Phạm Chí Dũng
October 1, 2017
Chưa bao giờ từ sau năm 1975, đảng Cộng Sản
Việt Nam cùng hệ thống chính quyền từ trung ương đến 63 tỉnh thành lại nằm
trong thế “triệt buộc” như những ngày tháng đã đến, đang đến và sắp đến.
Tất cả đều cạn kiệt
“Triệt buộc” vẫn được
những người chơi cờ domino mặc định hạ bàn khi một bên bị ép vào thế không lối
thoát.
Ngay cả cuộc khủng
hoảng giá – lương – tiền những năm 1985 – 1986 với biến động lạm phát lên đến gần
700% cũng không thể khiến xã hội rơi vào cảnh hỗn loạn như hiện nay. Khi đó, Việt
Nam vẫn còn đầy ắp tài nguyên tự nhiên.
Ngay cả cơn biến động
chính trị khiến hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cùng Đông Âu tan rã, mà đã
khơi dậy một làn sóng đa nguyên đa đảng ở Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế
kỷ XX, cũng không làm cho đảng CSVN lâm vào thế triệt buộc trong cơn bế tắc
chính trị và quay quắt tìm lối thoát chính trị như lúc này.
Lúc này đây, “tất cả
đã bỏ ta mà đi” – như một khúc ca từ buồn nẫu ruột, u ám cho cả chế độ lẫn dân
chúng. Thành tựu dẫn đến tiêu vong nhanh nhất là chế độ đã tự khai thác cạn kiệt
“rừng vàng biển bạc” chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ tính từ thời điểm “Mở cửa
kinh tế.”
Lối thoát chính trị
của chính thể Việt Nam, nếu chợt hiện ra ở cuối đường hầm, cũng đừng mơ màng có
thể tái hiện kinh nghiệm của nước Nga hậu Xô Viết và của Putin.
Hậu Xô Viết. Dù GDP
bị giảm tới 60-70% trong khoảng 8 năm cầm quyền của Yelsin và đẩy nước Nga vào
tình trạng hỗn độn, quốc gia này vẫn còn gần như nguyên vẹn tài nguyên thiên
nhiên mà luôn tạo thành một hạ tầng cơ sở khá chắc chắn cho bất kỳ hệ thống cầm
quyền nào biết tận dụng điều đó. Trong vài chục năm qua, Putin đã phần nào biết
tận dụng và do đó đã biến nước Nga từ một thực thể khá hoang tàn trở nên cái mà
người đời gọi là “cường quốc.”
Còn Việt Nam thì sẽ
trở thành cái gì?
‘Tự hào đi lên, Việt Nam ơi!’
Muốn trở thành cái
gì cũng được, nhưng trước hết phải còn khả năng trả nợ, chưa nói đến chuyện trả
hết nợ.
Nợ công quốc gia
cao chưa từng có: khoảng $431 tỷ, tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp
nhà nước, lên tới 210% GDP chứ không phải “chưa đụng trần 65% GDP” như các báo
cáo quá đỗi chán đời của Chính phủ.
GDP lại chỉ giậm
chân ở mức khoảng $200 tỷ/năm mà không nhích lên được chút nào.
Khác xa với thành
tích tăng trưởng luôn đạt đến 6.5 – 7% GDP trong các báo cáo, tình hình kinh tế
là bi đát, thật sự bi đát. Từ năm 2008, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào cảnh
suy thoái, kéo đến tận năm 2017 mà vẫn chưa thấy gì gọi là “tương lai phục hồi.”
Cái cảnh phải cắm đầu trả nợ hàng năm bằng ngoại tệ mạnh, nhiều dấu hiệu ngân
hàng nhà nước có thể đã thi hành chính sách âm thầm in tiền với giá trị in thêm
có thể lên đến 500 ngàn tỷ đồng mỗi năm trong gần một chục năm qua, lạm phát thực
tế luôn có thể lên đến vài ba chục phần trăm chứ không phải “dưới 5%” như báo
cáo, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể chẳng kém thua Hy Lạp thời khủng hoảng kinh
tế với gần 30%… Trong khi đó, hầu hết các nguồn ngoại lực – từ cánh cửa cho vay
của ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng phát triển Á Châu, kể cả
từ Nhật Bản, kể cả nguồn kiều hối của “kiều bào ta” đều hoặc đang đóng hẳn lại,
hoặc giảm sút đến phân nửa…
Làm thế nào để trả
nợ khi đảng đã tự lao vào cơn tuyệt vọng của quốc nạn tham nhũng và “phá chưa từng
có” thời Nguyễn Tấn Dũng chỉ trong vòng chưa đầy chục năm?
Làm thế nào để tìm
ra tiền trả cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người chỉ tăng không giảm
mà có đến 30% trong số đó “không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương?”
Năm 2016 và 2017.
Làm thế nào để giảm mức bội chi ngân sách “dưới 5% GDP,” trong khi thực tế bội
chi có thể lên đến 9% GDP chứ không thấp hơn?
Bội chi đã đến thế,
nhưng thu ngân sách cũng từ thất vọng trở nên tắc nghẽn cho dù chính quyền đang
quyết tâm “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng bằng quá nhiều sắc thuế. Năm
2017, tỷ lệ hụt thu ngân sách so với dự toán đầu năm có thể thấp kỷ lục: 11% hoặc
sâu hơn nữa.
Và làm thế nào để
“triển vọng phát triển còn tốt lắm” – như lời tuyên ngôn của Tổng Bí Thư đảng
Nguyễn Phú Trọng sau khi TPP gần như tan vỡ, để “đất nước đi tới không gì cản nổi”
– như một thể loại “tự sướng” từng ra rả vào thời chiến tranh, trong khi tình
hình các FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước vẫn rơi vào tình thế bất
lợi.
Chỉ có hai FTA của
Việt Nam với Mỹ và Châu Âu là còn xuất siêu được – lần lượt là $25 tỷ và $20 tỷ
mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Nam Hàn, tưởng
là dễ chơi, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến hai chục tỷ đô la vào năm
2016.
Còn với Trung Quốc
thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến $30 tỷ/năm, chưa kể phần tiểu
ngạch khoảng $20 tỷ nữa, tổng cộng đến $50 tỷ nhập siêu mỗi năm dành cho Việt
Nam.
Vậy thì làm thế nào
để “Tự hào đi lên, Việt Nam ơi!”?
Triệt buộc
Tất cả đang đẩy nền
kinh tế và xã hội vào trạng thái còn lâu mới bình yên, một trạng thái động loạn
hoặc gần gần như thế.
Sau một thời gian
dài bất động và bàng quan trước phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền, rốt cuộc
chính những người dân phải gánh chịu nguy cơ bị chính quyền vét đến đồng cuối
cùng trong túi đã phải dấy lên phong trào “bất tuân dân sự.” Hình ảnh mang tính
số đông đó đang xảy ra ở những trạm thu phí BOT – nơi mà Bộ Giao Thông Vận Tải
cùng các nhóm lợi ích chỉ định thầu 100%, rút rỉa ngân sách và do đó rút rỉa tiền
đóng thuế của dân rồi ép dân è cổ đóng thuế tiếp.
Một nhân viên thu
thuế lắc đầu: “Cứ đà thu này thì chẳng mấy chốc dân sẽ bùng!”
“Bùng nổ” là từ dễ
nghe và ngày càng dễ thấy ở Việt Nam, nơi đất nước hình chữ S quặn siết trong
tiếng gào thét mam rợ của nạn cường hào ác bá ở hầu hết vùng miền.
Nội tình đã thế,
ngoại trị chẳng kém đau đớn hơn.
Triển vọng Bắc Kinh
“kiến tạo” một chiến dịch quân sự đối với Việt Nam, không chỉ trên Biển Đông mà
có thể cả trên bộ, đang lao đến với tốc độ khá nhanh, để có thể thực sự xảy ra
vào năm 2018 hoặc năm 2019. Bi kịch trở nên bi hài đến độ ngay cả vào tình thế
ngân sách túng quẫn và không biết tìm đâu ra ngoại tệ để trả nợ, Việt Nam có muốn
khai thác dầu khí trên vùng biển của mình, ở Bãi Tư Chính hoặc ngoài khơi Đà Nẵng,
cũng bị “bạn vàng” cấm cản và đẩy đuổi.
Chính sách “đu dây
chiến lược” của Việt Nam cũng bởi thế đã trở nên vô vọng đến mức thảm thiết.
Làm thế nào để thoát khỏi cái kiếp nạn Trung Quốc cả về nhập siêu, phá hoại
kinh tế lẫn quân sự?
Trong vô vàn cái
khó, lại ló thêm… cái ngu. Năm Mười Bảy, “uy tín Việt Nam trên trường quốc tế”
lao dốc chưa từng thấy sau vụ mật vụ nước này bị người Đức cáo buộc đã bắt cóc
Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Cả thế giới phương
Tây đang nhìn vào Việt Nam, nhưng không còn tỏ ra ngưỡng mộ vì chiến tích “đánh
thắng đế quốc Mỹ xâm lược” như trước đây, mà với ánh mắt miệt thị và cảnh giác
tối đa. Việt Nam không chỉ nằm trong danh sách đen về vi phạm nhân quyền mà còn
là một tiểu nhân quá khó chơi!
Khủng hoảng ngoại
giao Đức – Việt và tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Đức –
Việt của người Đức mới chỉ là sự khởi đầu cho một cú lao dốc về vị thế chính trị
quốc tế của Việt Nam. Nếu vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã chứng
minh rất rõ ràng việc Việt Nam quá bạc nhược, lẻ loi và không được một bàn tay
nào chìa ra giúp đỡ dù có thủ trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, thì
nay Việt Nam đang biến thành một nỗi cô độc của tận cùng bẽ bàng cùng liêm sỉ
dưới đáy.
Đó chính là “triệt
buộc.”
Làm thế nào để
thoát khoải tình thế đắng ngắt ấy?
Không mở thì chết, chết cả nút!
Chẳng phải vô tình
mà vào Tháng Tám, 2017, bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu “thừa nhận Việt Nam Cộng
Hòa” trong chính thể cầm quyền ở Việt Nam.
Có lẽ cũng chẳng phải
vô tình mà trong Tháng Tám trên, Nguyễn Phú Trọng đã chọn Myanmar – một nước chẳng
hề có chung Biển Đông với Việt Nam, cũng chẳng có giao thương và quan hệ quân sự
đáng kể nào với Việt Nam – làm địa chỉ công du; đã gặp riêng Aung San Suu Kyi với
lời chúc về ba thành tựu của Myanmar – hòa hợp hòa giải, cải cách kinh tế và
chính trị, hợp tác quốc tế; rồi còn đề nghị cả việc xây dựng mối quan hệ thắt
chặt giữa đảng CSVN với đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì dân chủ của bà Suu Kyi – một
đảng mà theo não trạng chính trị ở Việt Nam thì đương nhiên bị liệt vào loại
“phản động.”
Ông Trọng đang nghĩ
gì, tính gì trong đầu?
Đã quá muộn. Nhưng
cũng chẳng cần phải nói thêm “muộn còn hơn không.” Đã đến nước này, không “mở”
thì chết!
Hãy chờ xem Nguyễn
Phú Trọng và những người trong Bộ chính trị của ông ta xoay xở ra sao trong thời
gian tới.
Nhưng làm gì thì
làm, phải mở dân chủ, mở nhân quyền. Không những mở mà còn phải mở một cách
thành thực – như trái tim và cách thức mà Tổng Thống Thein Sein đã làm ở
Myanmar.
“Tự hào đi lên, ơi
Việt Nam…”
Cả xã hội đã biến
thành một quả bom sắp phát nổ. Mọi thứ đang tái hiện thời Lê mạt với dân tình
nheo nhóc khổ sở, nạn đói kém và chết đói lan rộng, các cuộc khởi nghĩa nông
dân phát ra ở nhiều nơi, giới quan chức xâu xé lẫn nhau rồi bị dân trả thù. Tất
cả đều sẽ là quả báo, gieo nhân nào gặt quả nấy…
Đã đến nước này,
không mở thì chỉ có chết, chết cả nút!
No comments:
Post a Comment