Friday, February 26, 2016

BAO GIỜ NƯỚC MỸ CÓ TÂN THẨM PHÁN TỐI CAO PHÁP VIỆN ? (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, February 25, 2016 7:04:13 PM 

Khoảng 2 giờ trưa Thứ Ba, 23 Tháng Hai 2016, sau khi dùng bữa cơm hàng tuần với các đồng viện cùng đảng, ông Chủ Tịch Khối Ða Số Mitch McConnell cùng với dàn lãnh đạo Cộng Hòa Thượng Viện xuất hiện trước báo chí trong cuộc họp báo để trình bày “những vấn đề mọi người muốn biết.”

Như thường lệ, vị thượng nghị sĩ quyền uy của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ đi ngay vào điều ông muốn nói, và thông điệp trong ngày của ông là lời nhắn gửi vị tổng thống Dân Chủ đang điều khiển guồng máy lãnh đạo quốc gia: hành pháp có quyền đề cử người vào Tối Cao Pháp Viện, nhưng cứu xét hay không cứu xét là quyền của Thượng Viện.

Ðã mười ngày trôi qua kể từ khi ông Thẩm Phán Antonin Scalia đột ngột từ trần, chuyện Thượng Viện Liên Bang có cứu xét người được tổng thống chọn thay thế hay không là điều gây tranh cãi trong chính trường. Về mặt Hiến Pháp, tổng thống có trách nhiệm và toàn quyền làm điều đó, nhưng cũng theo Hiến Pháp, người được tổng thống đề cử phải được Thượng Viện chấp thuận bỏ phiếu thông qua. Thủ tục ở Thượng Viện cũng chẳng rườm rà: người được đề cử sẽ được mời ra điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp, trả lời những câu hỏi các nghị sĩ thành viên của ủy ban đặt ra trước khi ủy ban sẽ bỏ phiếu. Nếu được đa số ủng hộ.
Nhưng về mặt chính trị, chuyện hoàn toàn khác.

Chỉ ít giờ đồng hồ sau khi tin ông Thẩm Phán Scalia từ trần, Nghị Sĩ Chủ Tịch Khối Ða Số Mitch McConnell lên tiếng cho biết Thượng Viện sẽ không cứu xét lời đề cử của tổng thống, chờ đến sau ngày nước Mỹ có tân tổng thống rồi hẵn tính. Ý kiến đó được sự ủng hộ của các ứng cử viên Cộng Hòa đang dự cuộc đua 2016, nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ từ Tòa Bạch Ốc và những ứng cử viên Dân Chủ, trở thành một trong những đề tài hàng đầu của cuộc tranh cử lần này.

Phía Cộng Hòa ủng hộ ý kiến của Thượng Viện cùng đảng, phía Dân Chủ lên tiếng phản đối, cho rằng từ giờ đến ngày có tổng thống mới là 11 tháng, không có lý do gì để buộc người dân phải chờ đợi, cũng chẳng có điều kiện nào quy định Thượng Viện không hay không nên cứu xét đề cử trong năm người dân Mỹ đang chọn người lãnh đạo, cũng chẳng có quy định nào cấm cản không cho Tổng Thống Barack Obama để cử người ông chọn vào Tòa Tối Cao, trám chỗ của cố Thẩm Phán Scalia.

Tranh cãi này không chỉ thể hiện qua những lời phát biểu mà còn thể hiện bằng cả văn bản. Trong thư gửi cho ông chủ tịch khối đa số (sau đó được phổ biến cho báo chí), các vị nghị sĩ Cộng Hòa trong Ủy Ban Tư Pháp viết rằng, “(chúng tôi) xin thông báo cho ông rõ là chúng tôi sẽ dùng quyền Hiến Pháp quy định để không cứu xét những ai sẽ được vị tổng thống (đương nhiệm Barack Omaba) đề cử vào chức thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, trám chỗ của ông Thẩm Phán Scalia.” Lá thư giải thích thêm, “Vì quyết định của chúng tôi dựa vào quy định căn bản của Hiến Pháp và cũng để bảo vệ ước muốn của người dân Hoa Kỳ, Ủy Ban Tư Pháp sẽ không cứu xét lời đề cử (tân thẩm phán Tối Cao Pháp Viện) cho tới sau khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng 2017.”

Ngược lại, thông cáo do văn phòng ông Trưởng Khối Thiểu Số (Dân Chủ) Harry Reid đưa ra cho rằng điều cánh đa số Cộng Hòa làm không chỉ được ngược với Hiến Pháp “mà còn cố ý nhắm vào mục đích coi rẻ quyền lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama.” Thư cũng có đoạn viết rằng trong những cuộc họp kín giữa nội bộ của các vị nghị sĩ Cộng Hòa “các đồng viện Cộng Hòa của tôi thường bày tỏ thái độ không hài lòng với đường hướng của đảng, nhưng họ chẳng bao giờ công khai lên tiếng nói điều đó chỉ vì họ lo ngại thành phần cực đoan đang điều khiển đảng lên tiếng chỉ trích,” trước khi kết luận bằng câu “các đảng viên Cộng Hòa cần phải suy nghĩ kỹ càng về sự thật này: nếu họ đi theo con đường vạch ra bởi thành phần lãnh đạo của đảng, chính họ cũng sẽ bị trách nhiệm vì đã đi ngược lại những điều căn bản của đảng Cộng Hòa.”

Ðương nhiên, Tòa Bạch Ốc cũng chẳng để yên. Nói với báo chí trong buổi họp báo chiều Thứ Tư, Tổng Thống Obama vẫn tin tưởng Thượng Viện Cộng Hòa sẽ cứu xét và bỏ phiếu chấp thuận người được ông đề cử. “Người được tôi chọn sẽ là một vị thẩm phán giỏi, một người xứng đáng để đảm nhận vai trò thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, và tôi nghĩ là Thượng Nghị Sĩ McConnell sẽ gặp khó khăn khi giải thích với dân chúng Hoa Kỳ là tại sao một người xứng đáng như thế lại không được chấp thuận chỉ vì những lý do chính trị.”

Cũng tại Tòa Bạch Ốc, ông phát ngôn viên Josh Earnest đưa ra lời chỉ trích nặng nề hơn, đại để cho rằng đảng Cộng Hòa “đã làm sai điều được ghi trong Hiến Pháp,” gọi cánh dân cử Cộng Hòa là tập thể “chỉ chống đối chứ không muốn bắt tay làm việc chung.”

Cũng cần nói thêm mặc dù Tòa Bạch Ốc chưa nói gì về danh sách những người sẽ được Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama phỏng vấn trước khi ông quyết định chọn ai làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nhưng đồn đãi chính trị ở thủ đô Washington D.C. cho rằng nhân vật sáng giá nhất trong danh sách các ứng viên chính là bà đương kim Tổng Trưởng Tài Chánh Loretta Lynch.

Những lời đồn đoán ghi nhận được đều nói nếu chọn bà Lynch, Tổng Thống Obama sẽ tạo nhiều lợi thế chính trị cho đảng Dân Chủ vì bà được mọi người kính trọng, kể cả giới luật gia Hoa Kỳ, được xem là một ủy viên công tố nghiêm minh, một vị quan tòa áp dụng luật pháp thật nghiêm nhặt và công bằng, không thiên vị, làm hài lòng cả giới bảo thủ lẫn cấp tiến. Bên cạnh những yếu tố vừa nêu, bà còn được ca ngợi là một người làm việc mẫn cán, mẫu mực, được sự kính trọng của các vị dân cử Cộng Hòa cũng như Dân Chủ.

Ông Tom Goldstein, một nhà phân tích chuyên quan sát hoạt động của Tối Cao Pháp Viện, “chọn bà Lynch sẽ giúp Tổng Thống Obama giải quyết tất cả những thắc mắc, nghi ngại của đảng Cộng Hòa và của cử tri Hoa Kỳ,” vì “những gì bà đã làm trong những chức vụ khác nhau trong ngành tư pháp xác nhận bà chẳng phải là người có tư tưởng cấp tiến hay bảo thủ, nhìn Hiến Pháp và luật pháp với con mắt của một luật gia chuyên nghiệp,” đồng thời nếu được tổng thống chọn, “bà Lynch sẽ là nữ thẩm phán da đen đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện, đẩy đảng Cộng Hòa tới chỗ phải đồng ý thông qua đề cử, vì nữ giới và da màu là hai tập thể bên Cộng Hòa đang nỗ lực vận động kiếm phiếu hầu có thể lấy lại Tòa Bạch Ốc và tiếp tục giữ khối đa số Thượng và Hạ Viện.”

Một nhà phân tích khác cũng nằm trong danh sách những người ủng hộ bà Loretta Lynch là ông Tim McCollum nhắc lại “cách đây chẳng bao lâu Tòa Bạch Ốc và cơ quan FBI đã mở cuộc điều tra trước khi tổng thống chọn bà làm tổng trưởng tư pháp” do đó “hầu như không phải tốn thêm thì giờ để mở cuộc điều tra trước khi tổng thống quyết định chọn bà làm thẩm phán Tòa Tối Cao.”



No comments: