Thursday, February 25, 2016

MỘT NGÀY NHIỀU NÉT VIỆT NAM CỘNG HÒA (Bùi Văn Phú)





25.02.2016

Thứ Bảy 20/2 vừa qua là một ngày có nhiều cựu quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ phương xa về San Jose hội ngộ, trong đó có ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi và cũng là bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Đức Cường, Tổng trưởng Phát triển Nông thôn Cao Văn Thân và Thứ trưởng Canh nông Trần Quang Minh.

Buổi sáng, một số khách phương xa khác gồm Giáo sư Đại học Oregon Vũ Tường, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và vợ là cựu giáo sư truyền thông Lê Phan – con gái của cố Thủ tướng Phan Huy Quát – đến từ London và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hành đến từ Sacramento đã cùng đoàn cựu quan chức đi thăm Việt Museum, tức Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa, trong Kelly Historical Park. Các vị khách đã được nhiều nhân sĩ đón tiếp và được cựu Đại tá Tiếp vận Vũ Văn Lộc hướng dẫn đi thăm một công trình do ông khởi xướng xây dựng từ hơn một thập niên qua.

Đến bảo tàng khách có thể tìm lại hình ảnh và di vật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từ bộ quân phục đến những tấm huy chương, khẩu súng. Từ di ảnh của những vị lãnh đạo miền Nam, di vật của tù cải tạo, mô hình Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà đến đài tưởng niệm những tướng lãnh và binh sĩ đã tuẫn tiết khi miền Nam rơi vào tay cộng sản ngày 30/4/1975.

Bảo tàng có con tàu vượt biển, có tranh ảnh về đời sống trại tị nạn và các di vật người vượt biển đã đem theo, để từ đó hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt và vươn lên trong mọi lãnh vực từ thương mại, truyền thông, giáo dục, tôn giáo đến chính trị với hai nghị viên trong hội đồng thành phố San Jose mà Nghị viên Nguyễn Tâm hôm nay cũng có mặt để chào đón khách phương xa.

Tác phẩm của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng.

Buổi chiều phái đoàn tham dự buổi ra mắt sách Nhìn lại Sử Việt thời cận hiện đại, 1945-1975 [Nxb Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015] của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng được tổ chức tại trụ sở của Khu hội cựu Tù nhân Chính trị Bắc California. Tại đây có mặt cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, chỉ huy trưởng Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo; cựu Đại tá Hải quân Trần Thanh Điền, cựu Trung tá Bùi Quyền, cựu Thẩm phán Di trú Phan Quang Tuệ, các Luật sư Hoàng Cơ Long, Lê Duy San cùng khoảng 200 khách.

Thay mặt cho khu hội, ông Mai Khuyên đã chào đón quan khách và điều khiển phần khai mạc chương trình với nghi lễ chào cờ Mỹ-Việt, phút mặc niệm các chiến binh đã hy sinh vì lý tưởng tự do, những người đã chết trên đường vượt biên, vượt biển và nghi thức niệm hương trước bàn thờ anh linh các chiến sĩ.

Giáo sư Vũ Tường, thuộc khoa chính trị học Đại học Oregon, đã giới thiệu tập sách của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, một tác phẩm đồ sộ, dày 743 trang, và là tập sau cùng trong bộ thông sử gồm 5 quyển, tổng cộng hơn 2500 trang.

Theo nhận xét của giáo sư, công trình này rất giá trị vì sử dụng nguồn tài liệu mới nhất và từ nhiều nguồn khác nhau nên tác giả đã vất vả xử lý để giữ được sự khách quan cần thiết về một giai đoạn lịch sử mới qua chưa lâu và có rất nhiều người đã trải qua mà nay còn sống.

Vụ Ôn Như Hầu 1946 khi Việt Minh giết người của Quốc dân Đảng mà theo tác giả tập sách còn có những nghi vấn về một tài liệu chưa biết do phe nào đưa ra để tạo mâu thuẫn giữa Pháp và Việt Minh. Quốc dân Đảng có thực sự là tác giả tài liệu đó hay an ninh của Võ Nguyên Giáp ngụy tạo để tìm cớ tiêu diệt người quốc gia? Theo Giáo sư Tường, đây là sự cẩn trọng của tác giả khi nêu ra những nghi vấn và sự kiện này cũng cần được nghiên cứu thêm.

Chính sách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm là những trì trệ, không giúp được nhiều cho nông dân. Chiến dịch tố cộng của chính quyền Tổng thống Diệm làm suy yếu hạ tầng cơ sở Việt Cộng nhưng cũng đã quấy rầy nhiều người chỉ vì bị nghi là cộng sản. Đó cũng là những khuyết điểm thời ông Diệm, theo ghi nhận của Giáo sư  Tường về nội dung của cuốn sách.

Các diễn giả: Ông Hoàng Đức Nhã, bên trái, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và Giáo Sư Vũ Tường (ảnh Bùi Văn Phú).

Về nguyên nhân đưa đến chiến tranh Việt Nam trong những năm của thập niên 1940, tác giả đề cập đến xung đột trong giới lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Hoa giữa Tưởng Giới Thạch và các tướng Trương Phát Khuê, Long Vân hay Lư Hán. Nhờ Trương Phát Khuê bất hòa với Tưởng mà Hồ Chí Minh bị bắt rồi được thả.

Sách cũng đưa ra luận điểm của nhiều phe, từ Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Hoa, liên quan đến chiến tranh Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Theo Giáo sư Tường, Sài Gòn không phải là tay sai của Mỹ và Hà Nội không phải là tay sai của Nga, Tầu và đã có những quyết định riêng, không muốn để cho các thế lực lớn ảnh hưởng. Như việc Đại sứ Mỹ Cabot Lodge muốn Cố vấn Ngô Đình Nhu ra đi nhưng ông Diệm đã không nghe theo, dù mấy tháng trước đảo chánh ông Nhu đã có ý định ra đi. Khi đại sứ Mỹ lên tiếng yêu cầu thì ông Diệm vì không muốn bị coi là bù nhìn nên đã có quyết định ngược lại. Tại miền Bắc, Liên Xô muốn lãnh đạo Hà Nội có chính sách phát triển kinh tế để dần dần thống nhất với miền Nam, nhưng Hà Nội không đồng ý và đã tiến hành chiến tranh bạo lực để thống nhất đất nước.

Giáo sư Tường nhận xét tác giả đã công bằng trong việc đánh giá nhân vật và những biến cố lịch sử và ông mong rằng có một ngày không xa sách này sẽ được dùng làm tài liệu để giảng dạy ở Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Nhã lên diễn đàn nói về những nỗ lực xây dựng quốc gia, tạo dựng nền dân chủ tại miền Nam trong những giai đoạn khác nhau, từ năm 1954 đến 63 là Đệ Nhất Cộng hòa, từ 1963 đến 67 quân đội nắm quyền và đặc biệt từ 1967 đến 75 của Đệ Nhị Cộng hòa là thời gian ông trực tiếp tham gia trong chính quyền.

Ông Vũ Văn Lộc, bên trái, hướng dẫn phái đoàn thăm Bảo tàng Việt Museum ở San Jose (ảnh Bùi Văn Phú).

Ông Nhã nêu ra những khó khăn phải đối đầu với chiến tranh nhưng các định chế dân chủ đã được xây dựng, có hiến pháp, hai viện quốc hội, tự do báo chí và ngày nào cũng có xuống đường biểu tình. Không vì chiến tranh mà chính phủ giới hạn báo chí không được viết cái này, cái kia. Chỉ cấm không được cổ động liên hiệp với cộng sản. Chương trình Chiêu hồi với 140 nghìn hồi chánh viên vì họ nhìn thấy sinh hoạt dân chủ của mình mà họ đã trở về. Đó là những điểm son.

Ông nhắc đến quyết định của lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa không tham gia hòa đàm Paris vào cuối năm 1968 là quyết định độc lập, không phải do bà Anna Chennault vận động ngầm để giúp cho Richard Nixon thắng cử. Cuối tháng 10/1972 ông Thiệu cũng không ký Hiệp định Paris dù có bị Hoa Kỳ ép vì có những điều khoản bất lợi cho tương lai của 17 triệu dân miền Nam.

Khi được hỏi về việc xây dựng dân chủ với Hiến pháp 1967 và cuộc bầu cử tổng thống năm đó với gần chục liên danh và liên danh của các ông Thiệu-Kỳ thắng cử, nhưng đến năm 1971 xảy ra độc diễn vì Tướng Dương Văn Minh, Tướng Nguyễn Cao Kỳ ra tranh cử, sau lại rút lui, rồi có tu chính Hiến pháp để ông Thiệu có thể tiếp tục ra tranh cử, thay vì giới hạn 2 nhiệm kỳ, để còn làm tổng thống nữa, như thế là dân chủ tiến lên hay thụt lùi? Ông Nhã nói nước mình có Hiến pháp thì phải tiến hành bầu cử theo Hiến pháp, chứ không thể bảo chỉ có một liên danh nên không cần bầu. Còn việc sửa Hiến pháp để tiếp tục làm tổng thống, ông cho đó chỉ là chuyện “thiên hạ đồn rằng”.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng lên nói chuyện, kể về nguyên do đưa đến việc học sử và viết sử vì ông muốn đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi mà trong thời gian đi học tập cải tạo ông được nghe nhiều, đó là: “Mình giỏi hơn nó mà sao mình thua?”

Quan khách chụp hình lưu niệm trước Bảo tàng Việt Museum (ảnh Bùi Văn Phú).

Trước năm 1975 ông Hùng đã theo học Đại học MIT ở Hoa Kỳ về ngành đóng tàu biển. Về nước làm việc, sau ngày 30/4/75 ông phải đi học tập cải tạo nhiều năm và trong thời gian này ông đã học tiếng Hán. Sau khi định cư ở nước ngoài và đi học trở lại, giữa chính trị học và sử học, ông chọn khoa sử và tốt nghiệp Đại học London. Bộ thông sử 5 tập của ông được viết trong vòng hai mươi năm.

Khi được hỏi Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương, tác giả cho biết vào những năm từ 1930 đến 1941 ông Hồ sống lây lất ở Moskova và vai trò của ông rất lu mờ. Tại đại hội quốc tế cộng sản khi đó, cầm đầu phái đoàn là Lê Hồng Phong, còn Hồ Chí Minh chỉ là dự khuyết, vì thế tác giả cho rằng việc Trung Hoa cho người giả làm ông Hồ là điều hơi lạ.

Khách tham dự, có người lên tiếng phản bác nhận định của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng khi cho rằng chính sách cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm là một thất bại. Theo vị khách, sau ông Diệm, đến thời ông Thiệu tiếp tục với chính sách người cày có ruộng đã đem đến cho nhiều nông dân quyền sở hữu ruộng đất. Nếu những chính sách đó không thành công thì sau 1975 đã có những màn đấu tố điền chủ, như thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong thập niên 1950 khiến hàng trăm nghìn người bị giết chết.

Còn ông Nguyễn Đức Cường cũng cho rằng chính sách cải cách ruộng đất của miền Nam là thành công, vì sau năm 1975, với chính sách hợp tác xã nông nghiệp thất bại thì mười năm sau Hà Nội đã phải thay đổi và có chính sách kinh tế nông thôn giống như từng được áp dụng thời Việt Nam Cộng hòa.

Một câu hỏi đặt ra là nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm không bị lật đổ thì liệu cuộc chiến Việt Nam đã có một kết quả khác hay không? Ông Hoàng Đức Nhã cho biết vì sau đảo chánh các tướng lãnh đã làm xấu tình hình an ninh nông thôn, giải tán lực lượng Thanh niên Cộng hoà nên Việt Cộng xâm nhập vào làng xã và chính quyền mất kiểm soát.

Có ý kiến cho rằng trong các chính trị gia chỉ có ông Ngô Đình Nhu là hiểu được sự quan trọng của Mỹ và ông đã tìm cách liên lạc với chính giới Hoa Kỳ. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng trả lời không chỉ ông Nhu hiểu được sự quan trọng của Mỹ, người Việt đầu tiên liên lạc với Hoa Kỳ là Nguyễn Văn Long, thủ tướng thứ hai của chính phủ Bảo Đại, nhưng Pháp biết được và đã lật ông và đưa ông Trần Văn Hữu lên thay.

Hỏi về sinh hoạt đảng phái chính trị tại Việt Nam, tác giả cho biết người Việt chưa có tinh thần sinh hoạt đảng phái chính trị như ở phương Tây. Đảng phái chính trị của người Việt mang tính cách mạng và sinh hoạt như những hội kín, không đồng ý với nhau thì coi nhau như kẻ thù và thường đặt quyền lợi của phe đảng trên quyền lợi của quốc gia dân tộc.

Mai Lệ Huyền, bên phải, Mai Hân và Phương Hồng Quế (ảnh Bùi Văn Phú).

Nhiều người phát biểu tỏ ý mong muốn tập sách sử này được dịch sang tiếng Anh để giải độc dư luận cũng như để cho thế hệ mai sau hiểu được quan điểm của phía Việt Nam Cộng hòa vì trong các thư viện ngày nay hầu hết là những tài liệu từ phía cộng sản hay của người Mỹ, còn người Pháp thì có cái nhìn giới hạn và sai lệch về chiến tranh Việt Nam.

Nhà báo Huỳnh Lương Thiện và cựu Đại tá Vũ Văn Lộc cũng nhắc nhở các cựu lãnh đạo viết hồi ký về những sai lầm của miền Nam cũng như những chiến tích, những cái chết oai hùng của người lính Việt Nam Cộng hòa, nhất là viết về Việt Nam sau 1975 để thế hệ mai sau hiểu được cộng sản xấu xa như thế nào.

Tiến sĩ Đỗ Hùng đặt trách nhiệm của các cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Đức Cường và Tướng Nguyễn Khắc Bình là phải viết hồi ký để lại cho hậu thế. Có người đề nghị các cựu lãnh đạo ngồi lại thành lập một tổ chức nhằm giải độc và nói lên quan điểm của Việt Nam Cộng hòa.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng hứa sẽ tiếp tục làm việc để có ấn bản Anh ngữ của tác phẩm. Ông Hoàng Đức Nhã cũng hứa khi nào ông Hùng ra mắt sách tiếng Anh sẽ đi theo để ra mắt ké sách của ông mà ông đã có dàn bài từ năm 2010 khi nói chuyện tại Naval Academy Club.

Cựu Đại tá Trần Thanh Điền hỏi các diễn giả có thể cho biết bao giờ chế độ cộng sản sụp đổ. Tác giả tập sách nói lịch sử là viết về quá khứ. Còn hiện tại, ông có nhận xét chế độ cộng sản bây giờ không phải là cộng sản năm 1975, Việt Nam không còn cộng sản mà là một xã hội “tư bản hoang dã”.

Cựu Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã không tiên đoán mà chỉ mong “cộng sản sụp đổ sớm chừng nào tốt chừng đó”.

Buổi ra mắt sách kết thúc với sự giúp vui của hai ca sĩ Mai Lệ Huyền và Phương Hồng Quế qua những bài hát về tâm tình một thời của người lính Việt Nam Cộng hòa.

© 2016 Buivanphu.wordpress.com

----------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments: