Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 16-10-2017
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-chu-truong-nuoc-my-tren-het-dang-day-hoa-ky-vao-tinh-the-bi-co-lap
Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, đả kích
thỏa thuận hạt nhân với Iran mà các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ xem là chuẩn mực
của hợp tác quốc tế, tiếp tục được bình luận. Trong bài phân tích ngày
15/10/2017, hãng tin Pháp AFP đã không ngần ngại cho rằng quyết định đó của ông
Trump đã nêu bật nguy cơ là chính sách ngoại giao theo hướng "Nước
Mỹ trên hết (America First)" của ông, có khả năng chuyển hóa
thành "Nước Mỹ đơn độc (America Alone)" khi ông phải
đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thoạt đầu, các nhà quan sát còn phân vân, tự hỏi là
chính sách của tân tổng thống Mỹ sẽ ra sao. Thế nhưng, họ đã nhìn thấy một sợi
chỉ xuyên suốt các quyết định của ông, từ việc rút nước Mỹ ra khỏi các hiệp định
thương mại đa phương, thách thức các đồng minh cố hữu, cho đến việc xé bỏ các
hiệp định quốc tế: Đó là ông Trump kiên quyết không để cho bị bất kỳ một
quan hệ quốc tế nào ràng buộc.
Một nhà nghiên cứu có uy tín là ông Richard Haass,
chủ tịch định chế tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign
Relations đã khẳng định rằng chính sách đối ngoại của ông Trump đang đi
theo "học thuyết triệt thoái".
Ông Trump chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran,
nhưng ông nói sẵn sàng làm việc đó nếu Quốc Hội Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ
không đồng ý ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Ngay trước
khi quyết định về Iran, ông đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức văn hóa LHQ UNESCO. Trước
đó, ông đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương -
TPP, và dường như ông đã sẵn sàng xóa bỏ một hiệp ước lớn hơn là Hiệp Định Tự
Do Mậu Dịch Bắc Mỹ - NAFTA.
Ông còn đặt vấn đề về cam kết của Mỹ đối với các đồng
minh trong khối NATO, ra lệnh cho rà soát lại lợi ích của việc Mỹ tham gia các
định chế LHQ, thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận khí hậu
Paris.
Cơ sở của các quyết định kể trên, như ông luôn tuyên
bố, đó là chủ trương của ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên tất cả. Có điều
là hệ quả của các hành động trên rất nghiêm trọng. Ông Ben Rhodes, cựu cố vấn
cao cấp trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, đã cảnh cáo : "Các
quốc gia khác sẽ không muốn ký thỏa thuận với Hoa Kỳ".
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người đã đàm
phán thỏa thuận hạt nhân, cho rằng hành động của ông Trump sẽ gây thiệt hại lâu
dài cho uy tín của Hoa Kỳ, vì sẽ không còn ai tin tưởng vào chính quyền Hoa Kỳ
để tham gia đàm phán những vấn đề dài hạn.
Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một kiến trúc sư chủ chốt của thỏa thuận với Iran, đã cho rằng quyết định của ông Trump
đã làm suy yếu vai trò của Mỹ, khiến Mỹ mất đồng minh…
Các đồng minh truyền thống của Washington ở Châu Âu
lúc đầu rất thận trọng trong cách tiếp cận đối với ông Trump, với hy vọng ông sẽ
bớt cực đoan khi vào Nhà Trắng. Thế nhưng, hy vọng này đã bị quyết định về Iran
phá tan, và châu Âu đã nhất loạt phản ứng.
Theo chuyên gia Barbara Slavin thuộc trung tâm tham
vấn Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), "ông Trump có vẻ
như nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đủ để cho Hoa Kỳ có thể làm bất
cứ điều gì mình muốn vào bất cứ lúc nào… Điều mà ông ấy không hiểu là Hoa Kỳ chỉ
ở đỉnh cao quyền lực khi vận động để đạt đến sự đồng thuận quốc tế".
---------------------------------
Tiền
Phong
17/10/2017 08:56
TPO
- Ngay sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết
định rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn
lường với các cam kết quốc tế do chính Mỹ khởi xướng.
Những thỏa thuận Tổng thống Trump đã và sẽ rút lui :
Hiệp
định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức
ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định TPP. Trong buổi lễ ký rút khỏi TPP ở Phòng Bầu
dục, ông Trump nói sắc lệnh này là "điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ".
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một thỏa
thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước gồm Mỹ, Canada, Mexico,
Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và
Việt Nam ngày 4/02/2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục
đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới
với phạm vi cam kết rộng bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại, và
mức độ cam kết rất cao. Đặc biệt, TPP, có quy mô tới 40% GDP toàn cầu, từng là
trụ cột căn bản của chính sách "Tái cân bằng", chuyển hướng sang châu
Á trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Theo các chuyên gia phân tích, việc rút khỏi TPP
không gây ảnh hưởng ngay tức khắc tới kinh tế Mỹ nhưng sẽ gửi thông điệp rất
khác về chính sách thương mại mới của Washington.
Việc Washington rút khỏi TPP sẽ là cú sốc lớn đối với
các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này
là bản lề cho một trật tự thương mại mới sau khi các định chế như WTO tỏ ra bế
tắc sau nhiều vòng đàm phán.
*
Thỏa
thuận Khí hậu Paris
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/8 đã gửi một thông báo chính
thức lên Liên Hiệp Quốc thông báo về ý định rút khỏi Hiệp định Paris. Theo Bộ
Ngoại giao Mỹ, thông báo này là một "thông điệp mạnh mẽ" gửi tới thế
giới, sau quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris được Tổng thống Donald Trump
đưa ra hồi tháng 6.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn để ngỏ khả năng gia nhập
trở lại nếu các điều khoản của thỏa thuận này được thay đổi theo mong muốn của
Mỹ. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, nước này vẫn sẽ tham dự các Hội nghị về biến đổi khí
hậu của Liên Hợp Quốc trong thời gian tiến hành các thủ tục rút khỏi thỏa thuận
Paris. Thời gian dự kiến của việc rút khỏi này sẽ kéo dài ít nhất 3 năm.
Trước đó trong bài phát biểu tại Nhà Trằng hồi tháng
6, Tổng thống Mỹ Trump giải thích cho quyết định rút Mỹ hỏi Hiệp định Paris:
"Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ,
khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế
bất lợi so với các nước khác trên thế giới".
Mỹ, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều
thứ hai sau Trung Quốc, là một trong số 195 nước tham gia Hiệp định Paris về chống
biến đổi khí hậu. Tổng thống Barack Obama đã ký phê chuẩn hiệp định vào tháng
9/2016.
*
Hiệp
định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/8 cho biết, sẽ sớm
khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm
Mexico, Mỹ và Canada).
Theo Tổng thống Trump, Mexico hiện đang gặp khó
trong các cuộc đàm phán về việc điều chỉnh lại NAFTA - một trong những thỏa thuận
thương mại "tồi tệ nhất" được ký kết cho đến nay. Theo ông, cần phải
khởi động tiến trình dỡ bỏ thỏa thuận này trước khi có thể đạt được một thỏa
thuận công bằng.
Trước đó, ngày 22/8, Tổng thống Trump đã ám chỉ khả
năng hủy bỏ NAFTA khi tuyên bố rằng để tạo dựng thỏa thuận mới cần hủy bỏ thỏa
thuận cũ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh 3 nước Mỹ, Mexico và Canada
vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về NAFTA tại Mỹ từ ngày 16 - 20/8.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và
Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tuy nhiên, Tổng thống Trump mô tả hiệp định
thương mại này là "thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ
mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.
*
Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc
Ngày 12/10, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ chính thức
rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bắt đầu
từ năm 2019.
UNESCO có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động
từ năm 1946. Tổ chức này hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Mỹ cũng từng rút khỏi
UNESCO dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1984 và quay trở lại tổ
chức này dưới thời ông George W Bush.
Hiện Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương
đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nguồn tài trợ
này và sẽ vẫn là thành viên chính thức của UNESCO đến hết ngày 31/12/2018.
Từ năm 2019, Mỹ dù không còn là thành viên nhưng vẫn
sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn
cho UNESCO.
Theo bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Mỹ: “Quyết định này không thể bị xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về
những công việc chồng chất tại UNESCO, về sự cần thiết phải cải cách căn bản tổ
chức này và về việc tổ chức này duy trì thành kiến chống lại Israel”.
Trong khi đó, dư luận quốc tế cho rằng, Mỹ rút
khỏi UNESCO là cú sốc lớn đối với tổ chức này. Tổng Giám đốc UNESCO Irina
Bokova cho rằng sự rút đi của Mỹ là một "tổn thất đối với Mỹ",
"tổn thất đối với gia đình Liên hợp quốc" và "tổn thất đối với sự
hợp tác đa phương".
*
Thỏa
thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 từ chối xác nhận
Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 và kêu gọi áp đặt các lệnh
trừng phạt mới với Tehran.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh:
"Như tôi đã nói rất nhiều lần, thỏa thuận Iran là một trong những hiệp
định tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia".
“Trong trường hợp chúng ta không đạt được giải pháp
khi làm việc với Quốc hội và các đồng minh, thỏa thuận sẽ bị hủy. Thỏa thuận tiếp
tục được cân nhắc và tôi, với tư cách tổng thống, có thể tuyên bố rút khỏi thỏa
thuận này bất cứ lúc nào”, ông Trump tuyên bố.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thỏa
thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới không nằm trong lợi ích
của Mỹ, do vậy, Nhà Trắng sẽ ra thông báo về việc rút khỏi thỏa thuận này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào tháng
7/2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và
Mỹ trong các cuộc hội đàm do Liên minh châu Âu điều phối nhằm kiềm chế chương
trình hạt nhân của Iran. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt nước này đã được nới
lỏng.
...............
Việc chủ động rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc
tế, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như đang đi theo tiêu chí
luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên các cam kết quốc tế. Điều này sẽ gây ra
những hệ lụy khôn lường với các cam kết quốc tế do chính Mỹ khởi xướng.
--------------------------------------
No comments:
Post a Comment