Về điều 79
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ
gửi cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 08:32 GMT - thứ năm, 17 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/12/091217_cuhuyhavu_dieu79.shtml
Gần đây, có tin một số nhân vật bất đồng chính kiến như Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung sẽ bị mang ra xử vì tội Lật đổ chính quyền Nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật hình sự (BLHS).
Những người này trước đó bị khởi tố tội danh Tuyên truyền chộ́ng Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 BLHS.
Việc thay đổi tội danh này đã gây chú ý, nhất là khi khung hình phạt cho tội theo Điều 79 cao nhất là án tử hình, nặng hơn tội theo Điều 88 rất nhiều.
Về quyết định của cơ quan công tố Việt Nam
Tại cơ quan an ninh Việt Nam, Lê Công Định thừa nhận đã tham gia “Đảng dân chủ Việt Nam”, thành lập “Đảng lao động” và “Đảng xã hội”, soạn thảo “Tân Hiến pháp”...
Theo Điều 79 BLHS, người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Do đó các hoạt động trên của Lê Công Định là hành vi phủ nhận sự độc quyền lãnh đạo chính quyền của Đảng cộng sản được quy định tại Hiến Pháp và vì vậy cấu thành tội phạm quy định tại Điều 79 BLHS.
Tóm lại, theo quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam, xét xử Lê Công Định theo Điều 79 BLHS là “đúng người, đúng tội”.
Ngoài ra việc xét xử Lê Công Định theo tội danh mới này còn mang tính răn đe mạnh mẽ.
Thực vậy, hình phạt cao nhất cho “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 88 BLHS là 20 năm tù trong khi cho tội quy định tại Điều 79 BLHS là tử hình.
Mặc dầu vậy, đối với tôi điều quan trọng nhất vẫn là chứng cứ khách quan thu thập theo trình tự luật định.
Tôi nhấn mạnh điều này vì mọi lời khai hay nhận tội của bị can, bị cáo không có mặt của luật sư tuyệt nhiên không phải là chứng cứ khách quan bởi không loại trừ lời khai hay nhận tội ấy phát sinh trong bối cảnh bị can, bị cáo bị truy bức hoặc bị nhục hình.
Thế nhưng các quan tòa Việt Nam lại dùng lời khai hay nhận tội dạng này để bác bỏ phản cung của bị cáo tại toà với công thức: “Bị cáo có nhớ bị cáo đã khai như thế nào không? Nếu không thì Toà công bố lời khai cho bị cáo nghe!”
Ngược lại, dù bị can, bị cáo phủ nhận với sự có mặt của luật sư nhưng mọi chứng cứ khách quan khác khớp với nhau và cho thấy có hành vi phạm tội thì tòa vẫn phán quyết có tội.
Tại sao ngay từ đầu không khởi tố theo Điều 79?
Thực ra ngay từ đầu cơ quan an ninh Việt nam đã xác định Lê Công Định phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 BLHS khi tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 13/6/2009 ngay sau khi bắt Lê Công Định là hành vi tham gia và thành lập một số đảng phái như trên đã nêu của ông này này là “nhằm mục tiêu lật đổ chế độ tại Việt Nam”.
Tuy nhiên đối với cơ quan an ninh thì có lẽ chứng cứ quan trọng nhất về hành vi “lật đổ chế độ” phải là sự thừa nhận từ chính Lê Công Định.
Thế nhưng nếu ngay từ đầu quy Lê Công Định vào tội này mà hình phạt cao nhất là tử hình thì chắc chắn việc cơ quan an ninh lấy được lời nhận tội của ông này là rất khó nếu không muốn nói là bất khả thi vì lý do đã rõ.
Chính vì vậy cơ quan an ninh Việt Nam đã sử dụng Điều 88 BLHS mà hình phạt không đến mức tử hình để làm Lê Công Định yên tâm mà thú nhận những gì cơ quan an ninh cần. Vậy một khi đã có những lời nhận tội của Định thì việc truy tố Lê Công Định theo Điều 79 BLHS chỉ còn là vấn đề thủ tục!
Tất nhiên không hiếm trường hợp rất phản pháp luật là thay vì có đủ chứng cứ phạm tội mới bắt thì công an bắt cốt để tìm chứng cứ phạm tội và trên cơ sở chứng cứ thu được mới định tội cho sát.
Tại sao Lê Công Định không mời luật sư bào chữa?
Trước hết phải khẳng định rằng hình phạt cao nhất dành cho “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là tử hình.
Vì vậy, căn cứ Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử luật sư bào chữa cho bị cáo nếu bị cáo hoặc đại diện hợp pháp của bị cáo không mời luật sư hay nói cách khác là chỉ định luật sư cho bị cáo.
Tuy nhiên bị cáo hoàn toàn có quyền từ chối luật sư chỉ định.
Việc Lê Công Định, và có thể cả Nguyễn Tiến Trung… không có dự định mời luật sư bào chữa, thậm chí từ chối luật sư chỉ định thì đó là quyền của những người này và các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng ý chí của họ.
Việc từ chối luật sư bào chữa nếu xảy ra, có thể là do họ:
Muốn “tử vì đạo”, sẵn sàng chấp nhận mọi phán quyết của Toà án như một sự chuộc lại lời thú tội trước đó.
Nghĩ rằng không ai có thể bào chữa cho họ tốt hơn bản thân họ;
Sợ luật sư bào chữa “hai mang” thậm chí là “đặc tình”, mọi chứng cứ gỡ tội đáng giá một khi chia sẻ với luật sư sẽ được tiết lộ cho cơ quan an ninh ngay sau đó.
Nghĩ rằng mình đã thú tội, xin Nhà nước khoan hồng, tức có tình tiết giảm nhẹ tội rồi nên bào chữa cũng chẳng để làm gì.
Nghĩ rằng thú tội và xin Nhà nước khoan hồng chỉ là “trá hàng” để khi chính thức ra toà, nhất là có sự chứng kiến của nhà báo nước ngoài, sẽ phản cung và như vậy nhận luật sư bào chữa là “mua dây buộc mình”.
Việc không mời luật sư hoặc từ chối luật sư chỉ định phải chăng là có lợi?
Ngược lại là đằng khác! Tôi cho rằng việc từ chối luật sư bào chữa là có hại cho hai người này với những lý do tương ứng như sau:
Một là, không sợ hình phạt thì cũng phải có trách nhiệm với gia đình và lúc đó luật sư sẽ là cầu nối tình cảm, tinh thần với người thân.
Hai là, ngay cả tự tin vào lập luận bào chữa của bản thân thì sự góp ý hoặc phản biện của luật sư sẽ càng mài sắc hơn nữa lập luận bào chữa ấy;
Ba là, nếu nghi luật sư “hai mang”, “đặc tình” thì có thể “tương kế tựu kế”, thông qua luật sư để dò biết được quan điểm xét xử của Toà án để từ đó định ra được phương án bào chữa thích hợp.
Bốn là, nếu thực sự ăn năn, hối lỗi với Nhà nước thì sự có mặt của luật sư càng tăng khả năng giảm hình phạt.
Năm là, nếu là “trá hàng” thì từ chối luật sư bào chữa là không logic, càng làm cơ quan an ninh cảnh giác.
Cũng cần khẳng định rằng hai người này hoàn toàn có quyền từ chối luật sư bào chữa vào phút chót sau khi đã chấp nhận họ.
Có hay không khả năng khép án tử hình?
Tôi không cho rằng hai người này này sẽ bị tuyên mức án cao nhất theo Điều 79 BLHS trong trường hợp Toà án xác định họ có tội, không phải vì chính quyền Việt Nam chủ trương “giơ cao đánh khẽ”, nhất là trong bối cảnh quân đội cũng phải tập trung cho “chống diễn biến hoà bình”, mà là vì trên thực tế các hoạt động gọi là đảng phái của họ mới chỉ ở trên giấy, không người dân nào biết tới ngoại trừ cơ quan an ninh Việt Nam.
Vả lại thẳng thừng mà nói, tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân” khó áp cho hoạt động đa đảng.
Thực vậy, trong thể chế cộng hòa, chính quyền nào chẳng là “chính quyền nhân dân” bởi đều thoát thai từ lá phiếu bầu của dân chúng, đồng nghĩa “lật đổ chính quyền nhân dân” chỉ có thể là hành vi của những kẻ ngằn ngặt muốn phục hồi chế độ quân chủ chuyên chế hay chế độ quân phiệt, nơi không một đảng phái nào, nói gì đến đa đảng, có thể tồn tại!
Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
No comments:
Post a Comment