Thursday, December 17, 2009

TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG và GIẢI PHÁP KHAI THÁC CHUNG

Tranh chấp trên Biển Đông và giải pháp khai thác chung (kỳ 1)
Tác giả: Hoàng Việt
Bài đã được xuất bản.: 16/12/2009 09:50 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2009-12-14-tranh-chap-tren-bien-dong-va-giai-phap-khai-thac-chung-ky-1-
Khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Liệu các bên liên quan có thể đi tới giải pháp khai thác chung cho vùng tranh chấp trên Biển Đông?
LTS: Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải hai kỳ bài viết thể hiện quan điểm riêng của Th.S.Hoàng Việt, ĐH Luật TP HCM, như một tư liệu để độc giả tham khảo. Bài viết giới thiệu về khai thác chung trong các vùng biển tranh chấp theo quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

* * * * *

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc trong Khoản 3 Điều 74 và Điều 83 có quy định: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng…”.
Đây chính cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế trong việc tiến hành hợp tác khai thác chung trong khi chờ phân định.
Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, điển hình là Hiệp ước Svalbard ngày 19/12/1920, theo đó các bên tranh chấp công nhận chủ quyền của Nauy đối với quần đảo Svalbard, trong khi duy trì quyền tiếp cận hiện hữu của các quốc gia khác đối với quần đảo này nhằm mục đích thực hiện việc khai thác, săn bắt và các hoạt động kinh tế khác.
Kể từ khi Hiệp ước này ra đời, trên thế giới đã có khoảng 20 điều ước quốc tế về mô hình hợp tác khai thác chung được ký kết, ví dụ như Thỏa thuận khai thác chung giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Nauy và Anh ở Biển Bắc, Ảrập Xêut và Sudan, Thái Lan và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia…

Những nguyên tắc cần lưu ý
Khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, thỏa thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên mà thôi. Thỏa thuận này không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Đây là điều cần lưu ý khi bàn tới giải pháp khai thác chung.
Ngoài ra, trong vấn đề hợp tác khai thác chung, cũng cần chú ý tới một điều quan trọng khác là: Trong luật pháp quốc tế về biên giới lãnh thổ, có một nguyên tắc là “sự liên tục và xác định đường biên giới”. Điều này cũng được nêu ra tại Điều 62 Công ước Vienna về Luật Điều ước Quốc tế năm 1969, khuyến cáo sự ổn định của các đường biên giới.
Trên những nguyên tắc đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “cái tạm thời của ngày hôm nay có thể trở thành vĩnh viễn sau một thời gian nào đó”. Thực tế trên thế giới thì thỏa thuận giữa Iceland và Jan Mayen tháng 10 năm 1981, thỏa thuận giữa Bahrain và Ảrập Xêut tháng 2 năm 1958 đã trở thành những thỏa thuận vĩnh viễn.
Đối với Biển Đông, cho tới nay, đã có nhiều đề nghị cho phương án hợp tác khai thác chung trên vùng biển tranh chấp này.

1. Phương án “chia sẻ tài nguyên Biển Đông”
Năm 1997, nhóm Mark J. Valencia của Đại học Hawaii đã đưa ra ý tưởng cho việc chia sẻ tài nguyên trong khu vực quần đảo Trường Sa. Nhóm học giả này cho rằng các nỗ lực giải quyết tranh chấp hiện tại đã lảng tránh hai vấn đề quan trọng, đó là chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các nỗ lực gần như không có tác dụng bao nhiêu bởi vì vẫn chưa ngăn chặn được các hoạt động đơn phương của các quốc gia liên quan.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, nhóm Mark J. Valencia khuyến cáo nên đưa ra một cơ chế hợp tác đa phương tại khu vực tranh chấp với nguyên tắc: Các tuyên bố về chủ quyền Biển Đông đều được công nhận; giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng; không có các hoạt động quân sự; tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chia sẻ theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng.
Các bên trong tranh chấp sẽ thiết lập một thể chế quản lý tài nguyên biển trong khu vực để tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá về tiềm năng dầu khí. Qua đó, các bên sẽ xác định khu vực và phương thức hợp tác chung thông qua một cơ chế đa phương điều hành hoạt động khai thác chung và phân chia các nguồn lợi.
Thành viên bao gồm tất cả các bên tranh chấp và không có tranh chấp; cơ chế ra quyết định là đồng thuận và nguyên tắc phân bổ tài nguyên phụ thuộc vào tuyên bố đòi hỏi của các bên có tính đến yếu tố lịch sử. Tuy nhiên, việc quyết định phân chia tài nguyên hay quyết định về nhượng quyền khai thác sẽ được các bên tranh chấp trực tiếp thông qua.
Nhóm Mark J. Valencia cũng đưa ra 5 kịch bản cho việc chia sẻ trong việc khai thác tài nguyên tại Biển Đông.
Cụ thể là:
(1) Toàn bộ Biển Đông sẽ được chia dựa trên đường cách đều từ các đường cơ sở của các bên, bỏ qua sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
(2) Phân chia Biển Đông dựa trên đường cách đều tính từ các đường cơ sở, bỏ qua sự hiện diện của Trường Sa, nhưng trao cho Hoàng Sa toàn bộ hiệu lực như là lãnh thổ của Trung Quốc;
(3) Phân chia Biển Đông dựa trên “sự công bằng tương đối” và những mối quan ngại về địa chính trị. Trong đó, thực chất là sự phân chia dựa trên sức nặng của các tuyên bố chủ quyền, vị trí chiếm đóng các đảo và yêu sách về các thềm lục địa;
(4) Các nước tự xác định ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở (với các đường cơ sở phải được xây dựng một cách hợp lý), ở những nơi có vùng chồng lấn thì sẽ chia theo đường cách đều các ranh giới 200 hải lý đó, bỏ qua sự hiện diện của Hoàng Sa và Trường Sa;
(5) Tương tự như kịch bản (4) nhưng Hoàng Sa có đầy đủ hiệu lực và thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc. [1]
Điểm chung của tất cả các kịch bản phân chia nói trên là đều bỏ qua một phần hoặc toàn bộ sự hiện diện của hai quần đảo đang bị tranh chấp và giành nhiều lợi thế cho Trung Quốc (ví dụ kịch bản số (2) và số (5) đều coi Hoàng Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc).
Theo phương thức này thì các bên tranh chấp đều phải tôn trọng và công nhận yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông và có thể khai thác chung các khu vực thềm lục địa của các nước khác. Đây có lẽ chính là điều khiến cho đề xuất này trở nên bất khả thi bởi lẽ không một quốc gia tranh chấp nào chấp nhận từ bỏ chủ quyền.
Thêm nữa, việc phân chia này cũng rất phức tạp, trên thực tế cũng chẳng khác gì việc xác định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, việc phân chia này lại phụ thuộc vào “sức nặng” hơn là tính hợp lý của các yêu sách về chủ quyền.

2. Phương án “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc
Bản tham luận của hai học giả Trung Quốc Ji Guoxing là Li Jinming trong Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội vừa rồi đã nhắc lại quan điểm truyền thống của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, đó là chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của họ.
Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10 năm 1982. Đây là một phương án được Trung Quốc đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung khu vực Biển Đông.
Về mặt hình thức, đề nghị này của Trung Quốc dường như là hợp lý, vì nó phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế, đặc biệt là xu hướng hợp tác trên biển ở các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận phương án này có những vấn đề tồn tại như sau:
Về mặt pháp lý, cơ sở để Trung Quốc tham gia tranh chấp Biển Đông là dựa vào yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lập lờ sử dụng “đường lưỡi bò” - một yêu sách phi lý chiếm gần 80% toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc hiểu rằng nếu đấu tranh trên mặt trận pháp lý, họ khó có thể giành được lợi thế trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Do đó, đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc làm cho dư luận dễ bị lầm tưởng là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Về mặt chính trị, đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” được thực hiện, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu có lợi cho họ, trong đó họ có thể duy trì được yêu sách lãnh thổ và vùng biển không phải của Trung Quốc. Quan trọng hơn, đây là một giải pháp chính trị khôn khéo của Trung Quốc nhằm trấn an dư luận, mở rộng ảnh hưởng và chia rẽ các nước trong khu vực.
Về thực chất, ta có thể thấy như sau:
- Một mặt, Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm gần 80% Biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thềm lục địa hiển nhiên thuộc chủ quyền của nước khác. Thực ra, ý tưởng khai thác chung của Trung Quốc dường như là sự tham gia của các nước khác trong việc khai thác những gì họ coi là của họ, trái ngược với hình thức khai thác chung truyền thống – đó là việc cùng đóng góp các quyền đối với tài nguyên trong các vùng tranh chấp.

Đánh giá về các đề xuất của Trung Quốc, nhóm Mark J. Valencia nhận xét: “Một bài học khác có thể thu được từ phương pháp của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ khác, đó là họ có thể sẵn sàng đàm phán và thậm chí tham gia vào một thỏa thuận khai thác chung (song phương) khi họ không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ đang tranh chấp, ví dụ, quần đảo Trường Sa hay Điếu Ngư, ở Biển Đông Trung Hoa.
Mặt khác, nếu họ nắm quyền kiểm soát chắc chắn hoàn toàn khu vực, ví dụ quần đảo Hoàng Sa, họ sẽ không muốn đàm phán, chứ đừng nói tới việc tham gia vào bất kỳ một chương trình hợp tác nào”. [2]
(còn nữa)
-----

Chú thích

[1]: Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 143 – 146
[2]: Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, University of Hawaii’s Press, 1997, 278, p. 87


Tranh chấp trên Biển Đông và giải pháp khai thác chung (2)
Tác giả: Hoàng Việt
Bài đã được xuất bản.: 1 giờ trước (17-12-2009)
http://www.tuanvietnam.net/2009-12-16-tranh-chap-tren-bien-dong-va-giai-phap-khai-thac-chung-2-
Trong khu vực Biển Đông, nhiều mô hình hợp tác chung rất thành công, nhưng cũng không ít mô hình sẽ mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Nhìn chung, những mô hình hợp tác thành công phải thỏa mãn được một số điều kiện…
Lời tòa soạn: Trong kỳ 1 bài viết, tác giả Hoàng Việt đã giới thiệu sơ lược về phương án “chia sẻ tài nguyên Biển Đông” của nhóm Mark J. Valencia và phương án “gác tranh chấp, cùng khai thác” do phía Trung Quốc đưa ra.
Nhằm cung cấp tư liệu tham khảo cho độc giả, Tuần Việt Nam tiếp tục đăng tải kỳ 2 bài viết, nói về phương án khai thác chung do phía Việt Nam đề xuất, và những điều kiện căn bản để các bên có thể tiến tới giải pháp khai thác chung thành công.


* * *

3. Phương án “Hợp tác cùng phát triển” của Việt Nam
Việt Nam cũng đưa ra một sáng kiến cho việc hợp tác khai thác chung trên Biển Đông, đó là đề xuất “hợp tác cùng phát triển”. [1] Đề xuất này được biết tới lần đầu tiên là do ông Đỗ Mười nêu ra chính thức trong chuyến thăm Thái Lan tháng 10 năm 1993 và sau đó chủ trương này đã và đang được Việt Nam triển khai trên thực tế.
Khác với đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, chủ trương “hợp tác cùng phát triển” trong các khu vực tranh chấp bao gồm không chỉ thăm dò, khai thác tài nguyên mà còn bao gồm các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an toàn và an ninh hàng hải, chống cướp biển… và các lĩnh vực khác phù hợp với lợi ích của các bên liên quan.
Hợp tác cùng phát triển trong khu vực Biển Đông nhằm mục đích đảm bảo và phục vụ lợi ích của các bên liên quan, biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các bên tranh chấp phải tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi.
Về phạm vi thực hiện, việc hợp tác cùng phát triển được thực hiện ở những vùng có tranh chấp thực sự. Khu vực có tranh chấp thực sự là khu vực chồng lấn bởi những đòi hỏi chủ quyền của các bên liên quan có căn cứ pháp lý và lịch sử vững chắc, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 và được các bên thừa nhận là vùng có tranh chấp.
Theo đó, trên Biển Đông, các vùng đang có tranh chấp cơ bản là khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển.
Ngoài ra còn có thể kể đến các vùng thềm lục địa ở phía nam và tây nam Việt Nam, cũng được coi là vùng chồng lấn được các bên thừa nhận những đòi hỏi chủ quyền của nhau giữa Việt Nam với Malaysia, giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia; hay tại vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia.
Tại các vùng biển này, thực tế cho thấy, việc triển khai hợp tác cùng phát triển được tiến hành khá thuận lợi do đã đáp ứng được các tiêu chí về việc xác định vùng thực sự có tranh chấp.
Như vậy, mọi hoạt động của bất cứ bên nào tại các vùng biển của một quốc gia mà không có sự chấp thuận của quốc gia đó sẽ bị coi là hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Do đó, những hành vi như vậy không thể được coi là tinh thần hợp tác và cần bị loại trừ nhằm tránh gây những căng thẳng trong khu vực.
Ví dụ như hành động Trung Quốc và Philipines cùng nhau ký kết một thỏa thuận thăm dò địa chấn biển chung tại một khu vực có tranh chấp nhiều bên, trong đó có Việt Nam, mà không có sự đồng thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại tinh thần của DOC.
Sau khi Việt Nam kiên quyết phản đối, Trung Quốc và Philippines đã phải hủy bỏ thỏa thuận hai bên đó và ký kết một thỏa thuận ba bên về thăm dò địa chấn tại khu vực này.

Những điều kiện để khai thác chung thành công

Cho đến nay, một số cuộc thương lượng nhằm đi đế thỏa thuận về việc phát triển tài nguyên tại một số vùng tranh chấp khác nhau trên thế giới đã mang lại kết quả và được coi như là những khuôn mẫu cho việc quản lý phát triển tài nguyên trong Biển Đông.
Cũng giống như tranh chấp Biển Đông, mỗi thỏa thuận đều nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền tài phán biển, những tính toán về địa chiến lược và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Qua các thỏa thuận này, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều về những cách thức và biện pháp mà những thỏa thuận này đã xử lý đối với vấn đề chủ quyền hóc búa, cũng như vấn đề phạm vi và chiều hướng của các quyền, những nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên liên quan.
Đối với tranh chấp Biển Đông, cũng đã có nhiều ý tưởng, đề xuất về những giải pháp tạm thời cụ thể: từ mức độ xây dựng lòng tin, đến quản lý cùng khai thác tài nguyên chung tại khu vực này.
Trong khu vực Biển Đông, nhiều mô hình hợp tác chung rất thành công, nhưng cũng không ít mô hình sẽ mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Qua phân tích về những trường hợp hợp tác nói trên, những mô hình hợp tác thành công phải thỏa mãn được các điều kiện sau:
- Đáp ứng được nhu cầu và lợi ích chung của các bên;
- Việc khai thác chung được thực hiện trong một khu vực chồng lấn được xác định rõ ràng, tạo bởi các tuyên bố chủ quyền của các bên phù hợp với luật pháp quốc tế - đây là tiêu chí quan trọng nhất trong bất kỳ thỏa thuận khai thác chung nào.
- Cơ chế, phương thức hợp tác khai thác chung trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tranh chấp Biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp nhất thế giới, vì thế không có một mô hình nào hay phương thức hợp tác chung duy nhất nào có thể áp dụng thành công ở Biển Đông. Trong đó, điều quan trọng là hợp tác khai thác chung phải đảm bảo phân chia lợi ích của các bên một cách bình đẳng.
- Việc hợp tác khai thác chung không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán cũng như yêu sách chủ quyền của mỗi bên. Cơ sở để các bên có thể đạt được một thỏa thuận về hợp tác cùng phát triển là việc hợp tác này không phương hại đến lập trường, quá trình đàm phán cũng như giải pháp cuối cùng là phân định vùng biển chồng lấn giữa các bên.
Có thể nói, xét bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông hiện nay về mặt chính trị, các nước trong khu vực chưa có được lòng tin ở mức độ nhất định để có thể gác tranh chấp sang một bên và tiến hành hợp tác khai thác chung trong toàn bộ Biển Đông.
- Việc hợp tác cùng khai thác chung tại khu vực Biển Đông tranh chấp chỉ có thể được thực hiện thành công và thực sự góp phần biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng khi các bên thể hiện thiện chí và quyết tâm trong việc hợp tác, qua đó xây dựng lòng tin, đẩy lùi nguy cơ xung đột, phục vụ lợi ích của mình cũng như lợi ích chung của khu vực.
Trong tranh chấp Biển Đông, mối quan tâm, lợi ích của các bên trong tranh chấp đôi khi không đồng nhất, do đó bất kỳ một đề xuất hợp tác nào chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất và áp dụng chung cho tất cả các bên tranh chấp Biển Đông đều khó thành công. Ví dụ như lập trường chính trị của Trung Quốc đề nghị gác lại vấn đề chủ quyền, khai thác chung tài nguyên của các quần đảo này không được các bên tranh chấp chấp nhận vì Trung Quốc vẫn luôn đưa ra yêu sách của bên mạnh nhất.

Vài lời kết

Cho đến nay, phương án hợp tác đa phương trong khu vực Biển Đông vẫn luôn là một giải pháp được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tán thành, mặc dù nó mới chỉ là một phương án tạm thời.
Tuy nhiên, chỉ có Việt Nam và Philippines là những nước tranh chấp sẵn sàng ủng hộ cho giải pháp này mà thôi. Trung Quốc một mặt có những phát biểu xoa dịu tình hình nhưng mặt khác luôn sử dụng sức mạnh của mình trong việc giải quyết những bất đồng.
Là một cường quốc, với những nhu cầu rất lớn về năng lượng, Trung Quốc luôn có tham vọng khống chế Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Có lẽ hơn ai hết, để chống lại chính sách “nước lớn” của Trung Quốc, thì các nước ASEAN phải cùng có lập trường chung với nhau thì mới thoát ra hiện trạng đang diễn ra theo hướng có lợi cho Trung Quốc như bây giờ.
Trong bối cảnh như vậy, đề xuất “hợp tác cùng phát triển” với nội dung hợp tác đa dạng, có lẽ đáp ứng được lợi ích và mối quan tâm của các bên là giải pháp thích hợp hơn cả. Trên thực tế, tại một số khu vực tranh chấp trên thế giới, ví dụ giữa Nhật Bản với Trung Quốc, giữa Nhật Bản và Nga, bên cạnh việc hợp tác khai thác chung dầu khí, các bên còn thỏa thuận thành lập các vùng đánh cá chung để đáp ứng lợi ích truyền thống của nhân dân các bên liên quan.

Chú thích
[1]: Tuyên bố 4 điểm trong chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười.




No comments: