Saturday, November 27, 2010

HUẾ - CỐ ĐÔ, TRUNG TÁ, và CUỘC HỘI NGỘ 45 NĂM SAU

Ðỗ Dzũng/Người Việt
Friday, November 26, 2010

MAYPORT, Florida (NV) - Cựu Trung Tá Harry Trần Ngọc Huế không thể ngờ có ngày gặp lại nhà báo Mỹ từng đi theo đơn vị Hắc Báo mà ông là đại đội trưởng cách đây 45 năm. Ðặc biệt hơn nữa là cuộc hội ngộ xảy ra trên một chiến hạm Mỹ trùng tên với ông và tên của thành phố mà ông từng chiến đấu để chiếm lại từ tay Cộng quân.

Cựu Trung Tá Trần Ngọc Huế và tờ báo The St. Petersburg Times có bài viết “A hero of Vietnam finds victory in defeat” của nhà báo Eugene Patterson. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

“Tạ ơn Thượng Ðế, không ngờ tôi gặp lại ông sau 45 năm. Ðây là một cuộc hội ngộ mà tôi nghĩ không bao giờ có được,” ông Huế tâm sự với nhật báo Người Việt khi được hỏi về cuộc hội ngộ của ông với ông Eugene Patterson trên chiến hạm USS Hue City mới đây. “Ông là phóng viên chiến trường, còn tôi là lính VNCH, tuổi tác cách biệt nhau, cuộc đời hai người khác nhau. Sau cuộc chiến, ông trở về Mỹ, còn mình bị tù đày. Ơn trên cho mình gặp lại là huyền diệu vô cùng.”

Ông Huế tâm sự thêm: “Cuộc đời là ô trọc, tình bạn, tình người thật là cao quý.”

Trong một email gởi cho nhật báo Người Việt, nhà báo Eugene Patterson, một chủ biên đã về hưu, từng được giải thưởng Pulitzer và hiện là chủ tịch kiêm tổng giám đốc tờ báo The St. Petersburg Times ở St. Petersburg, Florida, viết: “Tôi gặp Harry lần đầu vào một ngày của tháng 12, 1964. Lúc đó tôi là phóng viên Mỹ đi theo đơn vị của ông trong một trận đánh với Việt Cộng ở thung lũng A Shau. Lúc đó Harry là thiếu úy trong một đơn vị tác chiến phản ứng rất nhanh như những con hắc báo và tên này gắn liền với đại đội của ông sau này.”

Harry là tên mà trung úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ John R. “Dutch” Schwartz, trước đây là cố vấn của đại đội Hắc Báo, đặt cho ông Huế.
Lúc đó, ông Huế 22 tuổi. Còn ông Eugene Patterson 41 tuổi, đang làm cho báo The Atlanta Constitution tường thuật những gì liên quan đến cuộc sống của hơn 21,000 cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Trong bài báo mang tựa đề “A hero of Vietnam finds victory in defeat” đăng trên nhật báo The St. Petersburg Times số ra ngày 20 tháng 9, 2010, nhà báo Eugene Patterson viết về người cựu sĩ quan QL VNCH như sau: “Trong khi nhiều người Mỹ tìm cách hàn gắn vết thương chiến tranh bằng một cách nào đó thì Harry cảm thấy vinh dự trong lúc tham dự một buổi lễ tại một căn cứ hải quân Mỹ.”

“Chúng ta thắng cuộc chiến,” nhà báo này tường thuật lời ông Huế, một người từng bị thương năm lần và bị giam 13 năm trong nhà tù Cộng Sản, nói.
“Chính quyền Hà Nội biết Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam. Họ phải dân chủ hóa, đoàn kết đất nước và làm bạn với Hoa Kỳ bởi vì kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta,” nhà báo Eugene Patterson trích lời ông Huế nói.
Và ông kể câu chuyện gặp ông Huế trong trận chiến ở thung lũng mà Cộng quân pháo kích vào Huế. Lúc đó, cố vấn Mỹ của đại đội Hắc Báo là ông John R. “Dutch” Schwartz, hiện đang sống ở Clearwater Beach, Florida.

Hình cựu Trung Tá Trần Ngọc Huế đăng trong tờ tạp chí của hải quân Hoa Kỳ với hình chiếc tàu USS Hue City. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

“Chúng tôi nghe đạn bắn liên tục như tiếng đàn dương cầm và núp vào bụi cây. Lúc đó, thiếu úy Harry đang nằm, bỗng đứng dậy bắt đầu tấn công. ‘Không được, Harry’, Schwartz la lên. Thiếu úy Harry quỳ xuống, tiếp tục bắn. Trung úy Schwartz ném một quả lựu đạn... Trực thăng trên trời bắn xuống như mưa... Trung úy Schwartz và thiếu úy Harry cùng đứng lên bắn...” Nhà báo Patterson viết.

“...Cách đó khoảng 70 thước, từ trong bụi rậm, một cán binh Việt Cộng mặc áo đen và quần đùi màu xám đứng lên đối diện chúng tôi, cầm súng máy bắn về phía đại đội Hắc Báo. Tuy nhiên, lính của Harry đã bắn ngay đầu đối thủ và tiếp tục hành quân xuống thung lũng,” ông Patterson kể tiếp.
“Lúc ngồi nghỉ, Harry đưa tôi một miếng bánh mì, bên trong có kẹp miếng thịt chua chua, ngọt ngọt. Tôi định hỏi đó là gì, nhưng rồi vẫn ăn...” Ông Patterson kể.

Theo lời kể của ông Patterson, trong trận chiến đó, ông đã chứng kiến ông Huế can đảm và anh hùng như thế nào. Và để bảo vệ ông Patterson, ông Huế đã tặng ông bộ quần áo ngụy trang của mình. Ông Huế cũng tặng nhà báo Mỹ cái khăn quàng cổ của ông.
“Món quà duy nhất mà tôi tặng Harry là cái áo lạnh phi công của tôi, vì trời hôm đó nóng quá. Hơn 40 năm sau, ông viết thư cho tôi và còn nhớ ông tặng tôi cái khăn ngay tại chiến trường và nhắc lại cái áo lạnh làm giúp ông giữ ấm người trong nhiều năm sau đó. Ông còn viết rằng đó là kỷ vật quý giá nhất mà ông không bao giờ nghĩ có người tặng cho ông,” ông Patterson viết tiếp.

“Và bây giờ, thật là khó tin, tôi đã gặp lại người anh hùng trẻ tuổi đó, tại Florida, bây giờ là cựu trung tá, 68 tuổi, mất ba ngón tay,” ông Patterson viết.

Cựu Trung Tá Trần Ngọc Huế là nhân vật chính trong cuốn “Vietnam's Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN (Quân đội bị bỏ quên của Việt Nam: Chủ nghĩa anh hùng và sự phản bội trong QLVNCH)” của tác giả Andrew Wiest, giáo sư sử học thuộc đại học University of Southern Mississippi, do New York University Press xuất bản năm 2008, nói về cuộc đời ông Huế với truyền thống gia đình nhiều đời chống ngoại xâm. Ông bị Cộng Sản bắt, nhưng không chịu khuất phục trong khi một nhân vật khác, Phạm Văn Ðính, cũng bị bắt, sau cùng đi theo địch chống lại đồng đội cũ.

Theo tác giả, trong trận tái chiếm thành phố Huế năm 1968, đại đội Hắc Báo ban đầu có 250 binh sĩ. Sau khi chiến thắng, họ bị mất gần 200 người. Ngoài ra, trong lực lượng TQLC Mỹ, 142 người thiệt mạng, 857 người bị thương. QLVNCH có tổng cộng 384 người chết, 1,800 người bị thương. Phía Cộng quân mất khoảng 5,000 người. Hơn 3,000 thường dân thiệt mạng.

Về cái tên “Harry” của ông Huế, cựu cố vấn đại đội Hắc Báo John R. “Dutch” Schwartz giải thích qua một email viết cho nhật báo Người Việt rằng: “Lúc đó là năm 1964, có năm sĩ quan trong đại đội Hắc Báo và tôi đặt cho mỗi người một biệt hiệu bằng tên Mỹ bởi vì tôi không thể nhớ và phát âm tên của họ cho đúng. Hồi đó tôi cũng không biết là người Việt Nam đặt tên họ trước tên gọi, tôi tưởng ‘Huế’ là họ của ông. ‘Harry Hue’ nghe cũng hay hay, nên tôi đặt ông là ‘Harry.’”
“Nếu tôi biết họ của ông là Trần thì tôi sẽ đặt tên ông là ‘Tommy’. Tôi rất vui là tên ‘Harry’ gắn liền với ông trong nhiều năm như vậy,” ông John R. “Dutch” Schwartz.

Về con người của ông Huế, ông John R. “Dutch” Schwartz viết: “Tất cả chúng tôi đều biết về Harry và thành tích của ông. Vì thế, tôi không muốn đi vào chi tiết mà chỉ muốn nói một điều: Một trong những vinh dự trong cuộc đời của tôi là được biết và cùng chiến đấu với người đàn ông can đảm và anh hùng này. Harry từng làm vẻ vang đất nước của ông và bây giờ ông đang làm vẻ vang nước Mỹ.”

Lần đến Florida kỳ này là lần thứ ba ông Trần Ngọc Huế được ban chỉ huy tàu USS Hue City mời một cách đặc biệt trong 19 lần kỷ niệm.

Ông Huế cho biết hai lần trước ông không đi được vì phải lo chăm sóc người vợ. Lần này ông mới đi được.
Hôm gặp nhau ở khách sạn trong câu lạc bộ hải quân trước khi xuống tàu USS Hue City, ông Patterson đã hỏi cô tiếp tân nhà hàng Việt Nam nào ngon nhất trong vùng và mời ông Huế đến đó ăn tối, theo lời ông Huế kể.

Ông kể tiếp: “Ông luôn đi bên cạnh tôi, như gặp lại cố nhân. Ông nói chuyện rất có tình, chân thật. Trong những bữa ăn sau, tôi đòi trả tiền, ông không chịu, nói rằng trong chiến trận, tôi chia sẻ miếng ăn cho ông thì bây giờ là lúc ông đền đáp lại. Thật sự mà nói, mình thấy cách người ta đối xử mình cũng cảm động.”
.
.
.

No comments: