Wednesday, March 24, 2010

VÕ ĐẠI TÔN : SAO ANH ĐI MÀ KHÔNG BẢO GÌ NHAU ?

Võ Đại Tôn: “Sao anh đi mà không bảo gì nhau”?

http://www.danchimviet.com/2010/03/22/vo-d%e1%ba%a1i-ton-sao-anh-di-ma-khong-b%e1%ba%a3o-gi-nhau/

Ðường về quê hương:

Ðường đời trăm vạn nẻo,
Đâu lối về quê hương?
Giao-Chỉ

Nhân dịp 35 năm nhìn lại con đường, mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu thập niên 80 tại San Jose. Những anh bạn trẻ Ðỗ Hùng, Nguyễn Trung Cao và Hồ văn Sinh….. tổ chức đón người khách từ Úc Châu qua. Ông Võ Ðại Tôn đang đi khắp năm châu bốn bể đã ghé lại San Jose hô hào tìm đường Phục Quốc,. Thời kỳ đó không ai nói chuyện đấu tranh chính trị. Không ai nói hòa hợp hòa giải. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, các tổ chức đang kết hợp để hình thành mặt trận Kháng chiến. Lãnh đạo là vị đề đốc hải quân. Bên Pháp nhiều nhóm cách mạng cũng bàn chuyện ngồi lại với nhau. Trong đó có phi công Mai Văn Hạnh. Thời đó, chống Cộng là phải tìm đường về Ðông Nam Á. Giải phóng quê hương là phải chiến đấu vũ trang.

Ban Thùy Dương cất tiếng hát:

Này em, anh sẽ về bên kia biên giới,
Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.

Võ Ðại Tôn là đóm lửa quê hương về từ Úc Châu.
Hoàng Cơ Minh là đốm lửa của Mỹ Châu và Trần Văn Bá là đốm lửa Âu Châu.

San Jose không ai biết nhiều về Võ Ðại Tôn. Một vài người nhắc đến tên thi sĩ Hoàng Phong Linh qua bài thơ “Mẹ Việt Nam ơi!”. Tuy nhiên, với niềm hưng phấn trong không khí phục quốc, San Jose đã đón tiếp ông Võ Ðại Tôn hết sức nồng nhiệt. Tờ San Jose Mercury tường thuật tin tức và hình ảnh trên 1 trang báo lớn.

Sau đó, anh em tiễn đưa người Kinh Kha thời đại lên đường.

Bẵng đi 1 năm sau, chợt thấy hình ảnh cuộc họp báo hào hùng của Võ Ðại Tôn tại Hà Nội trên TV toàn thế giới. Lúc đó hải ngoại mới biết tin ông bị bắt, bị tra tấn, rồi ông trá hàng và lừa CS Hà Nội trong một cuộc đấu tranh chính trị đâu ra đấy.

Vào tháng 7 năm 1982, Bắc Cali tổ chức ngày biểu dương tinh thần Võ đại Tôn hết sức rầm rộ. Rồi từ đó không còn tin tức gì nữa.

Người vợ đợi chờ:

Ngay lúc ông Võ Ðại Tôn đến San Jose, khi tửu hậu trà dư, chúng tôi thường tự hỏi ông này gia đình ra sao mà lại bỏ nhà đi khơi khơi như thế. Vợ con ở đâu? Kịp đến khi ông bị bắt, câu hỏi thường tình cũng vẫn đặt ra và không có câu trả lời. Vợ con ra sao?

Nhân dịp gia đình con chúng tôi đổi qua Úc làm việc 2 năm. Con gái sanh cháu đầu lòng. Bà ngoại qua Sydney nuôi cháu. Ông ngoại Giao Chỉ tháp tùng qua cái xứ mệnh danh là miền dưới của địa cầu. Chúng tôi có dịp ghé thăm và tìm hiểu chuyện gia đình của anh chị Võ Ðại Tôn. Lúc đó là vào đầu năm 1990, chị Tôn đã trải qua gần 10 năm đợi chờ bươn trải nuôi con trong cô đơn và gần như tuyệt vọng tin chồng.

Trong gian nhà đơn chiếc, chúng tôi còn thấy tấm hình sơn dầu thật lớn của anh Tôn ngay tại phòng khách. Hỏi thăm chị chuyện gia đình, người vợ trẻ chung thủy với nét mặt xa vắng và dè dặt cho biết rằng vẫn không biết tin tức chính xác của chồng từ lúc anh ra đi. Chị nói rằng vào thời gian 10 năm trước anh vẫn thường đi đó đây rồi lại trở về, Lúc đó vợ con chỉ trông cậy vào mình anh. Gia đình mới định cư ỏ Úc Châu. Con còn nhỏ, vợ không biết lái xe, nhà không có lợi tức gì chắc chắn. Sao anh đi mà không bảo gì nhau?

Chúng tôi ngồi nói chuyện nhưng ai cũng biết rằng làm sao người chồng ra đi như thế mà lại nói thật mọi điều cho vợ. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng chính người đi cũng đang lần dò đường về mịt mù tăm cá. Có gì chắc chắn mà giãi bầy? Ðâu có phải như ngày nay đi máy bay nên biết rõ ngày giờ chia tay và giây phút tái ngộ khi trong tay có sẵn vé khứ hồi.

Chuyện tình Tuyết Mai.

Người vợ trẻ của anh Võ Ðại Tôn sinh ra tại Lào nhưng trưởng thành tại miền Nam. Cô học Văn Khoa rồi sang Luật khoa của đại học Saigon. Ði dạy trung học và làm xướng ngôn viên đài truyền hình số 9 đọc tin thời sự buổi tối.

Bản tin cuối cùng, cô giáo trung học duyên dáng và trẻ trung của TV Việt Nam đã đọc vào đêm 28 tháng 4-1975.

Tuyết Mai của đài số 9 lập gia đình với anh Võ Ðại Tôn năm 1972 khi anh Tôn là Trung Tá Giám Ðốc nha công tác của Bộ Chiêu Hồi.

Sau tháng 4-75 cả 2 vợ chồng tìm đường vượt biên qua Mã Lai trong khi thân phụ của cô ở lại đi tù “cải tạo”. Về sau ông chết trong tù.

Hai vợ chồng vượt biên đã được Mã lai chấp nhận định cư ngay tại thủ đô Kuala Lumpur. Với khả năng Anh ngữ và kinh nghiệm về tình báo, anh Tôn được nhận vào làm tại Bộ quốc phòng Mã Lai. Qua năm 1976 gia đình chính thức xin về định cư tại Úc Châu. Con trai đầu lòng và duy nhất của anh chị sinh ra năm 1978 tại Úc với tên Võ Ðại Nam và lúc nhỏ gọi là Cu Lỳ. Sau này, khi ra đi anh Tôn có để lại cho vợ con quán cà phê Cu Lỳ, bán sách báo và cũng là nơi chiến hữu tới lui, liên lạc. Anh đi một thời gian thì chị cũng dẹp tiệm để tìm công việc vững chắc hơn.

Nhật ký đoạn trường:

*Tháng 2 năm 1981, Võ Ðại Tôn đã ra đi.

*Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1981, chỉ nhận được vài tin tức từ Bangkok gửi về cho biết là anh Tôn đã vào mật khu kháng chiến Lào Tự Do của Tướng Vang Pao ở Ðông Bắc Thái Lan, sau đó thì bặt tin luôn.

*Cuối năm 1981,Tuyết Mai tập lái xe, xin việc làm ở bưu điện Úc, nuôi con chờ chồng vẫn biền biệt tăm hơi.

*Ngày 13 tháng 7 năm 1982 được điện thoại từ Mỹ của Ông Việt Ðịnh Phương, chủ bút báo Trắng Ðen gọi qua Úc lúc 12 giờ khuya. Báo cho biết là Võ Ðại Tôn đã bị bắt và bị đưa ra họp báo quốc tế tại Hà Nội. Khi nghe điện thoại, nhận tin lần đầu tiên kể từ ngày anh Tôn ra đi, Mai khụyu xuống gần như bất tỉnh. Sau đó cũng không được tin tức gì nữa.

*Tiếp tục sống cô đơn chờ tin của chồng, nuôi con ăn học và đi làm vất vả. Hoàn cảnh sống như góa phụ. Có nhiều đêm đang ôm con ngủ, nghe điện thoại, mừng quá, tưởng rằng có tin tức của chồng. Nhưng đầu giây có khi là tiếng ai đó chửi bới, hoặc tán tỉnh sàm sỡ. Lại âm thầm khóc trong bóng đêm cô đơn.

*Năm 1983 hai mẹ con qua Thụy Sĩ vào văn phòng Liên Hiệp Quốc để vận động nhờ hỏi thăm tin tức của VÐT nhưng cũng không ai biết.

*Năm 1985, một buổi trưa xin sở làm cho nghỉ bệnh, tình cờ bật tivi đài số 7 của truyền hình Úc lên coi, thấy có hình của anh Tôn họp báo ở Hà Nội. Ðài này đang chiếu cuốn phim về “10 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, 1975-1985”.

*Gọi điện thoại ngay vào đài truyền hình số 7, hỏi thăm về cuốn phim tài liệu này và tin tức của Võ Ðại Tôn. Ðài truyền hình cho biết đó là cuốn phim thời sự do phóng viên truyền hình tên là NEIL DAVIS, thực hiện cho NBC, hiện nay Neil ở Bangkok, Thái Lan.

*Tuyết Mai xin nghỉ việc một tuần lễ, bay qua Bangkok tìm gặp NEIL DAVIS. Ký Giả DAVIS đã kể lại việc ông ta tham dư buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội của Võ Ðại Tôn, nhưng sau đó thì không biết thân phận Võ Ðại Tôn sẽ ra sao. NEIL DAVIS có cho Tuyết Mai một copy cuộn phim họp báo đó, và nói rằng thái độ bất khuất của Võ Ðại Tôn đó là sự kiện hi hữu trong đời làm phóng sự của ông ta. (Sau này NEIL DAVIS chết trong một cuộc đảo chánh ở Thái Lan khi đi quay phim). Với cuốn phim, Tuyết Mai có được hình ảnh của chồng qua cuộc họp báo ở Hà Nội, và chỉ biết âm thầm khóc.

*Kể từ ngày VÐT ra đi vào năm 1981 cho đến 1991 là đúng 10 năm dài, TM phải đơn độc đi làm nuôi con và vẫn thủy chung đợi chờ. Không có tin tức sống chết của chồng ra sao. Ði vận động với chính giới Úc Châu, với Quốc Hội Úc, nhưng không ai biết tin tức và các cuộc vận động cũng không có kết quả.

*Ðến tháng 12 năm 1991, bộ Ngoại Giao Úc Ðại Lợi bất ngờ cho biết là Võ Ðại Tôn sẽ được thả về Úc, qua sự vận động của chính giới quốc tế và của Úc Châu. Sững sờ, không tin vì đã quá mỏi mòn chờ đợi. Bộ Ngoại Giao Úc lại nói đây là tin tức nhận được từ Việt Nam. Nhưng cho đến khi nào Võ Ðại Tôn đặt chân lên đất Úc thì mới chắc chắn, vì mọi quyết định từ phía Việt Nam có thể thay đổi vào phút chót.

*Sau cùng, họ lại thông báo thêm, và qua tin tức loan báo của đài phát thanh BBC, VOA, thì Võ Ðại Tôn bị tù đúng 10 năm 1 tháng 17 ngày.Sẽ về đến Sydney vào ngày 11 tháng 12, năm 1991. Ðó là ngày Quốc tế Nhân Quyền.

*Tuyết Mai cùng một số đồng hương đã tụ tập tại phi trường quốc tế Sydney từ sáng sớm 11.12.1991. Nhưng chờ đợi trong hồi hộp đến trưa mới thấy một ông già khẳng khiu từ máy bay bước ra. Ðứa con trai nhỏ ngày nay đã thành một thiếu niên, không nhận ra cha mình.

*Sau hơn 10 năm biền biệt tăm hơi. Tuyết Mai nghẹn ngào không còn nước mắt để khóc khi thấy thân xác nguời chồng tàn tạ thảm thương. Ngày ra đi là một đàn ông trung niên, ngày trở về là một ông già tàn tạ, bước đi không vững. Con không biết cha là ai, vợ thì ngỡ ngàng trước thực tế hình hài, mặc dù trong lòng rộn ràng bao cảm nghĩ thương yêu nhưng vẫn không còn nước mắt để khóc mừng ngày đoàn tụ.

Ðoạn kết của chuyện tình, đoạn kết của con đường Phục quốc

Khi anh chị Võ Ðại Tôn qua Hoa Kỳ tìm cách định cư thời kỳ 90, chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều lần. Quả thực con đường hội nhập muộn màng của anh chị có khi còn khó khăn hơn cả đường về quê hương thuở trước. Gia đình không có hoàn cảnh hợp lệ để hưởng trợ cấp. Người chiến sĩ phục quốc về già không tìm được công việc thích hợp tại Hoa Kỳ. Cô vợ trẻ đi may thuê gặp toàn chuyện nham nhở buồn phiền. Giữa một cộng đồng đông đảo, nhiệt thành, tích cực nhưng phân hóa. Không có chỗ đứng cho người anh hùng thấm mệt. Gia đình nhỏ bé của anh chị lại phải từ giã Mỹ Quốc trở về Úc Châu, tìm lại sự thông cảm anh em với chút tình xưa nghĩa cũ. Ðó là những dữ kiện và tin tức của mặt nổi bên ngoài.

Từ bên trong, chiến sĩ Võ Ðại Tôn ngày nay bỏ kiếm cung trở lại với thi sĩ Hoàng Phong Linh, cầm bút viết những vần thơ cảm khái. Còn người vợ. Cô Sinh viên Saigon ngày xưa, cô giáo trẻ dạy trường trung học Long Khánh, cô nữ xướng ngôn viên đài TV số 9 Saigon, ngày nay thực sự cô nghĩ gì? Với tình yêu đầu đời năm 72, qua 3 năm hạnh phúc của đoạn cuối chiến tranh Việt Nam, thoát đi được năm 75 đã là điều may mắn. Những năm đầu định cư, trong khi ai nấy đều lo xây dựng cuộc sống trên quê hương mới thì người chồng còn trăn trở với giấc mơ trở về. “Rồi anh đi mà không bảo gì nhau.”

Vinh quang không thấy và ngày về cũng xa dần, chỉ còn lại những lời ong bướm tán tỉnh suốt năm tháng dài cô đơn mòn mỏi. Rồi thêm vào đó là những tin đồn đau thương đứt ruột từ những trại giam khổ sai bên Việt Nam. Những tiếng thị phi của đồng hương và tin tức đánh phá trên báo chí. Người chồng yêu quý họ Võ anh hùng đã thành tay Võ đại Bịp. Cả những người bạn cũng gọi anh là kẻ háo danh và ngu đần. Võ đại Tôn trở thành người yêu nước cuối cùng của thế kỷ thứ 20 mang tiếng bạc tình, chạy theo ảo ảnh, không lo cho vợ con. Sau cùng, chung quanh cô vợ trẻ hẩm hiu chỉ còn toàn là những người khôn ngoan, thông minh và hết sức thực tế.

Sau khi anh trở về, chẳng mấy ai còn quan tâm đến vụ họp báo quốc tế làm cộng sản thâm gan tím ruột tại Hà Nội năm 82. Có lá thư gửi đến cho người chiến sĩ trở về đã đang tâm hạ bút viết rằng: “Bác Võ đại Tôn, sao bác không chết đi ?”

Nhưng trải qua bao nhiêu đau thương, bác vẫn còn sống, và người chồng đã trở về. Anh không chết đâu em. Anh về như một phép lạ, dù hình hài tiều tụy. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen. Khi ra đi vẫn không một lời trăn trối.

Nếu khi đi thì phải nhiều năm em mới quen dần với đau thương. Thì ngày về cũng phải có thời gian em mới quen dần với sự vui mừng. Bây giờ đôi vợ chồng xum họp bên nhau gây dựng lại một niềm ước mơ rất nhỏ.

Một gia đình định cư dang dở, một công việc phục quốc dở dang. Chỉ còn cố hàn gắn lại niềm hạnh phúc về chiều.Tháng 4 nghiệt ngã 35 năm sau, năm 2010 gia đình Võ đại Tôn trở lại San Jose và nước Mỹ. Nối lại cái bắt tay muộn màng trong tình chiến hữu lúc hoàng hôn.

Tuyết Mai vẫn mãi mãi là Cô gái Việt và Hoàng Phong Linh vẫn còn là người thi sĩ trẻ một thời đã viết bài ca bất hủ. “Mẹ Việt Nam ơi! chúng con vẫn còn đây… “

© Giao Chỉ

© Đàn Chim Việt

.

.

.

No comments: