Tuesday, November 30, 2010

NHỮNG CỰU DU HỌC SINH Ở ÚC "NGẠI" VỀ VIỆT NAM

30/11/2010 - 13:30

Một số du học sinh Việt Nam sang Úc du học rồi sau đó trở thành thường trú nhân tại Úc. Họ có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định nhưng lại ‘ngại’ trở về thăm quê nhà Việt Nam. Vì sao?

Người Việt sinh sống và lập nghiệp trên nước Úc ngày càng nhiều. Trong số này có những trường hợp ‘ngại’ về thăm quê nhà vì các lý do cá nhân. Trong ảnh: một góc thương xá của cộng đồng người Việt ở thành phố Melbourne. (Bay Vút)

Sợ tốn kém
Úc là một trong những quốc gia từ lâu thu hút được nhiều du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam. Hiện số sinh viên Việt Nam tại Úc theo ước tính khoảng từ 15.000 đến 19.000 người. Có nhiều sinh viên Việt Nam sau khi ra trường đã may mắn có được việc làm ổn định, xin được thường trú nhân (PR) rồi nhiều năm sau có thể nhập quốc tịch Úc.
Từ đó, các cựu du học sinh trở nên quen thuộc với cuộc sống, môi trường sống ở Úc. Một số người bắt đầu có tâm lý ngại về Việt Nam, nhất là đối với những người đã có gia đình.

Anh Minh là một cựu du học sinh Việt hiện đang sống cùng gia đình tại Úc. Vợ anh làm việc cho chính phủ Úc với mức lương tương đối cao, còn anh thì có một gian hàng nhỏ bán quần áo ở chợ. Thu nhập của gia đình anh khá ổn định và dư dả so với mặt bằng chung của xã hội. Nhưng đã gần mười năm nay, vợ chồng anh Minh không “dám” bước chân về thăm quê hương Việt Nam!

Hết năm này đến năm khác, vợ chồng anh Minh cứ lần lữa chuyện về thăm gia đình bà con thân thuộc ở Việt Nam và viện dẫn rất nhiều lý do như bận rộn công việc, con cái chưa khôn lớn.... Thế nhưng những bạn bè thân thiết với vợ chồng anh Minh thì biết tỏng rằng nguyên nhân chính là do họ... tiết kiệm và sợ tốn kém nhiều chi phí cho chuyến về Việt Nam!

Phải tiết kiệm?
Anh Minh bày tỏ nếu vợ chồng anh về Việt Nam chơi thì số tiền tốn kém cho chuyến đi rất nhiều: tiền vé máy bay đi lại cho cả gia đình 5 người đã lên đến 6 - 7.000 ngàn đô la, tiền quà cáp sơ sơ cũng phải hơn 2.000 đô la, thêm tiền biếu xén họ hàng, rồi tiền ăn uống, chi trả cho những lần tụ tập gia đình, bạn bè...
"Nhiều người ở Việt Nam lại cứ nghĩ thân nhân sống ở nước ngoài là phải là ‘ngon lành’ lắm nên nếu mình về nước mà chi tiêu ‘kẹo kéo’ quá thì sẽ bị mang tiếng”, anh Minh nói. “Mà nếu mình chi xài vung tay quá trán ở Việt Nam thì khi sang lại Úc phải ‘cày’ cật lực để bù lại, ngán lắm!”.

Anh Minh tâm sự để có được thành quả như ngày hôm nay (hai vợ chồng hiện có ba căn nhà và một cửa hàng quần áo ở chợ), anh chị phải đi làm việc cật lực, vất vả và chắt chiu dành dụm từng đồng trong suốt thời gian dài. Họ cũng sống ‘thắt lưng buộc bụng’ tiết kiệm tối đa vì hàng tháng vẫn còn phải đóng tiền mua nhà trả góp cho các ngân hàng. Cuộc sống khó khăn thuở ban đầu cùng sự vất vả mưu sinh tự lực từ đôi bàn tay trắng đã khiến họ hình thành nếp nghĩ lẫn nếp sống phải thật tiết kiệm, thậm chí ai nói vui là họ ‘kẹo kéo’ cũng được.
Từ đó, việc chi ra số tiền cỡ chục ngàn đô la cho mỗi chuyến về thăm gia đình tại Việt Nam là điều ‘rất khó duyệt qua’ đối với vợ chồng anh Minh.
Ngoài ra còn có một lí do tế nhị nữa là anh Minh cảm thấy có phần mặc cảm với nghề nghiệp buôn bán nhỏ của mình tại Úc mỗi khi phải giới thiệu việc làm của mình với bạn bè ở Việt Nam.

Một trường hợp khác như chị Hà vốn là du học sinh rồi ở lại Úc lập nghiệp theo nghề kế toán mà chị đã học. Chị lập gia đình với một cựu du học sinh Việt Nam khác hiện làm kỹ sư công nghệ thông tin. Công ăn việc làm ổn định, hai anh chị cũng mua được hai căn nhà trả góp tại Úc.
Hai vợ chồng chị Hà đã đăng kí kết hôn ở Úc nhưng từ sáu năm nay chưa về Việt Nam làm đám cưới. Vì thế gia đình cả hai họ đều chưa thể biết mặt dâu, rể dù họ rất mong mỏi!
Trước sức ép của gia đình, chị Hà quyết định Tết nguyên đán năm nay (tháng 2/2011) sẽ để... người chồng về một mình ra mắt bố mẹ vợ trước. Đến năm tới nữa chị Hà sẽ về gặp gỡ gia đình nhà chồng cho trọn vẹn đôi bên. Chị lý giải nếu cả hai vợ chồng mà cùng đi về một chuyến thì quá tốn kém! Chuyện nghe cứ như đùa nhưng lại là sự thật.

Quê hương nếu ai không nhớ...
Anh Minh bảo rằng mặc dù anh biết lâu ngày không về thăm gia đình sẽ khiến cho cha mẹ buồn lòng nhưng vẫn khất hẹn đến... tương lai: “Thôi đành cố gắng làm lụng thêm mấy năm nữa rồi sẽ về ở hẳn quê nhà luôn”.
Thỉnh thoảng, ông bà nội, ngoại hai bên có sang Úc thăm con cháu. Dù vậy, ba đứa con của anh Minh cũng không mấy mặn nồng tình cảm với ông bà bởi từ khi chào đời đến nay, số lần chúng được gặp các ông bà cụ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong một lần về Việt Nam, người viết bài đã có dịp gặp mẹ của chị Hà nhân một lần đến thăm và gửi giúp quà của chị Hà cho gia đình. Mẹ chị Hà kéo tay chúng tôi vào nhà và hỏi đủ thứ chuyện, trong đó điều bà quan tâm nhất là mặt mũi, tướng mạo, tính tình anh con rể và cuộc sống của vợ chồng con gái bà ở Úc.
Mẹ chị Hà cho biết mặc dù con gái cũng thường xuyên gọi điện và gửi hình ảnh về cho gia đình nhưng bà vẫn muốn biết thêm nhiều thông tin khác. Bà cũng nói rằng hai vợ chồng bà rất buồn vì đã nhiều năm rồi con gái không về thăm gia đình, mỗi khi Tết đến là nỗi nhớ con lại da diết.
Bà thở dài: “Ông nhà tôi giận chúng nó lắm và dọa sẽ từ con. Đợt vừa rồi tôi bảo ông ấy thôi thì hai vợ chồng mình sang Úc thăm chúng nó vậy nhưng ông ấy nhất định không đồng ý. Ông ấy còn quát tôi và bảo là tại bà dung túng cho con cái. Khi nào mà vợ chồng nó chưa về ra mắt tổ tiên, họ hàng thì coi như vẫn chưa lập gia đình!”.

---------------------------------

Sinh viên đại học đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống

.
.
.

No comments: