Mai Bá Kiếm
Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017
Từ tháng 6 -10/1973, tôi học ở Trường Sinh ngữ Quân
đội Gò vấp, rồi sang Mỹ học bay. Lúc đó, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại
Việt Nam - MACV (The US Military Assistance Command, Vietnam) đã rút về nước,
giao doanh trại cho Không quân VN, SVSQ tụi tôi được vào ở các barrack của
MACV, mỗi thằng nằm một giường nệm 2 tấm dày 2 tấc rưỡi, ngủ máy lạnh sướng
rên. Khu MACV rộng lớn, nằm giữa 2 đường Bạch Đằng và Phạm Văn Đồng bây giờ, chạy
dài từ sân golf Gò Vấp vào gần đến ga hàng không, bên phải đường Bạch Đằng là
doanh trại của Tiểu đoàn 2 công vụ (gác vòng đai phi trường).
Dạo đó, tụi tôi thường chạy xe máy sang trại Davis
Camp (nằm trên đường Cộng Hòa bây giờ - đối diện với Sư đoàn Dù) của Mỹ bàn
giao lại VNCH, là nơi ở của hai phái đoàn đại biểu quân sự Bắc Việt (VNDCCH) và
Việt Cộng (CHMNVN) để xem. Có 2 bộ đội mặc quân phục mới toanh mà rộng thùng
thình, bồng súng AK đứng nghiêm ở 2 bên cổng, mắt liếc nhìn tụi tôi trong khi
cái đầu không cử động. Tôi thấy rất lạ là 2 phái đoàn này dù ở doanh trại Mỹ quá
tiện nghi và ăn uống phủ phê, thế mà ở các dãy sân trống giữa 2 barrack, quân Mỹ
trồng cỏ nhung xanh mượt, vậy mà họ cuốc lên giồng, trồng khoai lang, khoai mì,
rau xanh và bụi chuối. Tôi nghĩ màn diễn “tăng gia sản xuất” trong lòng đất địch
này phải do các tướng tá chỉ huy 2 phái đoàn này chỉ đạo, chứ không xuất phát từ
thói quen “nông dân cải thiện” của bộ đội.
Rồi 30/4/1975, tôi - một tân phi công mới về nước,
trở thành bên thua cuộc. Và, những anh bộ đội tạm cư trồng trọt ngày nào đã trở
thành chủ nhân phi trường Tân Sơn Nhất, với 1.530 ha đất, như là một chiến lợi
phẩm, nên việc tăng gia sản xuất trên mãnh đất nhỏ Davis Camp trở thành màn diễn
ước lệ lỗi thời! Rồi, 42 năm sau, diện tích phi trường bị chiến thuật “lấn gia
cư da beo”, nên chỉ còn 850 ha. Cuối cùng, phần đất trống ở phía bắc phi trường,
rộng 157 ha, được giao nốt cho Him Lam để trồng cỏ nhung làm sân golf và biệt
thự, nhà hàng… Sân golf chỉ là giọt nước tràn ly, chứ không phải nguyên nhân
làm Tân Sơn Nhất quá tải và ngập lụt.
Trước năm 1975, ngoài tường rào phi trường là vùng đệm
cách ly, ở phía Tây Nam phi trường là Bộ tư lệnh và trường huấn luyện Sư đoàn
dù (ranh giới là đường Cộng Hòa bây giờ). Phía Tây Bắc là ruộng lúa chạy ra sát
quốc lộ 22 (Trường Chinh). Phía Đông phi trường là vùng đất rẫy chạy ra gần sát
đường Quang Trung. Hệ thống thoát nước mưa trong phi trường toàn là các mương hở
dẫn ra các ruộng lúa phía Tây Bắc, dẫn về các ao trữ nước trong Sư đoàn dù (đường
Hoàng Hoa Thám), dẫn ra cầu Hoàng Văn Thụ (gần BV ĐK Tân Bình, bây giờ đã lắp
bít) để đổ ra kênh Nhiêu Lộc. Từ cổng Phi Long, mương hở dẫn ra đến trước Bệnh
viện 3 Dã chiến Hoa Kỳ (đường Công lý). Mương hở trong phi trường cũng dẫn về
các kinh hở bê tông ở Gò Vấp. Thế mà, đất vành đai vừa trữ nước, vừa thoát nước
đã bị “đô thị hóa” nhanh chóng bởi 3 quận Tân bình, Gò vấp, 12, với những hãng
xe hơi rộng bát ngát, siêu thị, vựa kiểng, siêu thị, khu dân cư.… Bên trong tường
rào Tân Sơn Nhất, quân đội phân lô cấp nền cho nội bộ, hoặc cho tư nhân thuê
dài hạn làm nhà hàng, khách sạn, sân bóng. Khu dân cư xây dựng vô sâu trong 2 cổng
phía Nam là Phi Long và Huỳnh Hữu Bạc. Vùng đệm ở phía Tây là Sư đoàn Dù trở
thành khu dân cư lấn qua khỏi đường Cộng Hòa (ranh giới của phi trường) vô sát
khu vực nhà ga trực thăng, thậm chí một sân tập golf nằm sát với taxiway (đường
lăn) ở P.15 Tân Bình. Phi trường bị các khu dân cư bao vây khép kín đã chặn bớt
hệ thống thoát nước phi trường và làm các cửa vào phi trường bế tắc giao thông.
Tân Sơn Nhất 1968
Tân Sơn Nhất hiện tại
Nhưng điều khốn nạn nhất khiến không còn đất để mở
thêm nhà ga quốc tế và nội địa là quân đội cho “dân cư hóa” ở dọc đường Trường
Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Cống (là đường vành đai phi đạo và nhà ga
hàng không trước 1975). Khu MACV của Mỹ, khu Trường huấn luyện Sư đoàn 5 Không
quân nằm cận kề với khu nhà ga cũ, nay đã biến thành “Liên hiệp quán nhậu chó
chặt và bia hơi Hà nội”. Quán Cây Sung, Bún đậu Hồng Hà, Làng nướng BBQ, Công
ty Pepsico Sài gòn 2… đáng lẽ là nơi xây nhà ga mới thuận tiện nhất (hẽm A75 và
B22 Bạch Đằng). Nếu thu hồi được 157 ha sân golf thì chỉ mở thêm được phi đạo
thứ ba (tăng công suất cất hạ cánh) và mở thêm parking lot (máy bay đậu chờ),
chứ ở phía bắc phi đạo không thể mở thêm nhà ga (vì rất khó nối kết với nhà ga
hiện ở phía nam phi đạo – nếu bằng sky-train thì vướng máy bay cất hạ cánh, nếu
bằng metro ngầm thì vướng nền hạ của 3 phi đạo).
Các phi trường quốc tế đều có 4 nhà ga (terminal) gồm
2 ga nội địa (domestic) và 2 ga quốc tế (international) đến (arrival) và đi
(departure). Ở Hongkong, Tokyo… mỗi nhà ga có tối thiểu 60 cửa lên (xuống) máy
bay (boarding gate). Tổng cộng 160 cửa, nhưng ở Tân Sơn Nhất chỉ có 19 cửa đến
và đi nội địa và 12 cửa và 8 cầu lồng đôi đến và đi quốc tế.
Lý do, Tân Sơn Nhất không còn đất xây thêm nhà ga,
vì các quán thịt chó chặt đã chiếm hết!
Dù có đòi được sân golf, thì Tân Sơn Nhất cũng què
quặt, chẳng bao giờ thành phi trường tầm cỡ quốc tế. Vì vậy, tôi tiếc thương
cho thực dân Pháp từ thập niên 1920 đã bỏ công chọn vùng đất cao nhất Sài gòn
(cao độ 33ft = 10 mét) để xây phi trường mà bây giờ phải chịu ngập nước! Tôi tiếc,
Tân Sơn Nhất không bị đồi núi cản trở, không gió lớn, không mây mù kéo dài,
không mưa dầm, không bão tuyết, mật độ không khí và áp khí lý tưởng cho máy bay
cất cánh và hạ cánh (29,92 inches thủy ngân). Một năm có 10 tháng gió thổi từ
Tân bình sang Gò vấp, máy bay phải đáp và cất cánh từ Gò vấp, chỉ có 2 tháng
trước sau Tết nguyên đán là gió ngược lại, thành ra phi công không khó khăn gì
khi đi và đến điểm entry và exit!
Sân bay có hai phi đạo song song, gồm phi đạo
07L/25R dài 3.048 m rộng 45m và phi đạo 07R/25L dài 3.800m rộng 50m là hard
–runway (100% bê tông) bằng tiêu chuẩn của phi trường Mỹ. Từ năm 1945, Hiệp hội
Vận chuyển Hàng không Quốc tế - IATA (International Air Transport Association)
đặt mã danh (tện miền) cho phi trường Tân Sơn Nhất là SGN căn cứ vào nơi nó tọa
lạc là Sài gòn (giống mã phi trường Suvarnabhumi (Bangkok) là BKK, mã phi trường
Hongkong là HKG, mã phi trường Ninoy Aquino (Manila) là MNL). Sau 1975, Sài gòn
đổi thành Hồ Chí Minh, nhưng IATA không đổi mã danh SGN. Nếu Tân Sơn Nhất bị
xóa sổ khi phi trường Long Thành xây xong giai đoạn 3 vào năm 2050, thì IATA phải
cấp cho Long Thành mã danh mới bắt đầu bằng LT… và xóa mã SGN sau 105 năm thân
quen trong ngành hàng không quốc tế. Buồn không?
----------------------------
No comments:
Post a Comment