Sunday, December 20, 2009

TỪ HIỆN TƯỢNG "ĐI BÃO"

Từ hiện tượng “đi bão”
Ngày 18.12.2009 Giờ 07:30
http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=60844&fld=HTMG/2009/1217/60844
SGTT - Có người nói, ngày thường, ở thành phố, khi cần mua một lá cờ đỏ sao vàng, không biết phải kiếm đâu. Thế nhưng cứ đến trước mỗi trận bóng đá quyết định Việt Nam vào vòng trong của những giải ‘tầm cỡ khu vực”, là y như rằng, quốc kỳ được bán đầy rẫy dọc các đường phố như hàng xôn. Người buôn bán cũng biết đón trước thị trường có nhu cầu cổ vũ, bày tỏ niềm tự hào “màu cờ sắc áo” của đám đông thanh niên “đi bão”.

Nhiều tờ báo đã dùng các ngôn từ rất bay bổng, đầy cảm hứng để mô tả những “cơn bão” hậu chiến thắng kiểu này. Nhiều nhà báo “dấn thân” hoà vào tâm điểm các “cơn bão” đó để tung lên trang nhất những ghi chép sinh động, nóng bỏng. Truyền hình cũng thế. Các ống kính camera lao vào dòng người chuyển tải niềm phấn khích chiến thắng thể hiện qua các điểm kẹt xe kéo dài hàng vài giờ ngay giữa trung tâm thành phố, phỏng vấn cả lực lượng an ninh đang đứng thản nhiên, vui vẻ thả cửa cho đám thanh niên mặc sức lạng lách, đánh võng. Họ “tạo điều kiện cho người dân ăn mừng chiến thắng”.

Những hình ảnh đó như một gợi ý, bật đèn xanh, cổ suý cho loại thói quen xuống đường “té nước theo mưa”, gia tăng dần mức độ “bão” qua mỗi kỳ giải bóng đá trong thời gian gần đây. Điều gì lặp đi lặp lại trong thói quen đám đông theo dạng này thì sẽ thành tập quán, lối hành xử khó thay đổi – là dịp để đám đông thanh niên giải toả năng lượng qua những màn “biểu diễn” bất chấp sự nguy hại đến tính mạng của mình và người khác, làm tắc nghẽn giao thông, đập phá, hoang phí của cải xã hội…

Việc chờ đợi tỷ số những trận bóng để được ào ào xuống đường cũng thể hiện một tâm lý ngầm bên dưới của đám đông, đó chính là sự thiếu vắng cơ hội bày tỏ xúc cảm, chính kiến cộng đồng; sự nghèo nàn và thèm khát những biểu tượng đem lại cơn thoả mãn nhu cầu được khẳng định, ngưỡng vọng, tự hào. Thực tế ấy còn phơi bày một tâm lý kém tự tin nằm sâu trong tâm thức số đông (chủ yếu là những người trẻ); việc nhận thức về thế giới còn nặng tính ta – địch, thắng – thua; tính thành tích, quy chiếu giá trị: thắng – hào quang cho nước nhà, thua – nhục nhã cho quốc gia…), thiếu sự khoan dung cũng như cái nhìn rộng mở trong những bối cảnh cần bước qua được những tự ti mang tính cộng đồng.

Cũng chính vì thế, mặt ngược lại cũng không lạ mỗi khi đội tuyển Việt Nam thua trận trở về, những gian hàng bán cờ lưu động trên đường phố dẹp tiệm sớm, nhiều tờ báo lên tiếng bêu riếu đội tuyển và huấn luyện viên… Tự hỏi: Chơi đẹp là thế ư? Tinh thần thượng võ và hội nhập trong thể thao đâu rồi? Tự hào màu cờ sắc áo là vậy chăng?

Lòng yêu nước một khi chỉ phụ thuộc vào tỷ số các trận đấu, sự “tự hào màu cờ sắc áo” một khi được biểu hiện qua tiếng gõ thùng, lon, xoong, nồi chập cheng, đinh tai nhức óc và tiếng la hét dậy sóng trên những con phố kèm theo cảnh đánh võng, đua xe như xẹt lửa trên đường hay hô hào náo loạn, thiếu tôn trọng không gian chung trong những “cơn bão” thường kéo dài đến sáng…, nếu nhìn bề mặt thì cứ nghĩ đó chỉ là sự tỏ bày niềm vui quá lớn, nhưng nếu nhìn từ góc độ tâm lý học thì sẽ thấy những biểu hiện bất ổn đang len lỏi trong tâm hồn cộng đồng. Gần hơn, chúng ta thấy rõ hơn những thiệt hại thấy được mà xã hội phải gánh chịu từ những cơn hào hứng hân hoan thái quá này. Một người bạn làm bác sĩ trong bệnh viện cho tôi biết, những đêm sau trận Việt Nam thắng trong các giải khu vực, thể nào phòng cấp cứu bệnh viện cũng quá tải. Rùng rợn hơn, một người chuyên cung ứng nạng gỗ tại TP.HCM đã nói, sau mỗi trận bóng có đội Việt Nam chiến thắng thì cơ sở nạng gỗ của anh đã không đủ cung cấp cho nhu cầu từ các bệnh viện.
Gustave Le Bon, tác giả cuốn sách kinh điển Tâm lý học đám đông cho đây là loại đám đông có những hành vi, tâm lý lây lan bầy đàn nhiều hơn lan toả và chia sẻ có tính văn hoá.

Sự tỏ bày niềm vui của đám đông trong những dịp này là điều tất nhiên. Trong đó chắc chắn cũng không thiếu những người yêu nước chân thành, tự hào chân thành về một thành tích, dù nhỏ, của quốc gia. Nhưng việc góp phần hoặc khuyến khích biến đám đông thành một tập thể gần như điên loạn, hoang dại là điều không nên khuyến khích. Bài học về niềm tự hào gắn với danh xưng, thành tích và quan niệm bảo vệ “màu cờ sắc áo”, tư duy “ta – địch”, “thắng – thua” theo kiểu cũ, có lẽ cũng phải được tư duy lại từ ngay trong nhà trường, trong chương trình giáo khoa, trong cách thông tin của giới truyền thông để xã hội có những hành xử văn minh hơn.

Thiển nghĩ, những điều tra về tâm thế ngầm, “phần chìm của tảng băng”, qua các hiện tượng này sẽ cho những nhà nghiên cứu tâm lý có trách nhiệm nhiều luận cứ cần thiết để cảnh báo xã hội kịp thời. Riêng việc xoay chuyển một tập quán, một tính cách đám đông thì không dễ dàng ngày một ngày hai. Nếu hướng năng lượng xã hội vào những mục tiêu tích cực, mở ra không gian tiếp nhận các cộng hưởng trí tuệ đám đông trong sáng tạo, đóng góp cho xã hội; tạo điều kiện, cơ chế văn hoá để họ bộc lộ, giãi bày chính kiến có tính đòi hỏi, kích ứng sự tốt đẹp, văn minh hơn cho đời sống thì sẽ giảm bớt những đám đông bầy đàn, bề nổi, phù phiếm.

Nguyễn Vĩnh Nguyên



No comments: