Cái
kết nào cho cạnh tranh Mỹ – Trung?
Tác giả: Linh Dương
30/08/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/08/30/cai-ket-nao-cho-canh-tranh-my-trung/
Trong suốt
hơn ba thập kỷ kể từ khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ, các thế
hệ lãnh đạo ở Washington đã kỳ vọng rằng chính sách can dự của họ sẽ thành công
trong việc “thuần phục” Trung Quốc. Họ đã nuôi ảo tưởng rằng Trung Quốc sau khi
hội nhập quốc tế và trở nên giàu mạnh sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, vừa chấp
nhận luật chơi của phương Tây vừa chấp nhận vị thế bá quyền của Hoa Kỳ. Thực tế
chứng minh người Mỹ đã sai lầm.
Tuy nhiên,
phải đến khoảng 10 năm gần đây Washington mới thực sự chấp nhận rằng chính sách
ngoại giao mềm mỏng của mình đã thất bại. Trung Quốc nay tuy đã cường thịnh
nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập đang trở nên chuyên
quyền hơn ở trong nước và hành xử cứng rắn hơn trên trường quốc tế. Tổng thống
Obama vì thế đã khởi xướng chính sách “xoay trục về châu Á” trong nhiệm kỳ thứ
hai của mình, tạo cơ sở cho các chính sách chống Trung Quốc trực diện và mạnh mẽ
hơn dưới thời chính quyền Trump và nay là chính quyền Biden.
Với các
chiến lược gia, một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là: Cạnh tranh
Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn tiến và kết thúc như thế nào? Trong khi một số học giả
cho rằng hai siêu cường có thể thoả hiệp và phân
chia “sân sau” để chung sống hoà bình, một số khác lại cho rằng cuộc tranh
đấu này chỉ có thể kết thúc sau khi hệ thống
chính trị của Trung Quốc sụp đổ. Bài viết này nghiêng hơn về quan điểm thứ
hai, cho rằng bản chất của cạnh tranh siêu cường là “một mất một còn” và cái kết
khả dĩ nhất là một trong hai siêu cường hoặc sụp đổ hoặc chủ động rút lui như
Liên Xô dưới thời Gorbachev.
SIÊU CƯỜNG KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ NƯỚC LỚN
Hai khái
niệm “siêu cường” (superpower) và “nước lớn” (great power) thường được sử dụng
thay thế cho nhau như hai từ đồng nghĩa nhưng đây là một lỗi học thuật nghiêm
trọng bởi không phải nước lớn nào cũng là siêu cường.
Một hệ thống
quốc tế có thể có nhiều nước lớn bởi các nước lớn tuy mạnh hơn các nước nhỏ và
tầm trung đáng kể nhưng thường cũng chỉ đủ sức lực để gây ảnh hưởng đối với các
nước láng giềng trong khu vực của mình hoặc rộng hơn là thêm một khu vực liền kề.
Tuyệt đại đa số các nước lớn không có tầm vươn toàn cầu thực thụ và không thể cạnh
tranh cho vị trí số một trong hệ thống. Những ví dụ cho một nước lớn điển hình
bao gồm: Anh Quốc (sau Thế chiến II), Nhật Bản (vào thập niên 1980), Nga (dưới
thời Putin), v.v.
Trong tất
cả các nước lớn, chỉ có tối đa 2 quốc gia có thể được coi là siêu cường: cường
quốc dẫn đầu (nước có quyền lực vượt xa đa số các nước lớn còn lại) và cường quốc
số hai (quốc gia duy nhất có tham vọng và khả năng cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu).
Siêu cường do đó chắc chắn phải là một nước có những mối quan tâm, lợi ích cũng
như sức ảnh hưởng trải khắp năm châu chứ không chỉ giới hạn ở một hay hai khu vực
cụ thể.
Theo đó,
các nước lớn không nhất thiết luôn ở thế cạnh tranh, đối đầu nhau vì họ
chỉ có đủ quyền lực để tác động lên một khu vực địa lý nhất định (vì vậy sẽ ít
xung đột lợi ích) hoặc bởi họ có chung một kình địch mạnh hơn. Ví dụ tiêu biểu ở
đây là Nga và Trung Quốc trong khoảng hơn 20 năm qua. Hai quốc gia lớn và mạnh
bậc nhất thế giới này tuy là láng giềng song lại không đối đầu với nhau trong
khoảng thời gian đó bởi họ có chung một đối thủ lớn hơn là Hoa Kỳ. Tương tự như
vậy, các cường quốc như Anh, Pháp và Đức tuy đều là các cường quốc hàng đầu ở
châu Âu nhưng không những không đối đầu nhau mà còn là đồng minh của nhau trong
nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên,
logic này không áp dụng cho siêu cường. Hai siêu cường chắc chắn không thể
tránh khỏi cái bẫy cạnh tranh chiến lược và sớm muộn sẽ đối đầu trực diện
vì cường quốc dẫn đầu luôn tìm cách bảo vệ ngôi vị bá quyền độc tôn của mình
trước mọi sự thách thức, trong khi đối thủ của họ lại mong muốn san bằng khoảng
cách giữa hai bên, và chiếm lấy vị trí số một nếu có thể.
Đây là hệ
quả của tình thế lưỡng nan về an ninh do cấu trúc của nền chính trị quốc tế tạo
ra. Trong một hệ thống quốc tế “vô chính phủ”, các quốc gia phải tự lực cánh
sinh và buộc phát triển sức mạnh vũ trang để đảm bảo an ninh trước các mối đe
doạ lớn nhỏ. Tuy nhiên, vì con người vốn không có khả năng xử lý thông tin hoàn
hảo, lại không có khả năng đọc suy nghĩ của nhau nên sự nghi kỵ là hệ quả tất yếu.
Trong một môi trường đầy rủi ro và hiểm nguy như vậy, rõ ràng cường quốc dẫn đầu
sẽ kết luận rằng an ninh quốc gia được đảm bảo nhất khi mình tiếp tục duy trì
được sức mạnh vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng, bởi sức mạnh đó sẽ cho họ
khả năng chi phối các sự kiện quốc tế cũng như tiếp tục đề ra luật chơi để trói
buộc những nước yếu hơn. Cũng theo logic đó, cường quốc số hai hiểu rằng an
ninh quốc gia của họ sẽ được đảm bảo tốt nhất khi họ bằng cách nào đó “đánh bại”
cường quốc dẫn đầu hiện nay để trở thành quốc gia mạnh nhất trong hệ thống. Có
thể họ sẽ không có được sức ảnh hưởng lớn như cường quốc dẫn đầu cũ, song một
khi đã trở thành cường quốc mạnh nhất, họ sẽ có khả năng để viết lại luật chơi
theo ý mình.
Tựu chung,
cạnh tranh nước lớn không phải là điều tất yếu nhưng cấu trúc của hệ thống
chính trị quốc tế khiến việc cạnh tranh và đối đầu giữa hai siêu cường hàng đầu
trở thành điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang
là hai siêu cường mạnh nhất, sẽ dễ để thấy rằng tại sao hai nước này lại đang cạnh
tranh ngày một gay gắt và toàn diện đến thế.
CÁI KẾT CỦA CẠNH TRANH SIÊU CƯỜNG: 4 KỊCH BẢN
KHẢ DĨ
Trên lý
thuyết, một cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường có thể kết thúc bằng một trong
bốn kịch bản sau đây:
Kịch bản
thứ nhất là một trong hai siêu cường giành thắng lợi chung cuộc sau khi địch thủ
tự tan rã hoặc chủ động rút lui khỏi cuộc tranh đấu để tập trung nguồn lực giải
quyết các vấn đề đối nội. Đây là kịch bản lý tưởng cho nước giành chiến thắng bởi
họ không phải đối mặt với tổn thất của một cuộc chiến tranh “nóng” mà vẫn đạt
được mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, điểm trừ rất lớn của kịch bản này là nó phụ
thuộc gần như tuyệt đối vào sự “hợp tác” của siêu cường yếu thế. Các quốc gia
dù lớn hay nhỏ nói chung đều hiếm khi tan rã và thường sẽ phải mất nhiều thập kỷ
để một siêu cường lâm vào tình huống buộc phải rút lui khỏi một cuộc cạnh tranh
chiến lược với kỳ phùng địch thủ của mình. Nói cách khác, tuy kịch bản này rất
lý tưởng song không chắc chắn sẽ xảy ra và nếu có xảy ra cũng sẽ phải mất rất
nhiều thời gian.
Kịch bản thứ hai là một trong hai siêu cường giành chiến
thắng quyết định sau khi đánh bại địch thủ trong một đại chiến tàn khốc. Hãy tưởng
tượng một cuộc chiến tranh tổng lực với thương vong nặng nề cho cả hai bên như
cuộc chiến nổi tiếng giữa Sparta và Athens mà sử gia Thucydides hay nhắc tới,
hay cuộc chiến mà Đức Quốc Xã phát động nhằm vào Liên Xô vào mùa hè năm 1941.
Bên thua trận trong một cuộc chiến tranh ở quy mô như vậy sẽ bị kiệt quệ tài
nguyên và không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận vị trí số hai của mình.
Tuy việc trực tiếp “so găng” nhiều khả năng sẽ chứng minh được quyền lực ưu việt
của một trong hai bên, song tổn thất đó có thể sẽ là quá lớn trong một số trường
hợp, khiến việc cạnh tranh giữa hai siêu cường cơ bản trở nên vô nghĩa.
Kịch bản thứ ba là hai siêu cường sau một thời gian cạnh
tranh sẽ nhận ra rằng thoả hiệp và chấp nhận chung sống hoà bình sẽ có lợi hơn cho
cả đôi bên, từ đó cùng nhau đàm phán một thoả thuận chia sẻ quyền lực. Đây là một
kịch bản tương đối tốt cho cả hai siêu cường nhưng hiển nhiên không phải kịch bản
tối ưu nhất. Cường quốc dẫn đầu sẽ phải chấp nhận chia sẻ thế giới với cường quốc
số hai và ngược lại, cường quốc số hai sẽ phải chấp nhận vị trí thấp hơn của
mình. Bên cạnh đó, việc phân chia quyền lực và bán cầu ảnh hưởng sẽ phức tạp
hơn ta tưởng vì hai lý do. Thứ nhất, quyền lực không phải là một thứ có thể dễ
lượng hoá và đo đếm. Như vậy để hai siêu cường chia sẻ quyền lực một cách “công
bằng” với nhau là không hề đơn giản. Thứ hai, một siêu cường có thể có những đồng
minh thân cận lâu năm ở trong bán cầu ảnh hưởng tự nhiên của siêu cường còn lại.
Trong trường hợp đó nên bỏ rơi các đồng minh hay ép đối thủ thu hẹp phạm vi của
bán cầu ảnh hưởng?
Kịch bản thứ tư là hai siêu cường bước vào một cạnh
tranh chiến lược dài hơi và toàn diện hết sức tốn kém, thậm chí giao tranh với
nhau nhưng không leo thang tới mức đại chiến, khiến cho cả hai hao tổn tài
nguyên tới mức bị một cường quốc khác đuổi kịp hoặc vượt mặt. Đây là kịch bản tồi
tệ nhất cho cả hai siêu cường dẫn đầu bởi không những họ không đạt được mục
tiêu chiến lược của mình mà còn kiệt quệ tài nguyên, tạo điều kiện để cho một
cường quốc khác vốn yếu hơn đáng kể trở thành một mối đe doạ lớn. Về cơ bản đây
là câu chuyện về sự trỗi dậy của Đế quốc Phổ giữa lòng châu Âu vào cuối thế kỷ
19.
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO HOA KỲ MUỐN GÌ?
Chúng ta
quan tâm tới việc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ muốn gì hơn là việc các nhà lãnh đạo
Trung Quốc muốn gì không phải vì ta có định kiến với Trung Quốc, mà bởi Mỹ hiện
nay vẫn mạnh hơn Trung Quốc đáng kể (thậm chí có học giả còn cho rằng Trung Quốc
đang trên đà suy thoái) và cường quốc dẫn đầu là bên có khả năng định hình
cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên nhiều hơn. Vậy các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ
muốn gì? Chiến thắng chung cuộc trong trận “thư hùng” của thế kỷ này với Trung
Quốc sẽ trông như thế nào từ góc nhìn của người Mỹ?
Dựa vào
các phân tích ở trên cộng với việc Hoa Kỳ đã thành công trong việc kiềm chế và
góp phần khiến Liên Xô sụp đổ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có cơ sở để
tin rằng Hoa Kỳ đã và đang tìm mọi cách để kịch bản đầu tiên xảy ra. Nói cách
khác, Hoa Kỳ không muốn chiến tranh nổ ra giữa hai bên nhưng cũng không muốn
chia sẻ quyền lực với Trung Quốc. Mục tiêu chiến lược cao nhất của Hoa Kỳ vẫn
là bảo vệ vị trí siêu cường dẫn đầu của mình và thuyết phục Trung Quốc chấp nhận
vị trí số hai hoặc khiến cho Đảng cộng sản Trung Quốc tự sụp đổ. Trong một thời
gian rất dài người Mỹ đã tưởng rằng chính sách can dự có thể chuyển hoá Trung
Quốc nhưng sau khi họ nhận thức được tầm vóc thật sự của mối đe doạ chiến lược
từ Trung Quốc, họ đã quyết định sẽ chiến đấu đến cùng, thay vì chọn hoà hoãn.
Graham
Allison, tác giả của cuốn “Định mệnh chiến tranh” là một trong những tiếng nói
thiểu số cho rằng Hoa Kỳ nên học cách chung sống hoà bình và san sẻ thế giới với
Trung Quốc bởi việc cạnh tranh quyết liệt và dài hơi giữa hai bên sẽ có nguy cơ
dẫn tới một cuộc chiến thảm khốc có nguy cơ tận diệt cả thế giới giữa hai cường
quốc hạt nhân. Đây không phải là một quan điểm phi lý song chưa được chấp nhận
rộng rãi vì nhiều lý do.
Thứ nhất,
cho đến thời điểm này hai siêu cường vẫn tương đối tự tin rằng răn đe hạt nhân
sẽ phát huy được hiệu quả trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh tổng lực giữa
hai bên nổ ra. Và khả năng cao là ngày nào cả hai bên còn chưa kết luận rằng
mình có thể giành phần thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân với một mức tổn
thất chấp nhận được, thì ngày đó răn đe hạt nhân vẫn phát huy được hiệu quả, kể
cả khi có va chạm hay xung đột vũ trang tầm thấp xảy ra. Thứ hai, Hoa Kỳ hiện vẫn
mạnh hơn Trung Quốc một cách đáng kể và nhiều đồng minh lâu năm của nước này
như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines ở ngay sát Trung Quốc. Điều này có nghĩa
là Hoa Kỳ không có động lực đáng kể trong việc chia sẻ quyền lực với Trung Quốc
và rút ra khỏi châu Á để Trung Quốc có thể trở thành bá quyền ở khu vực này. Kể
cả trong trường hợp Hoa Kỳ muốn nhường châu Á cho Trung Quốc, họ cũng không thể
làm được bởi việc bỏ mặc một loạt các đồng minh cốt yếu nhất gần như chắc chắn
sẽ phá huỷ toàn bộ hệ thống liên minh toàn cầu của Hoa Kỳ bởi họ sẽ mất uy tín
hoàn toàn trong mắt các đồng minh khác. Do đó, Mỹ không thể thoả hiệp với Trung
Quốc ở châu Á, trong khi châu Á chắc chắn phải là sân sau mà Trung Quốc muốn có
trong trường hợp hai siêu cường bắt tay chia đôi thế giới.
Trung Quốc
có sụp đổ hay rút lui khỏi cuộc cạnh tranh chiến lược đang ngày một nóng lên với
Hoa Kỳ hay không vẫn sẽ còn là một ẩn số rất lớn. Tuy nhiên, cái mà chúng ta có
thể tự tin kết luận được ở thời điểm này là người Mỹ muốn kịch bản thứ nhất xảy
ra. Cụ thể hơn, họ sẽ muốn gây sức ép trực tiếp và gián tiếp lên toàn bộ hệ thống
chính trị của Trung Quốc ở mọi lúc và mọi nơi có thể để khiến hệ thống đó sụp đổ
hoặc suy yếu tới mức Bắc Kinh buộc phải “vẫy cờ trắng”, rút lui khỏi cuộc cạnh
tranh với Hoa Kỳ. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta gần như chắc chắn sẽ được
chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, nhiều khả năng sẽ còn căng thẳng
và thảm khốc hơn Chiến tranh Lạnh 1.0 giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước kia.
No comments:
Post a Comment