Tuesday, November 30, 2010

TRUNG QUỐC ĐỐI ĐÂU THẾ GIỚI (Jonathan Fenby, Asia Sentinel)


Nguồn: Jonathan Fenby, Asia Sentinel   26.11.2010

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 11/30/2010 - 09:17

Cuối cùng lại là "Đối thủ chiến lược"?

Sau khi đưa Trung Quốc vào con đường kinh tế thị trường vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình khuyên nên cẩn thận trong vấn đề đối ngoại. Ông nói rằng Trung Quốc nên ẩn mình trong khi làm giàu và đừng đánh động những quốc gia mà thị trường của họ sẽ bị nền xuất khẩu của Trung Quốc thay thế cho nhu cầu sản xuất nội địa bị thiếu hụt.
Hồ Cẩm Đào và những lãnh đạo đồng nghiệp hẳn đã quyết định rằng đã đến lúc rũ bỏ sự cẩn trọng này. Trung Quốc không chỉ đã tự nhận một vị thế lớn hơn trên hoàn cầu mà ngày càng sẵn sàng hơn trong việc đứng vào những vị trí mà thế giới không công nhận, dù đó là việc định giá đồng tiền hay là việc ủng hộ những chính phủ Sudan, Iran và Miến Điện. Và giờ đây phương thức sử dụng cơ bắp nhiều hơn của Bắc Kinh đang đối đầu với nỗ lực của chính quyền Obama trong việc tái xác lập quyền lợi của Washington tại châu Á.

Điều này có thể tạo ra một kinh nghiệm thử thách cho cả hai phía của cái gọi là G2, một khái niệm vốn chưa bao giờ được khởi động vì con đường gập ghềnh trong quan hệ Trung-Mỹ kể từ khi Tổng thống Obama đến thăm nước Cộng hoà Nhân dân một năm trước đây. Những điểm nóng vừa qua là các bằng chứng. Khẳng định của Hillary Clinton về quyền tự do đi lại trong vùng biển Nam Hải đã đối đầu thẳng với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về vùng biển phía nam của họ. Việc Washington ngày càng gần gũi hơn với Ấn Độ, bao gồm việc hậu thuẫn New Delhi tìm kiếm chiếc ghế chính thức trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng là điều Bắc Kinh không vừa ý. Quan hệ Mỹ-Nhật luôn là nguồn lo lắng đối với Trung Quốc. Điều này cũng tương tự với quan hệ Mỹ-Hàn. Việc Hoa Kỳ bán vũ khi cho Đài Loan gây bực bội cho giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn luôn nhấn mạnh rằng hòn đảo này là một phần của nước Cộng hoà Nhân dân.

Trong ba tháng vừa qua tại Bắc Kinh, tôi đã liên tục nghe những lời lẽ sắc bén hướng về Hoa Kỳ không chỉ trong lĩnh vực ý thức hệ và sự tuyên truyền từ báo chí mà còn từ những nhà kinh tế học cao cấp, họ nhấn mạnh rằng sự thất bại trong chính sách kinh tế của Hoa Kỳ là nguyên nhân làm thế giới suy yếu. Thực tế về chính sách của Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ trong việc nới lỏng định lượng tiền tệ, còn gọi là QE2, đã bị rơi xuống như một quả bóng bằng chì tại hội nghị G20 ở Seoul cho thấy Trung Quốc không thiếu đồng minh.

Mei Xinyu, một thành viên của một viện nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại, đã tổng quát quan điểm bác bỏ Hoa Kỳ của Trung Quốc trên tờ Trung Hoa Nhật Báo tháng này: "Các quan chức tài chính cao cấp của Hoa Kỳ cần chuyển hướng quan tâm của người dân họ ra khỏi sự khó khăn của nền kinh tế quốc gia để che lấp sự bất tài của họ và đổ lỗi cho Trung Quốc về bất cứ những khó khăn đang xảy ra trên đất nước họ."
Hướng đến chủ thuyết âm mưu, bài xã luận này đã kết luận rằng bằng việc tấn công Trung Quốc, các quan chức tài chính ở Washington đã tạo ra những cơ hội đầu tư cho các công ty Wall Street, sau đó các công ty này sẽ tặng họ những vị trí cao sau khi họ nghỉ làm việc với chính phủ.

Trước hội nghị G20, Trung Quốc đã phản đối đề nghị của Hoa Kỳ như là sự quay lại thời kỳ kinh tế kế hoạch - một mỉa mai hay từ một quốc gia lớn cuối cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền, vốn vừa đưa ra Kế hoạch 5 Năm mới nhất của mình. Tại một hội nghị ở Bắc Kinh, Zhou Xiaochuan, giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nói rằng sẽ sẵn sàng đối phó với lượng tiền tuôn ra từ kế hoạch QE2 với vẻ như ông là một bác sĩ đang chuẩn bị cho một ca mổ khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Zhu Guanyao đã sử dụng cuộc họp báo tiền hội nghị G20 để nói rằng Trung Quốc sẽ đặt vấn đề về việc phục hồi chính sách nới lọng định lượng tiền tệ ở Seoul, ông bổ xung rằng, "Chúng tôi hi vọng Hoa Kỳ có thể nhận thức được trách nhiệm và nhiệm vụ của họ trong việc hồi phục nền kinh tế thế giới."

Tuyến phòng thủ tiền tệ của Trung Quốc là như thế này: Nếu ai đó cộng thêm 3 phần trăm giá trị tiền mà Trung Quốc đã sẵn sàng cho phép và chỉ số giá tiêu dùng của họ vượt quá 4 phần trăm trong thời điểm không có lạm phát ở phương Tây, thì sự tăng giá thật thì quan trọng và nằm trong sự tiên lượng trong khi quốc gia này đang phải đối diện với những thử thách nhiều mặt ở trong nước.

Việc hợp tác trong lĩnh vực hâm nóng địa cầu dường như đã đi vào ngõ cụt. Trung Quốc vẫn trân trọng đầu tư từ những công ty như Intel, nhưng lại khuyến khích những công ty trong nước bằng gói kích cầu và việc tăng cường thể chế luật lệ đối với các công ty nước ngoài đang làm phức tạp hơn mối quan hệ thương mại vốn đã thăng hoa từ những năm 1980s. Trong khi lục địa này đang tiến dần lên nấc thang kỹ thuật và giá trị dưới Kế hoạch 5 Năm sắp tới của mình, những căng thẳng về thương mại sẽ tăng thêm.

Nghành thương mại Trung Quốc vốn hầu hết nhắm vào hàng xuất khẩu giá rẻ. Nhưng nếu việc phát triển của Trung Quốc đi theo đúng kế hoạch, việc thay thế các mặt hàng nhập khẩu giá trị cao sẽ là ưu tiên hàng đầu. Một sự kiện ít được lưu ý trong tháng này là Trung Quốc đã đưa ra một mẫu máy bay dân dụng 150 chỗ ngồi dự định sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2016, làm phức tạp hơn những thương vụ của Boeing với thị trường máy bay dân dụng lớn nhất trên thế giới, chưa kể đến việc Airbus cũng bị ảnh hưởng.

Phí bên kia bờ Thái Bình Dương, những lời lẽ cứng rắn hơn từ Nhà Trắng và Ngân khố Hoa Kỳ khi họ đang nằm dưới áp lực chính trị trong nước và sự mất mát ngày càng nhiều những đồng minh kinh tế nước ngoài cũng không chỉ ra được một tương lai yên lành về việc Washington và Bắc Kin cùng nhau làm việc vì lợi ích của thế giới nói chung. Trong phát biểu tại hội nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfut ngày 19 tháng Mười một, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernake đã phản công lại những chỉ trích từ Trung Quốc, ông lưu ý rằng "việc giảm giá trị tiền tệ trong những quốc gia thặng dư đang kìm hãm sự điều chỉnh quốc tế cần thiết và đang tạo ra ảnh hưởng lan tràn vốn đã không hiện hữu nếu tỉ giá hối đoái đã phản ánh đúng giá trị căn bản của thị trường."

Chuyến thăm Washington của Hồ Cẩm Đào vào tháng Giêng sẽ làm một thử nghiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo The Australian, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton nói rằng chính sách của Trung Quốc trong khu vực được thiết kế để thử thách những quốc gia khác và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần phải chấp hành luật lệ quốc tế. Vấn đề là luật lệ này lại vô cùng mơ hồ trong những điểm mâu thuẫn mấu chốt, đặc biệt là về chủ quyền của những hòn đảo đá có thể nằm trên những mỏ năng lượng khổng lồ.

Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có một âm hưởng lớn hơn vì phương cách Hoa Kỳ ủng hộ Nhật trong cuộc tranh chấp về viên thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ và sự xáo động qua việc Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu quặng đất quí cho Nhật. Một thăm dò do tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun xuất bản vào giữa tháng Mười một cho thấy 87% cho rằng Trung Quốc không đáng tin và 90% cho rằng quan hệ giữa hai quốc gia là tồi tệ. Một thăm dò song song của tờ báo Trung Quốc Tuần báo Viễn cảnh Đông phương thuộc thông tấn xã nhà nước cũng cho thấy những con số tương tự trên quan điểm của Trung Quốc đối với Nhật. Ngoài ra, Việt Nam, với sự đồng thuận của Hoa Kỳ, đã tuyên bố cảng Cam Ranh sẽ mở cửa cho các tàu hải quân nước ngoài và với sự khó chịu của Bắc Kinh, đã tiếp đón hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ George Washington.

Nếu mối quan hệ này tiếp tục đi xuống, chuyến thăm của Hồ sẽ có nguy cơ trở thành một cuộc đối đầu. Nếu chỉ vì nguyên nhân chính trị trong nước, Obama có thể bị bắt buộc phải chứng tỏ rằng ông có thể cứng rắn với Trung Quốc bằng cách đánh thuế vào một số mặt hàng xuất khẩu, phản đối những tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc hoặc bắt Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với lý lịch môi trường của mình. Hồ, sắp sửa sẽ từ chức lãnh đạo vào cuối năm 2012, chẳng mong muốn rời bỏ chức vụ của mình như một kẻ nhượng bộ Hoa Kỳ.

Sự đối đầu này thì nguy hiểm cho cả hai quốc gia - và cả thế giới. Nó có thể dẫn đến việc huỷ hoại chính sách bảo hộ. Xem Trung Quốc như một kẻ thù có thể là một thế cờ hấp dẫn để kiếm phiếu đối với chính quyền đang cần phô trương cơ bắp. Bắc Kinh cũng sẽ có phản ứng tương tự. Cần phải có sự tỉnh táo ở giới lãnh đạo cao cấp, với mỗi bên cần phải nhượng bộ và tìm cách giảm bớt những khẩu hiệu về tiền tệ trong khi cùng nhau thảo luận nghiêm túc về phương pháp chung về các biện pháp bảo vệ môi trường. Liệu phía nào có khả năng làm việc này thì vẫn là một câu hỏi. Dựa trên những hành xử của hai bên cho đến nay, ta chỉ có thể bi quan.
.
.
.

No comments: