Quốc Dũng/Người Việt
September 30, 2017
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 30 Tháng Chín, bàn thờ cố Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu được đặt uy nghi phía trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, để
người dân Little Saigon tưởng niệm ông – một người luôn có những lý tưởng của
chính nghĩa, những cử chỉ, thái độ cao cả, bất khuất trong công cuộc đấu tranh
vì lý tưởng tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ cho quê hương xứ sở.
Rước di ảnh cố Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu vào lễ đài. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Hai bên bàn thờ cố
tổng thống là hai câu nói bất hủ của ông: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy
nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” và “Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất
tất cả.”
Chia sẻ với phóng
viên nhật báo Người Việt, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ức, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành
Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, trưởng ban tổ chức, nói: “Chúng tôi muốn tổ chức lễ tưởng
niệm cố tổng thống để nhắc nhở mọi người Việt Nam tị nạn Cộng Sản biết rằng,
tinh thần chống ngoại bang và giữ gìn bờ cõi của Tổng Thống Thiệu cũng như quân
nhân VNCH và toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam lúc nào cũng bền vững và sẵn
sàng làm được những gì tốt đẹp để đóng góp cho quê hương Việt Nam trong tương
lai.”
“Cố tổng thống là một
lãnh tụ quốc gia, mà đặc biệt đối với anh em quân đội chúng tôi, ông là một tổng
tư lệnh quân đội. Chúng tôi là những người quân nhân nên rất kính trọng cấp chỉ
huy của mình, và trong quá khứ, chúng tôi chỉ biết lo bảo vệ bờ cõi và giữ an
ninh cho người dân có được cuộc sống an lành, mà hoàn toàn không để ý đến vấn đề
chính trị. Nhưng sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, người Việt yêu chuộng tự do
không có cơ hội sống tự do ở miền Nam Việt Nam như trước đó. Chúng tôi cảm thấy
rất tiếc cho vận mệnh của đất nước, trong đó cố tổng thống là người dẫn đầu lúc
đó đã bị các thế lực ngoại bang quốc tế bắt bức tử miền Nam Việt Nam,” ông nói
thêm.
Có mặt tại tượng
đài, vợ chồng bà Lành Lê và ông Kiều Dư, mới từ tiểu bang Iowa sang, cho biết:
“Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đến dự lễ tưởng niệm cố tổng thống. Tôi thấy
trên báo, đài nhiều lắm nhưng lần này mới có dịp đến để hồi tưởng về một thời Đệ
Nhị Cộng Hòa. Khi sang đây thì tôi có ra tượng đài này để chụp hình rồi, tôi thấy
xúc động lắm.”
Ông Nguyễn Minh
Trì, cư dân Anaheim, cho biết: “Trước đây tôi là quân nhân biệt phái năm 1969.
Tôi từng có thời gian làm việc dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên tôi rất
quý ông. Do đó, mỗi lần có tưởng niệm tổng thống tôi đều tham dự và tham gia.
Tham gia tức là năm nay tôi cùng với anh em Ban Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ Tây
Nam Hoa Kỳ có một số nhiệm vụ trong buổi lễ này. Trong gia đình, tôi luôn
khuyên dạy con cháu trong nhà là phải noi gương con người của người VNCH.”
Bàn thờ cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước Tượng
Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Chánh Trị Sự Trần
Quang Linh, thuộc Thánh Thất Cao Đài California, cho biết: “Tôi dự lễ này để tưởng
nhớ đến vị tổng thống của dân tộc mình. Một vị tổng thống của nền tự do, dân chủ,
có danh gọi là VNCH. Tôi đến đây để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc một vị
lãnh đạo quốc gia, một người mà tôi vô cùng yêu quý.”
Ông Huỳnh Kim, hội
trưởng Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương và điều hành Phật Giáo Hòa Hảo truyền thống
Việt Nam, cho hay: “Tôi rất hãnh diện khi có mặt ở đây. Ông là một tổng thống
chủ trương có chính sách Người Cày Có Ruộng, ở Việt Nam chưa từng có người lãnh
đạo nào có tài cải cách ruộng đất như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.”
“Ông là một người
nhân đạo và dân chủ, ông cho phép các đảng phái chính trị, tôn giáo được hoạt động
tự do. Ít nhất là chính sách Người Cày Có Ruộng và mở mang trường lớp khắp nông
thôn, không một chỗ nào không có trường nếu ấp đó có dân, để nâng cao trình độ
dân trí người dân miền Nam Việt Nam. Ông rất hiểu luật pháp và quyền sống của
con người theo luật pháp quốc tế,” ông nói thêm.
Đúng 6 giờ 30 phút
chiều, di ảnh và lệnh kỳ cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được cử hành trang trọng.
Trong diễn văn chào
mừng, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ức nói: “Tôi không làm mục đích tâng bốc một cá
nhân nào, mà chỉ đơn thuần là một người chiến sĩ VNCH đang tưởng nhớ đến một cấp
chỉ huy, một vị tổng tư lệnh đã lìa xa chúng ta 16 năm nay, sau hơn hai thập
niên cùng nằm gai nếm mật, cùng chia sẻ máu xương trên khắp các chiến trường, để
bảo vệ tổ quốc thân yêu.”
“Đã gần nửa thế kỷ
trôi qua, có những lúc nhớ lại hiện tình đất nước trong thời điểm đó, chúng ta
luôn có sự đồng cảm với biết bao khó khăn mà tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân
lực phải gánh vác và đối phó. Phong trào phản chiến ngày càng bành trướng trên
mọi mặt, trên khắp thế giới, trong khi đó khối Cộng Sản càng tăng cường quân
trang, quân dụng và ngay cả nhân sự để sớm cướp cho bằng được miền Nam Việt
Nam,” ông nói.
Ông khẳng định: “Nếu
là một tổng thống nhu nhược, miền Nam Việt Nam đã bị Cộng Sản chiếm mất từ cuối
năm 1972, trước khi Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27 Tháng Giêng, 1973. Nếu
là một tổng thống không biết lo cho dân, cho nước, miền Nam làm sao đối phó nổi
cùng một lúc hai cuộc tổng tấn công vào mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ở Cổ Thành Quảng Trị
và Bình Long-An Lộc, trong lúc người chiến sĩ VNCH phải tiết kiệm từng lít
xăng, từng viên đạn trên khắp chiến trường?”
Các vị dân cử, quan khách, cùng đồng hương tham dự lễ
tưởng niệm. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Tôi không cần phải
tô vẽ ra đây, các bạn cũng đã biết Tổng Thống Thiệu là ai và tại sao chúng ta
phải làm lễ tưởng niệm hôm nay. Sự sống hay chết của một đời người luôn gắn liền
với quy luật bất biến của tạo hóa. Có người chết đi, chỉ trong phút chốc đã đi
vào quên lãng, nhưng cũng có người, khi lìa xa cõi tạm này, hãy còn để lại chút
gì đó gọi là thương tiếc của người quen và người không quen, mà mỗi khi ở đâu
đó hôm nay, có người hãy còn nhắc đến cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu,” ông
nói.
Ông dẫn chứng: “‘Đừng
nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm,’ một câu nói của
cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không còn là tiếng nói riêng biệt của miền Nam
ngày nào, mà gần như là tiếng nói của toàn dân trong nước hiện nay. Bao lời hứa,
bao hiệp định được ký kết, chỉ là cái cớ để Cộng Sản chuẩn bị vi phạm hầu đạt
thắng lợi.”
“Khi ra tới hải ngoại,
cố tổng thống cũng đã mạnh dạn lên tiếng trước mọi người để nhận phần trách nhiệm
của mình cũng như phơi bày sự xảo trá, lừa lọc của người bạn đồng minh không
lương thiện,” ông nhấn mạnh.
“Thắng hay bại,
cũng như đúng hay sai, chúng ta hãy để cho lịch sử phán xét, miễn là trong thâm
tâm mỗi người, chúng ta tự cảm thấy mình đã đóng góp phần nào cho công cuộc bảo
quốc an dân, tất cả chỉ vì sự an bình cho quê hương và hạnh phúc của toàn dân,”
ông nói thêm.
Tiếp theo, ban tổ
chức đặt vòng hoa tưởng niệm và cử hành nghi thức tế lễ cổ truyền, chiếu phim,
và đồng hương niệm hương trước bàn thờ.
Theo cựu Hải Quân Đại
Tá Trần Thanh Điền, trưởng khối cận vệ của tổng thống VNCH, Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu sinh ngày 5 Tháng Tư, 1923, tại một làng chài ở tỉnh Ninh Thuận,
trong một gia đình tiểu địa chủ. Ông là người ủng hộ thuyết thị trường tự do
theo chủ nghĩa tư bản và cương quyết chống Cộng Sản. Khi Sài Gòn sụp đổ, ông ra
ngoại quốc sống cho đến khi qua đời vào ngày 29 Tháng Chín, 2001, hưởng thọ 78
tuổi.
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
-------------------------------------
Địa chỉ Viện Bảo Tàng và ngày giờ mở cửa
Địa chỉ Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH hiện ở tại số 9842 Bolsa Ave., #B106, Westminster, CA 92683 (góc Bolsa và Brookhurst). Mọi chi tiết liên lạc qua điện thoại: (714) 418-9640, (714) 531-3550. Email: museumqlvnch@gmail.com
Kể từ ngày Viện Bảo Tàng được mở cửa miễn phí từ thứ Tư đến Chủ Nhật hàng tuần, từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều.
Địa chỉ Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH hiện ở tại số 9842 Bolsa Ave., #B106, Westminster, CA 92683 (góc Bolsa và Brookhurst). Mọi chi tiết liên lạc qua điện thoại: (714) 418-9640, (714) 531-3550. Email: museumqlvnch@gmail.com
Kể từ ngày Viện Bảo Tàng được mở cửa miễn phí từ thứ Tư đến Chủ Nhật hàng tuần, từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều.
No comments:
Post a Comment