Sunday, December 6, 2009

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG QUA SEA GAMES 25

Việt Nam và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng qua việc giúp Lào tổ chức SEAGAMES 25
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 06/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 06/12/2009 17:04 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5957.asp
Ngày 09/12/2009, SEAGAMES 25 sẽ chính thức khai mạc tại Lào, với sự tham gia của vận động viên đến từ 11 nước Đông Nam Á, bao gồm 10 quốc gia Asean và Đông Timor. Vấn đề mà giới quan sát nêu bật trong thời gian qua là làm thế nào mà một nước nghèo như Lào, còn dựa rất nhiều vào ngoại viện, lại có thể tổ chức một Đại hội thể thao tốn kém như Đông Nam Á Vận Hội

Câu trả lời nằm trên hai điểm : một là thu hẹp quy mô của sự kiện, và hai là tranh thủ nguồn tài trợ đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ những ''đàn anh truyền thống'' vẫn thường xuyên tranh giành ảnh hưởng trên đất Lào như Việt Nam, Trung Quốc, thậm chí Thái Lan.

Về quy mô của SEAGAMES 25 so với những kỳ trước thì rất rõ : số lượng các bộ môn tranh tài đã bị lược bớt đáng kể, chỉ còn 25 môn, tức là xấp xỉ một nửa số môn thi đấu tại Thái Lan trước đây chẳng hạn. Thậm chí một số môn không thể không có như bóng rổ, thể dục dụng cụ cũng vắng bóng.

Trung Quốc chi ra 100 triệu đô la, Việt Nam tốn gần 20 triệu
Còn về ngoại viện thì rất rõ : đi đầu trong việc chi phí cho Lào tổ chức Đông Nam Á Vận Hội lần thứ 25 là Trung Quốc, theo sau là Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã tài trợ 100 triệu đô la cho Vientiane để xây dựng khu vực sân vận động chính, do chính các nhà thầu Trung Quốc thi công. Về phần Việt Nam thì tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chi ra gần 20 triệu đô la để giúp Lào thành lập khu Làng thể thao và một vài công trình khác.
Riêng Thái Lan thì bỏ tiền ra tân trang sân vận động quốc gia, trong lúc hơn một chục nhà tài trợ nhỏ khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Brunei... cũng cung cấp đủ loại phương tiện cho Lào, từ việc tập luyện cho đến trang bị, quần áo thể thao.
Đối với các nước kể trên, thái độ hào phóng đối với Lào không phải là vô vị lợi, vì các nhà tài trợ đã được chính quyền Vientiane đáp trả bằng những hợp đồng thương mại đáng kể.
Theo tờ báo trên mạng AsiaTimes, để đánh đổi với việc xây dựng các công trình cho SEAGAMES 25, thoạt đầu các nhà thầu Trung Quốc đã được chính quyền Lào cấp cho 1.640 hécta đất thuộc loại cực kỳ có giá trị gần khu vực Tháp That Luang, biểu tượng của xứLào. Khoảng đất rộng lớn này dự trù được Bắc Kinh dùng vào việc xây dựng một khu phố người Hoa (Chinatown), gồm 50.000 dân, ngay tại trung tâm thủ đô Vientiane.
Về phần Việt Nam, trong một bài báo công bố hồi thượng tuần tháng 10, nhật báo Mỹ New York Times đã tiết lộ nguồn tin theo đó để đánh đổI lấy khu làng thể thao, chính quyền Lào đã cho một công ty Việt Nam khai thác một khoảng đất rộng 10.000 hécta ở vùng Đông Nam để trồng cây cao su. Còn báo AsiaTimes thì nói đến việc xây dựng nhà máy gỗ và các khách sạn.
Theo AsiaTimes, đối với Việt Nam, Trung Quốc, và Thái Lan, việc giúp đõ Lào trong lãnh vực thể thao, ngoài lợI ích kinh tế như nói trên, còn nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình. Sự tranh đua rõ rệt nhất diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, vớI việc Bắc Kinh ngày càng sử dụng trợ giúp kinh tế để tăng cường ảnh hưởng của họ trên một quốc gia có truyền thống thân Việt Nam. Riêng Thái Lan thì vẫn cho rằng Lào thuộc phạm vị ảnh hưởng của mình do sự gần gũi về mặt văn hoá, ngôn ngữ.

Đề án Lào cấp đất cho Trung Quốc bị dư luận phản đối dữ dội

Trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất là đối với Trung Quốc. Nguồn tin chính quyền Lào cấp đất gần khu vực Tháp That Luang cho Trung Quốc, khi bị tiết lộ đã làm dấy lên một làn sóng phản đối. Người Lào hết sức lo ngại trước nguy cơ họ bị người Hoa lấn lướt ngay trên xứ sở của mình. Với dân số chỉ hơn 6 triệu, tại Lào hiện có khoảng 30.000 người Hoa theo số liệu chính thức, 300.000 theo tính toán của trường đại học Yale ở Hoa Kỳ. Như vậy, nếu một khu phố người Hoa mới được xây dựng ở Vientiane, với 50.000 cư dân, điều này có khả năng đẩy số người Hoa ở Lào tăng lên đáng kể. Riêng tại thủ đô, người Trung Quốc có thể chiếm tới 10% dân số.
Một nhà nghiên cứu người Lào lo ngại rằng trung tâm thủ đô nước ông xem như bị người Trung Quốc chiếm đóng, nhất là khi ngườI ta không loại trừ khả năng số lượng này tăng vọt trong tương lai rồi toả ra khắp nước.
Trước làn sóng phản đối, chính quyền Lào đã bị buộc phải lùi bước, nói rằng phần đất giao cho Trung Quốc chỉ khoảng 200 hécta mà thôi, tức là một phần rất nhỏ so vớI thỏa thuận ban đầu. Câu hỏi đặt ra là như vậy thì Lào sẽ làm thế nào để bù lại số tiền mà Bắc Kinh đã chi ra cho SEAGAMES.





No comments: