Sunday, August 2, 2015

Báo Hàn Quốc : Bình Nhưỡng chế biến ma túy tổng hợp để thu ngoại tệ (Minh Anh - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO :
Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 01-08-2015 

Tại Hàn Quốc, lượng tội phạm buôn bán chất ma túy trong 5 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh (15,7%) so với cùng kỳ năm rồi. Ngoài nguyên nhân tình trạng buôn bán qua mạng tăng vọt, tờ nhật báo Hàn Quốc Sisa Journal tại Seoul cho rằng chính quyền Bắc Triều Tiên có can dự vào việc chế biến và buôn bán chất ma túy tổng hợp métamphétamine để thu ngoại tệ. Tuần san Courriel International số ra từ ngày 30/07 đến 19/08 giới thiệu lại bài viết qua hàng tựa « Ma túy đến từ Bắc Triều Tiên ».

Theo nhật báo Hàn Quốc, vụ việc do bộ phận 39 của đảng Lao động và cơ quan tình báo quản lý. Ông Kim Pok-jun, giảng viên trường đào tạo cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố : « 90% chất ma túy được cho đến từ Trung Quốc, thật ra là của Bắc Triều Tiên. Chế biến chất métamphétamine cũng nằm trong kế hoạch kinh tế của Bình Nhưỡng. Chẳng có gì là quá đáng khi nói là phần lớn ccác chất gây nghiện đang lưu hành tại Trung Quốc là các chất métamphétamine có xuất xứ từ phía Bắc ». Còn theo Jeon Yeong-gu, Chủ tịch chương trình chống chất ma túy tại Hàn Quốc : « Bình Nhưỡng sản xuất các chất ma túy để thoát khủng hoảng kinh tế. Á phiện của Bắc Triều Tiên khá tinh khiết và tương đối rẻ tiền ».
Hàn Quốc phát hiện sự hiện diện ma túy Bắc Triều Tiên, được biết dưới tên gọi « eoreum », trong một chiến dịch phá vỡ mạng lưới buôn bán chất ma túy giữa ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, vào tháng 09/2012. Theo nhật báo tại Seoul, những tên buôn lậu hoạt động rất mạnh ở Đan Đông, thành phố của Trung Quốc nằm sát liền với Sinuiju của Bắc Triều Tiên, trên thượng nguồn sông Amnok. Một khi đến Đan Đông, các chất ma túy được xuất về Hắc Long Giang (đông bắc) và Quảng Đông (phía nam Trung Quốc).

MH370 : Màn bí ẩn sắp được vén ?
Sự kiện Pháp phát hiện một mảnh vỡ ở đảo Reunion, được cho là mẩu cánh của loại Boeing 777, giống với chiếc máy bay MH370 bị biến mất kỳ bí hồi năm rồi, lại hâm nóng các mặt báo Pháp những ngày gần đây. Le Figaro chạy tựa thông báo : « MH370 : những mảnh vụn trong tay các chuyên gia ». Le Monde đề tít trang nhất : « MH370 : hướng điều tra các mảnh vỡ tại Reunion ».
Libération trong bài viết đề tựa « Chuyến bay MH370 : mảnh vỡ và các mảnh vụn », giải thích rõ hơn hướng điều tra của các chuyên gia Pháp. Tờ báo cho biết điều tra sẽ do ngành tư pháp của Pháp, đặc biệt là bộ phận chống khủng bố phụ trách, vì hai lý do : Thứ nhất, Pháp có 4 nạn nhân trong chuyến bay và thứ hai, vụ việc xảy trên vùng lãnh hải quốc tế.
Mảnh vỡ sẽ do cơ quan một phòng thí nghiệm trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, nằm ở Toulouse tiến hành các phân tích. Còn mẩu va-li được tìm thấy cạnh mảnh vỡ sẽ do Viện nghiên cứu tội phạm của hiến binh tại Pontoise, ngoại ô Paris, đảm nhận.
Theo nhật báo, các phân tích mẩu vật chỉ nhằm mục đích làm sáng tỏ hoàn cảnh biến mất của MH370, chứ chưa thể xác định được nguyên nhân của vụ việc, do cần phải có thêm nhiều yếu tố bổ sung. Ông Robert Galan, chuyên gia về hàng không giải thích với Libération : « Vấn đề là phải xác định xem máy bay có bị bất ngờ nổ tung khi đang bay, có bị vỡ tung khi mất độ cao đột ngột hay là bị chìm khi còn nguyên vẹn. Từ đó, mới có thể nghĩ đến việc định vị phần còn lại có thể hay là nói chính xác hơn là mở rộng vùng tìm kiếm ».
Một khi đã xác định được xuất xứ của mảnh vỡ, các nhiều tra sẽ tiến hành tìm kiếm vết cháy nổ (dấu carbon chẳng hạn), vết nứt gãy do vật liệu chịu lực quá nhiều hoặc các lực khác…Cũng theo vị chuyên gia này rất có nhiều khả năng máy bay đã bị chuyển hướng về phía nam. Như vậy, một khi các phân tích được sáng tỏ, hy vọng có thể tìm thấy được chiếc hộp đen để xóa tan hoàn toàn bức màn bí ẩn về vụ mất tích này.

Israel – Cisjordani : hận thù dai dẳng
Nhìn sang Trung Cận Đông, vụ một bé sơ sinh Palestin bị các phần tử cực đoan Israel thiêu sống cùng với bố mẹ đã gây phẫn nộ trên thế giới. « Cisjordani bị sốc sau cái chết của bé sơ sinh Palestin » là hàng tựa nhận định của Le Figaro. Libération chỉ trích mạnh mẽ hơn với hàng tít lớn trên trang nhất « Israel bệnh hoạn vì những vùng thuộc địa của mình ».
Le Figaro trưng ra một hình ảnh thật thương tâm. Được quấn chặt bằng lá cờ Palestin, thi thể của bé Ali được đặt trên một chiếc giường xếp. Bên cạnh là một người đàn ông đang khóc nức nở. Nhật báo thuật lại vụ khủng bố do « những tên Israel cực đoan » thực hiện. «Những kẻ đã phạm một tội ác không thể nào bào chữa được ».
« Sáng sớm ngày thứ Sáu (31/07/2015), 4 người trong số những tên đến từ các vùng đất bị Israel xâm chiếm đã phóng những chai bom xăng qua cửa sổ vào một ngôi nhà trong ngôi làng ở vùng Douma, phía bắc Cisjordani. Vào lúc đó, cả nhà đang say giấc, đã bị ngọn lửa giam hãm. Bé Ali, 18 tháng tuổi đã bị thiêu sống. Cha mẹ của em và một trong số các anh trai 4 tuổi, đã bị bỏng nặng, hiện đang giữa cái sống và chết ».
Trên bức tường, những kẻ sát nhân còn ký tên bằng tiếng Hebreu : « Trả thù » và « cái giá phải trả ». Le Figaro cho rằng, kiểu ký tên này từ nhiều năm nay trở thành một « dấu ấn » riêng của những nhóm nhỏ cánh tả cực đoan Israel. Những nhóm này thường có những hành động «thảm sát nhắm vào người Palestin, người Israel gốc Ả Rập và những địa điểm của người Công giáo tại Cisjordani hay trên lãnh thổ Israel ».
Còn đối với Libération, đây là một thảm kịch với những « hậu quả khôn lường ». Một hành động « khủng bố kỳ thị chủng tộc ». Đó cũng chính là nhận định của một cựu sĩ quan của Shabak, Tổng cục an ninh Israel. Theo lời viên sĩ quan trên với nhật báo, « chắc chắn là hình ảnh bé Ali, bị chôn cất mà không có sự hiện diện của cha mẹ hiện đang trong tình trạng hôn mê, sẽ không bị xóa nhòa một cách dễ dàng và Israel sẽ không trả được món nợ của vụ tấn công khủng bố kỳ thị chủng tộc này ».

Hoa Kỳ lại chơi không đẹp
« Phải chăng Hoa Kỳ đã bỏ rơi người Kurdistan ? » là câu hỏi lớn của báo Le Monde trên mục xã luận. Tờ báo nghi ngờ Hoa Kỳ và NATO đã nhắm mắt làm ngơ để cho Ankara oanh kích quân nổi dậy người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy quyền được sử dụng các khu căn cứ quân sự trên đất Thổ phục vụ cho việc dội bom quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhật báo đánh giá, nếu như có một « thỏa thuận » như vậy, sự việc có nguy cơ cho thấy phản tác dụng.
Tờ báo nhắc lại, những ngày gần đây quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dội bom lên các khu căn cứ của đảng PKK (nằm ở phía bắc Irak) và có chủ ý hay không, một ngôi làng người Kurdistan ở Syria. Nói một cách khác, là Ankara đang nhắm vào một số các chiến binh, những người chống IS nghiêm túc nhất.
Về mặt chính trị, điều đó cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan dường như quyết định bỏ rơi các cuộc đàm phán hòa bình mở ra từ năm 2012 với đảng PKK, cũng như là thỏa thuận ngừng bắn từ năm 2013. Ông Erdogan cũng đang liều lĩnh mở lại cuộc nội chiến khủng khiếp, kéo dài trong vòng 30 năm, tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ. Và như vậy ông cũng chống lại đảng ủng hộ Kurdistan HDP (trung tả). Đảng này đã gặt hái được thành công trong kỳ bầu cử quốc hội hôm 07/06 vừa qua, với 80 ghế đại biểu, làm cho đảng AKP ( theo Hồi giáo cực đoan - bảo thủ) của Tổng thống đương nhiệm mất đa số tuyệt đối ở Quốc hội.
Theo quan sát của nhật báo, có một kiểu lôgic trong chính sách của ông Erdogan. Đối với Ankara, PKK – tổ chức thực thi các hành động khủng bố - mới là đối thủ chính chứ không phải là quân thánh chiến Hồi giáo IS. Tổ chức này cũng thực hiện chính sách gây hãi còn rộng lớn hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể cũng muốn chiêu dụ một bộ phận cử tri cánh tả theo chủ nghĩa dân tộc, nhằm thiết lập một chính phủ liên minh cầm quyền. Chính đảng này đã cực lực phản đối thương thuyết với PKK.
Bất kể đó là động cơ nào của Tổng thống Erdogan, thỏa thuận Mỹ - Thổ trong tuần qua, được NATO cổ vũ, dường như là những thỏa thuận mơ hồ nhất. Do đó, Hoa Kỳ có lẽ cũng nên tỏ rõ quan điểm của mình, trừ phi muốn chạy theo rủi ro để bị lên án là đã « bán đứng » người Kurdistan – một cách vừa vô sỉ vừa khinh suất.






No comments: