Friday, September 25, 2015

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Quốc Hội cuối Tháng Mười (Người Việt | VOA)





Friday, September 25, 2015 9:36:26 AM 

WASHINGTON, DC (NV) - Dân Biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio), chủ tịch Hạ Viện Mỹ, sáng Thứ Sáu bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức và rút lui khỏi Quốc Hội vào cuối Tháng Mười, theo tin của CNN.

Ông John Boehner là người đã giúp đảng Cộng Hòa nắm đa số tại Hạ Viện năm 2010.
Quyết định bất ngờ này được đưa ra sau khi ông bị sức ép từ những người bảo thủ có đường lối cứng rắn, nhất là trong vấn đề ngưng cấp ngân sách cho tổ chức Planned Parenthood, một tổ chức giúp đỡ phụ nữ trong việc kế hoạch hóa gia đình.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner vừa tuyên bố sẽ từ chức. (Hình: Astrid Riecken/Getty Images)

Ông John Boehner, hiện đang làm dân biểu nhiệm kỳ thứ 13, làm chủ tịch Hạ Viện từ năm 2011, giải thích với các dân biểu đảng Cộng Hòa trong một cuộc họp kín sáng Thứ Sáu rằng ông chỉ dự định làm chủ tịch trong hai nhiệm kỳ, nhưng quyết định tiếp tục chức vụ này sau khi Dân Biểu Eric Cantor (Cộng Hòa-Virginia), lãnh tụ đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện, bị thất cử trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm ngoái, CNN trích lời một dân cử có mặt trong phòng họp cho biết.
Sau đó, ông đọc lời cầu nguyện của Ðức Giáo Hoàng Francis.

Ông John Boehner không gặp báo giới sau khi tuyên bố từ chức, nhưng nói với các nhà lập pháp rằng chuyến thăm Quốc Hội của Ðức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Năm là chất xúc tác cho ông đưa ra quyết định này.

Tổng Thống Barack Obama cho biết ông rất ngạc nhiên khi nghe tin ông Boehner từ chức.
Ðứng cạnh Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc trong cuộc họp báo bên ngoài Tòa Bạch Ốc, ông Obama nói: “Tôi rất ngạc nhiên, và tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với ông Boehner. Ông là một người yêu nước, một nhà lãnh đạo xuất sắc. Chúng tôi có nhiều khác biệt, nhưng luôn làm việc với sự tương kính. Nhưng quan trọng hơn cả, ông là người hiểu cách làm việc của chính phủ hơn ai hết. Ông hiểu rằng, không bao giờ chúng ta có thể đạt được 100% những gì chúng ta muốn. Và ông hiểu hơn ai hết.”

Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, ông John Boehner nói ông “rất biết ơn” các đồng viện và cử tri, và nói ông “tự hào” với những thành quả đảng Cộng Hòa đạt được dưới sự lãnh đạo của ông.
Nhưng ông cũng đề cập đến tình trạng rối loạn của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện là lý do ông từ chức.
“Theo tôi nghĩ, sự kéo dài của tình trạng hỗn loạn này sẽ làm hại cơ quan lập pháp này,” ông Boehner viết. “Vì vậy, tôi sẽ từ chức chủ tịch Hạ Viện và chức dân biểu Quốc Hội vào ngày 30 Tháng Mười.”

Một nguồn tin của đảng Cộng Hòa thân cận với ông Boehner nói rằng thông báo từ chức của ông “không được nhiều người biết trước đó,” vì ông chỉ nói cho các phụ tá thân cận biết vào tối Thứ Năm.

“Sau khi gặp Ðức Giáo Hoàng Francis vào Thứ Năm, ông quyết định đưa ra thông báo,” một phụ tá cao cấp của vị chủ tịch Hạ Viện nói với CNN. “Ông chỉ có quyết định này vào tối Thứ Năm.”

Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ thiểu số Hạ Viện, nói tin ông Boehner từ chức gây “chấn động tại Hạ Viện” và nói rằng đây là một bằng chứng cho thấy lãnh đạo của đảng Cộng Hòa đã bị phe cực kỳ bảo thủ “cướp” mất. Bà cũng nói rằng sự cãi vã trong đảng Cộng Hòa để chọn người thay thế ông Boehner trong những ngày tới sẽ “làm sao lãng” những cố gắng giải quyết chuyện ngân sách tại Quốc Hội.

“Sự từ chức của chủ tịch Hạ Viện là một chỉ dấu cho thấy đảng Cộng Hòa đang chia rẽ,” bà Pelosi nói trong một cuộc họp báo sáng Thứ Sáu.

Bà cho biết bà chưa có dịp nói chuyện với ông Boehner, nhưng khẳng định rằng bà sẽ tiếp tục thương thuyết trực tiếp với ông để đạt mục tiêu cấp ngân sách cho tổ chức Planned Parenthood.

Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ Harry Reid (Dân Chủ-Nevada), lãnh tụ thiểu số Thượng Viện, tweet rằng sự từ chức của “một người đàn ông tốt như Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner - một người rất am hiểu nghệ thuật trong việc tương nhượng” cho thấy, “đảng Cộng Hòa kiểu Dwight Eisenhower và Ronald Reagan không còn nữa.”

Còn Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), lãnh tụ đa số Thượng Viện, nói rằng sự từ chức của ông Boehner nói lên một sự việc rất “vô cùng buồn bã” là nhóm Tea Party đã “nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng Hòa.”

“John Boehner là một người Cộng Hòa bảo thủ, nhưng vấn đề của ông nằm ở chỗ ông là một người thực tế. Ông biết lúc nào phải tương nhượng để đạt mục tiêu,” ông Mitch McConnelll nói, trước khi nhấn mạnh rằng, cố Tổng Thống Ronald Reagan cũng là một người “hiểu nghệ thuật trong việc tương nhượng.”

Mặc dù ông Boehner và ông McConnell không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhất là khi ông chủ tịch Hạ Viện phải đối đầu với thành phần bảo thủ trong đảng, ông
McConnell nói rằng, vị dân biểu ở tiểu bang Ohio “chưa bao giờ tìm cách nói dối.”
“Lời nói của ông luôn luôn thật lòng,” ông Mitch McConnell nói.

Quyết định của ông Boehner làm cho đảng Cộng Hòa rất lúng túng, phải tìm người thay thế ông.

Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), lãnh tụ đa số tại Hạ Viện, có thể được chọn.

Ngoài ra, Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Ủy Ban Thuế Hạ Viện, và là ứng cử viên phó tổng thống hồi năm 2012, cũng được nhắc tới.

Dân Biểu Raul Labrador (Cộng Hòa-Idaho), một người được phe bảo thủ ưa chuộng, từng ứng cử chức lãnh tụ đa số hồi Tháng Giêng, không cho biết ông có ra tranh chức chủ tịch Hạ Viện hay không.

Dân Biểu Tim Huelskamp (Cộng Hòa-Kansas), người nói rằng bị mất chức chủ tịch Ủy Ban Nông Nghiệp Hạ Viện hồi Tháng Giêng sau khi không bỏ phiếu cho ông Boehner trong chức chủ tịch Hạ Viện, cho biết ông và các dân biểu thuộc nhóm Tea Party rất sung sướng khi hay tin ông Boehner từ chức.

Ba ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, tỷ phú Donald Trump, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Texas), và Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Florida) cũng hài lòng khi biết ông Boehner từ chức.

Như vậy, trong những ngày tới, Hạ Viện Hoa Kỳ phải bầu ra một chủ tịch mới.
Theo luật hiện hành, tất cả các dân biểu sẽ bầu ra người này.

Một khi ông Boehner từ chức, tổng số dân biểu tại Hạ Viện chỉ còn 434 người, và người được bầu phải có đủ ít nhất là 218 phiếu.

Phía Dân Chủ sẽ có một ứng cử viên, và phía Cộng Hòa cũng có một. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, bất cứ dân biểu nào cũng có quyền ứng cử trong phiên họp khoáng đại.

Tuy nhiên, theo Tổng Thống Obama, “ai lên làm chủ tịch Hạ Viện thì cũng không có thay đổi chính sách bao nhiêu. Nếu không tương nhượng thì sẽ không đạt được gì hết.” (Ð.D.)

------------------------------------

26.09.2015

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner loan báo từ chức khỏi Quốc hội vào ngày thứ Sáu, nói rằng ông sẽ rời chức vụ vào cuối tháng 10 bởi vì tình trạng rối loạn kéo dài liên quan đến sự lãnh đạo của ông sẽ gây phương hại không thể khắc phục được cho Hạ viện.

Nghị sĩ Cộng hòa từ bang Ohio này cho biết ông đã dự định từ nhiệm từ trước thời điểm cuối năm nay, nhưng đẩy nhanh quyết định này trong khi những nghị sĩ bảo thủ đe dọa Hạ viện.

"Công việc đầu tiên của bất kỳ chủ tịch hạ viện nào là bảo vệ định chế này mà tất cả chúng ta đều yêu quý," ông Boehner nói. "Đây không phải việc ảnh hưởng tới tôi mà là tới người dân và định chế."

Tại nhiệm kể từ năm 1990, ông Boehner đã chịu áp lực từ những nhân vật cánh hữu trong Đảng Cộng hòa của ông về một số vấn đề.

Những người Bảo thủ đòi bất cứ luật nào giữ cho chính phủ hoạt động qua hạn chót cho một thỏa thuận ngân sách vào thứ Tư tuần sau phải rút lại ngân quỹ liên bang cấp cho Planned Parenthood,  một tổ chức chuyên chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Lập luận này đã bị những nhà lập pháp khác thực tế hơn bác bỏ.

Ông Boehner nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng ông vinh dự phục vụ trong Hạ viện suốt 25 năm qua và trong vai trò nhà lãnh đạo hàng đầu của nơi này. Ông cho biết dân biểu bang California Kevin McCarthy, nhân vật số hai của phe Cộng hòa ở Hạ viện, sẽ là một "chủ tịch tuyệt vời."

Cuộc chiến khốc liệt giữa giới lãnh đạo chính thống và thành phần bảo thủ cực đoan của Đảng Cộng hòa đã nhiều lần đe dọa chức chủ tịch của ông Boehner và gây chia rẽ khối Cộng hòa. Những thành viên cánh hữu khác đã thách thức ông Boehner về mọi vấn đề từ chi tiêu liên bang cho đến những cuộc chiến chống phá thai.

Bản thân ông Boehner ủng hộ phần lớn chủ trương này nhưng không đồng ý việc thực thi chủ trương đó bằng cách đóng cửa chính phủ.

Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi Boehner là một "người tốt" và một người yêu nước đã giữ trọn lời hứa của mình. Ông Obama cho biết ông hy vọng Chủ tịch Hạ viện kế tiếp sẽ hiểu rằng các chính trị gia có thể có những khác biệt lớn, nhưng họ không được đóng cửa chính phủ hoặc gây nguy hại cho nền kinh tế của Mỹ về những bất đồng.

Sau khi có tin ông Boehner sẽ từ chức, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không đóng cửa chính phủ vào tuần sau trong một nỗ lực rút ngân quỹ cấp cho Planned Parenthood.

Loan báo hôm thứ Sáu đưa ra chỉ một ngày sau một trong những điểm nổi bật trong sự nghiệp Quốc hội của ông Boehner là mời Đức Giáo hoàng lần đầu tiên đến Quốc hội Mỹ phát biểu. Ông Boehner, một người Công giáo sùng đạo, đã nhiều lần rơi nước mắt khi Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu.

Chủ tịch Hạ viện là nhân vật kế tiếp lãnh đạo chính phủ Mỹ, nếu cả tổng thống và phó tổng thống mất khả năng hoặc không thể tiếp tục phục vụ.

-----------------------








No comments: