Friday, March 5, 2010

NHỮNG NHÀ BÁO ĐA NĂNG DŨNG CẢM CỦA MIẾN ĐIỆN

Những nhà báo đa năng dũng cảm của Miến Điện

Sen Lam
Nguồn
The brave men and women of Burma VJ's

05/03/2010 - 16:45

http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/nh%E1%BB%AFng-nh%C3%A0-b%C3%A1o-%C4%91-n%C4%83ng-d%C5%A9ng-c%E1%BA%A3m-c%E1%BB%A7-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-0

Một bộ phim tài liệu mang tên ‘Các nhà báo đa năng Miến Điện’ (Burma V-J) đã được đề cử giải Oscar năm nay cho hạng mục phim tài liệu hay nhất.

Trong lúc Miến Điện đang hướng tới chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm nay, có thể thấy sự mất mát do thiếu vắng các phương tiện truyền thông tự do. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số người dân Miến Điện dũng cảm, một số nhà báo giấu mặt và những công dân bình thường khác đã quyết tâm công khai những câu chuyện về đất nước mình. Mạng lưới Tiếng nói Dân chủ Miến Điện đã phát sóng các đoạn phim cùng các cảnh được quay bằng điện thoại di động, ngầm đưa chúng ra khỏi Miến Điện. Một bộ phim tài liệu mang tên ‘Các nhà báo đa năng Miến Điện’ (Burma V-J) đã được đề cử giải Oscar năm nay về phim tài liệu hay nhất.

Phóng viên Sen Lam của chương trình Connect Asia, Đài Úc đã có buổi trò chuyện với ông Toe Zaw Latt, người phụ trách Mạng lưới Tiếng nói Dân chủ Miến Điện ở Thái Lan.

Toe Zaw Latt: “Chúng tôi chia ra làm ba giai đoạn: trước bầu cử, trong thời gian bầu cử và sau bầu cử. Việc làm của chúng tôi là nhằm xây dựng lại mạng lưới. Hầu hết các mạng lưới chính nằm ở các thành phố lớn như Rangoo hoặc Mandalay, đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng phủ sóng đến các vùng nông thôn khác. Đối với giai đoạn trước bầu cử, chúng tôi quan tâm đến vấn đề cuộc bầu cử này là để làm gì và nó có công bằng hay không? Bởi lẽ chúng ta đang nói chuyện về tiến trình bầu cử thiếu công bằng và những kết quả bầu cử đã được định trước, vì vậy chúng tôi chỉ có thể cố gắng truyền tải thông tin tới dân chúng Miến Điện. Một cuộc bầu cử trong bối cảnh bình thường sẽ diễn ra như thế nào và làm sao để biết nó có gian lận hay không?”

PV: Người dân Miến Điện có tham gia vào Mạng lưới Tiếng nói Dân chủ Miến Điện không? Họ có nghe được những điều ông nói không?

Toe Zaw Latt: “Dĩ nhiên là có. Chúng tôi có cả hệ thống truyền thanh và truyền hình. Chúng tôi làm chương trình truyền hình kéo dài hai tiếng và phát lại 24/7 bởi hệ thống điện ở Miến Điện không đáng tin cậy cho lắm. Chúng tôi cũng làm chương trình truyền thanh kéo dài hai tiếng mỗi ngày và nhờ đó chúng tôi có đến 10 triệu khán thính giả cho cả hai hình thức truyền thông nêu trên.”

PV: Vậy chính quyền Miến Điện không tìm cách làm nhiễu sóng hoặc làm gián đoạn chương trình của các ông sao?

Toe Zaw Latt: “Họ vẫn chưa thể làm nhiễu tín hiệu vệ tinh nhưng họ vẫn đang cố gắng làm điều đó. Các trang web của chúng tôi đã bị khóa và khá nhiều người dân Miến Điện dùng proxy để vào xem trang web. Tuy nhiên, tôi không cho rằng họ có thể làm nhiễu sóng truyền thanh vì việc này không dễ dàng đến thế. Điều tốt nhất họ có thể làm là tác động đến tần số, như vậy thì khả năng thu âm sẽ rất tệ.”
PV: Xin ông cho biết về nhóm các nhà báo đa năng Miến Điện’. Chúng tôi cho rằng họ là những người rất dũng cảm để kết nối mạng lưới ra cả bên ngoài Miến Điện. Đây quả là một mạng lưới rất phức tạp, ông có thể cho biết cách thức hoạt động của nó được không?

Toe Zaw Latt: “Như anh đã nói, nó thật sự rất phức tạp. Tuy vậy, may mắn là chúng tôi có những nhà báo rất đáng tin cậy. Họ muốn tường thuật về những gì đang diễn ra tại Miến Điện. Tuy nhiên, cũng cần có một thời gian để xây dựng một mạng lưới như vậy, bởi chúng tôi không muốn họ biết nhau để tránh nguy hiểm về sau.”

PV: Như vậy là vì lý do an toàn, những phóng viên tham gia lần này không hề được biết nhau ư?

Toe Zaw Latt: “Đúng vậy. Tính an ninh là quan trọng hàng đầu. Chúng tôi luôn nói với các phóng viên đa năng và các nhà báo ngầm rằng yếu tố an toàn phải được đặt lên trên hết. Nếu như họ không lấy được cảnh phim đó thì đừng cố gắng quá sức. Chúng tôi sẽ tìm ra cách khác.”

PV: Vậy ông có thể tiết lộ tên tuổi hay những thông tin tương tự như vậy không?

Toe Zaw Latt: “Thông thường những phóng viên bên ngoài Miến Điện sẽ tìm ra những câu chuyện rồi gửi chúng sang Thái Lan hoặc Oslo. Sau đó, những phóng viên khác sẽ thực hiện nó. Chúng tôi không thể tiết lộ tên tuổi của người thật sự thực hiện những câu chuyện này.”

PV: Vậy họ chỉ cung cấp cho các ông các tài liệu thô?

Toe Zaw Latt: “Đúng là như vậy. Và chúng tôi cũng phải thẩm định lại tính chính xác của nó.”

PV: “Có phải ông có những phóng viên đa năng, hay thậm chí là các nhà báo bình thường được chi trả cho việc này như một công việc để kiếm sống, bên cạnh những công dân bình thường khác?

Toe Zaw Latt: “Tất cả các phóng viên của chúng tôi đều qua đào tạo và rất chuyên nghiệp. Hầu hết những người làm việc cho chúng tôi đều được trả lương toàn thời gian. Một số người được trả dựa trên thời gian làm việc, một số khác được trả dựa trên công sức đóng góp của họ.”

PV: Bộ phim tài liệu mang tên ‘Các nhà báo đa năng Miến Điện’ đã được đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm sẽ diễn ra vào đầu tuần sau. Ông có nghĩ rằng đề cử Oscar này có thể giúp ích hay làm nguy hại đến các nhà báo đa năng hoạt động tự do của Miến Điện?

Toe Zaw Latt: “Nó sẽ thật sự có ích. Đây là một hình thức thừa nhận khả năng của các nhà báo của chúng tôi cũng như ghi nhận công lao của một số nhà sư và người dân thường khác, những ai đã đấu tranh hết mình cho sự thay đổi.”

PV: Thế ông không nghĩ rằng chính quyền sẽ ‘vùng lên’ và theo dõi sát sao hiện tượng này hơn sao?

Toe Zaw Latt: “Họ đang làm như thế rồi. Ở Miến Điện không có các kênh truyền hình tư nhân vì thế những ai có máy quay luôn là đích ngắm. Hơn thế nữa, những người nào có các phương tiện truyền thông như MP3, máy thu âm hay điện thoại cầm tay đều bị theo dõi sát sao. Tuy nhiên, không ai thật sự được an toàn, đặc biệt là các nhà báo, bởi quân đội không muốn thông tin bị lò rỉ, vì thế họ nỗ lực tối đa để khống chế tất cả những thứ này.”

PV: Vậy chính quyền đã thành công đến mức độ nào để che đậy các thông tin này? Theo tôi biết, hiện tại đã có ba nhà báo bị bắt vào tù với bản án rất nặng.

Toe Zaw Latt: “Đúng thế. Có lẽ những trường hợp trên đã làm một số nhà báo hoảng sợ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ cách làm đó có thể thực sự chấm dứt được chuyện này bởi đấy là người dân Miến Điện. Trước hết là các phóng viên muốn tường thuật lại những diễn biến ở Miến Điện; đồng thời cũng có những người thật sự muốn nói trên các phương tiện thông tin đại chúng về những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của họ; và hơn hết là chúng tôi có một nền kĩ thuật đáng tin cậy để có thể vượt qua những rào cản này. Dĩ nhiên là sẽ có những việc không hay khác xảy ra mà đầu tiên là việc quân đội tắt hết máy tính hoặc cắt đứt các cuộc điện thoại của họ. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng vượt qua sự bế tắc này bằng các công nghệ mà chúng tôi có.”

PV: Thái Lan nổi tiếng với lĩnh vực truyền thông vững mạnh và ông đang tiến hành các công việc tương tự ở Chiang Mai, Thái Lan. Có phải chính phủ Thái Lan đã từng nhắm mắt làm ngơ trước những nỗ lực của chính quyền Miến Điện nhằm giữ cho các ông phải im lặng? Ông có nghĩ đến một lúc nào đó, chính phủ Thái Lan có thể phật ý bởi những việc mà các ông đang triển khai tại Thái Lan?

Toe Zaw Latt: “Cách mà chúng tôi thực hiện có thể mang lại lợi ích song phương cho cả chính quyền Thái Lan. Miến Điện và Thái Lan có chung một đường biên giới dài với khoảng một triệu lao động nhập cư (từ Miến Điện), người tị nạn và hoạt động thương mại biên giới cũng, vấn đề buôn bán ma túy và những loại thông tin khác. Tất nhiên chúng tôi không hoạt động công khai nhưng tôi cũng không nghĩ sẽ có những áp lực tức thời nhằm dập tắt những công việc chúng tôi đang làm. Tuy nhiên, sẽ luôn có một áp lực lên mỗi cá nhân ngay càng tăng từ phía chính phủ Miến và chính phủ Thái Lan, bởi có một số nhóm truyền thông sử dụng Thái Lan như cầu nối, đấy là một thực tế mà nhiều người biết đến. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị đuổi khỏi nước này ngay lập tức, đặc biệt là khi Thái Lan cũng có được những lợi ích từ việc thu nhận các thông tin đó.”

PV: Hy vọng ông và những tiếng nói dân chủ ở Miến Điên sẽ thành công. Cảm ơn sự tham gia của ông.

.

.

.

No comments: