Wednesday, October 25, 2017

BÁO TIẾNG DÂN – NGÀY 25/10/2017





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA có bài phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Trường: Cựu đại sứ: ‘Việt Nam bị Trung Quốc bao vây chiến lược’. TS Trường cho biết: “Phải nói là với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên với 7 đảo nhân tạo, và sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Campuchia, sự hiện diện ngày càng mạnh ở Lào, thì Trung Quốc đang thực hiện sự bao vây chiến lược đối với Việt Nam”.

Trang Infonet đưa tin: Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có động thái “bất thường” trên Biển Đông. Dẫn nguồn từ báo SCMP, cho biết, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã thành lập một đơn vị cứu hộ tàu ngầm, nhằm giúp hải quân TQ cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai thêm lực lượng tàu ngầm ở Biển Đông.

Ông Ni Lexiong, nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, nói: “Đây là dấu hiệu cho thấy Hạm đội Nam Hải đã sẵn sàng chiến đấu. Khi quân đội được yêu cầu cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, vậy tại sao một hạm đội hải quân lại không được trang bị đơn vị cứu hộ. Lực lượng cứu hộ là vô cùng quan trọng trong thời chiến“.

RFI có bài về chính sách của tổng thống Mỹ ở Đông Nam Á:  Donald Trump phá chính sách Đông Nam Á của Barack Obama? Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, “chuyện lý thú là để coi tổng thống Donald Trump xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện. Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng”.

RFI đưa tin: ASEAN: Trung Quốc đề nghị tập trận chung. Theo hãng tin Reuters, tại Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, “bộ trưởng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thúc đẩy ASEAN tập trận chung trên biển. Theo lời kể của bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, ông ‘không nghe một tiếng phản đối nào trong phòng họp’ khi phía Trung Quốc đề nghị tập trận chung vào năm 2018 ‘để tạo sự tin tưởng lẫn nhau’ giữa các bên tranh chấp chủ quyền”.


Về vụ bị cảnh báo khai thác hải sản bất hợp háp, VOA có bài: Vì sao Việt Nam bị EU ‘rút thẻ vàng’ đối với hải sản? Theo ước tính của EU, “trong một năm có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ – 19 tỷ euro”. Được biết, “Việt Nam có 6 tháng để khắc phục tình hình và EU sẽ ban hành thẻ xanh hay thẻ đỏ tùy theo hành động từ phía Việt Nam”.


Quan hệ Việt – Ấn
TTXVN đưa tin: Việt – Ấn nhất trí đẩy mạnh ‘kết nối cứng’, kết nối mềm’. Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran đã đồng chủ trì Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 6 giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Ấn Độ khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam “nâng cao năng lực quốc phòng, đào tạo tiếng Anh cho quân nhân, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người trái phép… Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh kết nối, không chỉ ‘kết nối cứng’ như hàng không, hàng hải, đường bộ mà còn ‘kết nối mềm’ như kỹ thuật số, thông tin, viễn thông…”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran. Ảnh: VGP/Hải Minh


Việt – Trung
BBC có bài của TS Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách & Phát triển, Hà Nội: VN học được TQ cách ‘dùng Đảng trị quốc’?Các nhà quan sát cho rằng “Đảng CS Việt Nam không thể ‘thống nhất’ tập trung quyền lực cho cá nhân nào đó, do họ không hội tụ đủ các phẩm chất và uy tín để có đột phá trong cải cách, rằng có thể có ‘dàn xếp’ trong giới lãnh đạo cao cấp, và vì vậy chiến dịch chống tham nhũng có thể có điểm dừng, vùng cấm…”

Quốc hội hay Bộ Chính trị họp?
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết: Nội dung làm việc  chiều 24/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, liên quan tới công tác nhân sự, đã miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ông Nghĩa thay ông Anh làm Bí thư Đà Nẵng thì ai cũng biết rồi, còn ông Sáu sẽ về làm Bí thư Sóc Trăng, thay ông Nguyễn Văn Thể, làm Bộ trưởng GTVT thay ông Nghĩa.

Cũng theo dự đoán của Facebooker này thì ông Lê Minh Khái, Bí thư Bạc Liêu sẽ thay ông Sáu. Ông Sơn Minh Thắng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ thay ông Khái. Ông Hầu A Lềnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có thể sẽ thay bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Yên Bái. Ông Điểu K’ré, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có thể về thay Bí thư Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến…

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiết lộ “bí mật quốc gia”: Bộ Chính trị phân công Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu làm Bí thư Sóc Trăng. Bài báo đưa tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin như vậy trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu“.

Qua đó, bà Ngân đã gián tiếp công nhận, Quốc hội mà bà đang làm chủ tịch, chỉ là Quốc hội bù nhìn, không có thực quyền. Quốc hội mà bà và mọi người đang họp chỉ làm công việc hợp thức hóa các quyết định của Bộ Chính trị đảng CSVN, ngoài ra chẳng có vai trò gì hết.

Nhà báo Nguyễn Thông viết: “Quốc hội phải mất 2 ngày, có 1 ngày bàn bạc và ra nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa thôi Bộ trưởng Giao thông và Phan Văn Sáu thôi Tổng Thanh tra Chính phủ để 2 vị ấy đi làm bí thư 2 tỉnh theo phân công của đảng, và 1 ngày nữa để bầu 2 vị khác lấp vào chỗ trống ấy”.

Ông Thông thắc mắc, “đảng đã chọn-chỉ định rồi thì công bố luôn ngay từ đầu, lại còn bày vẽ miễn nhiệm với bầu bán. Thế tôi hỏi các ông bà Quốc hội, có ông bà nào không tán thành miễn nhiệm ông Nghĩa, ông Sáu không, hay là nhất trí trăm phần trăm. Cứ vẽ vời, mệt quá. Mỗi ngày họp tốn cả tỉ bạc, tiền là vỏ hến chắc”.

TTXVN có bài: Thay đổi mô hình tăng trưởng, không dựa vào khai thác tài nguyên. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu TPHCM, cho rằng “cần thay đổi mô hình tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên“. Nhưng ở VN, không đào tài nguyên lên bán thì biết lấy gì mà sống?

Không làm nổi con ốc vít, cái sạc, trình độ khoa học kỹ thuật thì không có, đất đai sản xuất nông nghiệp đã bị thu hẹp, Đồng bằng Sông Cửu Long thì bị nhiễm mặn, hạn hán, biển miền Trung thì nhiễm độc, biển ngoài khơi để rơi vào tay của Tàu, nông dân, ngư dân thất nghiệp, công nhân thì đi bán sức lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài, tài nguyên cũng chẳng còn đâu mà bán, thử hỏi tăng trưởng bằng cách nào?

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TPHCM thì lạc quan tếu, “đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Chính phủ hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Đặc biệt, năm 2017 đã hoàn thành ‘mục tiêu kép’, đa mục tiêu: kiểm soát được lạm phát 4%, kiểm soát được bội chi ngân sách, nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất được kéo giảm, tỷ giá tiền đồng được chọn là đồng tiền ổn định nhất trong thời gian qua...” Ông Ngân cho rằng, “những kết quả đã đạt được là bức tranh đẹp, tổng quan” và cần ghi công cho Chính phủ.

Chuyện gì cũng tốt, cũng đẹp như lời ông Trần Hoàng Ngân nói, thì việc gì phải bán vốn nhà nước, để ông Hồ Đức Phớc phải lo thế này: Tổng Kiểm toán: “Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?” Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hồ Đức Phớc, lo lắng: “Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững, sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó“.


DNNN nợ ngập đầu, hậu quả ai gánh?
Báo VietNamNet có bài: ‘Ông lớn’ nhà nước ôm khối nợ 1,5 triệu tỷ đồng. Đây là “Bức tranh” doanh nghiệp Nhà nước năm 2016: khối DNNN đang nắm giữ tổng tài sản là hơn 3 triệu tỷ đồng, nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Một vài số liệu về tài chính của DNNN. Ảnh: L.Bằng

Một số DNNN có nợ lớn. Ảnh: Báo VNN

Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà hoạt động Paulus Lê Sơn có bài: Ở nơi ấy có một sinh viên yêu nước. Hôm nay 25/10, sinh viên Phan Kim Khánh sẽ bị nhà cầm quyền CSVN đưa ra xét xử theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, cái gọi là ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Khánh bị bắt ngày 21/3/2017, với cáo buộc lập và quản trị hai trang mạng và các blog trên mạng xã hội như Facebook và YouTube, khi đang là sinh viên khoa Quốc tế, sắp xong chương trình 5 năm đại học, tại Đại học Thái Nguyên.

Tác giả viết: “Khánh có thể lựa chọn cho mình sự im lặng, thờ ơ, vô cảm với xã hội, với con người như nhiều sinh viên chúng ta biết, thấy qua các phương tiện truyền thông bê tha trong rượu chè, chìm đắm trong nhục dục. Thế nhưng Khánh đã vượt qua những dục vọng tự nhiên của đời sống đó mà dấn thân trên con đường đầy trông gai, tù đày. Một tinh thần đã vượt qua mức so sánh hơn – thiệt, được – mất khi quyết định bước đi trên con đường hẹp“.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có bài kêu gọi: Việt Nam: Cần hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên. Một thông cáo ngày 24/10/2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh, đồng thời phóng thích các tù chính trị trước khi khai mạc hội nghị APEC sắp tới ở Đà Nẵng.

ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam. Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên mạng internet“.

BBC có bài: HRW kêu gọi hủy tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Cô Phan Thị Trang, em gái Phan Kim Khánh, cho biết: “Sáu người trong nhà tôi ngày mai sẽ đi dự phiên tòa và chỉ mong bản án nhẹ cho anh tôi. Từ khi anh Khánh bị bắt đến nay, mỗi tháng bố tôi đều đi thăm nuôi nhưng không được gặp con. Những gì anh tôi làm, gia đình đều không hay biết cho đến khi anh ấy bị bắt vì anh ấy rất kín tiếng. Lẽ ra anh Khánh đã tốt nghiệp tháng 7 vừa rồi và đi du học Philippines như dự định mà anh ấy nói với tôi”.


Phiên xử phúc thẩm vụ VN Pharma
Báo NLĐ có bài: Vụ VN Pharma: Tòa triệu tập, Cục trưởng Cục Quản lý Dược vắng mặt. Ngày 24/10, tòa đã cho mời đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và lãnh đạo Cục Quản lý Dược để làm rõ “nhiều vấn đề”, thế nhưng thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông Trương Quốc Cường “không có mặt”.

Được biết, lý do Tòa triệu tập đại diện Bộ Ngoại giao là để làm rõ Công ty Helix Canada là công ty “ma”, còn đại diện Cục Quản lý Dược được triệu tập nhằm làm rõ hành vi “tắc trách, thiếu trách nhiệm trong việc cấp phép cho nhập khẩu lô thuốc giả cũng như cấp phép hoạt động cho công ty ‘ma’ mà Võ Mạnh Cường trưng ra là bằng chứng mới”.

Báo VietNamNet có bài: Vụ  VN Pharma: Bộ Y tế, Công Thương, Ngoại giao trả lời thẩm vấn. Không ổn chút nào khi đại diện Bộ Y tế cho rằng, Bộ này chỉ cần xem hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, mà không cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó có thật hay doanh nghiệp “ma”. Lý do Bộ Y tế đưa ra là, “chúng tôi làm theo quy trình để đơn giản hóa thủ tục hành chính”! Hậu quả của làm theo “quy trình” là không phát hiện ra công ty “ma” Helix Canada.

Báo Lao Động có bài: Nguyên Chủ tịch VN Pharma bị bắt tại tòa: Việc bắt giữ không sai, tòa án hoàn toàn có quyền. Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: “theo luật, việc bắt giữ này là không sai và tòa án hoàn toàn có quyền làm việc này”.


Vụ biệt phủ Yên Bái
Báo Soha có bài: 9 phát ngôn của ông Phạm Sỹ Quý về “biệt phủ” trước khi có kết luận thanh tra. Điển hình là phát biểu với Báo GDVN ngày 07/6/2017, ông Quý nói: “Huệ đúng là vợ tôi, nhưng đất không phải của tôi…

ông Quý nói: “Huệ đúng là vợ tôi, nhưng đất không phải của tôi…”.  Ảnh: internet

Chắc lo sợ “tiếng súng Yên Bái”, Cục trưởng Đạt chuyền bóng sang chân địa phương: Nếu Yên Bái xử không nghiêm, nương nhẹ sẽ không được với Thanh tra CP? Ông Đạt còn khẳng định: “Theo tôi được biết, chắc chắn UBND tỉnh Yên Bái sẽ xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật với các sai phạm của cá nhân, tập thể trong vụ việc này. Còn tôi cũng nói rõ, nếu tỉnh không xử lý nghiêm túc, nương nhẹ thì chắc chắn sẽ không được với Thanh tra Chính phủ và chúng tôi sẽ phải có ý kiến, bởi kết luận đã nêu rất rõ ràng các sai phạm, vi phạm“.

Hình như ông Đạt bị bệnh đãng trí, nên không còn nhớ bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, là chị ruột ông Phạm Sỹ Quý, mà ông giao vụ này cho địa phương rồi đòi Yên Bái xử nghiêm? Chị Trà sẽ xử cậu Quý nghiêm? Ông Đạt mơ đi nhé!


Vụ “bôi nhọ” cái đít nồi
Báo NLĐ có bài: Vụ bác sĩ Truyện: Quyền lực và sự sợ hãi. Mặc dù có quyền lực vô biên, nhưng khi sự thật bị phơi bày thì kẻ có quyền lại sợ như chuột. Sợ quyền lực, sợ sự thật là căn bệnh đã lây lan trong hàng ngũ quan chức Việt Nam thời nay, không còn phân biệt phải, trái, đúng, sai nữa.

Bài trên báo Thanh Niên: Bác sĩ bị tấn công thì không bảo vệ, góp ý Bộ trưởng thì ‘đè’ ra kỷ luật. Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu QH đoàn TPHCM, cựu Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đặt vấn đề về cách ứng xử ngành y tế: “Khi bác sĩ bị tấn công, điều dưỡng bị hãm hiếp… phản ứng rất chậm, còn thông tin phản ánh, góp ý đến Bộ trưởng lại phản ứng rất nhanh“.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Sợ mạng xã hội và thích bưng bôBác sĩ lên phây búc nói ‘Mụ ni nên nghỉ là vừa’, lập tức những bộ óc vĩ đại, những cơ quan trung ương một chánh mà 6 phó phụ việc, những trí huệ siêu việt tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, lập tức vào cuộc với tốc độ tên lửa, với lý do phải giáo dục bác sĩ, quyết phạt cho mày chừa… Không biết từ lúc nào, quan chức bỗng dưng sợ mạng xã hội, sợ người ta biết cái bản mặt thật của mình. Không biết từ khi nào, những cái bô càng lúc càng vĩ đại hơn”.

Nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh có bài: Xót xa cho thân phận “trí thức Việt Nam XHCN”. Tác giả nói rằng, khi đọc lá đơn của bác sĩ Hoàng Công Truyện, cho thấy nhiều điều, “cái gọi là dân chủ, tự do… chỉ là món bánh vẽ ngày càng bị chà đạp trắng trợn và bất chấp mọi sự phản ứng của dư luận“, “cả một bộ máy đều toàn là những ‘trí thức XHCN’ mà hèn hạ đến mức độ khiếp nhược, đến cùng quẫn trong sợ hãi mà kỷ luật“.

Tác giả nhận định: “Khi nói thật có bằng chứng, dẫn chứng  hẳn hoi, không sai sự thật thì điều đó phải được hiểu là nói thật… Chỉ có điều là sự thật của đảng và nhà nước là xấu xa, nên nói thật thì người ta hiểu ra rằng đảng và nhà nước rất xấu mà thôi”.


Về ĐBQH Phan Thị Mỹ Thanh
Báo Lao Động có bài: Bà Phan Thị Mỹ Thanh nói gì về việc cử tri yêu cầu bãi nhiệm tư cách ĐBQH? Trước đề nghị bãi nhiệm của cử tri, bà Thanh cho biết, “đó là quyền của cử tri. Khi cử tri nói như vậy là thể hiện tinh thần trách nhiệm của cử tri với cái chung. Làm lãnh đạo thì sẽ có sai sót, nhưng sai thì sửa, đó là tất yếu“. Khi được hỏi, liệu bà Thanh có xin lỗi cử tri hay không, bà nói: “Khó trả lời, thực ra cái sai này chủ yếu là về công việc hành chính, xử lý hành chính thôi”.

Báo VietNamNet có bài: Phó bí thư Đồng Nai Mỹ Thanh: Sợ sai thì không làm được gì hết. Theo bà Thanh: “Trong quá trình làm tôi không bao giờ sợ sai, nếu sợ thì làm sao dám mạnh dạn thực hiện công việc… Nói không sợ sai thì không đúng, nhưng quá sợ sai thì không làm được gì hết. Phải mạnh dạn làm trên cơ sở lấy ý kiến của tập thể rồi từ đó phân tích vấn đề”.


Vụ nứt hầm Hải Vân
Facebooker Lê Dũng Vova cho biết: áp lực đè từ nóc và thành vách hầm đã vượt giới hạn chịu lực khiến vách bê tông bị nứt giãn. Theo ông Dũng, hiện tượng này sẽ tiếp tục tiến triển vì vách hầm đã bị nứt phá, sắp tới nước có thể sẽ thấm loang nhiều qua các khe nứt. Khi bị nước thấm vào thì sẽ làm gỉ sắt thép, làm cho vết nứt lan lên khu vực trên cao của vách và nóc hầm.

Ông Dũng kêu gọi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý sự cố, tạm thời đóng cửa hầm. Còn người dân nên đi đường đèo Hải Vân, tránh đi qua hầm trong thời điểm này.

Báo Soha có bài: Hàng loạt vết nứt xuất hiện, đơn vị quản lý vẫn nói hầm Hải Vân an toàn? Vết nứt rộng tới 3cm, nhưng ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả vẫn cho rằng: “những vết nứt này xuất hiện đã lâu và ổn định chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho kết cấu và người tham gia giao thông.”

Vết nứt chằng chịt khiến người đi đường lo ngại. Ảnh: Cao Thái/ VNN


Võ Đình Thường: Bất thường?
Báo Thanh Niên có bài: Vụ phó phòng CSGT từng bị kỷ luật ra khỏi ngành CSGT: Không hay và nhạy cảm! Ông Hoàng Vũ An, cựu Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho rằng: “Đã có sai phạm trong quá trình công tác tại phòng CSGT mà giờ lại về phòng này giữ chức vụ cao hơn thì không hay, rất nhạy cảm. Sai thì chả sai nhưng về tâm lý không hay lắm”.

Còn ông Trần Đình Thu, cựu Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “trường hợp ông Võ Đình Thường nếu từng bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng CSGT giờ lại được bổ nhiệm làm Phó phòng CSGT thì đó là chuyện tôi chưa hề nghe thấy và bất thường”.

Chỉ có ông ông Huỳnh Văn Hồng – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai là “chưa nhận được thông tin để phải xem xét ở góc độ kiểm tra.”

Ảnh: RFA


Bê bối phân bón giả Thuận Phong
Nhà báo Bạch Hoàn cho biết: Cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong về hành vi “sản xuất, kinh doanh phân bón giả và khởi tố bị can đối với lãnh đạo công ty này“.

Bà Hoàn cho rằng, nếu chính quyền không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong về hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả sẽ là “một minh chứng không thể rõ hơn về một nền tư pháp tồi tàn và thứ người ta vẫn gọi là công lý thực ra chỉ là một trò hề kệch cỡm”.

Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Cuốn theo chiều gió. Ông Ấn cho biết, vụ án được 6 Bộ, ban ngành “bắt quả tang tại chỗ” cùng kết luận giám định của Trung tâm Kỹ thuật đo lường 3 cũng đã thống nhất đây là “phân bón giả”, nhưng đã kéo dài hơn 2 năm rưỡi và phải lên đến cấp cao nhất của Chính phủ để chỉ đạo xử lý. Ông Ấn đề nghị: “Phải xem ai ‘chống lưng’ cho công ty này và đưa ra ánh sáng!”

Đồng Nai: Trên ăn, dưới uống
Báo Thanh Niên đưa tin: ‘Luật ngầm’ trên sông: Xem xét sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm. Về vụ “Luật ngầm” trên sông, ông Võ Văn Hòa, Phó phòng CSGT đường thủy – Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Phòng đã báo cáo lên Ban giám đốc Công an tỉnh. Quan điểm là sai đến đâu, xử lý nghiêm đến đó, không bao che sai phạm”.

Còn ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Đồng Nai cũng nói: “Quan điểm là sai đến đâu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đến đó“. Lạ ha, câu này là “thần chú” của lực lượng Công an Việt Nam hay sao mà ở đâu cũng chỉ có một giọng như vậy?

Được giải oan sau … 28 năm!
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Xin lỗi 3 mẹ con bị oan trong ‘Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin’. Tóm tắt vụ việc như sau: Năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng được tìm thấy dưới giếng. Năm 1990, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) tuyên phạt vợ ông, bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo. Hai con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị tòa buộc tội giết cha, nhận án 18 và 12 năm tù. Đến tháng 1/1992, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và ông Dương sau 28 tháng tạm giam.

Sau gần 30 năm mang án oan, ngày 24/10/2017, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức buổi xin lỗi công khai 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga. Điều đáng tiếc là ông Trịnh Công Hiến đã chết, bà Nga nay cũng 80 tuổi. Ông Dương cho biết: “Nỗi oan ức đã giết chết anh trai tôi, huỷ hoại cả cuộc đời các em tôi. Bản thân tôi suốt 28 năm qua sống cũng như chết, luôn mang theo mình nỗi ám ảnh, sợ sệt mà tôi phải chịu trong thời gian bị giam…

Báo VTC có video clip về vụ việc: “Hai anh em mang thân phận bị can oan, một người giờ đã mất với hình xăm trên người ‘hận đời oan trái’… một người phải bỏ xứ về Hà Nội và luôn ám ảnh vì sợ bị bắt bất cứ lúc nào nên luôn mang trong mình tờ giấy quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giam cho đến ngày được minh oan“.


Vụ án Đoàn Thị Hương
VOA đưa tin: Đoàn Thị Hương bị đưa đến hiện trường vụ ám sát Kim Jong Nam. Hai nữ nghi phạm trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam bị đưa ra sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nhằm tái hiện lại toàn bộ các sự kiện diễn ra trước, trong và sau vụ án mạng. Hãng tin Reuters trích lời ông Gooi Soon Seng, luật sư của nữ nghi phạm Siti Aisyah nói rằng “việc quay lại hiện trường là một bước cần thiết để kiểm chứng môi trường xung quanh và địa điểm nơi viện công tố cho là đã xảy ra vụ giết người”.



Tin quốc tế

Chính trường Trung Quốc
BBC có bài: Ông Tập: ‘Lãnh đạo quyền lực nhất TQ’ sau ông Mao. Tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản tin Tân Hoa Xã, viết: “Đại hội nhất trí đồng ý, đưa Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, cùng với Chủ nghĩa Mác- Lê-nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng ‘Ba đại diện’ và Quan điểm Phát triển khoa học là kim chỉ nam hành động của Đảng”.

Việc thay đổi điều lệ đảng sẽ đưa ông Tập Cận Bình lên ngang hàng với nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông. Ảnh: Reuters


RFI có bài phỏng vấn với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine, Hoa Kỳ: Trung Quốc: “Tư Tưởng Tập” sẽ khó xuất khẩu hơn “Tư Tưởng Mao”. GS Long nhận định: “Bây giờ, lẽ dĩ nhiên là những nước còn đang bị đảo điên, và những nước không muốn có dân chủ vì họ nghĩ rằng dân chủ mang lại tình trạng không có hay thiếu an ninh trong nước…, có khuynh hướng độc tài hơn. Nhưng tôi nghĩ không phải vì thế mà người ta nghĩ đến việc nhập khẩu cái chủ nghĩa, hay là cái tư tưởng Tập Cận Bình, vì đây là một cái tư tưởng ‘đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài’, rất nguy hiểm, mang lại bất an ninh cho thế giới”.

RFA có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa: Mâu Thuẫn Cơ Bản Của Trung Quốc. Ông Nghĩa nhận xét: “Trong năm năm lãnh đạo đã qua, Tập Cận Bình muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong. Ông chỉ thành công về chính trị là tập trung quyền lực vào trong tay mình. Bây giờ, ông đang đối diện với mâu thuẫn cơ bản mới là kinh tế hết tăng trưởng mạnh như trong 30 năm đầu của thời cải cách mà đảng vẫn phải xây dựng được một xã hội hài hòa, không có quá nhiều dị biệt về lợi tức và nhận thức”.

RFI đưa tin: Người “mất tích” cuối cùng vì làm sách về đời tư lãnh đạo TQ được thả. Chính quyền Thụy Điển hôm 24/10/2017, thông báo: “Bắc Kinh đã trả tự do cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển gốc Hoa làm việc cho nhà xuất bản Mighty Current ở Hồng Kông, chuyên in những cuốn sách nói về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc, là một trong năm người ‘mất tích’ trước đây”.

Về dân chủ Hong Kong, Hai nhà hoạt hoạt động trẻ Hong Kong được tại ngoại. RFA dẫn quyết định của tòa án Hồng Kong “đồng ý cho hai nhà tranh đấu Hoàng Chí Phong và La Quán Thông được tự do tạm, trong thời gian chờ đợi xử phúc thẩm về tội tổ chức cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ, hồi năm 2014”.

Tình hình nước Mỹ
Báo Người Việt có bài: TT Trump tiếp tục ‘đấu twitter’ với thượng nghị sĩ Cộng Hòa. Trong cuộc đối đáp với lời lẽ nặng nề qua Twitter, Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Ba nói rằng: “Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Corker không đủ khả năng để ứng cử ngay cả cho ‘công việc bắt chó’, khiến ông Corker đáp trả rằng ông Trump ‘vô cùng gian dối’.”

Các cựu quan chức tình báo Mỹ kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục theo dõi tình báo qua mạng. VOA cho biết, các cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, và một cựu Bộ trưởng Tư pháp, kêu gọi “Quốc hội cho phép chương trình được vận hành trở lại và tiếp tục cho phép giới tình báo bảo vệ quốc gia”.

VOA đưa tin: Thống đốc vận động ngưng trục xuất di dân. Thống đốc bang New Hampshire, Chris Sununu, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump “ngưng nỗ lực tìm cách trục xuất 69 tín đồ Công giáo gốc Indonesia, những người bỏ nước chạy lánh nạn 20 năm trước tới Mỹ định cư bất hợp pháp”.

VOA đưa tin: Tướng Mỹ: ‘vụ bốn lính Mỹ thiệt mạng tại Nigeria cần được điều tra nhanh và chính xác’. Đại Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford nói chuyện với các phóng viên: “Chúng ta đã mất bốn người Mỹ trong sự cố này, và hai người khác bị thương, điều đó làm tôi cảm thấy đau lòng. Chúng ta phải khẩn trương xác định chính xác những gì đã xảy ra, phải tường trình cho gia đình và người dân Mỹ biết chính xác những gì đã xảy ra”.

VOA có bài về câu chuyện con lai ‘Thiên Thần’ của một cựu binh Mỹ. Chuyện kể: “Cuộc đoàn tụ diễn ra đầu tháng này khi bà Chút lần đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ để gặp lại người đàn ông mà nay đang nằm trên giường bệnh và hô hấp qua ống trợ thở, với cô con gái của họ, Nguyễn Thị Kim Nga – nay đã 48 tuổi, bay từ Nebraska tới trước đó để đoàn tụ với bố mẹ mình”.

VOA đưa tin: New York điều tra ‘ông trùm Hollywood’ Harvey Weinstein. Tổng chưởng lý bang New York, Eric Schneiderman, ngày 23/10, loan báo “mở cuộc điều tra dân sự đối với công ty The Weinstein sau các cáo buộc quấy nhiễu và tấn công tình dục chống lại đồng sáng lập viên, nhà sản xuất phim Hollywood, Harvey Weinstein”.

VOA đưa tin: Huân chương cho cựu chiến binh Việt Nam tham gia ‘Chiến dịch Đuôi gió’. Tổng thống Donald Trump vừa trao huân chương danh dự cho một bác sĩ quân đội về hưu: “Cựu Đại úy quân đội Gary Rose lao vào lằn đạn kẻ thù, để giải cứu và chữa trị vết thương cho hàng chục đồng đội trong một chiến dịch đặc biệt của lực lượng bí mật vào tháng 11/1970 chống lại lực lượng Bắc Việt trong rừng nhiệt đới Hạ Lào gọi là ‘Chiến dịch Đuôi gió’.”

RFI có bài: Thực tế sinh học về bản năng làm mẹ.Theo kết quả nghiên cứu được Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ công bố, các nhà khoa học kết luận rằng: “Những kết quả này cho thấy phản hồi của người mẹ trước tiếng khóc của trẻ con đã được lập trình trong não và điều này giống nhau cho toàn bộ các nền văn hóa”.

Tin châu Á
VOA đưa tin: Đến Trung Quốc, Trump sẽ áp lực vấn đề Triều Tiên. Các giới chức chính quyền Trump cho biết, mục tiêu chính của ông Trump trong chuyến công du Châu Á lần này là “cô lập thêm Triều Tiên và sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống lại Triều Tiên”.

RFI có bài: Mỹ-Nhật-Hàn: “Bắc Triều Tiên là mối họa lớn chưa từng có”. Bộ trưởng Quốc Phòng ba nước đã đưa ta tuyên bố như trên sau cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines.

BBC đưa tin: Mỹ gây sức ép với Myanmar vì khủng hoảng Rohingya. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, “sẽ tạm ngừng hỗ trợ quân sự, và dọa có thể có trừng phạt kinh tế”. Thêm tin: Rohingya: Washington gia tăng trừng phạt quân đội Miến Điện (RFI). – Hoa Kỳ có biện pháp đối với quân đội Myanmar về cuộc khủng hoảng Rohingya (RFA).

RFI có bài phân tích: Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình cho các nước giàu? Dẫn nguồn từ báo Le Figaro, cho biết: “Khai thác tối đa lá bài toàn cầu hóa, Nhật Bản là mô hình đối hẳn với tư tưởng dân túy về kinh tế của Donald Trump. Rất tự hào về nền văn hóa của mình, Nhật Bản đã hiểu rằng, cần phải thay đổi tất cả để duy trì được mọi thứ như trước”.

Mỹ – Nga đụng độ tại Phi: Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Philippines. VOA đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Jim Mattis đã đến Philippines và gặp Tổng thống Rodrigo Duterte hôm thứ Ba 24/10, cùng thời điểm 5 tàu chiến Nga đang neo đậu ngoài khơi Philippines, khi “Moscow đang chuẩn bị chính thức bàn giao hàng ngàn khẩu súng trường, cùng đạn dược và 20 xe tải quân đội trong một buổi lễ vào thứ Tư 25/10“.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm thứ Ba 24/10/2017. Nguồn: AP

RFA có bài: Hoa Kỳ ý kiến về quan hệ Philippines với Nga và Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Sung Kim nói với báo giới: “Hoa Kỳ không quan ngại về chuyện Nga và Trung Quốc cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Philippines”. 

RFA có bài: Australia sẽ huấn luyện quân đội Philippines. AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết, “các lực lượng phòng vệ của Úc sẽ sớm huấn luyện về các kỹ năng chiến đấu trong đô thị cho lính bộ và lính thủy đánh bộ Philippines tại các căn cứ quân sự Phi”.

Châu Âu
RFI đưa tin: Nga: Một phóng viên bị hành hung ngay giữa ban biên tập. Vụ việc, xảy ra ngay giữa buổi họp ban biên tập, được biết là hay chỉ trích điện Kremlin, khi một người lạ mặt tấn công cô Tatiana Felguengauer, bằng dao, làm cô hôn mê. Cô Felguengauer là người dẫn chương trình phát thanh buổi sáng của đài ʺTiếng vọng Matxcơvaʺ. RFI cho biết, “đối với các phóng viên của đài, vụ tấn công này là hậu quả của bầu không khí thù hằn mà chính quyền và giới truyền thông nhà nước nuôi dưỡng”.

VOA dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson, cho biết: Anh chắc chắn thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tồn tại, cho dù Mỹ đã quyết định không tái xác nhận thỏa thuận đó.

RFI đưa tin: Pháp-Ai Cập: An ninh, thương mại được ưu tiên so với nhân quyền. Tin cho biết, “Vấn đề nhân quyền cũng được đề cập đến, nhưng cũng như trước đây, sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Paris và Cairo”.


Trung Đông
VOA đưa tin: Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thăm Pakistan, Afghanistan. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson công du Pakistan nhằm “củng cố thông điệp của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng Pakistan cần hành động quyết liệt hơn đối với Taliban và các nhóm phiến quân khác đặt căn cứ tại nước này”. Chống khủng bố: Ngoại trưởng Mỹ đi Pakistan và Ấn Độ (RFI).

Tổ chức Hồi giáo giết hại thường dân: Đang thất thế, Daech sát hại trên 100 thường dân Syria. RFI cho biết, “Cơ quan quan sát nhân quyền Syria (OSDH) nói rằng có 116 người chết, hãng thông tấn Reuters đưa ra con số 128 nạn nhân. Tất cả đều là thường dân, bị cáo buộc là đã cộng tác với quân chính phủ. Theo OSDH, họ bị bắn chết hoặc bị đâm chết”.

-------------------------------------------

Bài Mới Nhất
25/10/2017
25/10/2017
25/10/2017
25/10/2017
25/10/2017
25/10/2017
24/10/2017
24/10/2017
24/10/2017
24/10/2017








No comments: