Tuesday, December 22, 2009

TÌNH HỮU NGHỊ ĐƠN PHƯƠNG

Tình hữu nghị là tình đơn phương? (phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-12-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Frienship-is-unilateral-love-Part1-12212009114035.html
Giới lãnh đạo Việt Nam và giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định chọn năm 2010 là “Năm hữu nghị Việt – Trung”.
Trước khi “Năm hữu nghị Việt – Trung” bắt đầu, Trân Văn tổng hợp và điểm qua một số sự kiện có liên quan đến quan hệ ngoại giao cũng như tình hữu nghị Việt – Trung.

Từ “sáng như rạng đông”...

Tại Diễn đàn Châu Á, diễn ra ở Bác Ngao, Trung Quốc, hồi tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam và ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, tuyên bố, cả hai đã “nhất trí chọn năm 2010 làm Năm hữu nghị Việt – Trung”.
Hai ông giải thích, sở dĩ năm 2010 được chọn làm “Năm hữu nghị Việt – Trung” vì nó là mốc, đánh dấu quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc tròn 60 năm. Hai ông cùng cho rằng, đây là sự kiện quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Nhiều người sống ở miền Bắc Việt Nam kể rằng, khoảng thập niên 1960, học sinh buộc phải thuộc và hát bài “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” của Đỗ Nhuận, trước khi vào lớp – mời qúy vị cùng nghe lại: Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi,sông liền sông, chung một bỉển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông, tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, sớm sớm, chung nghe tiếng gà gáy cùng. A...a... a... nhân dân ta,chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. A...a... a... nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông... Chưa kể bài hát đó còn thường xuyên được phát trên hệ thống phát thanh công cộng và xuất hiện trong các chương trình văn nghệ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, cùng với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tương tự.
Tuy nhiên, quan hệ và mối tình hữu nghị mà Việt Nam muốn củng cố, duy trì, phát triển với Trung Quốc không bền vững như giới lãnh đạo Việt Nam mong muốn.
Theo giới nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế, quan hệ Việt – Trung bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt kể từ năm 1968. Nguyên nhân là vì Việt Nam muốn duy trì sự hữu hảo với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, trong khi mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc càng lúc càng gay gắt.

Đến “quân xâm lược dã man”...
Do Việt Nam không muốn tham gia vào liên minh chống Liên Xô, quan hệ Việt – Trung càng ngày càng xấu. Năm 1973, Trung Quốc bắt đầu gọi Việt Nam là “vô ơn”, “dã tâm”. Sau đó ít lâu, Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho Kh’mer đỏ. Tháng 5 năm 1975, Kh’mer đỏ tấn công các đảo Phú Quốc và Thổ Chu của Việt Nam, bắt cóc hàng trăm thường dân.
Tháng 7 năm 1978, Trung Quốc cắt toàn bộ viện trợ cho Việt Nam và tuyên bố chỉ viện trợ trở lại nếu Việt Nam từ chối nhận viện trợ của Liên Xô.
Tháng 11 năm 1978, Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô.
Bởi suốt giai đoạn 1977 – 1978, Kh’mer đỏ nhiều lần tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng chục ngàn thường dân sống tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp Campuchia, tháng 12 năm 1978, quân đội Việt Nam tổng phản công Kh’mer đỏ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, rồi đánh sang Campuchia, tiêu diệt chính quyền diệt chủng do Polpot lãnh đạo. Cùng thời điểm này, qua một cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp, ông Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc tuyên bố: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.
Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau khi liên tục nã đại bác vào lãnh thổ Việt Nam, khoảng 120.000 quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Vài ngày sau, Liên Xô dùng máy bay giúp Việt Nam chuyển quân từ Campuchia về miền Bắc để kháng cự với Trung Quốc. Viện trợ quân sự của Liên Xô và một số quốc gia khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu đổ vào Việt Nam theo cả đường biển lẫn đường hàng không. Hai chiến hạm Liên Xô nhổ neo, tiến về hướng biển Đông.
Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”, đã “chiến thắng” và bắt đầu rút quân. Trong ngày này Việt Nam ban hành lệnh tổng động viên trên toàn quốc.
Tuy đã tuyên bố rút quân nhưng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục bắn giết, tàn phá các khu vực mà họ chiếm đóng. Ngày 9 tháng 3, lính Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 thường dân ngụ tại thôn Tổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Trong 43 thường dân này có 7 phụ nữ đang mang thai và 20 đứa trẻ. Thi thể các nạn nhân hoặc bị vứt xuống giếng, hoặc bị chặt thành nhiều khúc rồi vứt ra suối. Lính Trung Quốc còn phá hủy toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, trường học, bệnh viện, nông trường, lâm trường, cầu, đường, thậm chí lột cả đường ray xe lửa để chở về Trung Quốc. Nhiều nơi như thị xã Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng, thị trấn Cam Đường trở thành bình địa.
Ngày 18 tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam song trên thực tế, Trung Quốc vẫn còn chiếm đóng khoảng 60 cây số vuông đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam. Cũng vì thế, giao tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam vẫn còn kéo dài cho đến năm 1988. Trong đó có khá nhiều trận đánh đẫm máu như đợt tấn công của Trung Quốc vào đồi 400 ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, đồi 1688 ở tỉnh Hà Tuyên cũ, vào năm 1981. Hoặc đợt tấn công vào Hà Tuyên và Lạng Sơn năm 1984,...
Trong giai đoạn này, những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật kiểu như bài hát “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” không còn phù hợp với thực tế quan hệ Việt – Trung, nên không được dùng nữa. Thay vào đó là những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc. Một vài bài như “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến, đến nay, vẫn còn in đậm trong tâm khảm nhiều người – mời qúy vị cùng nghe lại một đoạn, qua giọng hát của ca sĩ Khánh Duy: “... Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa, kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân, người chiến sĩ hãy giữ lấy trút lên quân xâm lược dã man”...

Rồi “16” và “4”...
Đến cuối thập niên 1980, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xúc tiến việc “bình thường hoá quan hệ ngoại giao”. Năm 1992, quan hệ Việt - Trung chính thức được “bình thường hoá”. Kể từ lúc này, những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc không được dùng nữa. Giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhắc đi, nhắc lại “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”.
Dù Việt Nam cố gắng thực hiện “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” nhưng thực tế quan hệ Việt – Trung có thật sự là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và Trung Quốc có thật sự là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”? Mời qúy vị đón đọc bài kế tiếp.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Tình hữu nghị là tình đơn phương? (phần 2)
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-12-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Frienship-is-unilateral-love-Part-2-TrVan-12212009215850.html
Qua phần trước, quý vị đã được biết về những cung bậc khác nhau của tình hữu nghị Việt – Trung, suốt từ năm 1950 đến đầu thập niên 1990. Trân Văn tường trình tiếp về mối quan hệ Việt-Trung sau khi lãnh đạo hai quốc gia đề ra “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”…

“Bình thường hóa” là câm lặng hóa

Suốt từ thập niên 1950 cho đến giữa thập niên 1970, dẫu cho Việt Nam không ngừng bày tỏ ước muốn, giữ cho tình hữu nghị Việt – Trung “sáng như rạng đông”, nhân dân hai nước “chung một ý, chung một lòng, đường đi hồng màu cờ thắng lợi, nhân dân ca: Muôn năm Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông...”, như lời bài hát “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” của Đỗ Nhuận, thế nhưng, vì cho rằng, Việt Nam không “toàn tâm, toàn ý” đi theo mình, Trung Quốc vẫn gọi Việt Nam là “côn đồ”, xem Việt Nam có “dã tâm” và đầu năm 1979, quyết định “dạy cho Việt Nam” một “bài học”.
Trong số báo ra ngày 17 tháng 2 năm 2009, đúng 30 năm sau khi cuộc chiến Việt – Trung bùng nổ, tạp chí Time dựa vào một số tài liệu, đưa ra ước đoán, đã có khoảng 10.000 người lính Việt Nam thiệt mạng, chưa kể hàng ngàn thường dân chết và bị thương, hàng triệu người Việt mất nhà, trắng tay, không còn sinh kế, gần như toàn bộ ruộng vườn, trường học, bệnh viện, trạm xá, nông trường, lâm trường, nhà máy, ở khu vực biên giới giáp với Trung Quốc bị huỷ diệt.
Lịch sử vốn là như thế và dẫu cho ở giai đoạn từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, chính quyền Việt Nam từng dùng hệ thống truyền thông, cũng như các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, khơi gợi ý thức dân tộc, kêu gọi mọi người tích cực bảo vệ tổ quốc trước họa ngoại xâm đến từ phương Bắc. Chẳng hạn như bài hát “Hãy yên lòng mẹ ơi” của Lư Nhất Vũ, Lê Giang…“Mẹ ơi có nghe, núi sông vang dậy, tiếng quân reo hòa theo ước vọng, son sắt nguyện thề, vì non nước hiến dâng đời con, vì quê hương mến yêu Việt Nam”… Song từ đầu thập niên 1990 đến nay, sau khi quan hệ Việt – Trung đã được “bình thường hoá”, việc nhắc lại quá khứ vừa đau thương, vừa bi hùng đó lại được chính quyền Việt Nam xem là bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động.
Cuối năm 2007, trước sự kiện Quốc hội Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, thanh niên Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội – để họ bày tỏ ý kiến: Trung Quốc xâm lược! Không được bành trướng! Phản đối Tam Sa!.. và trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM: Trả lại Hòang Sa! Trả lại Trường Sa!.. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã tìm đủ cách để ngăn chặn, dẹp bỏ những cuộc biểu tình như thế. Một số người đã bị kết án, đang còn thụ hình trong trại giam như ông Nguyễn Văn Hải, còn được gọi là “Điếu Cày”. Một số người khác bị sách nhiễu, bị cô lập. Tại sao? Giới nghiên cứu về Việt Nam và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế giải thích, vì chính quyền Việt Nam xem việc chỉ trích Trung Quốc, bày tỏ tinh thần ái quốc như vậy là phá hoại an ninh quốc gia!
Cũng vì nỗ lực bày tỏ thiện chí với Trung Quốc theo cách như vậy, cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ một số blogger, đồng thời triệu tập, truy vấn một số blogger khác, chỉ vì họ đã công khai bày tỏ sự lo ngại của mình, trước việc Trung Quốc liên tục có những biểu hiện, đe dọa chủ quyền và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Như blogger Mẹ Nấm – một trong ba blogger từng bị tạm giữ - tâm sự sau khi cô được trả tự do: Em… em cảm thấy ức là tại sao những thông tin đó không phổ biến, không đưa ra cho mọi người cùng biết để những người trẻ như em phải tự tìm hiểu, tự đọc... rồi cuối cùng... khi mà... mình phát động một cái gì đó từ trong tâm mình thì mọi người lại nghĩ là cái này là bị xúi giục, bị lôi kéo... Và blogger Bút Thép – một trong những blogger từng bị triệu tập - giải thích tại sao anh trở thành “đối tượng” bị an ninh Việt Nam truy vấn: Trên áo thì phía đàng trước có ghi chữ "Hòang Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Stop bauxite", "No China". Còn đàng sau là chữ "SOS” cứu lấy Tây Nguyên, có dòng chữ "Giữ màu xanh và an ninh cho Việt Nam"... Về nguyên tắc, nội dung như vậy rất là hay, rất là hợp với lòng người... Tôi nghĩ không có chuyện gì gọi là "vi phạm an ninh quốc gia" cả, anh ạ. Mặc một cái áo như vậy rất là bình thường. Một cái áo như vậy không ảnh hưởng đến an ninh của bất kỳ một quốc gia nào, kể cả Việt Nam mình. Tôi kêu gọi mọi người thôi, ai ủng hộ thì ủng hộ, không ủng hộ thì thôi. Vậy mà họ mời tôi lên rồi họ hỏi!

Những nỗ lực chưa được nhìn nhận

Những nỗ lực bày tỏ thiện chí của chính quyền Việt Nam, sau khi quan hệ Việt – Trung đã “bình thường hóa”, có được Trung Quốc ghi nhận? Hình như là chưa!
Trung Quốc vẫn tuyên bố họ có chủ quyền gần như trên toàn bộ lãnh hải Việt Nam. Tàu chiến có trang bị hỏa tiễn của Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang dọc trong lãnh hải Việt Nam, gây sức ép để tập đoàn BP của Anh Quốc, tập đoàn Exxon Mobile của Hoa Kỳ phải đơn phương chấm dứt các hợp đồng cùng Việt Nam thăm dò dầu khí, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn bị các lực lượng vũ trang của Trung Quốc bắn, rượt đuổi, bắt giam, cưỡng đoạt tài sản, buộc nộp tiền chuộc… Ông Trương Minh Quang, thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90078, từng bị các lực lượng vũ trang của Trung Quốc bắt hai lần, kể về phía mà chính quyền Việt Nam vẫn bảo là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”: Dạ, sợ lắm chớ anh. Họ bắt họ phạt, có người về bán đất rồi ra nộp chuộc. Chớ bây giờ nó bắt chuộc mà mình không chuộc là nó đánh đập dữ lắm. Nó không cho mình ăn. Phải kiếm tiền ra chuộc chớ ở lâu quá rồi nó còn đánh mình hung nữa. Mình sống ở biển thì mình phải đi biển chớ bây giờ không đi biển thì mình lấy cái gì mà ăn?

Tất cả những sự kiện đó không làm giảm quyết tâm bày tỏ thiện chí của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc. Giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ của Việt Nam vẫn liên tục lập đi, lập lại những tuyên bố như tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi ông đến thăm Hà Giang – một trong những tỉnh giáp với Trung Quốc: Tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa là số một! Phải làm sao giữ mãi, trân trọng. Dù nó có gặp khó khăn, có gặp những vấn đề gì trở ngại thì hãy đoàn kết, thân ái với nhau. Trao đổi để tìm ra cái giải pháp khắc phục! Hai bên biên giới phải là hai bên biên giới hữu nghị. Nhân dân hai bên phải thực sự đoàn kết!
Song hình như mới chỉ có chính quyền Việt Nam buộc nhân dân Việt Nam phải “trân trọng” tình hữu nghị này. Chính quyền Trung Quốc chưa làm điều đó. Cách nay một vài tuần, ông Dương Danh Dy - cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc – đã thử khảo sát các trang web của Trung Quốc viết về Việt Nam và cho biết: Tháng 7 năm 2008, trang web Luận đàn của Trung Quốc, nhận định: Muốn giải quyết vấn đề Nam hải, Trung Quốc phải đoạt trọn Việt Nam - Việt Nam đừng liều lĩnh. Nam Sa chỉ là cái cớ để xuất quân, đoạt được miền Nam Việt Nam mới là việc quan trọng nhất! Hạ được Việt Nam là có thể khống chế được Đông Nam Á. Tháng 2 năm 2009, trang web milchina.com và Nam Phương Chu Mạt nhận định: Các học giả trong nước nói chung cho rằng Việt Nam là đối thủ nguy hiểm nhất và cũng là khó giải quyết nhất trong tranh chấp với Trung Quốc tại Trường Sa. Mới đây, hồi giữa tháng 12, trang web china.com, đăng hai bài “Chính sách Việt Nam cần điều chỉnh gấp, chuẩn bị lực lượng giành lấy Nam Hải – cách Trung Quốc gọi biển Đông” và bài “Tranh chấp ở Nam Hải có xu thế ngày càng phức tạp, dùng vũ lực để thu hồi đã thành sự lựa chọn duy nhất”.

Khác với Việt Nam, hình như Trung Quốc chưa bắt ai vì chỉ trích Việt Nam, thậm chí đòi “đoạt trọn Việt Nam”.
“Năm hữu nghị - Việt Trung” sắp bắt đầu trong bối cảnh như thế!

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: