Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2010-11-27
Câu chuyện phát tán “Clip bắt mua bán dâm” liên quan đến 7 cảnh sát, làm dấy lên làn sóng phản đối không chỉ từ phía công luận về tính chất vi phạm pháp luật mà còn bị chỉ trích mạnh mẽ dưới góc độ thuần phong mỹ tục.
Vũ Hoàng đã có buổi trò chuyện với Luật sư Nguyễn Văn Hậu thuộc Hội Luật gia TP.HCM về câu chuyện này để biết thêm chi tiết.
Vụ 7 công an quay clip bắt quả tang hành vi bán dâm và bắt hai cô gái này không được mặc quần áo, cũng như không được che đậy những vùng nhạy cảm trên cơ thể họ diễn ra từ khoảng cuối tháng 6/2010; nhưng cho mãi đến thời điểm gần đây, clip này mới được tung lên mạng và nó đã thực sự gây bức xúc trong dư luận về những lời nói cũng như cách hành xử của những người công an này đối với hai cô gái kia.
Xúc phạm nhân phẩm danh dự
Trên phương diện luật pháp, liệu những hành động này đã xâm phạm điều gì, Luật sư Hậu cho biết: “Trước hết là nó xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự của cô gái đó, cho dù cô gái đó có vi phạm nhưng mình không thể xử lý như vậy.
Tôi thấy rằng việc này vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vi phạm đến danh dự, uy tín, quyền con người, mà được luật dân sự Việt Nam bảo vệ.”
Theo luật tố tụng thì rõ ràng, hành vi mua bán dâm của hai cô gái này chỉ vi phạm luật hành chính, thế nhưng, ngay trong khi lập biên bản vụ việc tại hiện trường, họ lại bị những người công an này xúc phạm nhân phẩm, danh dự như một tội phạm hình sự.
Những cô gái này phải hứng chịu những lời thóa mạ, tục tĩu, buộc phải tuân theo mệnh lệnh “đứng lên dang tay để chụp ảnh”, quay phim bằng điện thoại di động.
Điều mà dư luận rất bất bình không chỉ nằm ở những tình tiết vụ việc mà chính là ở chỗ nó đã làm xấu đi hình ảnh của người công an vốn được nhà nước tuyên xưng là của dân và vì dân.
LS Hậu cho biết “Đặc thù văn hóa Việt Nam không chấp nhận điều đó và đặc biệt là chiến sĩ công an cần phải xử nặng hơn so với những người bình thường khác vì anh là chiến sĩ công an của dân, mà lại làm như vậy, thì người ta không thể chấp nhận điều đó.
Chính vì những cá nhân đó mà tôi có thể gọi là những“con sâu làm rầu nồi canh”. Quan điểm của giới luật sư chúng tôi cho rằng đó là việc vi phạm pháp luật, thì nó phải bị xử lý theo quy định của pháp luật”
Với bất kỳ một cá nhân nào nhất là những người phụ nữ Á Đông, thì những hình ảnh nhạy cảm riêng tư bị phơi bày trước công chúng luôn là một sự sỉ nhục và xúc phạm nặng nề. Thậm chí, nó có thể trở thành những vết nhơ khó gột rửa, tác động đến tâm lý dài lâu của các cô gái.
Nhìn từ góc độ các cô, những nạn nhân bị xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân, LS Hậu nhận xét: “Theo quan điểm luật dân sự Việt Nam khi bị xúc phạm danh dự nhân phẩm, thì có quyền khởi kiện để đòi một lời xin lỗi và đòi bồi thường. Điều này được pháp luật Việt Nam qui định.”
Như vậy, tới đây, chính những cô gái này hoàn toàn có quyền được khởi kiện ngược lại những người công an đã bắt giữ mình “Những người dân đó có thể tố giác hành vi đó, người ta có quyền đòi bồi thường.”
Vậy là, diễn biến vụ việc đã khiến những cô gái phạm tội dân sự trở thành những người được phép khởi kiện nhà công quyền.
Hơn thế nữa, ngoài hành vi “làm nhục” người khác, thì những người công an tham gia vào vụ này cũng có thể bị kết tội là tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy theo điều khoản 253 Bộ Luật Hình Sự và có “hậu quả nghiêm trọng” theo điểm b khoản 3.
“Tôi cho rằng những người phát tán clip đó cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì nó vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, vì theo phong tục Việt Nam thì hình ảnh đó không được ra cộng đồng, nó chỉ ở những nơi kín đáo thôi. Tuyên truyền văn hóa không hay, trong quy định của pháp luật, người ta có thể khởi tố cái tội truyền bá văn hóa dâm ô, trụy lạc.”
Cần ngăn chận tình trạng lạm dụng quyền lực
Rõ ràng gần đây, hàng loạt những vụ vi phạm cả hình sự lẫn dân sự xảy ra khá dầy đặc trong đội ngũ công an như vụ công an đánh chết người ở Bắc Giang, cảnh sát giao thông bắn người ở Thái Nguyên hay vụ mới đây nhất là công an “điều tra” làm chết người ở Cồn Dầu và giờ đây là vụ việc công an hạ nhục nhân phẩm phụ nữ.
Điều này đã gióng lên tiếng nói của dư luận trước tình trạng công an lạm dụng quyền lực của mình.
Vì vậy, cần có những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu hơn để vừa ngăn chặn tình trạng công an lạm dụng quyền lực và để bảo vệ người dân.
Theo LS Hậu thì vừa phải có những quy định cụ thể của ngành công an và vừa phải tuân thủ luật pháp. Gợi ý thiết thực ấy của LS Hậu đã được đưa ra trong lời kết của buổi nói chuyện với chúng tôi.
“Mình phải xử lý theo quy định của pháp luật và người ta không chấp nhận cách hành xử công vụ, thứ nhất là nó không đúng với quy định của ngành và thứ hai là nó không đúng với quy định của pháp luật. Đó là điều tất nhiên và chúng tôi không đồng tình với cách làm như vậy.”
Vậy là, người dân đang chờ đợi sự phán xét công minh sau nhiều vụ án khiến họ thất vọng. Chỉ có công minh mới có thể đem lại lòng tin cho người dân mà thôi.
Rõ ràng, để mang lại sự yên ổn, trật tự cho xã hội thì chính những người bảo vệ sự ổn định, bình yên ấy càng cần phải chịu hình phạt nặng hơn, hành vi đó cần được đưa ra xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội.
(Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu) http://www.youtube.com/watch?v=DLSuQyhdLGQ&feature=player_embedded
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia . All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment