Friday, May 28, 2010

BIỂN ĐÔNG : VIỆT NAM ĐÃ HƯA HẸN ĐIỀU GÌ VỚI TRUNG QUỐC ?

Biển Đông: Việt Nam đã hứa hẹn điều gì với Trung Quốc ? Hệ quả và trách nhiệm.

Trương Nhân Tuấn

Đăng bởi tinletrai on 05/28/2010

http://1nguoiviet.wordpress.com/2010/05/28/bi%e1%bb%83n-dong-vi%e1%bb%87t-nam-da-h%e1%bb%a9a-h%e1%ba%b9n-di%e1%bb%81u-gi-v%e1%bb%9bi-trung-qu%e1%bb%91c-h%e1%bb%87-qu%e1%ba%a3-va-trach-nhi%e1%bb%87m/

.

Trong bài phỏng vấn ông Dương Danh Dy của RFA « Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung? »

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html

ký giả Mặc Lâm đặt câu hỏi, ông Dương Danh Dy trả lời, nội dung phần trả lời có vài điều đáng chú ý như sau :

Mặc Lâm: Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ ?

Ông Dương Danh Dy: Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.

Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.

Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy.

Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.

.

Như thế những hứa hẹn của đảng CSVN về biển Đông với Trung Quốc không còn là đồn đại hay nghi vấn. Ông Dy là viên chức cao cấp ngành ngoại giao của chế độ, theo giới thiệu của RFA, ông Dy là «một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc». Ông Dy có đầy đủ tư cách của nhân chứng. Lời nói của ông Dy khả tín: đảng CSVN có một số điều hứa về biển Đông với Trung Quốc.

Điều đáng tiếc, ký giả Mặc Lâm đã không hỏi tới để biết «các điều hứa» đó là các điều gì ? Ông Dương Danh Dy đã nói rằng ông «biết rất rõ» các điều hứa đó. Biết rất rõ, nếu hỏi thì sẽ nói thôi !

Về những trường hợp mất đất trên đường biên giới ông Dy cũng đã nói một cách rất rõ ràng : mất đất cho Trung Quốc là việc có thật. Ông có kể trường hợp ông là người đi giám sát một địa điểm trên biên giới và xác nhận có mất đất. Có thể ông Dương Danh Dy còn biết rất nhiều các địa điểm khác mà đất của Việt Nam bị mất cho Trung Quốc.

.

Cũng vậy, ký giả Mặc Lâm đã không hỏi vặn tiếp ông Dy để biết vùng đất bị mất đó ở đâu ? Mất chính xác là năm nào ? Còn các vùng đất nào khác không ? Nếu còn thì các vùng đó ở đâu ?

Nói theo ngôn ngữ bình dân thì ông Dy đã «đưa banh» vào chân ký giả Mặc Lâm nhưng ông ông này không «sút» vào lưới. Có lẽ do vấn đề kỹ thuật, phỏng vấn trên một «plan» có sẵn nên không đặt những câu hỏi ngoài lề. Những gút mắt về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam và Trung Quốc đã có thể bạch hóa nếu ký giả đặt thêm vài câu hỏi phụ.

Ký giả Mặc Lâm xem ra mắc nợ với độc giả RFA, mà tôi là một, một buổi phỏng vấn bổ túc ông Dương Danh Dy để khai thông các điều đáng lẽ ông Dy đã phải nói.

Xin cám ơn trước ký giả Mặc Lâm.

.

Một ý kiến của ông Dương Danh Dy có thể gây tranh luận trong giới học giả Việt Nam, về các lời hứa với Trung Quốc về biển Đông, ông nói rằng : «Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi».

«Chuyện lịch sử» là chuyện thế nào ? Phải chăng những người hứa hẹn đã không còn nữa ?

.

Cá nhân tôi nghĩ rằng vấn đề không đơn giản như thế. Có nhiều việc cần phải soi sáng. Thí dụ : nội dung các hứa hẹn đó là thế nào ? Hình thức ra sao (thỏa ước mật, công hàm xác nhận hay một hình thức giao kèo nào đó…) ? Xảy ra giữa lãnh đạo đảng CSVN với lãnh đạo đảng CS Trung Quốc hay là giữa đại diện quốc gia với đại diện quốc gia ? Tùy theo hình thức của các hứa hẹn mà hiệu lực của chúng có ràng buộc hay không.

.

Tôi không nghĩ về chuyện «kết tội ai» mà ông Dy đã nói ra. Không ai có thể lấy tư cách cá nhân để luận tội ai. Đây là lãnh vực của pháp lý và lịch sử. Điều quan trọng, theo tôi, là hiệu lực pháp lý của các «hứa hẹn» đó sẽ thể hiện như thế nào ? Các hứa hẹn này có (còn) ràng buộc quốc gia Việt Nam hay không ? Việc bạch hóa do đó trở thành việc cấp bách. Chúng ta phải biết rõ hình thức và nội dung của các hứa hẹn này thì mới có thể có một thái độ tương ứng.

.

Về trách nhiệm pháp lý, e là việc này chỉ xảy ra ở một đất nước có một nền pháp lý vững chắc. Luật gia Cù Hà Huy Vũ đâm đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không biết tòa án nào có thẩm quyền. Vấn đề «trách nhiệm pháp lý» do đó sẽ không có hy vọng gì được thiết lập trong tương lai gần.

.

Về trách nhiệm lịch sử của các « nhân vật lịch sử » là công việc của sử gia. Tôi không dám nhân danh «sử gia » để làm việc này. Ở đây chỉ xin đưa ra một vài dữ kiện liên quan và đưa ra kết luận chủ quan của mình. Mọi người đọc và tự có kết luận.

.

Theo các tài liệu do chính đảng CSVN công bố, từ năm 1954, đã rất nhiều lần Trung Quốc lấn đất của Việt Nam. Nhà nước CSVN đã xuất bản cả cuốn sách để nói đến việc này, như cuốn «Vấn Đề Biên Giới Giữa VN và Trung Quốc» do nhà XB Sự Thật in năm 1979. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe các lãnh đạo của đảng CSVN lên tiếng bình luận về việc này. Chỉ đến năm 1979, tức lúc bắt đầu có xung đột với Trung Quốc, thì chúng ta mới thấy rải rác một số tài liệu xuất hiện, tố cáo Trung Quốc chiếm đất, chiếm đảo của Việt Nam, cuốn sách dẫn trên là một thí dụ. Nếu không có sự xung đột 1979 chắc chắn công chúng sẽ không bao giờ nghe nói đến việc việc mất đất.

Nhưng những phản đối của nhà nước CSVN từ 1979 đến nay cho thấy không có hiệu quả gì. Hiệp Ước về biên giới trên đất liền ký năm 1999 là bằng chứng cụ thể.

Theo tài liệu đã dẫn trên, biên giới vùng Nam Quan đã thay đổi từ năm 1955. Cột mốc 18 xác định biên giới tại Nam Quan đã bị phía Trung Quốc «ủi nát» và lấn về Việt Nam trên 400m. Ðoạn nối đường rầy cũng bị Trung Quốc lấn 300m. Thác Bản Giốc, đất vùng Trình Tường thuộc Hải Ninh, Trà Lĩnh, Bảo Lạc thuộc Cao Bằng, đất xã Bảo Lâm thuộc Lạng Sơn, nhiều khu vực mỏ quan trọng trên vùng biên giới v.v… cũng bị mất từ thập niên 50. Riêng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhà nước CSVN, qua thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1958.

.

Những phản đối của nhà nước CSVN từ năm 1979 đã không thành công đòi lại lãnh thổ bị mất. Hiệp ước đã ký năm 1999 thực ra chỉ nhằm hợp thức hóa những vùng đất đã bị Trung Quốc chiếm. Các tuyên bố của quí ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng… trong thời gian qua cho ta thấy điều đó. Nam Quan, Bản Giốc v.v…

Phải chăng đây là hậu quả của các hứa hẹn, như ông Dương Danh Dy đã nói, ghi lại ở trên ?

Những vùng đất chúng ta biết bị mất cho Trung Quốc có lẽ chỉ là phần nổi của một băng đảo. Khi các bản đồ của hiệp ước 1999 được công bố ta sẽ thấy có thêm bao nhiêu đất bị mất.

Về « trách nhiệm », ai là người có trách nhiệm trong việc để mất đất này ?

Những vụ mất đất đã xảy ra dưới thời ông Hồ Chí Minh còn sống. Chắc chắn ông Hồ có tránh nhiệm phần lớn. Bây giờ ông Hồ đã mất. Trách nhiệm đó gọi là trách nhiệm lịch sử.

.

Về biển Đông, ông Dương Danh Dy đã nói rất rõ : «Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả ».

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một trong những điều hứa.

.

Tôi đã trình bày đoạn trên, tất cả những vùng đất bị mất dưới thời ông Hồ lãnh đạo đều không lấy lại được.

Hoàng Sa và Trường Sa ông Hồ đã hứa cho Trung Quốc, liệu chúng ta có thể giữ được không ? Nhưng đây là vấn đề khác, không bàn ở đây.

Ở đây tôi muốn nói, ông Hồ là người có trách nhiệm rất lớn về việc làm mất đất biên giới và có thể hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với vùng biển của chúng.

Trương Nhân Tuấn

@http://www.to-quoc.net/

.

.

.

No comments: