Monday, March 22, 2010

BÁO TỔ QUỐC BỊ CÔNG AN SÁCH NHIỄU

Báo Tổ Quốc bị công an sách nhiễu

Thanh Trúc, phóng viên RFA bangkok

2010-03-22

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Dissidents-interrogated-by-police-over-sneaky-magazine%20-03222010114942.html

Báo Tổ Quốc là tên của một bán nguyệt san phát hành chui từ một nhóm trí thức trong nước hơn ba năm nay. Tuần trước, hai tên tuổi kỳ cựu của bán nguyệt san Tổ Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và cựu đại tá Phạm Quế Dương, bị công an mời đi làm việc liên quan đến tờ báo này.

Bị sách nhiễu vì đi bên “lề trái”

Bán nguyệt san Tổ Quốc là tờ báo phát hành chui trong nước hơn ba năm nay, nội dung bài vở là những thông tin bên lề trái theo cách nhìn của chính phủ Việt Nam.
Nói một cách khác, các bài viết trên bán nguyệt san Tổ Quốc phản ảnh thực trạng tiêu cực trong bộ máy công quyền cũng như trong xã hội, những điều mà các báo phát hành công khai không được phép đăng tải .

Đó lý do những cây viết trong bán nguyệt san Tổ Quốc hay bị công an theo dõi và sách nhiễu .
Mới tuần trước, hai trong số những người chủ trương bán nguyệt san Tổ Quốc, cựu đại tá Phạm Quế Dương và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, lại bị công an mời đi làm việc trong ba ngày.
Cựu đại tá Phạm Quế Dương kể lại:

“Hôm 17 công an họ đến nhà tôi buổi sáng, đưa giấy triệu tập tôi lên phường làm việc, không nói lý do, nhưng mà sáng đó tôi bảo tôi mệt tôi không đi được. Tối họ lại đến đưa giấy triệu tập để sáng mai ra phường công an làm việc. Tôi cũng nói là tôi mệt tôi không đi được.
Thế thì sáng hôm sau ngày 18 họ đến thì gồm có bảy công an, của sở, của quận và của phương, bảy người, làm việc với tôi về tờ Tổ Quốc, là tôi là đứng tên chủ nhiệm cái tờ báo đó. Nội dung cơ bản là như thế, họ làm việc gần hai tiếng.”

Hôm đó công an của sở, quận và phường nhắc lại với cựu đại tá Phạm Quế Dương rằng bán nguyệt san Tổ Quốc là một tờ báo bất hợp pháp vì không có giấy phép xuất bản:
“Nhưng mà Thanh Giang đã trả lời rất đàng hoàng với lại công an rồi nhưng mà lâu lâu công an lại đến làm việc với tôi. Và tôi cũng trả lời rằng theo hiến pháp Việt Nam thì có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do hội họp. Đấy là cái thứ nhất.

Cái thứ hai tôi bảo năm nay tôi cũng nhiều tuổi rồi, anh em trẻ họ làm thôi. Công an mới đưa ra một tập hơn một chục bài mà tôi viết trên tập san , bảo là ông nói thế thôi chứ đây là nhũng bài của ông đây. Tôi bảo tôi tham gia là chuyện bình thường, bài tôi là những bài về vấn đề bức xúc của xã hội của tôn giáo chứ chả phải là tham gia chống đảng chống nhà nước gì cả.

Thực ra mà nói thì báo này ở trên mạng là chủ yếu, từ trên đó thì người ta in ra để cho nhau. Thế nhưng mà dư luận thì rất nhiều người thích do đó càng ngày càng nhiều độc giả tìm đọc, thế thôi.”
Đến sáng 19, công an không đến tư gia cựu đại tá Phạm Quế Dương nữa mà điện thoại cho ông:
“Sáng nay công an gọi điện bảo tôi phải viết một giấy gởi cho công an, đề nghị tập san Tổ Quốc xóa tên tôi trong hội đồng cố vấn đi. Tôi chỉ cười chứ chả nói gì hết.”

.Người thứ hai, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho biết ông đã bị căng thẳng vì phải đối chất với công an suốt ba ngày 17, 18 và 19:

“Đến ngày thứ ba thì tôi bảo là tôi gia yếu rồi, tôi mệt quá. Thế họ bảo thôi bác nghỉ ngày thứ Bảy, ngày Chủ Nhật, rồi tuần sau ta lại tiếp tục.
Hình như họ không qui được chúng tôi tội gì nhưng mà họ cứ trấn áp tinh thần , đày dọa tinh thần để chúng tôi suy sụp mà có cái gì hớ hênh lỗi lầm. Cho nên cuối cái ngày truy xét ba ngày vừa qua thì họ hỏi tôi “ông có thừa nhận rằng tờ báo của ông là vi phạm pháp luật không?”
Tôi trả lời rằng tôi bảo không còn các ông thì bảo có. Nếu ra tòa thì những người khách quan và luật sư sẽ bảo là không, nhưng quan tòa theo lệnh đảng thì vẫn phải bảo là có.”

Dựa vào ngoại bang để củng cố chế độ

Theo lập luận của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tập san tổ quốc là tiếng nói phản biện có sức thuyết phục để chống lại âm mưu mà ông cho là muốn đưa đất nước vào vòng đô hộ của ngoại bang:
“Vì sao, vì họ sợ rằng đến một lúc nào gay cấn mà họ không thể huy động được công an và quân đội Việt Nam , thì họ sẽ có sự trông cậy vào một lực lượng như kinh nghiệm ở Thiên An Môn, khát máu tanh lòng, họ sẽ thực hiện việc ấy để giữ ghế cho họ.
Báo Tổ Quốc phản ánh cái suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Có một thứ luật pháp nào ngăn trở chúng tôi làm việc ấy thì chúng tôi đành lòng đạp qua thứ pháp luật ấy.

Sắp tới chúng tôi sẽ phải thảo luận những văn bản, những cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam để mà đóng góp cho đảng làm sao để có đổi mới hơn, có một báo cáo chính trị phản ảnh được cái suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam.”
Việt Nam thường tuyên bố rằng những thành phần chống đối hoặc phản động, tức những người không đồng ý với chính sách của nhà nước, chỉ là thiểu số , còn chính phủ thì đã thành công trong việc gom toàn dân thành một khối đoàn kết để xây dựng đất nước. Về điểm này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang phân tích:
“Ba năm vừa qua chúng tôi nhận được những phản hồi những ý kiến đóng góp đánh giá rất chân tình, yêu cầu chúng tôi giữ vững ý chí để duy trì cho được tờ bào. Chúng tôi là những người có điều kiện hơn. Họ thanh minh với chúng tôi rằng họ còn vướng vợ vướng con, rồi ở các vùng nông thôn sự đàn áp nó khốc liệt lắm.

Họ không dám làm họ không dám nói. Chúng tôi có điều kiện thì nói giúp họ. Làm sao nói chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bây giờ riêng những người bị tống vào tù cũng hàng trăm người. Không ít đâu. Đấy chỉ là những tảng băng nổi, chứ cái phần chìm là cực lớn. Không ai có thể hình dung được trước cái đêm mà bức tường Berlin sụp đổ, và trước lúc Ceaucescu bị đưa ra treo cổ, không ai lường được lòng dân là như thế nào đâu.”

Với câu hỏi ông nghĩ sao trước cáo buộc của chính phủ là những tổ chức hay những cá nhân đòi hỏi dân chủ hoặc tranh đấu cho nhân quyền là do những thế lực thù địch bên ngoài xúi dục, vậy nhóm chủ trương bán nguyệt san Tổ Quốc có liên lạc và có nhận tiền của những người Việt bên ngoài để hoạt động không, ông Nguyễn Thanh Giang trả lời:
“Thẳng thắn mà nói là thời đại nào, nhóm người nào , cũng có người tốt kẻ xấu. Trong những người gọi là đấu tranh dân chủ cũng có những người bị giật dây, thậm chí không chỉ bị giất dây cả lý luận mà cả đồng tiền ở bên ngoài. Ai thì không biết chứ nói nhóm hoạt động cho báo Tổ Quốc vì đồng tiến nước ngoài là vu cáo. Chúng tôi tin là phải dũng cảm đương đầu và đấu tranh cho một xã hội Việt Nam dân chủ hơn, công bằng hơn, tiên tiến hơn.”
Không chỉ hai ông Phạm Quế Dương và Nguyễn Thanh Giang, tháng trước hai người trong ban biên tập, kỹ sư Nguyễn Phương Anh và nhà giáo Nguyễn Thượng Long , cũng đã bị công an mời lên hỏi cung liên quan đến bán nguyệt san Tổ Quốc.
Bán nguyệt san Tổ Quốc số đầu tiên ra đời ngày 15 tháng Chín năm 2006. Tính đến mùng Một tháng Ba 2010 này báo đã ra tới số tám mươi ba.

Theo dòng thời sự:

Vì sao quá nhiều người bị bắt vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia”?

Những suy tư, trăn trở đầu năm của các nhà dân báo

Quốc tế chỉ trích Việt Nam gia tăng đàn áp báo chí

Đảng nên đứng ở đâu? (Phần 1)

Đảng nên đứng ở đâu? (Phần 2)

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: