01-09-2015
Ngày đó tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, trong đó có trích dẫn một câu nổi tiếng trong Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ
4/7/1776:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Không chỉ là ngày tuyên bố Độc Lập, mà còn là ngày
giới thiệu chính phủ lâm thời VN DCCH đầu tiên. Thành phần gồm có :
Hồ Chí Minh : Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Võ Nguyên Giáp : BT Nội vụ. Phạm Văn Đồng, BT Tài chính. Trần Huy Liệu, BT Thông tin. Chu Văn Tấn, BT Quốc phòng. Dương Đức Hiền, BT Thanh niên. Nguyễn Mạnh Hà, BT Kinh tế quốc gia. Nguyễn Văn Tố, BT Cứu tế xã hội. Vũ Trọng Khánh, BT Tư pháp. Phạm Ngọc Thạch,BT Y tế. Đào Trọng Kim, BT Giao thông Công chính. Lê Văn Hiến BT Lao động. .Vũ Đình Hoè, BT Quốc gia giáo dục và Cù Huy Cận Bộ trưởng không bộ (nhà thơ và là thân sinh của ts Cù Huy Hà Vũ, người đấu tranh dân chủ hiện nay).
Lá cờ Tổ Quốc được chọn là cờ đỏ sao vàng, và xuất xứ của lá cờ này cũng chưa rõ ràng là do ai vẽ, và vẽ năm nào, tại sao lại lá cờ màu đỏ, tại sao lại có ngôi sao vàng. Chỉ biết đây là lá cờ do Nguyễn Ái Quốc (Chủ Tịch HCM) đã đem từ Trung Quốc về, và dùng làm cờ của phong trào Cộng Sản Đông Dương từ năm 1941. Lá cờ đỏ sao vàng ngày 2/9/1945 hơi khác với lá cờ đỏ sao vàng hiện nay vì có ngôi sao tròn tròn mập mạp, 5 cánh sao ngắn (hình) chứ không dài và nhọn hoắt như bây giờ.
Bài Quốc Ca được chọn là bài Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao. Mà nguyên thủy cũng có khác lời chút ít với Quốc Ca bây giờ. Trong đó có câu :"Thề phanh thây uống máu quân thù." chắc nghe ghê quá, giống như xơi tiết canh nên năm 1955 được Quốc Hội VN Khóa 2 sửa lại thành :"Vì nhân dân chiến đấu không ngừng"
Và cảm giác để lại trong lòng những người dân tham dự Lễ Độc Lập đầu tiên thì cũng không được trang trọng lắm. Vì nắng, vì mệt lại phải đi bộ xa, vì họ vốn là các dân ngoại thành được triệu tập đi mittinh. Đầu tiên thì còn xếp thành hàng ngũ chỉnh tề khi diễu qua lễ đài. Sau khi đứng một hồi dưới nắng thì mệt quá nên tự động ngồi xuống quạt phành phạch, và lại ngồi xổm theo kiểu đi đồng trứ danh đất Bắc.
Cảm giác nữa là thấy các nhân viên an ninh của chính phủ mặc đồ toàn trắng với nón phớt trắng, quần áo trắng (có anh chơi quần sọt trắng), các anh toàn trắng này có một thái độ rất lạ khi đứng quanh lễ đài thì đều lăm lăm cầm súng ngắn và suốt buổi cứ chĩa thẳng vào đám thảo dân dự mít tinh.
Và cảm giác đọng lại nhất là đang đọc Tuyên Ngôn, Chủ Tịch Hồ Chí Minh bỗng dừng lại và hỏi :"Tôi nói đồng bào nghe rõ không"
Đồng bào không bị điếc nên sau phút ngỡ ngàng, tất cả đều phấn khởi hô :"Rõ......ạ..."
Nhưng trong bài diễn văn mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc kèm theo cuốn phim tư liệu duy nhất về ngày Lễ Độc Lập 2/9/1945 mà chúng ta vẫn nghe thì không có đoạn này, vì băng tiếng nói là làm lại...
Cảm giác là sự phấn khởi vui mừng của người dân, vì nước nhà được Độc Lập, mọi người từ nay sẽ chung tay xây dựng một nước Việt Nam hạnh phúc, cường thịnh, với người dân được thụ hưởng những quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Nhưng ngày Lễ Độc Lập ngày 2/9/1945 đau thương thay, lại mở đầu cho một thời kỳ đen tối nhất, u mê nhất và điêu linh nhất trong lịch sử nước Việt Nam chúng ta. Chỉ một vài thập niên ngắn ngủi sau ngày Lễ Độc Lập đó, đất nước xảy ra chiến tranh liên miên, hàng triệu người chết, đất nước tan nát, loạn lạc. lòng người ly tán, hơn hẳn tất cả thời kỳ lịch sử trước ngày Lễ Độc Lập 2/9/1945 này cộng lại.
Và cho đến tận bây giờ, 70 năm sau thì những quyền mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc trong Tuyên Ngôn Độc Lập từ ngày đó rằng : "Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" thì vẫn chỉ là những lời nói mà thôi.
Nếu tôi được chọn lựa ngày Quốc Khánh, tôi không chọn ngày 2/9 này...
MTA
Được đăng bởi Mai
Tú Ân
No comments:
Post a Comment