Monday, October 23, 2017

NGƯỜI CÓ QUYỀN LỰC NHẤT THẾ GIỚI (The Economist)




The Economist | DCVOnline
Posted on October 23, 2017 by editor — 0 Comments

Tập Cận Bình có ảnh hưởng hơn Donald Trump. Thế giới nên thận trọng. Đừng mong ông Tập thay đổi để Trung Hoa, hay thế giới, tốt hơn

Chân dung Tập Cận BÌnh . Nguồn: The Economist

Những Tổng thống Mỹ có thói quen miêu tả những đối tác Trung Hoa của họ với sự kinh hoàng. Richard nixon nói với Mao Trạch Đông rằng tư tưởng của Mao đã “thay đổi thế giới”. Jimmy Carter, khi nói về Đặng Tiểu Bình đã dùng cả một chuỗi các tính từ tâng bốc: “khôn ngoan, cứng rắn, thông minh, thẳng thắn, can đảm, lịch sự, tự tin, thân thiện”. Bill Clinton đã miêu tả Giang Trạch Dân, như một “người có viễn kiến” và “một người có trí tuệ phi thường”. Donald Trump cũng không kém. Washington Post trích dẫn lời ông nói rằng nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Hoa Tập Cận Bình “có lẽ là người nhiều quyền lực nhất” Trung Quốc từ một thế kỷ nay.

Ông Trump có thể đúng. Và nếu đó không phải là hành động tự tử chính trị đối với một tổng thống Mỹ thì ông có thể đã khéo léo nói thêm rằng: “Tập Cận Bình là người lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.” Chắc chắn, nền kinh tế Trung Hoa vẫn đứng thứ hai sau Mỹ và quân đội dù đang lớn mạnh, về kích cỡ vẫn nhỏ hơn Hoa Kỳ. Nhưng sức mạnh kinh tế và quân sự không phải là tất cả. Người lãnh đạo của thế giới tự do hiện nay có cách giao tiếp hẹp hòi, máy móc đối với người nước ngoài và dường như không thể thực hiện chương trình nghị sự của mình ở trong nước. Hoa Kỳ vẫn là nước mạnh nhất thế giới, nhưng người lãnh đạo của họ, ở trong nước, thì yếu hơn, và ở ngoại quốc, lại kém hiệu quả hơn so với bất kỳ ai trong số những người tiền nhiệm gần đây của ông, nhất là vì ông khinh thường các giá trị và liên minh, cột trụ gìn giữ ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với thế giới.

Ngược lại, người Chủ tich quốc gia độc tài lớn nhất thế giới đang bước đi những nước tự tin ở nước ngoài. Sự kiểm soát của Tập Cận Bình chặt chẽ hơn bất kỳ người lãnh đạo Trung Hoa nào kể từ Mao Trạch Đông. Và trong khi Trung Hoa thời Mao nghèo khổ và nghèo đói, thì Trung Hoa hiện nay của ông Tập là một bộ máy tăng trưởng có ưu thế trên thế giới. Ông Tập sắp phô trương sức mạnh. Ngày 18 tháng 10, đảng Cộng sản Trung Hoa đã triệu tập Đại hội ngũ niên tại Bắc Kinh. Nó sẽ là đại hội đảng Cộng sản Trung Hoa đầu tiên do Tập Cận Bình chủ toạ. 2.300 đại biểu sẽ đồng thanh ca tụng Tập Cận Bình lên tận mây xanh. Nhiều người trong giới quan sát hoài nghi tự hỏi liệu ông Tập sẽ sử dụng quyền lực đặc biệt của mình để làm việc tốt hay làm xấu.

Thế giới, hãy coi chừng

Trong rất nhiều chuyến công du nước ngoài, Tập Cận Bình đã tự giới thiệu mình như một sứ giả hòa bình và hữu nghị, một tiếng nói của lẽ phải trong một thế giới hỗn độn và rối loạn. Những thất bại của Tổng thống Mỹ hiện nay đã làm cho điều này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tại Davos, hồi tháng Giêng, Tập Cận Bình đã hứa với giới lãnh đạo toàn cầu rằng ông sẽ là một người cổ võ tiên phong cho sự toàn cầu hoá, thương mại tự do và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Khán giả của ông Tập ở Davos rất vui mừng và bớt căng thẳng. Ít ra, họ nghĩ rằng, một thế lực lớn đã sẵn sàng đứng lên vì chính nghĩa, ngay cả khi ông Trump (khi đó là Tổng thống đắc cử) sẽ không làm như vậy.

Những lời của ông Tập cận Bình được chú ý một phần bởi vì ông có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới làm hậu thuẫn. Sáng kiến “vành đai và đường” của ông có thể đã được đặt tên một cách khó hiểu, nhưng thông điệp của nó thì rất rõ ràng – hàng trăm tỷ đô la của Trung Hoa sẽ được đầu tư ở nước ngoài vào các các dự án xây dựng đường sắt, bến cảng, nhà máy phát điện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp cả một vùng rộng lớn trên thế giới trở nên thịnh vượng. Đó là loại lãnh đạo mà Mỹ đã không thực hiện kể từ Ké hoạch Marshall ở Tây Âu từ những ngày sau chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông Tập cũng dự phóng Trung Hoa sẽ là một cường quốc quân sự chưa từng thấy ở ngoại quốc. Năm nay ông mở căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Hoa ở ngoại quốc, tại nước Cộng hoà Djibouti, ngay lối vào Hồng Hải. Ông đã gửi hải quân Trung Hoa đến những vùng biển xa Hoa Lục hơn bao giờ hết, cùng với đội tàu của Liên bang Nga đến ngay sân trước của NATO ở Biển Baltic hồi tháng Bẩy vừa qua. Trung Hoa tuyên bố họ sẽ không bao giờ xâm chiếm các nước khác để ép theo ý của họ (trừ Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Hoa không coi là một quốc gia). Họ nói rằng các nỗ lực xây dựng căn cứ Trung Hoa là để hỗ trợ việc gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và các công tác nhân đạo. Việc xây dựng đảo nhân tạo với phi đạo quân sự mà ở Biển Đông, thì Trung Hoa coi đây là những hành động hoàn toàn để tự vệ.

Không giống như ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga, ông Tập không phải là người gây rối toàn cầu, không phải người tìm cách phá hoại nền dân chủ và làm mất ổn định phương Tây. Tuy nhiên, ông Tập tỏ ra quá khoan dung đối với việc đồng minh Bắc Hàn của ông đang gây hấn. Và một số hoạt động quân sự của Trung Hoa cũng làm các nước láng giềng, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở Ấn Độ và Nhật Bản, lo ngại.

Ở Hoa Lục, thiên hướng của ông Tập, ít nhất, cũng cúng rắn không khác như Putin ở Nga. Ông tin rằng ngay cả một sự tự do chính trị cỏn con có thể làm sụp đổ không chỉ sự nghiệp của ông, mà còn đưa đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Số phận của Liên Xô đã ám ảnh ông Tập, và sự bất an đó gây ra hậu quả. Ông Tập Cận Bình không tin không chỉ với những kẻ thù, mà các cuộc thanh trừng của ông đã tạo ra, mà còn không tin cả tầng lớp trung lưu, những người đang dùng điện thoại thông minh, và những mầm non của xã hội dân sự tại Hoa Lục đang trổ lá khi ông bắt đầu lãnh đạo quốc gia. Dường như ông quyết tâm thắt chặt việc kiểm soát xã hội Trung Hoa, nhất là bằng cách tăng cường khả năng giám sát của nhà nước, và duy trì được sự hùng mạnh của nền kinh tế dưới sự lãnh đạo của đảng. Tất cả những việc này sẽ làm cho Trung Hoa kém phong phú hơn nó có thể, và trở thành một xã hội ngột ngạt hơn. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đàn áp nhân quyền ở Trung Hoa chỉ làm giới lãnh đạo thế giới thì thầm than phiền.

Những người tự do đã từng tiếc nuối “mười năm đánh mất” đổi mới dưới thời của Hồ Cẩm Đào. Mười năm “đánh mất” đó đã trở thành 15 năm tiếc nuối, và nó có thể vượt quá 20 năm. Một số người lạc quan lập luận rằng thế giới chưa thấy con người thật của Tập cận Bình – Đại hội đảng Cộng sản năm nay sẽ giúp ông củng cố quyền lực, và sau đó ông sẽ bắt đầu sốt sắng đổi mới xã hội và kinh tế, dựa vào thành công tương đối của ông trong việc chống tham nhũng. Nếu ông Tập thực sự là một người dân chủ đa nguyên chưa hiện hình, quả thật, ông ta đang che đậy qúa giỏi. Và điều đáng báo động đối với những người tin rằng tất cả những người lãnh đạo đều có ngày hạn, thì người ta đang nghĩ rằng Tập Cận Bình không muốn rời bỏ quyền lực vào năm 2022, dù tiền lệ cho thấy là ông nên làm vậy.

Lý do để sợ

Ông Tập có thể nghĩ rằng tập trung quyền ít nhiều không ai kiểm soát đối với hơn 1.4 tỉ người Trung Hoa trong tay của một người, dùng cụm từ ông ưa chuộng, là một “bình thường mới” của chính trị tại Trung Hoa. Nhưng nó không phải là sự bình thường; nó nguy hiểm. Không ai nên có nhiều quyền lực như vậy. Quyền lực nằm trong tay một người, sau rốt chỉ là công thức cho sự bất an ở Trung Hoa, như đã từng xảy ra trong quá khứ – Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hoá. Đây cũng là một công thức cho hành động tùy tiện ở nước ngoài, điều này đặc biệt đáng lo ngại vào thời điểm mà Mỹ ở thời ông Trump đang rút lui và tạo ra một khoảng trống quyền lực. Thế giới không muốn thấy một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập hoặc một chế độ độc tài ở Trung Hoa. Chao ôi, thế giới có thể có cả hai.

Nguồn: Lau Ka-kuen

Bài xã luận này đã đăng trong mục Lãnh đạo của ấn bản của tuần báo The Enonomist dưới nhân đề “Người có quyền lực mạnh nhất thế giới”

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, ông Tậpn ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: The world’s most powerful man. Xi Jinping has more clout than Donald Trump. The world should be wary. The Economist, October 14, 2017.







No comments: