Về việc 10 tỉnh cho người nước ngoài thuê rừng dài hạn
Bò Tèn phải chăng là số phận của chúng ta?
Nguyễn Bặc
http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0310/baimoi0310_342.html
Thực ra, thành phố nhỏ Bò Tèn -nằm sát biên giới Lào-Trung- là một thành phố của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, vì nó rõ ràng nằm trên đất Lào. Nhưng ra đường người ta không thể tìm ra một người dân Lào nào cả. Tất cả các chủ nhân hay công nhân viên trong tỉnh đều là người Hoa, ngôn ngữ trao đổi rặt là tiếng Tàu, tên hiệu các cửa tiệm được viết bằng chữ Hán, tiền tệ mua bán là đồng Yuan của Trung Quốc và giờ giấc trên đồng hồ công cộng là theo giờ Bắc Kinh, chứ không phải là giờ Vạn Tượng, thủ đô của nước Lào. Các nhân viên cảnh sát trong thành phố -đi xe không có bảng số- là người Hoa, cũng như các đầu bếp trong những quán ăn, các cô trẻ tiếp tân trong các khách sạn, các đoàn phụ nữ lau chùi dọn dẹp,… tất cả đều đến từ mọi miền của Trung Quốc. Cả một vùng kinh tế đặc biệt Bò Tèn với 21 km2 nằm gọn lõn trong tay Trung Quốc. (1)
Nguyên là trước đây chỉ mới vài năm mà thôi, một công ti Trung Quốc mang tên là „Golden Boten City Co. Ltd.“ đến liên hệ với các quan chức địa phương Lào, xin thuê đất với hợp đồng dài hạn 30 năm, trong đó có một điều khoản quan trọng là ghi nhận khả năng gia hạn hợp đồng này 2 lần nữa, mỗi lần thêm 30 năm! Sau khi có giấy phép thuê đất trong tay, công ti „Golden Boten City Co. Ltd.“ đã không để mất một giây phút nào, ồ ạt bay vào làm ăn: Trong một thời gian kỉ lục, người Hoa đã xây xong một khách sạn hạng sang 700 giường, đặt tên rất kêu là „Royal Jinlun Hotel“, sát bên đó là một sòng bài Casino khổng lồ với 11 phòng sát phạt. Một khách sạn 5 sao khác, cũng 700 giường, sẽ được khánh thành nay mai trong mùa xuân này, cùng với một sân chơi Golf, một trường đua ngựa, một sân bắn súng thể thao và một sân vận động đua xe Go-Kart. Trong thời gian sắp tới, hàng loạt nhà cửa, chợ búa, phố xá được xây cất trong một dự án phát triển kinh tế rất tham vọng, muốn nâng dân số của Bò Tèn từ 7000 hiện nay lên đến 60.000 dân cư… người Hoa. Còn người dân Lào? Họ nổi tiếng là hiền lành chất phác, sống xa lánh những nơi ăn chơi truỵ lạc, bài bạc và đĩ điếm. Cho nên dân Lào tại Bò Tèn đã từng đợt, từng gia đình, âm thầm rút đi khỏi nơi chôn nhau cắt rún mà họ không còn cảm nhận được là quê hương của mình nữa. Họ trở thành những người tị nạn trên chính quê hương của mình.
Ai cho rằng Bò Tèn chỉ là một trường hợp đơn lẽ, thì nên đọc bản báo cáo của cơ quan GTZ (một cơ quan viện trợ kĩ thuật lớn của Đức), theo đó người Trung Quốc hiện đã thuê dài hạn đến 10.000 km2 (!) đất của Lào để làm ăn, tương đương với 4 phần trăm diện tích nước Lào. Báo mạng „Asia Times“ cho hay hiện nay Trung Quốc thống trị hoàn toàn kinh tế nước Lào, từ kĩ nghệ quặng mỏ, thuỷ lợi, trồng cây cao su hay thương mại,…
Và ai cho rằng Lào chỉ là một trường hợp đơn lẽ, thì nên đọc lại bức thư ngày 22 tháng 1 năm 2010 của hai cựu tướng lãnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh. Họ đã gửi thư tới Bộ Chính trị ĐCSVN và Thủ tướng về việc có đến 10 tỉnh (!) trong nước đã cho doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan) thuê rừng để khai thác dài hạn trong vòng 50 năm, tổng số diện tích rừng cho thuê lên đến 3053 km2, tương đương với 1% diện tích nước ta.
Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh không phải là những tay mơ: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã từng giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ông cũng là người từng phụ trách „Chương trình 327“ của Chính phủ, một chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, gọi tắt là 327 vì khai trương ngày 3-2-1997. Còn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là người đã có 13 năm làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong những năm mà mối quan hệ giữa hai nước đang từ „đồng chí anh em, môi hở răng lạnh“ trở thành „kẻ thù bá quyền, dạy nhau bài học“. Ông Vĩnh mới đây đã có bài viết rất sâu sắc về các „Thủ đoạn bành trướng mềm của Trung Quốc“ (2).
Từ cái nhìn chiến lược của những nhà quân sự, 2 vị tướng lãnh này đã cảnh báo "một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia" trong vụ lãnh đạo 10 tỉnh Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng dài hạn:
Thứ nhất là nguy cơ rừng đầu nguồn (nơi xuất phát các dòng sông) „bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp".
Thứ hai là mối nguy di dân, nhập cư lén lút vào nước ta, khi mà các công ti Trung Quốc đem người nước họ ào ạt sang làm việc và an cư lập nghiệp hằng nửa thế kỉ (!) trong những vùng rừng núi mà họ được thuê dài hạn, ngoài vòng kiểm soát của chính phủ Việt Nam. Việc di dân lén lút này đang được chứng kiến tại các công trường bô-xít trên Tây Nguyên hiện nay hay công trường xây cất nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng vừa qua.
Thứ ba là nguy cơ gây xung đột xã hội, phá hoại đời sống vật chất và tinh thần nhân dân miền núi. Tướng Đồng Sĩ Nguyên rút kinh nghiệm hồi làm dự án 327, „người dân mình lúc nào cũng thiếu đất, muốn làm dự án còn không có mà làm“, vậy mà nay „một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê“. „Theo tự nhiên, dân đồng bằng phải có ruộng, người miền núi phải có rừng“. Nay cho thuê hết đất rừng thì người dân tộc thiểu số coi như bị cướp mất đất sống. Họ có thể phải di dân qua phá rừng những khu vực khác để mưu sinh. Như vậy, nguy cơ mất rừng chỗ khác rất cao. Báo mạng tuanvietnam.net đã kể lại tình cảnh khó khăn của nhiều người dân ở xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn): „Khi nghe Công ti InnovGreen (Hồng Kông -Trung Quốc) hứa hẹn đền bù đất, mở đường sá, đưa điện vào thôn và tạo công ăn việc làm, nên người dân đã đồng ý giao đất rừng cho họ. Thế nhưng sau đó người dân vừa bị mất đất, vừa phải trở thành người làm thuê vất vả ngay trên đất của mình, mà tiền công còn bị nợ, nói gì đến tiền bồi thường từ đất rừng, còn những lợi ích khác thì không thấy…“
Và thứ tư –nghiêm trọng nhất- là đe doạ an ninh quốc phòng. "Nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa lý chính trị trọng yếu“. Trong tổng số diện tích rừng cho thuê có đến 87% là những khu rừng sát biên giới, nơi mà vấn đề chủ quyền và an ninh giữa hai nước vẫn còn nóng bỏng trong bối cảnh những tranh chấp liên tục trên Biển Đông. Riêng trong tỉnh Lạng Sơn, sẽ cho thuê hơn 70 ngàn mẫu tây (héc -ta) rừng, bằng một phần tư tổng số rừng cho thuê khắp nước. Lạng Sơn là nơi Hồng binh Trung cộng đã phá tan thị xã thành bình địa trong cuộc chiến Việt-Trung năm 1979. Bên cạnh Lạng Sơn, thì 2 tỉnh cho thuê rừng nữa là Quảng Ninh và Cao Bằng cũng tiếp giáp biên giới Trung Quốc. 7 tỉnh còn lại cho thuê rừng là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Đặc biệt Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, và Quảng Nam thì có đường đi lên Tây Nguyên, Campuchia!
Từ 2005 đến 2008, InnovGreen đã được cấp giấy phép trồng rừng và khai thác gỗ dài hạn 50 năm trên 6 tỉnh biên giới : Thanh Hoá, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Kontum và Quảng Nam. Tổng số diện tích được khai thác lên đến 3500 km2, với tổng số vốn đầu tư dự trù ban đầu là 284,2 triệu USD. Đúng như đánh giá của nhà phân tích chính trị Nguyễn Văn Huy, thì „thật đáng buồn cho đất nước, với một số tiền khiêm nhường bỏ ra, người nước ngoài đã có thể mua được cả một khu vực quốc phòng rộng lớn mà trước đó cha ông của chúng ta đã đổ rất nhiều xương máu bảo vệ“. (3)
Đáng buồn hơn nữa cho đất nước, vì hành động phản bội tiền nhân và phản bội tổ quốc này của đám lãnh đạo CS trong cả 10 tỉnh Việt Nam sẽ không hề bị bất cứ pháp luật nào trừng trị cả và trong tương lai vẫn có thể tái diễn lại nhiều lần, dù có hay không có những Đồng Sĩ Nguyên và những Nguyễn Trọng Vĩnh. Nguyễn Tấn Dũng -mang danh là Thủ tướng chính phủ và đứng hàng thứ ba trong bộ đầu nậu CSVN- cũng sẽ không dám bày tỏ bất cứ một chút uy quyền nào đối với nhóm lãnh chúa cầm đầu tỉnh có trách nhiệm nói trên, ngoài lời trách cứ „kiểu phủi bụi, như „việc quyết định cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất ở một số địa phương có biểu hiện chưa đúng với những quy định hiện hành của Nhà nước“: Mọi người chúng ta nên ghi nhận, đó chỉ là „có biểu hiện chưa đúng“ mà thôi, chứ không phải bản chất nó đã là sai trái quá rõ rệt và hậu quả nghiêm trọng khôn lường được!
Trong khi các „đồng chí“ Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh vẫn sẽ vô tư lự đi họp hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung Ương ĐCSVN trong tuần qua tại Hà Nội, mà điểm chính chương trình là chia chác trước các ghế ngồi trong những cơ quan cầm đầu đảng và chính phủ cho nhiệm kì tới (sẽ quyết định chính thức trong Đại hội Đảng lần thứ 11đầu năm tới), thì hàng loạt những người yêu nước vẫn ngồi tù một cách uất ức hay thường xuyên bị công an CS sách nhiễu một cách đê tiện, chỉ vì họ đã lên tiếng cảnh báo trước các thủ đoạn bành trướng „cứng“ và „mềm“ của Bắc phương.
Với một hệ thống chính trị tồi bại và một đội ngũ lãnh đạo vừa ngu xuẩn vừa tham lam, tham nhũng như ĐCSVN hiện nay, thì nước ta khó lòng tránh khỏi số phận của Bò Tèn.
Nguyễn Bặc
27-3-2010
Ghi chú:
(1) Zocken beim Nachbarn: Thielke, Thilo. Tuần báo Der Spiegel, số 2/2010, tr. 93.
(2) Cảnh giác với thủ đoạn bành trướng mềm của Trung Quốc: Nguyễn Trọng Vĩnh
(3) Có còn là một chính quyền nữa hay không? Nguyễn Văn Huy. Nguyệt san Thông Luận, số 245
.
.
.
1 comment:
Giải thích về chương trình 327 không có cơ sở. Ông không biết tui nói cho mà nghe để lần sau đừng đánh võ lâm không ai coi được. Chương trình 327 là gọi tắt của một chương trình theo quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành.
Post a Comment