Monday, March 1, 2010

THAY ĐỔI NGÀY TẾT ?

Tản mạn đầu Xuân: thay đổi ngày Tết?

Tôi xin kể lại qua câu chuyện một người đồng nghiệp Nhật. Trong một dịp ăn trưa những trao đổi bên lề giữa ông ta và tôi đã đưa đẩy đến các đề tài lịch sử, văn hóa, chính trị. Điều lý thú là dù chỉ là một tiến sĩ chuyên môn về khoa học kỹ thuật, ông lại có những hiểu biết rộng rãi về tình hình chính trị xã hội của thế giới, đặc biệt là đối với khu vực châu Á Thái bình dương. Ông bày tỏ sự quan ngại lớn trước sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, có lẽ là điều hiển nhiên đối với mọi người quan tâm tới thời cuộc, nhưng sau đó lại đưa ra một nhận định mà theo tôi thì không biết nên đánh giá nó là một sự lạc quan thái quá hay là một sự tự trấn an. Đó là khi nói về Trung Quốc, ông nói rằng Trung Quốc không thể duy trì tình hình hiện nay lâu dài được, có nhiều khả năng bị vỡ thành nhiều mảng trong vòng 10 đến 15 năm tới bởi chính những vấn đề nội tại của nó. Phải nói là độc lập với những cảm quan thích ghét thông thường, nhận định chính trị rất ngắn gọn này của một người làm khoa học lại là tiêu biểu cho một khuynh hướng phân tích về tình hình Trung Quốc. Nó trái ngược với một khuynh hướng tả khuynh, bị lóa mắt trước những tăng trưởng của Trung Quốc như thường thấy trên nhiều phương tiện truyền thông phương Tây, mà Fareed Zakaria – cây bút thường nhật của tờ Newsweek nổi tiếng và là một bình luận viên cừ của đài truyền hình CNN – được giới quan sát coi là một đại biểu.

Và khi đề cập đến Nhật trong những ngày đầu xuân mà nếu chúng ta không nhân dịp này để cùng làm một cuộc du hành, dù thoáng qua, để viếng thăm xứ sở Phù Tang này là một thiếu sót lớn. Nhật Bản là một dân tộc đã làm nên nhiều điều thần kỳ, được thế giới ngưỡng mộ và học hỏi. Với diện tích nhỏ hẹp, tài nguyên ít ỏi, dân số chỉ ngoài 100 triệu mà nước Nhật đã và đang là một cường quốc kinh tế trong nhiều thập niên, chỉ đứng sau Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người của Nhật đứng hàng thứ hai trên thế giới, nhưng lại là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ qua chương trình đầu tư bằng cách sở hữu Công khố phiếu Hoa Kỳ, đạt con số khổng lồ gần 770 tỷ vào tháng Giêng năm nay. Phải nói cái động lực chính của nền kinh tế phát triển vượt bậc này là những phát minh khoa học, kỹ thuật mang tầm cỡ quốc tế, đóng góp thay đổi bộ mặt nhân loại từng ngày. Có thể kể những thí dụ điển hình về những thành quả trong lĩnh vực quang học từ các đại công ty như NTT và Fujikura, đã nâng tốc độ của tín hiệu truyền thông thế giới lên một tầm cao chóng mặt, từ 10 Gbits lên đến 40 Gbits rồi lên đến 100 Gbits cho mỗi giây đồng hồ là những con số kỹ thuật có thể liệt kê. Tại sao người Nhật lại có thể làm được nhiều điều phi thường như thế? Không chỉ riêng thế giới tìm hiểu, người Việt Nam chúng ta kể từ các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trở đi đã viết nhiều về nước Nhật, muốn học hỏi về đất nước có nền văn minh hiện đại chói lóa này. Nhưng có những chi tiết tôi chưa được đọc thấy từ các tài liệu của người Việt Nam viết về Nhật đề cập đến, lại là những chi tiết có sức cám dỗ lớn, mới nghe thấy lần đầu qua lần nói chuyện với người đồng nghiệp Nhật.

Một chi tiết thứ nhất làm mình suy ngẫm. Đó là khi nói về Trung Quốc , ông cũng nói tiếp luôn là người Nhật không có chữ viết cho đến thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, và nó được đem đến từ Trung Quốc. Ðiều này không sai vì sách vở ghi là văn minh chiếu rọi vào nước Nhật là từ Hoa Lục, được đem vào qua ngả Cao Ly. Ðiều đáng suy ngẫm là ông nói đến vấn đề mang tính thể diện dân tộc này một cách rất bình thường! Nó chứng tỏ một đặc điểm quan trọng là người Nhật không hề mặc cảm với tổ tiên của họ. Người Nhật có lịch sử 2600 năm, có nghĩa là ngắn hơn lịch sử 4000 năm của Việt Nam rất nhiều! Khi tìm hiểu thêm về nguồn gốc của người Nhật thì cuốn sách “Lịch sử và Văn hóa Nhật Bản” của đồng tác giả Scott Morton và Kenneth Olenik cho biết người Nhật có gốc gác Mông Cổ di dân, quần đảo này trước đó đã có một ít thổ dân sống tại đây. Như vậy thì người Âu Lạc của Việt Nam còn có chữ viết sớm hơn người Nhật, lịch sử ghi lại là Sĩ Nhiếp dạy dân Âu Lạc viết chữ vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên khi làm Thái Thú quận Giao Chỉ.

Câu hỏi đặt ra là hành động tiếp nhận một nền văn minh hơn mình thì có gì là sai, có gì mà phải hổ thẹn với tiền nhân của mình? Lịch sử có nhiều bài học cho thấy chối bỏ một nền văn minh là đồng nghĩa với việc chấp nhận sự tàn lụi của bộ tộc, của dân tộc đó. Không cần đi đâu xa, hãy nhìn sự thiệt thòi của sắc tộc Mường ở Việt Nam ngày nay thì rõ, tổ tiên của họ là những người Lạc cổ tinh hoa quyết định rút lên núi để bảo tồn văn hóa truyền thống của mình nhằm chống lại sức mạnh văn hóa Hoa Hạ đồ sộ thời đó được mang vào Việt Nam từ Hoa Lục. Tại sao người Việt Nam ngày nay vẫn còn phải tự huyễn hoặc mình để tự nhận cái nguồn gốc không thực Ðộng Ðình Hồ ở Phúc Kiến xa xôi bên Hoa Lục? Có cần phải đặt lên bàn thờ quốc tổ cái truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên nghe có vẻ rất cao sang nhưng chính cái truyền thuyết này là vấn đề. Nó không trong sáng. Nó được sáng chế từ bộ dã sử Lĩnh Nam Chích Quái vào thế kỷ 15 nhưng không biết bằng cách nào lại đi vào cuốn Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư trong cùng thời kỳ, và cụ Trần Trọng Kim ghi lại dù với sự dè dặt lương thiện trí thức trong Việt Nam Sử Lược. Vấn đề là cái truyền thuyết xương sống của thuyết nam di này đã phủ nhận sự tồn tại ngàn đời của người Lạc cổ trên chính mảnh đất tổ tiên của họ, coi cộng đồng người Chăm có cùng huyết thống với người Lạc cổ là một chủng tộc xa lạ và do đó nếu bị diệt vong cũng là chuyện bình thường? Làm gì có một cuộc nam di của một tộc Việt thuộc Bách Việt xuống đồng bằng sông Hồng để lập ra nước Văn Lang trước thời Triệu Ðà đô hộ Việt Nam lần thứ nhất, khi biên cương của hai vùng cách nhau bởi những dãy núi trùng điệp, hiểm trở hàng trăm cây số. Mà ngày nay có ai tìm được dấu vết Trống Đồng trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đâu? Nhiều tài liệu đáng tin cậy còn cho biết nền văn hóa Ðông Sơn ở đồng bằng sông Hồng của chúng ta có thể còn có trước nền văn hóa Hoa Hạ ở Hoa Lục. Và đối với nền văn minh lúa nước thì có nhiều dữ kiện cho thấy là nó xuất phát từ Việt Nam chứ làm gì có chuyện Thần Nông bên Hoa Lục, là vai ông cao ông cố của Lạc Long Quân, dạy người Việt Nam trồng lúa?

Chi tiết thứ hai người đồng nghiệp nói làm mình giật bắn người đó là khi ông nói một cách rất bình thường rằng người Nhật đã bỏ ngày Tết Âm lịch truyền thống mà họ đã ôm ấp trong khoảng 2500 năm và đã chuyển sang chính thức ăn Tết Dương lịch. Lật lại lịch sử thì thấy quyết định táo bạo này được đưa ra từ thời Minh Trị Thiên Hoàng năm 1873, nhưng mất khoảng hơn 70 năm – một thế hệ đời người – để cuộc chuyển hóa văn hoá này đạt được một sự chấp nhận hoàn toàn của người dân Nhật. Có phải đó là một quyết định dứt khoát, can đảm, mang tính công phá của dân tộc Nhật để dứt ra khỏi quỹ đạ của văn hoá Hoa Lục đã trở nên lỗi thời, trì trệ không?

Thử tưởng tượng về đề nghị thay đổi ngày Tết truyền thống ở VN! Trước hết là các ông đồ nho thường ngồi vẽ thư pháp vào các dịp Tết sẽ giẩy nẩy lên, rồi sẽ không tránh khỏi các vụ lên án, quy chụp. Vọng ngoại ư? Nếu triều Tự Ðức vọng ngoại như triều Minh Trị ở Nhật vào cuối thể kỷ thứ 18 thì Việt Nam chắc không lếch thếch như ngày nay. Chủ nghĩa cộng sản làm gì dễ xâm nhập được vào một xã hội Việt Nam với trình độ dân trí đã cao?

Ngày nay mọi người Việt Nam đều có một đồng thuận cao về một cuộc cách mạng văn hóa phải có, bởi nó là lực bẩy cho sự phóng tới của một nền dân chủ trong tương lai. Vấn đề đặt ra là cái điểm khởi đầu phải có, cái khởi điểm cần phải mang ý nghĩa rộng lớn, có thể làm chấn động tới gốc rễ của những lối mòn suy nghĩ ngàn năm đã thấm vào máu, vào óc của người Việt Nam . Có phải cái điểm khởi đầu đó là quyết định đi đến thay đổi ngày Tết Âm lịch cổ truyền không?

© Nguyễn Văn Hiệp

Nguồn: thongluan.org

.

.

.

No comments: