Nửa
năm chịu đựng chiến tranh, dân Ukraina vẫn đồng lòng chống quân Nga xâm lược
Thụy My - RFI
Đăng ngày:
25/08/2022 - 10:18
Đúng sáu tháng trước, ngày 24/02/2022,
một cuộc chiến mà không ai có thể hình dung trong thế kỷ 21 đã diễn ra : quân
Nga kéo sang xâm lược nước láng giềng Ukraina. Le Figaro chạy
tựa trang nhất « Chiến tranh ở Ukraina : Nguy cơ sa lầy », La
Croix nhấn mạnh « Người Ukraina đoàn kết trong cuộc chiến »,
Les Echos nói về « Những bài học gay go của sáu tháng chiến
tranh », còn Libération đưa tựa lớn trên trang
bìa « Cuộc sống thời chiến ».
https://s.rfi.fr/media/display/a6ea6b8c-23e6-11ed-a78a-005056a90284/w:1024/p:16x9/tank_14.webp
Các
xe quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày lại trung tâm thủ đô Kiev, nhân ngày kỷ
niệm Ukraina độc lập, 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Ukraina mất phân nửa GDB vì chiến tranh
Xã luận của La
Croix ghi nhận hôm nay 24/08 là ngày kỷ niệm Ukraina giành độc lập, đồng
thời đánh dấu sáu tháng của một cuộc chiến đã gây bất ngờ cho mọi người. Tuy
nhiên tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảnh báo, không có chuyện để hở sườn cho
quân Nga tấn công do người Ukraina mất cảnh giác. Mừng lễ sau vẫn không muộn.
Sáng nay còi báo động phòng không rền vang trên cả nước, trừ Kherson và Crimée
đang bị « tạm chiếm ». Một cuộc triển lãm các xe tăng, đại bác, xe
quân sự Nga…được tổ chức ngay đại lộ trung tâm Krechtchatyk của Kiev.
Trên chiến
trường miền đông và miền nam, cuộc chiến đang ngưng đọng, đôi bên đều thiệt hại
nhiều. Riêng Ukraina, nước bị tấn công hiện chỉ sống bằng nhịp độ viện trợ và
tín dụng của Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ. Châu Âu đã gởi vũ khí cho Kiev từ mùa
đông năm ngoái, nay chuẩn bị một chương trình huấn luyện cho các quân nhân
Ukraina, tổng cộng trên 84 tỉ euro được hứa hẹn. Nhật báo cho rằng cần ghi nhận
sự hỗ trợ này trong lúc toàn thế giới đang phải chịu đựng cú sốc kinh tế từ cuộc
xâm lăng của Nga.
Trên Les
Echos, nhà kinh tế Ukraina Vadym Syrota ước tính « Chiến tranh sẽ
làm giảm phân nửa tổng sản phẩm nội địa của Ukraina ». Nước này đã bị
mất trắng tài sản nhiều tỉ đô la ở những vùng đất đang bị Nga chiếm đóng, nhiều
cơ sở hạ tầng và trung tâm logistic bị quân Nga phá hủy. Nếu cấm vận sẽ ảnh hưởng
đến Nga về lâu về dài, thì sự hủy diệt từ chiến tranh đã khiến Ukraina đang chịu
thiệt nặng nề trong hiện tại. Thất nghiệp khoảng 35 %, đã có 5 đến 9 triệu
trong số 40 triệu dân di tản khỏi đất nước, thu ngân sách chỉ đủ trang trải 30
% nhu cầu trong khi chi quân sự bùng nổ, chiếm 30 % GDP, nợ công tăng cao. Hồi
tháng Bảy, Ukraina bị đánh sụt điểm tín nhiệm, suýt bị coi là mất khả năng chi
trả nếu các nước chủ nợ không cho hoãn đến 2024.
Quyết tâm kháng chiến không hề suy suyển
La
Croix nhận thấy
« Dù mệt mỏi, người Ukraina vẫn đoàn kết ». Tương tự, Les
Echos nói về « Quyết tâm của người Ukraina trước Nga vẫn nguyên vẹn sau sáu
tháng xung đột ». Bất kỳ lúc nào, ngày cũng như đêm, những hồi còi báo
động phòng không cũng có thể vang lên cắt đứt những cuộc đối thoại, việc mua
bán ở siêu thị và đè nặng lên tâm trí. Bên cạnh đó là lệnh giới nghiêm vẫn đang
có hiệu lực, những tin tức bay về từ tiền tuyến, những người lính ngã xuống
hàng ngày. Trẻ em vẫn tiếp tục học từ xa vì trường học không có hầm trú ẩn.
Trong một
đất nước hoàn toàn tập trung cho chiến tranh, đường phố tràn ngập những lá cờ
hai màu xanh, vàng, áp-phích cổ vũ kháng chiến và vinh danh những người lính
Ukraina. Dân chúng sẵn sàng đối mặt dù nỗi lo về một cuộc chiến kéo dài và một
mùa đông giá rét vẫn hiển hiện. Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko nói với La
Croix : « Trong suốt 30 năm độc lập, chưa bao giờ thấy người dân
đồng lòng với chính phủ như thế ». Có đến 91 % cho biết ủng hộ tổng thống
Volodymyr Zelensky, và 98 % khẳng định tin tưởng vào chiến thắng chung cuộc.
Sáu tháng chiến tranh, Nga mất bao nhiêu
lính ?
Bài xã luận
« Sau sáu tháng chiến tranh ở Ukraina, một tổng kết đẫm máu và một cuộc
xung đột ngưng đọng » của Libération nhận định, tuy những
thiệt hại nhân mạng dù khó đếm được đều rất đáng kể cho cả hai bên, nhưng trong
tình thế hiện nay vẫn khó thể ngưng chiến.
Tổng tham
mưu trưởng quân đội Ukraina Valeri Zaloujny tuần này nhìn nhận đã mất khoảng
9.000 chiến sĩ, chưa kể số thường dân bị thiệt mạng trong các trận bom của Nga.
Bản tổng kết gần đây nhất của Nga nói rằng có 1.351 lính tử trận, chưa kể 3.200
quân ly khai Donbass. Đối với tình báo Mỹ mà đến nay hiếm khi lầm lẫn, thiệt hại
của Nga lớn gấp 10 lần.
Trong bài
« Thiệt hại nhân mạng, một cuộc chiến khác », Libération ghi nhận
hai bên tham chiến đều đưa ra những con số rất khác nhau. Có rất nhiều số liệu
về cuộc chiến tranh : danh sách thiết bị được cung cấp hay bị phá hủy, số
vụ tấn công mỗi ngày, số đạn bắn ra…nhưng được chú ý nhất là về con người – số
lính tử trận, bị thương, bị bắt. Riêng số lính Nga chết trận được tranh cãi nhiều
nhất. Bộ tổng tham mưu Ukraina ước lượng trên 45.000, còn theo CIA và tình báo
Anh thì khoảng 15.000. Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 08/08 cho rằng sáu
tháng qua có 70.000 đến 80.000 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến, nếu tính cả số
bị thương.
Bên cạnh
những ước tính trên lý thuyết, các nhà điều tra còn có nhiều cách kiểm tra
khác. Trang web độc lập Nga Mediazona và BBC tiếng Nga thu thập mọi cáo
phó trên những tờ báo địa phương và internet. Họ nhận thấy tử trận nhiều nhất
là lính từ Cộng hòa Buryatia (ở Xibêri) và Daguestan (vùng Kapkaz), hai vùng đất
nghèo nàn của người thiểu số, mà đăng lính thường là phương cách duy nhất để có
được việc làm. Riêng lực lượng lính dù tinh nhuệ bị thiệt hại nặng trong trận
đánh Hostomel ở ngoại ô Kiev, chiếm đến 18 % trong danh sách của Mediazona. Ít
nhất 879 sĩ quan cao cấp Nga đã thiệt mạng, và theo New York Times, lính
đánh thuê Wagner chiếm 1/4 số tử trận phía Nga, được cho là 20.000.
Một mùa đông đầy đe dọa
Nhưng một
cuộc chiến không đơn giản chỉ có thể chiến thắng trên chiến trường, mà còn phải
tìm cách chinh phục công luận. Các phóng sự của Libération mô tả tại
Nga, trẻ em leo lên các xe tăng trong Công viên Ái Quốc, và bên kia biên giới,
các em nhỏ ngồi trên những chiếc xe tăng chiếm được của kẻ thù được Ukraina
trưng bày ở trung tâm thủ đô. Trong số những em bé này, có bao nhiêu sẽ trở
thành trẻ mồ côi ?
Phía
Kremlin, bước tiến của quân Nga hoàn toàn không tương xứng với mục tiêu loan
báo ban đầu của Vladimir Putin, còn với tổng thống Volodymyr Zelensky, mùa đông
đang đến : các đồng minh châu Âu có nguy cơ giảm mạnh trợ giúp dưới áp lực từ
những cử tri đang phải trả giá năng lượng đắt đỏ. Tổng thống Emmanuel Macron đã
đúng khi hôm qua ông tái khẳng định « ủng hộ lâu dài »
Ukraina, và nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Nhật báo thiên tả còn
muốn nói thêm « bằng bất cứ giá nào ».
Những sai lầm lớn ban đầu gây thiệt hại lâu
dài cho Nga
Trả lời phỏng
vấn Libération, nhà nghiên cứu Vincent Tourret cho rằng cho đến nay Nga
vẫn phải trả giá cho những « sai lầm khủng khiếp » trong những ngày đầu
cuộc xâm lược. Ông nhấn mạnh, « Với sự hỗ trợ thường xuyên của phương Tây,
Kiev có lợi thế về lâu về dài ».
Chuyên gia
này chia cuộc chiến ra làm ba giai đoạn. Trước tiên là cuộc tấn công đầy lộn xộn
của quân Nga cho đến khi rút khỏi Kiev và Tchernihiv đầu tháng Tư. Sau đó
Matxcơva tập trung vào vùng Donbass nhưng vẫn chưa chiếm nổi. Những tuần lễ vừa
qua cuộc xung đột chuyển qua giai đoạn thứ ba một cách không chính thức, quân
Nga kiệt lực còn Ukraina tuy có mạnh lên nhưng không thể tái chiếm các lãnh thổ
đã mất. Mùa đông sắp tới sẽ còn gây trở ngại cho các hoạt động.
Nga đánh
giá quá thấp sự kháng cự của Ukraina và tổ chức quá kém, kể cả chiến dịch
nghiêm túc nhất nhằm chiếm phi trường Hostomel. Lực lượng Ukraina đã làm được kỳ
tích là đẩy lui kẻ thù hùng hậu, chủ yếu nhờ hỗ trợ của NATO về tình báo khiến
họ vận dụng được tối ưu sức mạnh.
Thất bại
chiến lược ở Kiev tạo ra tác động không thể nào đảo ngược trong cuộc chiến, Nga
sẽ không bao giờ bù đắp nổi : những đơn vị ưu tú nhất bị tiêu diệt, những vũ
khí tinh vi bị phá hủy từ những tuần lễ đầu tiên. Còn Ukraina thất bại ở miền
nam do mất thành phố Kherson, mà theo ông Tourret vì một phần lực lượng tại đây
đã được điều đi tăng viện cho Kiev, nhưng cũng do nội gián.
Nga thiếu quân, Ukraina thiếu vũ khí và thời
gian
Về quân số,
Nga điều khoảng 100.000 lính, thấp hơn dự báo vì từ chối nhìn nhận đây là một
cuộc chiến tranh, ngỡ rằng có thể bù lại bằng hỏa lực mạnh mẽ. Matxcơva huy động
thêm các lực lượng ly khai, đề nghị những hợp đồng ngắn hạn nhưng béo bở cho
« quân tình nguyện », nhất là các công ty lính đánh thuê như Wagner,
các đội dân quân Tchetchenya. Cơ cấu này không tốt cho chất lượng quân đội
trong tương lai, trừ phi Putin tuyên bố tổng động viên, nhưng sẽ rất mất lòng
dân.
Nga thiếu
quân nhưng không thiếu vũ khí, phía Ukraina thì ngược lại. Đông đảo người dân
tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, họ có chính nghĩa và đoàn kết hơn hẳn từ
khi bị xâm lược. Yếu tố mà Kiev đang thiếu là thời gian để bổ sung lực lượng,
và nếu có sự ủng hộ không mệt mỏi của phương Tây về huấn luyện tân binh hay viện
trợ vũ khí, Ukraina sẽ có lợi thế, tuy về ngắn và trung hạn ưu thế đang ở về
phía Nga. Pháp đã gởi một phần tư số đại bác Caesar của mình cho Ukraina,
Bulgari và Rumani cho khởi động lại các nhà máy vũ khí, nhưng không thể đủ. Chỉ
có sự hỗ trợ của Mỹ mới thay đổi được ván cờ.
Mỹ, nhà tài trợ hào hiệp nhất cho Ukraina
Về vấn đề
này, Les Echos trong bài phân tích « Sự ủng hộ không gì lay chuyển
nổi của Washington đối với Ukraina » đánh giá, từ khi cảnh báo việc
Vladimir Putin đang cho chuyển quân, đến viện trợ nhiều tỉ đô la vũ khí cho
Kiev, Hoa Kỳ tỏ ra nhất quán và đạt được đoàn kết quốc gia.
Không có
nước nào hỗ trợ quốc phòng cho Ukraina nhiều đến thế, tính ra ít nhất đã viện
trợ quân sự 11 tỉ đô la. Trước vụ tấn công hôm 24/02, Mỹ cũng đã viện trợ 2 tỉ
đô la sau khi Ukraina bị cướp mất Crimée năm 2014. Washington còn đe dọa trừng
phạt đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Với cuộc chiến Ukraina, Joe Biden đã xóa
mờ những chỉ trích về cuộc triệt thoái hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021, mang
lại được ý nghĩa cho NATO. Các đồng minh cũng thấy Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chủ
trương ủng hộ Kiev mà không phải đối đầu trực diện với Matxcơva.
Về đối nội,
Washington đã thành công khi trưng ra một khuôn mặt thống nhất về hồ sơ
Ukraina, trong một đất nước vốn chia rẽ nặng nề về chính trị. Hạ Viện thông qua
trong thời gian kỷ lục gần 14 tỉ đô la vào tháng Ba, rồi 40 tỉ đô trong tháng
Năm, cao hơn cả đề nghị của Nhà Trắng. Và tháng Tám Thượng Viện bật đèn xanh
cho việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO với đa số áp đảo. Sáu tháng sau khi
Nga khởi đầu cuộc xâm lược, những lá cờ hai màu xanh vàng vẫn luôn phấp phới
trên các thành phố nước Mỹ. Ông Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina cho rằng
một khi tìm được lối ra cho cuộc chiến, Hoa Kỳ sẽ phải thúc giục Kiev cải cách.
Trong thập niên 90, Ba Lan và Ukraina tương đương nhau về GDP tính trên đầu người,
nhưng nay Ba Lan đã cao gấp bốn lần.
Phận người trong thời chiến
Các báo
không quên số phận con người trong chiến tranh. Libération nhận thấy
« Tại Kiev, tuy tỏ ra bình thường nhưng mọi người dân đều nghĩ đến chiến
tranh », trong khi ở Matxcơva Nhà nước ồ ạt tuyên truyền. Le Figaro
nói về những cuộc đời bình dị bị đảo lộn, trộn lẫn giữa tinh thần kháng
chiến, thâm hụt tài chánh với khủng hoảng về tương lai. Chẳng hạn Vitaly
Loukouv, phó thị trưởng Mykolaiv không còn nghĩ đến tham vọng chính trị mà suốt
ngày chỉ lo việc thay những cửa kính vỡ, đã lên đến số 10.000, trước mùa đông lạnh
giá sắp tới. Doanh nhân Dimitri ở Odessa gác việc làm ăn, dùng những kiến thức
về xuất nhập khẩu của mình để quản lý việc cung cấp hàng thiết yếu cho người tị
nạn…
Riêng với
những người xưa nay chỉ quen nói tiếng Nga như ở Mykolaiv, Kramatorsk, Kherson,
cuộc vây hãm thô bạo Mariupol, những vụ thảm sát, tra tấn, hãm hiếp ở phía bắc
Kiev và những thành phố khác là yếu tố quyết định giúp họ « thoát
Nga » trong một sớm một chiều. Khi muốn « giải phóng » người dân
Ukraina, Matxcơva đã khiến họ đứng hẳn về phía Kiev.
Vụ ám sát Daria Douguina : Thất bại của
FSB
Về vụ con
gái một nhà tư tưởng cực đoan Nga thiệt mạng vì xe bị đặt bom, La Croix nhận
định « FSB đang ở thế thủ sau vụ ám sát Daria Douguina ». Le
Figaro cho biết « Daria Douguina được phe diều hâu dân tộc chủ
nghĩa ở Nga nâng lên hàng ‘tử đạo’ ». Hầu như tất cả các nhân vật bảo
thủ nhất, chủ trương tấn công Ukraina đều có mặt trong đám tang hôm qua tại
Matxcơva. Kể cả người thân cận với Vladimir Putin là nhà tỉ phú Evgueni
Prigogine có liên quan đến tổ chức lính đánh thuê Wagner, hiếm khi xuất hiện
trước công chúng, cũng đến dự.
Chưa đầy
48 giờ sau cái chết của cô này, cơ quan tình báo Nga FSB loan báo thủ phạm là
Natalia Vovk, một phụ nữ Ukraina 43 tuổi là thành viên trung đoàn Azov. Theo
đó, Natalia Vovk vào Nga cùng với con gái 12 tuổi, mướn căn hộ trong cùng tòa
nhà với Daria Douguina và đi theo cô ta đến lễ hội của phe bảo thủ hôm 20/08, rồi
kích hoạt chất nổ đặt dưới gầm xe. Sau đó Vovk sang Estonia trên chiếc xe Mini
Cooper đã được thay đổi nhiều bảng số. Kết quả chóng vánh này làm cư dân mạng
nghi ngờ về tính xác thực : đã 2.733 ngày sau vụ ám sát cựu bộ trưởng
Boris Nemtsov và 5.798 ngày sau cái chết bí ẩn của nhà báo Anna Politkovskaia,
cuộc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ.
Bernard
Lecomte, chuyên gia về Nga nhận xét, các video trong đó Natalia Vovk đang đi
qua biên giới hay dưới chân một tòa nhà không thể chứng minh được bà là người đặt
bom. Ngược lại, có thể coi là « lời thú nhận thất bại của FSB, vì đã để
một điệp viên nước ngoài tiến hành khủng bố ngay trên lãnh thổ Nga ». Ông
cho rằng « Nếu các vụ tương tự diễn ra, chúng ta bước vào một giai đoạn
mới của xung đột, đặt lại vấn đề cho nền tảng quyền lực của Putin : bảo đảm
được an ninh cho người dân ».
No comments:
Post a Comment