Friday, December 18, 2009

TẠI SAO TÔI BỊ ĐƯA RA BẮC (Chuyện tù cải tạo sau 30-4-1975)

Tại sao tôi bị đưa ra Bắc
Nguyễn Trọng Dzũng
http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1887:1887&catid=54:vnch&Itemid=65
Tháng 4 năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi ra khỏi nước tôi gặp lại anh TAK. Một trong những câu đầu tiên anh hỏi tôi sau những câu thăm hỏi thông thường là: “Tại sao tụi nó lại đưa toa ra Bắc?”
Câu hỏi đó đã đặt ra với tôi trong suốt hơn một phần tư thế kỷ kể từ sau ngày tôi ra khỏi cái gọi là “trại học tập cải tạo Phú Sơn 4, Bắc Thái”. Hầu như bất cứ ai quen, thân hay sơ, khi gặp lại tôi lần đầu đều đưa ra câu hỏi đó.
Cũng không có gì lạ khi bạn bè và người thân thắc mắc như thế. Họ đều biết quá khứ của tôi, đi học, tôi cắm đầu vào sách vở, đi làm, tôi làm công việc kỹ thuật của một kỹ sư. Chức vụ dân sự cuối cùng là Phụ tá Giám đốc Nha Trang bị, Công ty Điện lực Việt Nam. Cấp bậc quân đội tương đương binh nhì sau khi qua đợt huấn luyện quân sự 9 tuần. Tháng 6, 1975 tôi đi “trình diện học tập cải tạo” với “tội danh ngụy quyền”. Với quá khứ đó, dưới con mắt của những người đặt câu hỏi, tôi không thuộc thành phần “ác ôn”. Ngay chính tôi thoạt đầu cũng phân vân tự hỏi không biết vì sao VC lại xếp tôi vào thành phần phải đưa ra miền Bắc. Cho mãi đến sau này, khi ra tù, suy ngẫm kỹ tôi mới tìm được câu trả lời. Một câu trả lời không đơn giản và không phải chỉ trong vài phút có thể diễn đạt hết được cái thâm ý và tính quỷ quyệt của VC.
Có rất nhiều lý do được những người quen biết tôi nghĩ tới. Người thì cho là tại tôi có thời gian dài làm việc bên cạnh các phái đoàn cố vấn Mỹ. Người thì cho là tôi đi tu nghiệp Mỹ năm 1973, năm Việt Nam hoá chiến tranh. Người ở trong cùng tổ tù với tôi cho là tại tôi viết lý lịch quá chi tiết, kê khai tất cả gia đình cha mẹ anh em mười mấy người di tản hết. Hầu hết những dữ kiện đó đều đúng. Nhưng nó không phải là lý do đã đưa tôi vào danh sách tù cải tạo bị đưa ra Bắc trên chuyến tầu Hồng Hà cuối tháng 10 năm 1976. Hay nói cho đúng hơn đó chỉ là lý do được lập luận theo cách của chúng ta, từng sống trong một xã hội pháp trị. Trong đầu của người cộng sản không có cái logic đó. VC đưa tôi ra Bắc tháng 10 năm 1976 để rồi chưa đầy 2 năm sau, tháng 2 năm 1978 thả cho tôi về không gì khác hơn là một tiểu xảo quỷ quyệt của chúng.
Khi VC ra thông cáo “trình diện học tập cải tạo”, nhân viên Công ty Điện lực VN bị đưa vào trại cải tạo Long Thành, tổng số cả 2 đợt tháng 6 và tháng 8/1975 là 75 người. Chức vụ cao nhất là Tổng giám đốc, thấp nhất là Trưởng ty và Trưởng phòng. Lần lượt qua vài lần “cứu xét” một số lớn được cho về. Đến tháng 9, 1976 còn lại dưới 20 người.
Tôi viết “cứu xét” là dùng chữ của VC, và tôi đề nghị bạn đọc cũng chỉ nên hiểu ý nghĩa của từ ngữ này theo cách của chúng. Đừng dùng cái logic của chúng ta để lập luận rằng trong mấy “đợt tha” từ Long Thành chúng đã truy lục hồ sơ, đối chiếu tờ khai lý lịch, trước khi kết luận cho ai về ai ở. Lúc công bố quyết định “tập trung cải tạo 3 năm” có thể chúng đọc kỹ hơn để phân loại, chứ còn trong giai đoạn mấy tháng đầu ở Long Thành tôi không tin là chúng đã làm như chúng ta nghĩ. Điển hình như đợt trình diện đầu tiên tại trường Nữ Trung học Gia Long. Sau 3 ngày, tổng số trình diện và “đủ tiêu chuẩn học tập” lên đến hơn 1100. Vài hôm sau, có một số được gọi tên cho về. Ai cũng đoán già đoán non về lý do được thả, nào là “có công với cách mạng”. Nào là thuộc thành phần gia đình “cách mạng”, gia đình “liệt sĩ” hoặc có giấy bảo lãnh. Nhưng thực tế trong số ở lại cũng còn nhiều người thuộc thành phần đó. Cho đến khi có thêm đợt 2, trình diện tại trường Trưng Vương, một vài người đã được thả ra hôm tháng 6, lại thấy quay vào, mọi người mới vỡ lẽ. Lý do là khả năng nhập trại Long Thành lúc đó chỉ dự trù cho 1000 người, nhưng đợt đầu tại các nơi đã có tới hơn 1100 người trình diện. Chúng phải cắt bớt số dư. Tất nhiên là chúng cũng lật danh sách coi chức vụ từng người. Gặp một chức vụ không có trong ngữ vựng của chúng như “Trưởng hệ thống”, hay một chức vụ được tên cán bộ lập danh sách hiểu là “nhẹ” như “Tổng thư ký …” thế là người đó được lấy tên ra cho về. Đến khi số còn lại vừa đúng 1000 thì ngưng, không “cứu xét” thêm nữa. Kết quả là nhiều trường hợp 2 người chức vụ giống hệt nhau, một người về một người ở lại. Chắng phải vì người về có bảo lãnh hay “có công” gì cả, và cũng chẳng phải vì người ở lại có tội trạng gì ác ôn hơn. Tất cả chỉ là một anh hên, một anh xui. Anh hên được chúng dò đến tên khi con số trong danh sách nhập trại hãy còn trên 1000 người. Anh xui có tên nằm đâu đó trong danh sách, chưa dò đến tên anh thì đã đủ túc số, thế là ngưng. Giản dị chỉ có vậy mà đã gieo rắc bao nhiêu bàn tán, đoán già đoán non trong tù.
“Bàn”, “đoán”, “săn tin” (tất nhiên là tin vịt) là những sinh hoạt thường trực của hầu hết mọi người tù trong những tháng đầu bị nhốt. Nếu ăn uống là nhu cầu vật chất, thì trong tù rỉ tai là nhu cầu tinh thần không thể thiếu. VC biết rõ cái nhu cầu này, dù cấm đoán cũng không hết được nên chúng đã tương kế tựu kế, kiểm soát rỉ tai bằng cách chính chúng tung tin cho mọi người rỉ tai nhau. Tôi cũng cần nói rõ thêm một chi tiết là : trại Long Thành dành cho “ngụy quyền” ngay từ ngày đầu được giao cho đám “bò vàng” thuộc Cục Quản giáo bộ Nội vụ VC quản lý. Khác với những trại tù dành cho sĩ quan quân đội VNCH do Ủy ban Quân quản, thường là những đơn vị bộ đội VC, quản lý. Cách quản lý tù của bộ đội tàn bạo hơn, sẵn sàng dùng sắt máu, nhưng không quỷ quyệt và thâm độc như cách quản lý của đám quản giáo chuyên nghiệp trong ngành công an.
Vào Long Thành tù được chia ra ở trong những dãy nhà dài, mỗi dãy từ 150 đến 180 tù, do một tên cán bộ quản giáo phụ trách. Tôi ở dãy số 3 gọi nôm na là “nhà 3” do Năm Tiêu làm quản giáo. “Nhà 2” có Tư Khâu, “nhà 6” có Ba Tơ. Dù không ở “nhà 2” hay “nhà 6”, tôi vẫn nhớ rõ về 2 tên này vì tính cách đặc biệt của chúng. Tư Khâu nói giọng Thanh Nghệ Tĩnh, răng đen mã tấu, mặt bủng da chì, rất hắc ám. Hắn được mệnh danh là “hung thần” vì bất cứ một sai phạm nội qui nào của người tù cũng có thể bị hắn bắt bẻ, hành tội. Ngược lại Ba Tơ nói giọng miền Nam, một người xuề xòa có vóc dáng trắng trẻo mập mạp, bề ngoài dễ dãi trong chuyện để cho người tù “thảo luận, học tập” cũng như đề ra “chỉ tiêu lao động”. Lâu lâu giờ nghỉ buổi tối hay ngày cuối tuần Ba Tơ la cà “xuống tổ” ngồi uống trà hút thuốc, nói chuyện trên trời dưới biển với tù. Trong những lần “xuống tổ” như thế thỉnh thoảng Ba Tơ lại rỉ tai cho một vài tổ trưởng những tin tức mà mọi người muốn biết. Từ tin vô thưởng vô phạt như sắp có căng-tin bán nhu yếu phẩm cho tù, đến “tin tối mật” như sắp có đợt xét tha, bao nhiêu người được về, v.v... Nhất nhất Ba Tơ xì ra tin nào trúng phóc tin đó. Khi có đợt chuyển trại đầu tiên, chúng tôi chẳng ai tin lời giải thích của quản giáo “các anh các chị được đưa đến một nơi có điều kiện học tập tốt hơn”. Nhất là khi danh sách gồm rất nhiều vị chức sắc cao cấp của VNCH như Chủ tịch Hạ viện, Phó Thủ tướng (trong chính phủ DVM), Trưởng phái đoàn VNCH tại Hòa đàm Ba Lê, v.v... Nhưng Ba Tơ khẳng định số người ấy được đưa về Thủ Đức chứ không đi đâu xa. Ít lâu sau tin này được kiểm chứng qua thư từ của gia đình tù gửi vào, xác nhận lời Ba Tơ là đúng. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng “chức sắc” như mấy vị đó mà chỉ bị đưa về nhốt trong nhà tù Thủ Đức thôi thì chắc là “mình được học tập” ở đây cho đến khi về chứ không bị đầy đi nơi rừng thiêng nước độc nào nữa. Chúng tôi lại càng tin như thế khi dăm ba tháng thấy có người được thả, lúc dăm ba chục, lúc đông tới con số trăm. Khiến người tù càng “yên tâm cải tạo”.
Cứ như thế, dần dần “tin của anh Ba Tơ” trở thành nguồn tin đáng tin cậy, chẳng khác nào đài BBC, hay VOA. Ba Tơ thủ vai lường gạt một cách thật xuất sắc. Nhưng cái xảo quyệt của bọn quản giáo không dừng ở đó.
Trong tù đề tài được rỉ tai nhiều nhất, được bàn tán sôi nổi nhất, cũng như được phân tích kỹ lưỡng nhất giữa những người tù với nhau là : thời gian cải tạo bao lâu. Thông cáo “mang theo thực phẩm đủ dùng cho 30 ngày” đã đánh lừa những người đi trình diện tháng 6. Quá 30 ngày chưa thấy động tĩnh gì, tháng 10 có thêm những người trình diện đợt 2 được chuyển vào trại. Người tù vẫn cố tìm một cách giải thích khác cho con số “30 ngày” này là “30 ngày sau khi khởi sự học tập”. Rồi học tập chính trị 10 bài xong chưa đủ, còn phải qua giai đoạn lao động cải tạo nữa. Trong khi đó lâu lâu lại có một “đợt khoan hồng”, tạo cho người tù hy vọng đợt tới có thể mình sẽ được về dù chưa “học tập” xong. Một trong những người luôn luôn lạc quan chờ ngày ra trại của mình là anh TVA, Tổng thanh tra Xi măng Hà Tiên.
Tôi không nhớ rõ sau khi vào tù bao lâu chúng tôi được viết thư về gia đình. Địa chỉ nhận thư được ghi như sau : “Hòm thơ số 15NV, bộ Nội vụ”. Không ai biết, cũng chẳng ai bàn tán, đoán già đoán non về cái bí số 15NV này mang ý nghĩa gì, nhưng nó là đầu đề khiến hai người bạn tù giận nhau. Anh KTK, nghị sĩ Thượng viện VNCH đọc trại cái bí số 15NV này thành “mười năm anh về” rồi cứ thế anh nửa đùa nửa thật bàn rằng đây là cái điềm ít nhất mỗi người phải “lột đủ 10 cuốn lịch”. Điều này làm anh A. bất bình, cho rằng anh K. nhạo báng những lời bàn lạc quan của mình.
Tháng 7-1976 mọi người được nghe đọc “quyết định tập trung cải tạo 3 năm”. Cuối tháng 9-1976 tù được phép viết thư về nhà báo cho gia đình thăm nuôi. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm chúng tôi được gặp mặt thân nhân. Tin thăm nuôi, tất nhiên cũng được Ba Tơ rỉ tai trước cả tuần lễ. Mọi người đều trông ngóng. Tinh thần được bơm lên cao. Rồi cái bao tử cũng được bơm theo nhờ có đồ tiếp tế.
Đầu tháng 10 được gặp gia đình, cuối tháng một số chúng tôi bị chuyển trại ra Bắc. Có người đặt câu hỏi phải chăng trong con người VC vẫn còn sót lại một chút “nhân chi sơ tính bản thiện”, đã cho tù được gặp mặt gia đình trước khi đưa đi đày. Tôi không tin như thế. Suy nghĩ kỹ mới thấy rõ được thâm ý của VC.
Chuyến thăm nuôi nhằm mục đích bơm cho người tù một chút hơi vào cái đầu và một chút hơi vào cái bụng. Bơm hơi vào bụng để tù có sức đương đầu với một chuyến đi dài, khổ cực, và những tháng đông giá rét và đói khổ ở miền Bắc. Bơm vào cái đầu để người tù không tuyệt vọng. Cái phương thức quản lý “không dồn tù vào sát chân tường” này được cục Quản giáo của VC áp dụng một cách triệt để. Chúng không để người tù chết chẳng phải thương tiếc gì một vài nhân mạng. Song chúng biết tâm lý con người, khi thấy cái chết đe dọa trước mắt, người tù do bản năng sinh tồn sẽ có thể vùng lên, một thắng hai huề với chúng.
Chiều ngày 25 tháng 10 (hoặc cũng có thể là 24, tôi không nhớ chắc) nhà bếp phát cơm sớm, mọi người được lệnh “khẩn trương” ăn uống rồi tập họp “lên hội trường học tập”. Chúng tôi hồi hộp nuốt vội vàng chén cơm, chẳng ai tha thiết gì tới việc nấu nướng “bồi dưỡng” như vẫn làm kể từ hôm được tiếp tế. Mấy ngày trước, “tin tuyệt mật của anh Ba Tơ” đã nói về đợt chuyển trại này, nên khi nghe nói “lên hội trường” mọi người hiểu ngay điều gì sắp sảy ra, chạy đi tìm nhau dặn dò, nhắn gửi, “nếu tôi đi …”, “nếu anh ở lại …”, “nếu anh về trước …”.
Trên hội trường ngoài mấy tên “bò vàng” của ban Quản giáo trại, tôi thấy có một số mặt lạ, mặc quần áo mầu xanh. Chúng loan báo “để thi hành quyết định tập trung cải tạo, một số các anh sẽ được đưa đến một nơi có điều kiện học tập tốt hơn”, lập lại in đúng câu chúng đã nói trong đợt chuyển trại về Thủ Đức mấy tháng trước. Chúng đọc một danh sách khoảng hơn 400 người, ra lệnh về phòng thu dọn tư trang và tập hợp lại tại hội trường. Trong tổng số gần 20 người thuộc Công ty Điện lực VN còn ở lại Long Thành lúc đó, có 3 người nằm trong danh sách. Đó là ông Tổng Giám đốc HTP, ông Giám đốc Hành chánh NVT, và tôi. Một vị khác, anh NQT, trung tá, Giám đốc nha Tiếp vận đã theo đợt di chuyển đầu tiên từ mấy tháng trước về Thủ Đức.
Ngày hôm sau VC làm thủ tục xét tư trang. Tôi không nhớ đây là lần khám xét thứ mấy trong thời gian hơn một năm ở trại Long Thành. Mỗi lần như thế là một lần chúng tôi bị chúng lấy đi những “món quý giá” của người tù. Mỗi người được phép giữ lại một túi nylon hoặc một túi xách nhỏ đựng đồ dùng vệ sinh cá nhân, còn bao nhiêu bỏ hết vào một bao bố loại 50kg do chúng cấp phát. Bao bố được chất lên xe camion chở đi trước “cho đỡ cồng kềnh”, như lời chúng giải thích.
Qua cung cách chuẩn bị như thế, ai cũng đoán lần này chuyển trại đi xa chứ không về Thủ Đức như đợt trước. Vài người còn dựa vào màu xanh đồng phục hải quân của đám người lạ mặt và đám tài xế xe camion, diễn giải rằng chuyến di chuyển này sẽ đi bằng tàu. Như để cho khớp với lời đồn đoán đó, “nguồn tin của anh Ba Tơ” cho biết “các anh ấy sẽ được đưa ra học tập lao động ở Phú Quốc”. Đúng quá rồi ! Phú quốc phải đi bằng tàu chứ làm gì có đường nào khác.Và thế là cả người sắp đi lẫn người còn ở lại cảm thấy nhẹ bớt nỗi lo âu, tự trấn an “dù sao Phú Quốc cũng vẫn còn ở miền Nam”, không bị hai chữ “ra Bắc” ám ảnh, hoang mang tinh thần.
Đến chiều ngày thứ ba, chúng kêu tập hợp, xếp hàng đôi, điểm danh rồi còng từng cặp hai người với nhau leo lên xe camion. Anh TVA và tôi chung một còng. Khoảng nửa đêm chúng tôi xuống xe ở bến Tân Cảng dưới chân cầu Xa Lộ. Lại điểm danh, hai người một, vẫn còng chung, bước lên con tầu có tên Hồng Hà. Chúng tôi bị dồn vào hầm chở hàng phía mũi tầu, cách mặt boong tầu khoảng 10, 12 thước, bằng tòa nhà 3 tầng. Khi mọi người xuống hết, thì hầm tầu cũng vừa chật ních, không thể ngả lưng, chỉ ngồi duỗi chân dựa vào nhau, nếu một ngưòi nằm thì một người khác phải ngồi bó gối. Nắp hầm đóng lại, bên trong tối như bưng, kín mít, ngột ngạt.
Gần sáng tầu khởi hành. Chúng tôi cố tìm cách định hướng nhưng không được. Mãi đến chiều hôm sau khi nắp hầm mở ra để tiếp tế nước uống, mặt trời rọi bóng nắng sang thành tầu bên tay mặt, mọi người không ai nói với ai đều hiểu rằng mặt trời chiều, tức hướng Tây, ở bên tay trái, như vậy là tầu đang trực chỉ hướng Bắc. Nỗi lo sợ từ gần một tuần nay, tưởng đã được “tin của anh Ba Tơ” xóa tan, nay hiển hiện trước mắt. Không ai còn muốn bàn tán gì về nơi đến sắp tới là đâu nữa. Hai chữ “ra Bắc” coi như tận cùng của đầy ải rồì, chẳng cần phân biệt là đồng bằng, trung du hay thượng du nữa. Dù Hà Nam Ninh, Bắc Thái, Lạng Sơn, hay Đầm Đùn Thanh Cẩm, trại nào cũng thế mà thôi. Anh TVA, ngồi dựa lưng với tôi từ lúc xuống tầu, nói nhỏ “Mình bị đưa ra Bắc rồi Dũng ạ”. Giọng lạc quan của anh trong suốt mười mấy tháng tôi ở chung “nhà 3” với anh, biến mất hết.
Đối với chúng tôi trên con tầu Hồng Hà, mặt nạ của Ba Tơ trong vở kịch lường gạt đến đây đã rớt xuống. Nhưng đối với những người còn ở lại Long Thành, họ vẫn đinh ninh chúng tôi được đưa ra Phú Quốc, và không biết gì về chuyến đi ra Bắc này cả. Sau này có anh về từ Hàm Tân còn so bì rằng tôi được đi Phú Quốc, gần biển “sướng chết”, đâu có cực khổ với đồng khô cỏ cháy như Xuyên Mộc, Hàm Tân.
Hai ngày còn lại trên tầu, anh TVA và tôi tâm sự với nhau nhiều. Anh hỏi tôi những câu mà qua đó tôi đoán là anh muốn tìm hiểu về “thành phần” của tôi để so sánh với anh. Đại loại như ngày xưa tôi có đảng phái Dân chủ, Cần lao gì không, đi lính tôi đeo tới lon gì? ... Nghe câu trả lời của tôi, anh thắc mắc “vậy tại sao nó lại đưa toa ra Bắc nhỉ?” Về sau, nói chuyện với nhiều người khác, như anh NVC, Trung tá Không quân, Dân biểu Quốc hội, ông NPQ, Viện Giám sát, ông MVA, TAB, Chánh án Tòa thượng thẩm, v.v… tôi được biết thêm các quý vị ấy đều lấy làm lạ về sự có mặt của tôi trên chuyến tầu. Nhưng chính sự có mặt của tôi cũng như của một vài người tương tự như tôi, đã có tác dụng như một đám bèo mà quý vị ấy cố bám vào để gạt đi cái ám ảnh của chuyến tầu đi Bắc này là một "chuyến hàng" đặc biệt, hàng loại “A”, loại sẽ đi tù mút mùa.
Đấy cũng chính là mục đích của VC. Chúng đã thành công để cho người tù không suy luận được về những gì chúng sẽ áp dụng với họ, không suy luận được họ bị chúng xếp vào thành phần nặng nhẹ thế nào. Từ đó chúng dễ dàng đánh lừa về cái chúng gọi là “chính sách khoan hồng cho những người cải tạo tốt”.
Nghĩ lại tôi thấy mình thật ngờ nghệch – và chắc chắn tôi không phải là người duy nhất – không biết gì về cái gian trá, quỷ quyệt của VC trong việc giam giữ chúng tôi. Ngờ nghệch tin vào cái thông cáo “mang thực phẩm đủ dùng trong 30 ngày”, vào Long Thành mà cứ ngong ngóng đếm từng ngày cho hết con số 30. Khi con số đó đã nhân lên gấp 3 gấp 4 lần, tôi vẫn hy vọng “một ngày về không xa”, chẳng mảy may nào nghĩ tới có lúc mình phải ngồi trong hầm chứa hàng của con tầu Hồng Hà, bị đưa đi đầy ải trong một trại khổ sai mang tên “Phú Sơn 4” Bắc Thái.
Cho đến khi nằm co ro trong giá rét và đói khát của trại Phú Sơn 4, tôi vẫn ngờ nghệch tin vào cái “quyết định 3 năm tập trung cải tạo”, ngờ nghệch chờ đợi tới ngày thứ 1095 của mốc thời gian “3 năm”. Trong khi đó VC vẫn tiếp tục lừa bịp người tù bằng những “đợt khoan hồng nhân ngày lễ lớn”. Chẳng ai ngờ được là chỉ hơn 3 tháng sau khi đặt chân lên miền Bắc, đầu năm 1977, anh MT, một Dân biểu Quốc hội VNCH, được thả cho về. Tất nhiên là sau đó chúng lại “lên lớp” giải thích, nào là “chính sách khoan hồng của Đảng”, nào là anh MT “học tập tốt, tiến bộ”, “biết ăn năn hối cải”, v.v... và v.v…
Nói cho cùng, nếu tôi không ngờ nghệch, dù có kinh nghiệm về VC thế nào đi nữa, ở hoàn cảnh nằm trong rọ như vậy chưa chắc tôi đã biết mình phải làm gì để sinh tồn. Cái hy vọng một “ngày về không xa” đã nuôi dưỡng sự chờ đợi, giúp cho tinh thần khỏi phát điên phát khùng. Suốt một năm đầu tiên ở Phú Sơn 4, không một lần được tiếp tế, chúng tôi lâm vào cảnh đói triền miên. Một buổi chiều trên đường lao động về, đi ngang chuồng bò thấy bãi phân, trong một tích tắc đồng hồ tôi bỗng hoa mắt nhìn ra đó là cái bánh bông lan. Tuy chưa nhào tới vồ, đưa vào miệng, nhưng sau đó tôi vô cùng lo sợ. Tôi biết tôi đang ở bên bờ của khủng hoảng tinh thần, cứ đà này sẽ có ngày phát điên. Tôi cố moi tìm ra những yếu tố lạc quan trong cảnh tù tội và hy vọng. Trong mục đích này anh TVA và tôi đã giúp nhau rất nhiều. Chúng tôi sống dựa tinh thần vào nhau.
Ăn xong cái Tết thứ nhì ở trại Phú sơn 4, Bắc Thái, sáng ngày 17 tháng 2 năm 1978, tôi và một anh nữa, Bác sĩ DHM, Giám đốc Viện Pasteur, được gọi ra khỏi hàng đang điểm danh lao động. Rồi được dẫn lên văn phòng ban Quản giáo ký nhận "giấy tha". Thật bất ngờ chẳng kém gì 17 tháng trước đó tôi bước xuống tầu trên bến Tân Cảng.
Trái ngược lại với cái ngờ nghệch trong suốt 3 năm qua, lần này tôi nghi chúng đưa anh M. và tôi đi nhốt một nơi khác, nhưng làm bộ như chúng tôi được thả để đánh lừa những người tù còn lại trong trại. Ký nhận giấy tha, nhưng chưa được cầm trong tay. Ngồi trên xe com-măng-ca nhưng vẫn bị bít bùng. Từ Bắc Thái chúng đưa chúng tôi về nhốt tại trại Nam Hà gần Hà Nội. Rồi suốt 3 ngày 4 đêm ngồi trên xe lửa xuôi Nam, chúng tôi vẫn bị còng vào nhau. Chưa có dấu hiệu gì gọi là “tự do” cả. Tại trại Nam Hà tôi gặp lại anh NQT. Té ra từ trại Thủ Đức anh đã ra Bắc trên cùng chuyến tầu Hồng Hà với tôi, anh nằm trong hầm chứa hàng phía đuôi tầu, và bị giam giữ tại trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa.
Để kiểm chứng cái nghi ngờ của mình, tôi xin với tên cán bộ áp tải, cho tôi được gửi điện tín về Sài gòn báo tin để vợ con tôi ở xa về đón. Tôi nói dối là gia đình tôi đã đi kinh tế mới. Bị từ chối tôi càng nghi ngờ hơn. Ngồi trên chuyến xe lửa hướng về miền Nam, tôi vẫn không thấy “hồ hởi” chút nào. Cho tới khi đặt chân lên nhà ga Sài gòn (lúc đó còn nằm ở địa điểm cũ trên đường Lê Lai), được tháo còng, nhận “giấy ra trại” tôi mới thực sự tin là được thả.
Tổng cộng tôi xa gia đình 1018 ngày, bằng 34 lần của con số “30” trong thông cáo “mang theo thực phẩm khi trình diện”, nhưng vẫn chưa tới mốc 1095 ngày của quyết định “3 năm tập trung cải tạo”. Tôi bị đưa ra Bắc nhưng lại được về trước hơn cả một vài anh trong số những nhân viên Công ty Điện lực còn ở lại Long Thành, như các anh TKK, PXH, ...
Có phải tôi bị đưa ra Bắc vì tôi là thành phần “ác ôn” không ? Chắc là không.
Có phải tôi đã “học tập tốt”, đã “tiến bộ” nên được “khoan hồng trước thời hạn” không? Chắc là không?
Vậy thì tại sao?
Câu trả lời sẽ tìm ra nếu chúng ta lục trong cái hồ lô chứa những trò gian trá xảo quyệt của Việt cộng. Tôi bị đưa ra Bắc rồi từ đó cho về, chẳng qua tôi chỉ là một mồi nhử, đánh lừa những người ở lại. Cũng như chính tôi đã từng bị chúng gạt bằng những chuyến về của các bạn tôi ở Long Thành.
Về con số 3 năm trong quyết định tập trung cải tạo công bố tháng 7, 1976 : Tại sao lại 3 năm, mà không phải là 5 năm, 7 năm hay 10 năm, trong khi có nhiều người bị giam giữ gấp mấy lần 3 năm? Theo tôi có lẽ VC đã dựa vào một bản nghiên cứu tâm lý vế khả năng chờ đợi, khả năng chịu đựng của con người để đưa ra con số này. Phương thức giam giữ tù cải tạo của chúng là không dồn tù vào sát chân tường, không để cho tù lâm vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Thật vậy, ra tới miền Bắc, tôi nhắm vào cái mốc 3 năm mà trong đó tôi đã có gần 17 tháng “thâm niên” tại Long Thành, tính ra còn 19 tháng nữa Thôi thì hãy rán sức chịu đựng, chờ đợi đến ngày đó, cũng chỉ dài tương đương bằng thời gian đã qua ở Long Thành.
Mồi nhử để câu cá phải làm sao hấp dẫn cho cá cắn câu. Đối với người tù, mồi nhử của VC chắc chắn chẳng hấp dẫn gì, nhưng ít nhất chúng đã thành công, tạo hy vọng cho người tù dựa vào đó mà sống qua ngày, không điên khùng, không quẫn trí, không vùng lên. Và cứ thế có người đã chịu đựng 2 lần, 3 lần, và thậm chí 4 hay 5 lần 3 năm.
Chuyến lưu đầy ra Bắc và 34 tháng tù đã “cải tạo” được cái ngờ nghệch của tôi, giúp tôi nhìn thấy rõ ràng hơn bản chất vừa xảo quyệt vừa thâm độc của Việt cộng. Tiếc thay tôi không có cơ hội chia sẻ cái kinh nghiệm này với thật nhiều người, nhất là những người vừa ngờ nghệch vừa chóng quên.

Nguyễn Trọng Dzũng


No comments: