Wednesday, August 26, 2015

Giấc mơ Mỹ của tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều (Hồng Hoa - VOA Tiếng Việt)





26.08.2015
Sang Mỹ năm 1975, từ một nhân viên làm việc tại một phòng thí nghiệm của công ty Abbott tại California, chỉ sáu tháng sau, một người di dân Việt Nam với cái tên Hoàng Kiều đã được thăng chức lên cấp giám thị và sau đó là phụ tá quản lý. Hai năm sau, ông đã trở thành giám đốc của cả bộ phận. 40 năm sau, tính tới tháng 8 năm 2015, với khối tài sản ròng 3.8 tỷ đô la Mỹ, nhân viên phòng thí nghiệm Hoàng Kiều năm nào giờ đây đã xuất hiện ở vị trí 847 trong danh sách 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Hiện ông là chủ tịch kiêm CEO của công ty dược phẩm RAAS (Rare Antibody Antigen Supply) tại California và đồng thời là phó chú tịch của công ty RAAS chuyên về các sản phẩm máu tại Thượng Hải, Trung Quốc. Trong cuộc trao đổi với VOA Tiếng Việt qua Skype, ông đã bộc bạch thêm về cuộc sống những ngày đầu khi mới sang Mỹ của ông và những giấc mơ Mỹ mà ông đã, đang, và sẽ theo đuổi.

Tỷ phú Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều.

VOA: Báo chí Việt Nam gọi ông là "tỷ phú gốc Việt hay đại gia Việt kiều" còn báo chí Mỹ nhắc tới ông như là một "tỷ phú nhập cư thành đạt trên đất Mỹ." Vậy bản thân ông muốn miêu tả mình là một người như thế nào?
Ông Hoàng Kiều: Trước hết xin cám ơn cô Hồng Hoa đã có nhã ý phỏng vấn tôi. Xin cho tôi được gửi đến lời chào mừng nồng nhiệt, lời chúc sức khỏe hạnh phúc, và những lời yêu thương tới tất cả khán thính giả của đài VOA trên khắp toàn thế giới. Khi cô hỏi tôi câu hỏi này thì điều đương nhiên mình phải nói là mình đến Mỹ như một người dân di cư từ Việt Nam thì khi nói đến người tỷ phú đó, tuy là người Mỹ, nhưng mà gốc Việt. Và đúng, những gì đã xảy ra, từ đâu mình đến, thì mình không quên được nơi tổ tiên, ông bà sinh ra chúng ta. Vì vây, tôi muốn được gọi là người tỷ phú Mỹ gốc Việt.

VOA: Ông đến Mỹ năm 1975. Cuộc sống của một di dân châu Á mới đến Mỹ khi đó là như thế nào?
Ông Hoàng Kiều: Khi mới đến Mỹ, ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân tới tiểu bang California tại phi trường El Toro là phi trường quân sự của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Những ngày đầu tiên mới đến, vào khoảng tháng Bảy chúng tôi đã được bảo trợ đưa ra ngoài. Cuộc sống lúc đó, một vợ, năm đứa con. Đứa lớn nhất 7,8 tuổi, đứa nhỏ nhất một tuổi. Chúng tôi lúc đó chỉ có một chiếc xe gắn máy 50 phân khối. Tuy rằng có rất nhiều khó khăn nhưng vì sự phấn đấu của mình, muốn vươn lên, thì sự khó khăn đó phải vượt qua hết tất cả. Rất là khó khăn, đương nhiên. Khó khăn về mọi mặt. Lúc đầu xe máy 50 phân khối không được đi vào xa lộ nên chúng tôi phải tìm những con đường khác. Khó khăn đó chúng tôi đều vượt qua cả. Chúng tôi được cho biết là có công việc cho công ty Abbott vào ngày 3 tháng 7, ngày sinh nhật của tôi. Ngày 4 là Lễ Độc lập Hoa Kỳ. Sáng ngày mùng 5 là phải báo cáo làm việc ngay lập tức. Khi chúng tôi đi ra, chỉ với chiếc xe gắn máy đó, chúng tôi bắt đầu cuộc sống của chúng tôi và làm việc tại hãng Abbott. Lúc đó chúng tôi phải làm vất vả ngày đêm, có thể nói là một ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ, làm thêm giờ. Tuy nhiên không có sự khó khăn nào là mình không vượt qua cả. Đó là ý chí phấn đấu của mình. Nếu mình muốn vươn lên thì tất cả những gì mà cha ông chúng ta dạy, trong đó có những câu mà tôi học rất thuộc và nằm lòng, đó là câu “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Và câu thứ hai ông cha chúng ta có dạy rằng, “có công mài sắt, có ngày nên kim.”

Ông Hoàng Kiều hồi trẻ

VOA: Theo tạp chí Forbes, ngoài dược phẩm, ông còn quan tâm tới lĩnh vực bất động sản, khách sạn, và rượu vang. Gần đây ông còn tham gia cả vào thời trang. Trong số này, lĩnh vực nào ông có đam mê hơn cả?
Ông Hoàng Kiều: Tất cả những lĩnh vực mà chúng tôi làm, chúng tôi đều có sự đam mê ngang nhau. Trong cái sự đam mê đó, bởi vì chúng tôi có những giấc mơ trong đời mình. Tất cả ai cũng vậy. Thưa quý vị, khi mình đến Mỹ, mình nói đến Giấc mơ Mỹ thì đây chỉ là một giấc mơ gồm một chuỗi giấc mơ và chúng tôi muốn biến một chuỗi giấc mơ Mỹ đó thành sự thật để giúp mình, giúp người, giúp tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta là người Việt Nam sẽ được hãnh diện trong tương lai. Quý vị sẽ biết. Nhất là trong lĩnh vực trong y tế bởi vì chúng tôi đã khám phá ra được những loại protein thiên nhiên có thể chữa trị được ung thư, viêm gan B, viêm gan C, và HIV. Chúng tôi hiện đang phối hợp với những công ty lớn nhất trên toàn thế giới để thực hiện việc thí nghiệm ở chuột, rồi từ từ chúng tôi sẽ thí nghiệm ở người.

VOA: Victor Hugo đã nói “God made only water but man made wine” (Thượng đế làm được nước nhưng người làm được rượu) nhưng ông nói Kiều Hoàng có thể làm cả hai. Vậy câu nói này của ông có ngụ ý gì?
Ông Hoàng Kiều: Đây là câu nói chúng tôi để vào trong quảng cáo rượu vang của chúng tôi. Tại sao vậy? Như tôi đã nói, trong đời mình có những giấc mộng, trong đó có giấc mơ Mỹ, trong giấc mơ Mỹ thì mình có giấc mơ 1,2,3,4,5 cho đến giấc mơ cuối cùng.
Trở lại vấn đề nước uống. California hiện tại đang rất vất vả, 40% thiếu nước. Qua 100 năm nay, vấn đề hạn hán rất khổ sở. Vì vậy chúng tôi chẳng những làm được nước mà chúng tôi làm cả điện. Dùng điện để làm ra nước và dùng điện đó để cung cấp cho tất cả. Trong đó chúng tôi đã có bằng, công chứng rồi, trong nay mai sẽ có bằng đó để sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời, bằng gió, mưa, và ngay cả nước. Đó là một giấc mơ. Và đồng thời một giấc mơ nữa, chúng tôi bảo đảm trong tương lai, chỉ có nước Mỹ, chỉ có Hoàng Kiều, mới dám nói là chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm KH World Care Center để ngăn ngừa và chữa trị bệnh tật và ung thư. Đó có thể nói là giấc mơ cuối cùng trong một chuỗi giấc mơ dài.

VOA: Thành tựu nào khiến ông cảm thấy tự hào nhất?
Ông Hoàng Kiều: Thành tựu mà chúng tôi tự hào nhất không phải là việc ông trở thành tỷ phú bởi vì tiền thì như cánh phù du, mai nó còn, mai nó mất. Cũng như cổ phiếu, một ngày có thể được một tỷ nhưng ngày mai có thể mất một tỷ rồi có thể mất mười tỷ, rồi không còn tỷ phú nữa. Thành tựu mà tôi lấy làm mãn nguyện đó là những kỳ công khám phá của mình đối với y học và mình có thể giúp cho người, giúp cho đời.

Ông Hoàng Kiều chụp cùng gia đình

VOA: Thất bại nào khiến ông nhớ nhất?
Ông Hoàng Kiều: Năm 1983, khi Nhật Bản bắt đầu nhập cảng tất cả huyết tương thì tất cả các công ty ở Mỹ, có công ty chúng tôi. Năm 1984 chúng tôi bắt đầu đi vào ký hợp đồng với họ. Tôi có 5 trung tâm thu huyết tương đưa qua Nhật. Chúng tôi rất vui khi nghĩ tới chuyện mình có thể sản xuất và đưa huyết tương qua Nhật để thành sản phẩm cuối cùng. Rồi họ muốn qua phỏng vấn tôi. Tôi thì tính nói thẳng, nói thật. Năm 1985 chúng tôi là phòng thí nghiệm đầu tiên được tiểu bang Cali cho thử HIV trên mẫu huyết tương ngoài HBV là viêm gan B. Tôi rất tự hào. Khi họ qua đây phỏng vấn, tôi dẫn họ đi xem những trung tâm. Những trung tâm của chúng tôi hồi đó giống phòng khám vậy. Tôi là người tiên phong trong vấn đề đó vì tôi hiểu nếu mình làm dơ dáy thì không hay. Nhưng họ lại không quay. Khi tôi ngồi ở đây họ quay khác, nhưng khi tới đó họ lại toàn quay cảnh người vô gia cư ở San Francisco. Họ quay những hình ảnh xấu xí và khi về thì họ chiếu những hình ảnh đó và nói đây là thực trạng thu huyết tương ở Mỹ. Sau vụ đó thì họ khiến chúng tôi khốn đốn khi chính phủ Nhật cấm nhập cảng tất cả huyết tương từ Mỹ kể từ năm 1985. Đó là thất bại đau đớn nhất. Tất cả năm trung tâm đang thu, bỗng dưng không được nhập cảng. Nhưng cũng chính vì những thất bại đó giúp quý vị có được động lực tìm giải pháp. Huyết tương là thành phần đầu trong quy trình để làm thành phẩm cuối cùng. Chính vì thất bại đó nên tôi không bao giờ thu huyết tương để bán cho các công ty sản xuất. Chính tôi sẽ tự sản xuất. Từ A đến Z, tôi thu huyết tương và làm huyết tương. Chính vì điều đó mà giúp chúng tôi ngày hôm nay có được công ty đứng đầu ở nước có nền kinh tế thứ nhì sau Mỹ Quốc là Trung Quốc.

VOA: Ông có lời khuyên gì dành cho thế hệ trẻ?
Ông Hoàng Kiều: Lời khuyên thứ nhất như cha ông chúng ta đã nói “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Câu thứ hai “có công mài sắt có ngày nên kim.” Câu thứ ba mà chúng tôi muốn gửi tới thế hệ trẻ, những gì quý vị học, nó không đúng với những gì mà khi các em đi ra ngoài đời. Cũng như mấy đứa con tôi. Đứa nào cũng MBA cả. Khi đưa một dự án cho tôi xem thì tôi nói các con à, các con làm các gì cũng chỉ biết 1+1 bằng 2. Các con coi như ba này, 1+1 bằng 1000. Các con cái đó phải học, phải tìm tòi, phải có đầu óc. Còn một điều nữa tôi muốn nói rằng, chỉ có mình tôi, không thể nào thay đổi thế giới được bởi vì những gì tôi làm đều đi ngược lại sách giáo khoa. Cái đó tôi không biết bao nhiêu năm sau nữa người ta mới công nhận. Chỉ có mình tôi thôi. Tôi muốn khuyên các em luôn “Make impossible possible” (Tạm dịch: Biến điều không thể thành có thể). Vậy thôi!http://www.voatiengviet.com/content/chung-khoan-trung-quoc-tiep-tuc-lao-doc-khong-phanh/2931336.html

VOA: Xin chân thành cám ơn ông Hoàng Kiều đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với VOA.

-------------------------










No comments: