Monday, May 31, 2010

ÁO VÀNG, ÁO ĐỎ và SINH NHẬT ĐỨC PHẬT

Áo Vàng, Áo Đỏ và Sinh Nhật Đức Phật

Trần Đăng Khoa

31.05.2010

http://damau.org/archives/12524

Cái nơi mà tôi muốn ở trong mùa hè này là Thái Lan. Các bạn thận trọng thì sẽ mắng tôi là “cái thằng dở hơi, nơi ổn định yên bình không đi mà đi vô chỗ bất ổn như rứa”, các bạn cởi mở hơn thì sẽ nói “thằng cha ấy nó thích phiêu lưu”. Thực sự thì tôi chỉ có một lý do là “Tôi yêu dân tộc Thái”. Tôi muốn chứng kiến sự thay đổi và chia xẻ với người Thái nổi đau của sự chia rẽ.

Tôi đến Thái Lan lần đầu tiên cách đây 13 năm. Những hình ảnh đầu tiên của xứ sở này làm tôi mềm lòng, nụ cười trẻ thơ của cô nhân viên sân bay giữ giùm hành lý, ánh mắt thân thiện của anh lái xe bus từ sân bay vào phố, đám học sinh tan trường chững chạc và đoàn nhà sư trong nắng bên ngoài Hoàng Cung. Một thoáng Băng Cốc ấy vẫn còn nguyên sau chừng đó năm, chưa một lần quay lại. Chừng đó hình ảnh đủ xua đi những lời đàm tiếu về xứ Thái vào những năm đầu thập niên 90, nào là sự phát triển lộn xộn gây ra nạn kẹt xe (sau này tôi tự hỏi cái nạn kẹt xe ấy so với cái đang diễn ra ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà trưng…thì như thế nào?), nào là nạn mại dâm lan tràn (lúc ấy hình như chưa có phong trào tìm chồng Đài Loan hay Hàn Quốc)…Thế rồi người Việt lũ lượt rủ nhau đi Thái Lan du lịch, các đồng nghiệp, bè bạn có người đi vài lần trong năm. Tôi nghe kể lại nhiều về Thái Lan, đất nước ấy không còn xa xôi nữa, vậy mà bởi cái duyên làm sao, tôi chưa hề trở lại.

Thái Lan là đất nước duy nhất ở Đông Nam Á, và thứ hai tại châu Á (nước kia là Nhật Bản) không rơi vào ách thực dân trong hơn 400 năm qua. Trước những hạm thuyền phương tây dữ dằn vào thời đó, Băng Cốc dang tay chào đón, không im lìm bất hạnh như Đà Nẵng hay Thượng Hải. Đế quốc Siam biết mình phải thay đổi. Quốc hiệu thay đổi, và nhiều thứ thay đổi theo. Siam trở thành Thái Lan, xứ sở của người Thái, những người Tự do, nhẹ nhàng tham gia vào chính trường thế giới. Lịch sử ghi công hai vị vua anh minh, Mongkut và con là Chualongkorn, khởi đầu cho những cải cách xã hội làm nền tảng cho nước Thái đi lên.

Phật giáo từ lâu đã là nền tảng của dân tộc Thái, điều ấy làm cho người Thái cở mở và hiếu hòa. Vua Mongkut đã có thể hào hứng bàn luận về Moise và kinh Thánh với các giáo sĩ. Trong hoàng cung của ông các công chúa và hoàng tử học tiếng Anh để chuẩn bị cho “toàn cầu hóa”. Phải chăng tinh thần Phật giáo đã làm cho người Thái dễ dàng chấp nhận những điều mới? Tránh xung đột, xả bỏ mọi ưu phiền! Những nhận định có vẻ ngược đời vào cái thời điểm mà 1 phần Băng Cốc vẫn còn những cột khói đen chưa tắt.

Tư tưởng Phật giáo ngay từ đầu đã được người khai sinh ra nó đánh giá là khó lòng được thông hiểu bởi mọi người. Chỉ với tinh thần Bồ tát mà Đức Phật và các đệ tử mới dấn than mang đuốc Tuệ trên đường khai sáng đầy chông gai. Ngay lúc còn tại thế, Ngài cũng đã từng bất lực nhìn cuộc chiến thảm sát dòng họ mình do bởi sự sân hận u mê quá lớn. Và trong suốt lịch sử xiển dương Phật giáo không ít lần sự sân hận u mê ấy lại bùng phát đầy máu của chiến tranh và bạo lực. Các cuộc ám toán đằng sau bức tường điện Potala ở Tây Tạng, cuộc chiến Miến-Thái của những vị vua theo Phật để tranh giành xá lị! Những sân hận u mê ngay trong Tăng đoàn, ngay giữa những người con Phật.

Đất nước Phật giáo Thái Lan cũng không tránh được những duyên nghiệp chồng chất của cõi u minh. Cuộc cách mạng năm 1932, rồi các cuộc biểu tình cuối thập niên 80,…là những xung đột chính trị trên cõi thế, là những chập chờn của đuốc Tuệ ở cõi Tâm. Người Thái đều thoát ra khỏi những bi kịch ấy với ít tổn thương nhất, nếu so với những cuộc cách mạng vĩ đại khác, ở nơi khác. Máu đã đổ trong cuộc xung đột lần này của hai phe đỏ và vàng trong hai năm qua, đất nước đã đứng bên bờ nội chiến. Các cột khói đen đầy u tối ám ảnh bầu trời Băng Cốc trong mấy tuần qua. Người đứng đầu chính phủ Thái kêu gọi hòa giải sau khi bạo lực đã bị dập tắt bằng bạo lực. Những thủ lĩnh áo đỏ buông vũ khí, họ nói rằng họ đau lòng trước bạo lực. Tôi tin lời cả hai phía, một bên từ bỏ bạo lực, còn bên kia phải cải cách xã hội. Tôi tin lời một quan chức Thái rằng đất nước Thái Lan sẽ có một nền dân chủ khỏe mạnh hơn sau biến động này. Những người Thái sẽ lại tìm được tiếng nói chung, sẽ thức tỉnh sau những giây phút sân hận u mê không lý trí. Sẽ là u mê hơn đối với những người mong muốn cho dòng đầu tư từ bỏ người anh em láng giềng đang hoạn nạn, những người chưa gì đã “nâng quan điểm” một cuộc đấu tranh giai cấp (nếu như vậy thì tôi cũng không biết xếp ông Taksin vào giai cấp nào). Với lòng chân thành chúng ta hãy mong cho ánh đạo vàng lại rực rỡ trên đất Thái, mong cho ông Thủ tướng hòa giải được bất đồng với những người anh em áo đỏ của mình (ông vẫn công nhận những bất hòa chứ không đổ cho một thế lực ngoại bang nào cả).

Những cơn gió mùa nồng ấm sẽ xua tan những cột khói vỏ xe ở Băng Cốc. Chính những cơn gió mùa này ngày xưa đã mang những nhà sư vượt trùng dương cùng tư tưởng Phật giáo đến cho vùng Đông Nam Á. Hoa lan sẽ nở và du khách sẽ đến với đất nước của nụ cười. Tôi nhớ về cái đêm Băng Cốc mùa Phật đản năm xưa với tràng hoa nhài thơm nhẹ trong một ngôi chùa. Mùa Phật đản lại đến, tôi mong trở lại Băng Cốc để thấy cả màu đỏ lẫn màu vàng đều nằm trong lá cờ của Đức Thế tôn.

Hè 2010, Cordelia

.

.

.

No comments: