Trọng Nghĩa - RFI
Thứ bảy 27 Tháng Mười Một 2010
Sau 400.000 tài liệu về Irak, 300.000 tài liệu về Afghanistan, WikiLeaks dự kiến sẽ đưa lên mạng vào cuối tuần này hay đầu tuần tới, khoảng ba triệu tài liệu mật của Mỹ đã bị rò rỉ. Đây chủ yếu là các điện thư liên quan đến các giao dịch với nước ngoài hay các đánh giá của Mỹ về các đối tác.
Sự kiện hàng triệu tài liệu sắp được WikiLeaks tiết lộ đã gióng lên những hồi chuông báo động về tác hại tiềm tàng của các tiết lộ này, nhất là đối với ngành ngoại giao Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, tầm mức vụ việc này được coi là nghiêm trọng đến mức mà các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới đã được yêu cầu bỏ qua kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp Lễ Tạ ơn Thanksgiving, một ngày lễ hết sức quan trọng của người Mỹ.
Họ phải sẵn sàng trực chỉ bộ Ngoại giao của các nước sở tại khi cần thiết, để xoa dịu nỗi giận dữ có thể bùng lên một khi những nhận xét “thiếu ngoại giao” về một nhân vật hay một nước nào đó chẳng hạn, bị phơi bày công khai. Theo AFP, các văn thư trao đổi nội bộ nhiều khi chứa đựng những lời lẽ đó.
Ông James Jeffrey, đại sứ Hoa Kỳ tại Irak thừa nhận : "WikiLeaks là một trở ngại thực sự khủng khiếp cho công việc của tôi, vốn dĩ là phải có được các cuộc thảo luận trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau với đối tác. Tôi thực sự không hiểu nổi động cơ của việc phát hành các tài liệu này", Các tài liệu bị tiết lộ đó, theo ông, "Sẽ không giúp đỡ, mà ngược lại sẽ phá hoại khả năng công tác của Hoa Kỳ tại Irak".
Trong bài phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN, sẽ phát sóng hôm 28/11, Đô đốc Mike Mullen, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ, cũng kêu gọi WikiLeaks đình chỉ kế hoạch công bố các tài liệu bị ông đánh giá là "cực kỳ nguy hiểm".
Theo AFP, các tài liệu mà Wikileaks dự trù tiết lộ có thể liên quan đến các nước như Úc, Anh, Canada, Israel, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói rằng Hoa Kỳ đã dự phòng "các trường hợp xấu nhất" và đã thông báo cho các chính phủ về khả năng các tài liệu bị tiết lộ.
Nhật báo Nga Kommersant cho biết là trong các tài liệu đó, có ghi lại các cuộc đàm thoại giữa các nhà ngoại giao Mỹ với các chính trị gia Nga và những nhận xét "không hay" về một số người trong giới này. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì lên án vụ tài liệu sắp được tiết lộ mà thủ phạm bị ông coi là "những tên trộm nhỏ chạy trên mạng Internet".
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiết lộ một vài nội dung « tế nhị » của các tài liệu sắp công bố, trong đó có thông tin về việc Ankara đã giúp các chiến binh Al-Qaeda tại Irak hay là việc Hoa Kỳ đã giúp phiến quân người Kurdistan tại Irak chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai điểm này đều có khả năng phá hoại quan hệ giữa hai đồng minh . Trên đài CNN, Ahmet Davutoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông không biết gì về nội dung các tài liệu.
Các quốc gia như Israel, Canada, Ý, Úc, Anh, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển đều đã được Hoa Kỳ cảnh báo về vụ rò rỉ thông tin sắp diễn ra.
Trước đây, Wikileaks đã từng tiết lộ hàng trăm ngàn tài liệu mật về Afghanistan và Irak, nhưng không nhậy cảm lắm. Theo giới phân tích, vụ tiết lộ lần này sẽ đẩy Washington vào tình thế khó xử do nội dung rất tế nhị của các tài liệu trên nguyên tắc chỉ lưu hành nội bộ mà thôi.
------------------------------
US briefs governments on WikiLeaks ‘dump’ (Financial Times)
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment