Ls Nguyễn Văn Thân
Tác giả gửi tới Dân Luận
16/10/2017
Vào năm 1969 sau 8 tháng đầu bước vào nhiệm kỳ, Tổng
Thống Nixon muốn hoàn tất đàm phán để chấm dứt cuộc chiến Việt Nam thực thi lời
hứa khi tranh cử. Nhưng các cuộc hòa đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris
không đi tới đâu trước thái độ ngoan cố của Bắc Việt. Vào cuối tháng 10 năm đó,
Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch Giant Lance mà theo đó, 18 chiếc B52 mang
bom nguyên tử từ căn cứ tại California và Washington trực chỉ Moscow nhưng rồi
bay nhào lộn qua các tảng băng đá ngoài không phận của Liên Bang Xô Viết. Mục
đích là muốn cho Moscow nghĩ rằng Nixon là một tổng thống điên và nếu họ không
nhượng bộ và kiềm chế Bắc Việt thì Nixon có thể sử dụng bom nguyên tử. Nixon
nói với chánh văn phòng H.R Haldman rằng: ''Tôi gọi đó là thuyết 'Lãnh tụ
điên', Bob. Tôi muốn lãnh đạo Bắc Việt nghĩ rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì
để chấm dứt chiến tranh. Tôi muốn gửi một thông điệp là ''quý vị biết Nixon bị
ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản thế nào. Chúng tôi không ngăn cản được khi ông ta
tức giận - và ông ta có thể nhấn nút hạt nhân'' rồi Hồ Chí Minh sẽ phải có mặt
tại Paris trong vòng 2 ngày để van xin được ban cho một hiệp ước hòa bình''.
Nixon cũng ra lệnh cho Ngoại Trưởng Henry Kissinger gặp và nói với Đại Sứ Liên
Xô rằng ''như quý vị biết, Nixon đang bị rất nhiều áp lực và đôi lúc ông ta
uống rượu nhiều vào buổi tối, do đó quý vị nên thận trọng. Ông ta có thể làm bất
cứ chuyện gì. Tôi không cản được''.
Chiến thuật của Nixon có hiệu quả thế nào? Thật ra rất
là giới hạn và không đạt mục tiêu là làm cho Xô Viết và Bắc Việt hoảng sợ. Nhiều
lắm là họ cảm thấy khó hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng rồi cũng nhận thức được
đó là chiến thuật ''cảnh sát tốt, cảnh sát xấu'' (good cop, bad cop) mà Nixon
và Kissinger lần lượt thủ vai.
Sau 8 tháng nhậm chức, hình như Tổng Thống Trump
đang diễn lại tuồng ''tổng thống điên'' với Bắc Hàn. Có điều là lần này không
phải Trump độc diễn. Có nghĩa là không chỉ có một mà có tới hai lãnh tụ ''giả
điên'' (hoặc có thể điên thiệt???) là Donald Trump và Kim Chánh Vân. Do đó, màn
kịch này có thể dẫn đến một thảm họa tàn khốc là chiến tranh hạt nhân diễn ra
trên bán đảo Triều Tiên với hàng chục triệu sinh mạng chìm trong biển lửa.
Trong bài diễn văn dài 41 phút trước Đại Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/9 vừa qua, Trump gọi Kim Chánh Vân là ''gả tên lửa
đang thi hành sứ mệnh tự sát'' và dọa là sẽ xóa sổ Bắc Hàn cùng với 26 triệu
dân nếu Bình Nhưỡng tấn công Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ. Người Mỹ đã quen với lời
lẽ cộc cằn, thô lỗ của Trump gửi qua twitter vào 3 giờ sáng. Nhưng đây là một
bài diễn văn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và đọc từ máy nhắc (teleprompter). Khi
Trump thốt lên những lời này thì người ta cũng nhìn thấy Tướng John Kelly phải
dùng tay che mặt như đang muốn độn thổ. Nếu như người cố vấn thân cận nhất mà
còn bị sốc thì không có ai đoán được Trump đang suy nghĩ gì.
Kim cũng không vừa gì và đã ăn miếng trả miếng và cụ
thể hứa rằng ''tôi chắc chắn sẽ chế ngự tên già lẩm cẩm điên khùng bằng bão lửa''.
Sau đó, Bắc Hàn cáo buộc bài diễn văn của Trump là một lời tuyên chiến và Bình
Nhưỡng có quyền áp dụng mọi biện pháp trả đũa gồm có bắn hạ máy bay ném bom của
Mỹ dù ở ngoài không phận Bắc Hàn.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có hai lãnh
tụ sở hữu vũ khí hạt nhân nói năng thô lỗ tương tự như nhau và coi luật pháp và
chuẩn mực quốc tế cũng như nghi thức ngoại giao chẳng ra gì. Cũng không ai biết
là Trump và Kim đang diễn tuồng hay biểu lộ cá tính thật sự. Bây giờ thì ai cũng
rõ tính khí bất thường của Trump như thế nào rồi. Tổng Thống Trump thường bắt đầu
cuộc chiến bằng twitter vào 3 giờ sáng, tấn công các cơ quan truyền thông nổi
tiếng của Mỹ như CNN hoặc New York Times và cáo buộc họ loan tin giả. Không chỉ
đối thủ chính trị mà ngay cả dân biểu và nghị sĩ cùng Đảng Cộng Hòa cũng không
thoát khỏi bị Trump mắng nhiếc. Trump gọi những vị tổng thống tiền nhiệm là những
kẻ ''đần độn''. Tư cách của Trump hiện rõ qua hình ảnh xô lấn Thủ Tướng
Montenegro Dusko Markovic khi tham dự Hội Nghị NATO vào tháng 5 tại Bỉ. Khi xem
đoạn video này thì những người Mỹ thật sự có liêm sỉ phải cảm thấy xấu hổ.
Nhưng dù sao đi nữa thì những sự kiện nêu trên cho thấy Trump là một người thiếu
hiểu biết, ngạo mạn và xấu tính chớ không phải là một kẻ điên.
Trong khi đó thì Chánh Vân đã xử tử hơn 140 quan chức
cấp cao bị tình nghi không trung thành chỉ trong hai năm sau khi lên ngôi.
Trong đó gồm có người cậu ruột là Jang Song Thaek bị hành quyết bằng đại bác
trong một sân vận động. Các quan chức khác bị buộc phải tham dự các cuộc hành
quyết này để biết run sợ mà đừng có ỷ tưởng phản bội Kim.
Trong lịch sử thì chưa có quốc gia nào tự từ bỏ vũ
khí hạt nhân vì bị đe dọa chiến tranh. Nhưng có một vài quốc gia đồng ý ngưng
theo đuổi vũ khí nguyên tử để nhận viện trợ kinh tế. Sau khi tường Bá Linh sụp
đổ, Nam Phi, Ba Tây, Argentina, Ukranie, Kazakhstan và Belarus tình nguyện từ bỏ
vũ khí hạt nhân. Vào năm 2003, Muanmmar Qaddafi chấp nhận ngưng tinh chế
uranium để hủy lệnh cấm vận. Vào năm 2015, Iran đồng ý đóng băng chương trình
phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng cấm vận kinh tế từ Mỹ và
Liên Minh Châu Âu.
Nhiều nhà bình luận cho rằng Kim sẽ không bao giờ từ
bỏ vũ khí hạt nhân để rồi bị lật đổ như Muammar Qaddafi và Saddam Hussein. Đây
là một lối suy nghĩ tỉnh táo của Kim chớ không có gì điên khùng. Bất cứ nhà hoặc
chế độ độc tài nào cũng lo bảo vệ sự độc tôn của mình bằng mọi giá. Đó là chưa
kể Trump đang hăm he rút khỏi Thỏa Thuận Hạt Nhân với Iran. Đương đầu với một Bắc
Hàn có vũ khí và hỏa tiễn hạt nhân chưa đủ, Trump còn muốn mở ra mặt trận thứ
hai tại Trung Đông. Dù cho Bình Nhưỡng có chịu đàm phán và đình chỉ phát triển
vũ khí hạt nhân đi chăng nữa nhưng chưa chắc đã làm Trump hài lòng hoặc không bị
đánh phủ đầu. Chỉ có sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân có thể tấn công hoặc đe dọa
trả đũa Mỹ thì mới mong duy trì được chế độ. Như Putin đã nói, ''cho dù ăn cỏ
Kim cũng phải chế bằng được bom nguyên tử''.
Trump và Kim đang chơi trò chơi con gà (game of
chicken). Trong lúc Ngoại Trưởng Rex Tillerson tìm cách mở đường cho một cuộc
đàm phán với Bắc Hàn thì Trump qua twitter bảo ông là đừng phí thời gian. Trước
đó thì Cố Vấn An Ninh McMaster cho biết là con đường ngoại giao đã hết lối, ''chúng
ta đã đá cái lon xuống đường, nhưng không còn đường nào để đá. Với những người
nào cho rằng không có giải pháp quân sự, chúng ta có một giải pháp quân sự''.
Tương tự như vậy, Đại Sứ Nikki Haley cho biết là bà đã sử dụng hết nghị quyết cấm
vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc và chỉ còn chờ giao hồ sơ Bắc Hàn lại cho Bộ Trưởng
Quốc Phòng James Matthis để xử lý. Tổng Thống Trump hiện đang nắm trong tay
4,000 vũ khí hạt nhân. Chỉ cần ông ra lệnh là trong 4 phút hỏa tiễn có gắn đầu
đạn nguyên tử sẽ được đưa lên giàn phóng. Kim biết chắc là sẽ đánh không lại
nhưng trước khi chết sẽ kéo thêm nhiều người chết theo.
Thật ra, kế ''giả điên'' không có gì mới mẻ mà đã được
áp dụng từ thời Chiến Quốc. Trong chuyện Đông Chu Liệt Quốc, Tôn Tẫn giả điên để
thoát Ngụy rồi sau đó dẫn quân Tề đánh Bàng Quyên không còn một manh giáp. Có điều
là người Hoa có truyền thống mưu mô và giàu trí tưởng tượng nên mới nghĩ ra được
Binh Pháp Tôn Tử và Tam thập lục kế. Còn Trump và Kim có giả điên được hay
không, hay cả hai đều là điên thiệt? Chừng nào bom nguyên tử nổ và hàng chục
triệu người chết chìm trong biển lửa thì câu trả lời sẽ rõ ràng thôi, không cần
tới chứng chỉ của bác sĩ tâm thần.
Ls
Nguyễn Văn Thân
------------------------------
XEM
THÊM :
Lê Phan
October 14, 2017
Khi Tổng Thống Donald Trump lên tiếng đe dọa sẽ rút
lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà độc
tài sung sướng chỉ ra là ông đã đúng. Nhà độc tài đó là ông Kim Jong Un của Bắc
Hàn.
Nếu nghe tổng thống nói về lãnh tụ họ Kim của Bắc
Hàn, chúng ta phải tưởng tượng đó là một nhân vật hí họa – một “người hỏa tiễn”
đang theo đuổi một “sứ vụ tự tử.” Nhưng nếu nhìn vào hành động của tổng thống
Hoa Kỳ thì chúng ta khám phá ra là lãnh tụ Bắc Hàn không điên khùng như ông nhiều
khi cố tình tạo cái cảm tưởng vậy.
Điều đó còn đúng hơn trước chính sách về Iran của tổng
thống. Ông Trump có vẻ đang tính đến chuyện không xác nhận là Iran tuân thủ
đúng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc của thế giới năm
2015. Nếu đặt mình vào địa vị ông Kim, hẳn chúng ta cũng phải kết luận là mình
đúng hoàn toàn ngay từ đầu: Không thể tin Hoa Kỳ được, ngay cả khi
Washington đặt bút ký tên vào một thỏa thuận quốc tế. Chả cũng Hoa Kỳ đã ký
kết vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đó sao? Nhưng rồi cũng Hoa
Kỳ xé hiệp ước đó, thản nhiên bỏ rơi các đồng minh của mình.
Nhìn từ Bình Nhưỡng, cách duy nhất để chặn một cuộc
xâm lăng của Hoa Kỳ đã luôn luôn là phải đưa Bắc Hàn trở thành một cường quốc hạt
nhân có đủ khả năng và sẵn sàng tấn công phủ đầu hay phản công vũ bão. Theo một
số chuyên gia ở Á Châu, đó chính là lý do Bắc Kinh lập luận chống lại áp lực
quá mức lên chế độ Bình Nhưỡng. Ông Kim, một viên chức ở Bắc Kinh giải thích, sẽ
“chọn cái chết để chống cự” thay vì chịu thua Hoa Kỳ.
Và nay ông Kim cảm thấy mình được chứng minh là
đúng, và tin tưởng là chương trình hạt nhân của ông, tiến xa hơn của Iran nhiều,
sẽ là cái vé để bảo vệ cho sự sống còn của chế độ của ông.
Tổng Thống Trump là người thường thích để cho người
ta không biết ý định của ông là thế nào. Chả thế mà ông đã đưa ra một câu nói lửng
lơ hồi cuối tuần rồi, “gió lặng trước cơn bão,” một việc mà sau đó ông công nhận
là ám chỉ Bắc Hàn. Không hiểu vì ảnh hưởng từ đâu, nhưng tổng thống có vẻ tin
hoàn toàn là Iran vi phạm thỏa thuận lịch sử vốn đã giúp đình chỉ và lật ngược
lại các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy giảm cấm vận. Mặc dầu Cơ Quan
Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency- IAEA), cơ quan mà
nhiệm vụ là bảo đảm Iran phải tuân thủ, nói là không có bằng cớ gì là Iran
không tuân thủ, mặc dầu tất cả các cường quốc còn lại đã ký kết vào thỏa thuận
không đồng ý, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tin mình đúng.
Trong khi vụ Iran đang tiếp diễn, từ Bắc Hàn, ông
Kim sẽ theo dõi kỹ. Nhưng số phận của Iran không phải là vấn đề duy nhất ông
chú tâm theo dõi. Điều mà chính hệ thống tuyên truyền của ông đã nhiều lần nhắc
nhở, đó là số phận của các lãnh tụ Trung Đông có thời ao ước có khả năng vũ khí
hạt nhân. Ông biết rõ về họ lắm vì chế độ của ông từng hợp tác với họ. Những
người ngần ngại trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân, hay bị buộc phải từ
bỏ chương trình của họ, bị đánh bại và giết chết thảm thương.
Trước hết là chuyện ông Saddam Hussein, nhà độc tài
Iraq từng cho phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, và sinh học
hồi thập niên 1980. Sau vụ phiêu lưu tấn công chiếm đóng Kuwait và thất bại
trong cuộc chiến vùng Vịnh, Iraq bị buộc phải từ bỏ vũ khí có sức hủy diệt hàng
loạt. Nhưng ông Saddam đã chơi một cái trò mèo vờn chuột với các thanh tra của
IAEA, tạo thêm nghi ngờ là ông đã giấu một phần kho vũ khí của mình. Những nghi
ngờ này cho Hoa Kỳ cái cớ tổ chức cuộc tấn công vào Iraq năm 2003. Kết quả là
ông Saddam bị bắt, bị đưa ra xử ,và bị treo cổ.
Tuy vậy, những cuộc tìm kiếm rộng rãi sau cuộc chiến
đã không tìm thấy vũ khí nào cả, dẫn đến việc một số quan sát viên đồn đoán là
ông Saddam đã duy trì huyền thoại sở hữu vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt để tạo
một bầu không khí sợ hãi giúp ông tiếp tục nắm quyền.
Rồi còn chuyện Đại Tá Muammar Gaddafi, lãnh tụ Libya
mà Tổng Thống Ronald Reagan gọi là “con chó dại” của vùng Trung Đông. Năm 2003,
sau khi điều đình với Hoa Kỳ và Anh, ông Gaddafi tuyên bố hủy bỏ chương trình hạt
nhân của mình. Quyết định đó đã mở đường cho việc Libya được thế giới công nhận.
Chưa đầy một thập niên sau, khi cuộc cách mạng bùng nổ ở Libya, và ông Gaddafi
đe dọa tấn công vào thành phố Benghazi ở miền Đông ly khai, một liên minh do
NATO cầm đầu can thiệp và đẩy cán cân quyền lực về phía các phiến quân Libya.
Ông Gaddafi bị các nhóm dân quân bắt và hạ sát.
Chúng ta không chờ đợi Tổng Thống Trump có thể tự đặt
mình vào địa vị của lãnh tụ Bắc Hàn để xem ông tính toán ra sao, nhưng những
nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nhất là Ngoại Trưởng Rex Tillerson, đã cố gắng để tìm một
cách nào đó cho tình hình bớt căng thẳng. Bởi vì, cũng như Thượng Nghị Sĩ Bob
Corker (Cộng Hòa-Tennessee), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ông
Tillerson hiểu rằng trong khi một thỏa thuận ngoại giao với Bắc Hàn có thể
không đạt được, cải thiện liên lạc với Bắc Hàn là tối cần thiết để giảm triển vọng
một cuộc chiến tình cờ.
Ông Kim chắc sẽ có những vụ thử hạt nhân nữa. Mới tuần
rồi, hai dân biểu Nga từ Bắc Hàn trở về nói là Bình Nhưỡng sắp thử một hỏa tiễn
có tầm bắn đến California. Tháng rồi, ngoại trưởng Bắc Hàn đề nghị là chính phủ
của ông có thể thử hỏa tiễn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương, một thử
nghiệm hạt nhân trên không đầu tiên từ nhiều thập niên nay. Với sự bất định về
chuyện không biết một thử nghiệm hạt nhân như vậy sẽ rớt xuống đâu, chính phủ Trump
có thể cảm thấy là phải phản ứng bằng cách bắn hạ hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân.
Nhà bình luận Nicholas Kristof của tờ New York Times
mới đây viết “Tôi đã tường thuật về Bắc Hàn kể từ thập niên 1980, và chuyến đi
năm ngày (của ông đến Bình Nhưỡng) làm cho tôi cảm thấy lo sợ hơn bao giờ hết về
nguy cơ một sự đối đầu sẽ mang lại thảm họa.” Ông khuyên “hãy thương thảo không
cần điều kiện, dầu chỉ là để bàn luận về chuyện thương thảo” nhằm ngăn cản “cuộc
khủng hoảng leo thang.”
Theo tạp chí The Atlantic, Hoa Kỳ quả có những ngả để
thảo luận với Bình Nhưỡng, mà quan trọng nhất là ở New York, nơi Bắc Hàn có sứ
bộ. Ngay sau khi lên làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã mở lại con đường đó,
trong hy vọng là để có một mối liên lạc. Đó chính là điều ông nói với các nhà
báo, về những con đường hai bên có thể tiếp xúc. Nhưng Tổng Thống Donald Trump,
khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn lần thứ nhì qua Nhật, đã bỏ cuộc. Ông công khai bảo
rằng ông ngoại trưởng của ông đừng “tốn thời giờ vô ích.”
Điều đáng ngại là những người như Thượng Nghị Sĩ Bob
Corker hay Ngoại Trưởng Rex Tillerson biết rõ vấn đề. Họ hẳn biết những nguồn
tin tình báo hơn chúng ta về khả năng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Họ hẳn cũng
biết là Bắc Hàn nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Chẳng bao lâu nữa, Bắc Hàn sẽ có khả
năng bắn vào Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, dù có công nhận hay không, chỉ
còn trông cậy vào phòng ngừa để ngăn cản chiến tranh. Và phòng ngừa chỉ có thể
hữu hiệu khi hai bên có thể nói chuyện với nhau. Đó là lý do của hệ thống điện
thoại đỏ giữa Hoa Kỳ và Liên Sô.
Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có một liên lạc nào tương tự,
nhưng ông Tillerson đang cố gắng tạo một cái gì thay thế. Tổng Thống Trump, vốn tiếp tục
đe dọa chiến tranh, đang cố gắng hết sức để bảo đảm là ông Tillerson sẽ thất bại.
Và đó là điều
đã làm ông Bob Corker hoảng sợ. Có lẽ chúng ta cũng nên lo sợ đi là vừa.
No comments:
Post a Comment