang đánh phá cơ sở hạ tầng Ukraina.
Bắc Kinh làm trung
gian hòa giải giữa Nga và Ukraina ?
Cũng về cuộc chiến tranh Ukraina, Le
Figaro đặt vấn đề « Trung Quốc
có thể đóng vai trò hòa giải hay không ? ». Từ
khi quân Nga rút khỏi Kherson, những lời thúc giục hòa đàm ngày càng nhiều. Tại
Bali, bên lề hội nghị G20 tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trịnh trọng kêu gọi
Trung Quốc tham gia làm trung gian trong những tháng tới. Tờ báo lưu ý thái độ
của Bắc Kinh không thay đổi kể từ đầu cuộc xâm lăng, được chuyên gia Antoine
Bondaz tóm tắt « không ủng hộ
cũng không lên án ».
Giảng viên Nicolas Tenzer của Sciences-Po cho
rằng cuộc chiến làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế và sản xuất của Trung Quốc.
Nếu chiến tranh kết thúc sẽ có lợi cho Bắc Kinh, đặc biệt là dự án Con đường tơ
lụa mới. Hơn nữa vai trò nhà hòa giải mang lại lợi ích lâu dài cho Tập Cận Bình
trên trường quốc tế, làm quên đi nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông và Tây
Tạng. Theo nhà Trung Quốc học Emmanuel Lincot, chưa chi ông Tập đã là người thắng
cuộc vì được săn đón.
Tuy nhiên cũng theo ông Tenzer, khó thể có việc
Trung Quốc gây áp lực để Nga rút quân khỏi Ukraina. Hơn nữa, đang thắng trên chiến trường, không có gì chắc chắn rằng
Kiev sẽ chấp nhận những điều kiện mà Bắc Kinh đề nghị, có thể là từ bỏ một phần
lãnh thổ. Bên cạnh đó, ông Emmanuel Lincot lưu ý dù là đồng minh trong lúc này,
Bắc Kinh và Matxcơva vẫn cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á. Việc các nước trong
khu vực này gia tăng quan hệ với Trung Quốc cho thấy Nga đang giảm dần trọng lượng
so với Bắc Kinh.
Đài Loan học hỏi
cách đánh của Ukraina để phòng thủ
Trả lời phỏng vấn Les Echos, ngoại
trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) lo lắng Tập Cận Bình có thể tấn
công Đài Loan nhằm đánh lạc hướng những sai lầm trong chính sách zéro Covid. Được
hỏi phải chăng chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đã đổ dầu vào lửa
khiến Bắc Kinh cho tập trận quy mô, ông Ngô nhấn mạnh, ngược lại Đài Loan rất
hàm ơn. Đông đảo người dân Đài Bắc đã đón chào phái đoàn Mỹ dọc theo các con đường
với biểu ngữ cảm ơn. « Trung Quốc cố gắng cô lập chúng tôi, những ai lên tiếng
ủng hộ đều được hoan nghênh ».
Ngoại trưởng Đài Loan lưu ý, Tập Cận Bình càng
đáng sợ vì ông ta toàn quyền hành động, chỉ làm việc với một nhúm người. « Khi từ chối
nghe phản biện, nhất định có thể phạm những sai lầm ». Ông nói thêm: « Điều làm tôi
lo lắng nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc. Với chính sách zéro Covid, tăng
trưởng sẽ chậm lại và phản kháng xã hội tăng lên. Người ta có thể nghĩ rằng đó
là tin vui cho Đài Loan, nhưng ngược lại : có nguy cơ Tập Cận Bình gây hấn với
nước khác để làm quên đi những thất bại trong nước của ông ta ».
Điều duy nhất có thể thấy được là Tập Cận Bình
đang tăng cường quân đội, và Đài Bắc cũng phải coi đây là vấn đề ưu tiên. Thời
gian đi quân dịch không quá bốn tháng sẽ được kéo dài thành một năm, chi quốc
phòng sẽ tăng 14 % trong năm tới, chiếm 2 % GDP, một tỉ lệ mà các chuyên gia
cho rằng hãy còn quá thấp. Đài Loan chỉ có 160.000 quân dự bị, sẽ bắt chước mô
hình Ukraina để xây dựng lực lượng nhân dân tự vệ. Một cơ quan đã được lập ra để
điều phối các nỗ lực phòng vệ của các tổ chức phi chính phủ, tập thể và Nhà nước
; và đang tìm mua những vũ khí hạng nhẹ cơ động, lập quan hệ đối tác với một số
nước châu Âu để học tập kinh nghiệm phòng vệ dân sự.
Ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh, nếu phương Tây
tiếp tục đoàn kết chống lại Nga sẽ giúp răn đe ý đồ xâm lăng Đài Loan của Bắc
Kinh. Trong trường hợp Trung Quốc dân chủ hóa trong 10 năm, 20 năm nữa, có thể
thống nhất hai nước hay không ? Ngoại trưởng Đài Loan không ngần ngại trả lời :
Không ! Bây giờ và sau này, đều không thể chấp nhận nguyên tắc « nhất quốc, lưỡng chế ». Việc đàn áp Hồng Kông
đã chứng minh điều mà ai cũng biết : không bao giờ có thể tin vào lời hứa của
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment