Friday, December 11, 2009

VẤN ĐỀ KHAN HIẾM NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Vấn đề khan hiếm nước trên thế giới
Karon Snowdon
Nguồn
India to face serious water shortage by 2030
11/12/2009 - 14:09
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-khan-hi%E1%BA%BFm-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi
Một số giải pháp để đối phó với vấn đề khan hiếm nước nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi nhuận cho nước chủ nhà. Ví dụ số lợi nhuận Trung Quốc thu được mỗi năm sẽ lên tới khoảng 20 tỷ đô-la.

Ấn Độ và Trung Quốc
Trong chuyến công du Hoa Kỳ mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã ký với Tổng thống Barrack Obama hiệp ước nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong vấn đề thay đổi khí hậu.
Ấn Độ là nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều vào hàng thứ tư trên thế giới. Người ta cho rằng khi kinh tế Ấn Độ phát triển thì lượng khí thải do nước này tạo ra sẽ càng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên Tổ chức Tài chính Quốc tế, một bộ phận của Ngân hàng Thế giới, vừa công bố bản báo cáo cho hay Ấn Độ cũng là nước lâm vào tình trạng khan hiếm nước một cách trầm trọng. Tổ chức Tài chính Quốc tế phối hợp với nhiều công ty lớn, trong đó có Coca Cola, Nestle, Ngân hàng Standard Chartered, hãng bia Miller… để soạn thảo báo cáo này. Những người soạn thảo báo cáo này cho biết nếu không phối hợp hành động, tới năm 2030, vùng tiểu lục địa này sẽ không đáp ứng nổi một nửa nhu cầu nước của người dân.
Trong khi đó tại nước láng giềng Trung Quốc, vấn đề khan hiếm nước thậm chí còn trầm trọng hơn và người ta cho rằng mức cầu về nước sẽ nhiều hơn mức cung tới 25%.
Mặc dù nhiều người đã biết những vấn đề vừa nêu, thế nhưng báo cáo này khác những báo cáo trước ở chỗ phần lớn báo cáo là do các công ty đa quốc soạn thảo và những công ty này cũng đề ra nhiều giải pháp khác nhau với hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết.
Úc là lục địa khô cằn nhất trong các lục địa, vì thế chuyện hạn hán là điều thường xuyên xảy ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên ngày nay không chỉ Úc mà toàn thế giới đang có nguy cơ khan hiếm nước một cách trầm trọng. Theo báo cáo, nếu người ta không ra tay đối phó ngay từ lúc này thì tới năm 2030 mức cầu về nước sẽ bỏ xa mức cung tới 40% và đây sẽ là thảm họa về mặt xã hội và môi sinh. Tình trạng khan hiếm sẽ trầm trọng hơn tại Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Usha Rao-Monari, viên chức cao cấp thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế, cho hay ở Ấn Độ, những vấn đề liên quan tới nông nghiệp và mức độ hiệu quả của nông nghiệp cũng như chuyện tưới tiêu... sẽ do chính phủ giải quyết một phần và phần còn lại do khu vực tư nhân giải quyết.

Phối hợp hành động
Bản báo cáo do các công ty đa quốc gia soạn thảo cảnh báo rằng trong tương lai những quốc gia đang phát triển là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 1/3 người trên thế giới đang sống tại những nước đang phát triển và nhu cầu nước của họ chỉ được đáp ứng một nửa mà thôi. Ông Guilio Boccaletti thuộc Tập đoàn McKinsey cho hay không có giải pháp đơn độc nào có thể giải quyết mọi vấn đề và mỗi quốc gia đều sẽ hành động khác nhau trước những thách thức. Tuy nhiên ông cho hay đây lại là vấn đề của từng người và cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân đều cần đề ra chính sách, hoạch định phương hướng đầu tư cũng như đưa ra được những biện pháp hữu hiệu, đồng thời phải thực hiện những cuộc nghiên cứu và giáo dục người dân. Theo ông Boccaletti, người ta cần một khoản tài chính từ 50 tới 60 tỷ đô mỗi năm để làm việc này. Riêng Ấn Độ cần chi khoảng 19 tỷ đô-la mỗi năm.
Ông Boccaletti cho biết một số giải pháp nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi nhuận cho nước thực hiện. Ví dụ số lợi nhuận Trung Quốc thu được mỗi năm sẽ lên tới khoảng 20 tỷ đô-la. Do đó, theo ông, số tiền các nước bỏ ra không phải chỉ là chi phí thuần túy mà trong một số trường hợp khoản tiền này mang lại lợi nhuận cho nước chủ nhà.

Vấn đề tiết kiệm nước
Trong khi đó, ông Rao-Monari cho hay nhiều công ty sử dụng rất nhiều nước để làm ra sản phẩm như Coca Cola, Nestle … đang cộng tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế để soạn thảo bản báo cáo. Tiết kiệm nước là điều đầu tiên những công ty này nghĩ tới và quan ngại, vì thế họ ra sức tìm biện pháp để giải quyết vấn đề. Thậm chí các công ty này còn tính tới việc dùng ít nước hơn hoặc xử lý nước thải để sử dụng lại trong các sản phẩm của họ và để dành nước sạch cho các cộng đồng khác sử dụng. Ông nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên là nhiều nơi và nhiều công ty trên thế giới đã quan tâm tới vấn đề nước hơn là chúng tôi tưởng.”
Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, các nhà soạn thảo cũng tập trung nghiên cứu tình hình tại hai nước khác là Brazil và Nam Phi. Việc nước Úc công bố văn kiện liên quan tới quyền của người sử dụng nước và vấn đề tạo ra thị trường tại vùng lòng chảo hai sông Murray và Darling được các nhà soạn thảo bản báo cáo xem như mẫu mực trong việc đề ra các quy định cho người sử dụng nước. Ông Rao Monari cho rằng các nước có thể sử dụng vấn đề tài chính vi mô để cải thiện và giải quyết vấn đề tưới tiêu.
Trong khi đó ông Boccaletti cho hay các quốc gia có thể áp dụng nhiều phương pháp và một số chính sách có tác dụng như đòn bẩy để thử nghiệm và thực thi chương trình sử dụng nước theo chiều hướng lâu bền để bảo đảm có được nguồn cung cấp nước một cách lâu dài.


No comments: