Saturday, December 5, 2009

PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC BÁ QUYỀN VĨ ĐẠI ?

Phải chăng Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa có một chiến lược bá quyền vĩ đại ? *
Does the PRC have a Grand Strategy of Hegemony?
05/12/2009
http://bauvinal.info.free.fr/songngu/phaichangchndth.htm

Bảng Tường trình nộp lên Tiểu ban Giám sát và Điều tra,
Ngài Dana Rohrabacher,Chủ tịch danh dự Hội đồng Bang giao Quốc tế thuộc Hạ Viện Mỹ.

Tác giả Steven W.Mosher,
Chủ tịch Viện Khảo sát Dân số.


"Trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng Ủy ban Điều hành Trái đất, và lập một kế hoạch thống nhất cho toàn cầu."
Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông,
Lãnh đạo nước CHNDTH 1949 - 1976.


Cả hai Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại giao Mỹ đều gần đây đưa ra các nghi vấn về ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Bộ trưởng Rumsfeld, trong khi tham dự một hội nghị an ninh Châu Á vào mùa hè rồi, đã đặt vấn đề như sau: "Chẳng có nước nào hăm dọa Trung Quốc nhưng sao họ lại gia tăng đầu tư [vào chi phí quân sự]? Sao lại cứ tiếp tục mua sắm vũ khí số lượng lớn?". Mới đây, nhân cơ hội Tổng thống Bush đi thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã phát biểu là "người ta thấy phải quan tâm" về việc hiện đại hóa đội quân nhiều triệu người của Trung Quốc. Bà nói "Hẵn có nghi vấn về mặt ý đồ".[1]
Chính xác thì là những ý đồ gì? Bình thường mà nghĩ thì dĩ nhiên câu hỏi đã tự trả lời. Không một quốc gia nào chẳng đối mặt đe dọa lớn về quân sự mà lại duy trì một đội quân 3,2 triệu người, [2] gia tăng ngân sách quân sự của mình ở mức hai con số bỏ xa mức tăng trưởng GNP, nâng cấp mạnh mẽ kỹ thuật và khí tài quân sự của mình -- trừ khi là có ý đồ sử dụng vũ lực, hoặc là hăm dọa bằng vũ lực, để đạt được một vài mục đích tối hậu nào đó về mặt quốc nội và quốc tế.
Nhưng mục đích tối hậu nào? Việc Trung Quốc củng cố quân sự, theo quan điểm của tôi, là được gánh vác với hai mục tiêu chiến lược chồng chéo lên nhau trong tư tưởng. Đầu tiên là do có một nhận thức cục bộ, suy nghĩ giới hạn và đầu óc hẹp hòi. Thứ đến là -- phần nào bị che lấp bởi mục tiêu thứ nhất, là do có một nhận thức thâu tóm toàn cầu, lòng tham không đáy và ý đồ bành trướng.
Mục tiêu trước mắt của việc củng cố quân sự của Trung Quốc là chinh phục Đài Loan, hoặc trực tiếp sử dụng vũ lực hay qua sự dọa dẫm hòng làm hòn đảo này chịu khuất phục. Hàng ngũ những người bác bỏ việc Trung Quốc sẽ thực sự dùng vũ lực trấn áp Đài Loan đã ngày càng thưa dần trong làn sóng náo động vào tháng 3-2005 khi quốc hội “nghị gật' của Trung Quốc, tức Hội Nghị hiệp thương nước CHNDTH, thông qua Luật Chống Ly Khai.
Bộ 'luật' này, được lý giải như là một tuyên bố chính thức chính sách của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, một sự khẳng định bằng luật lệ để thực hiện việc bao trùm sự kiểm soát lên Đài Loan và tham vọng của mình trong việc sử dụng vũ lực để hoàn tất của Trung Quốc.
Ý đồ đen tối của Trung Quốc về lãnh hải ngày càng lớn khi phạm vi vượt khỏi đảo Đài Loan. Vài người phủ nhận tham vọng của Bắc Kinh muốn vươn ra khỏi cái mà họ gọi là 'địa phương nổi loạn' và, có lẽ, ám chỉ vùng biển Nam Trung Hoa. Chắc chắn là văn bản về chiến lược của Trung Quốc kín kẽ, không chứa những gì tựa như một đại chiến lược nào đó, tạo khe hở cho các nhà phân tích dẫn đến việc phát hiện Trung Quốc có những tham vọng cực lớn. Trong tầm nhìn của họ, mọi cái Trung Quốc muốn chỉ là làm người tham gia “cuộc chơi” trong một thế giới đa cực.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Tôi đứng vào quan điểm, hình thành bởi hơn 25 năm nghiên cứu về Trung Quốc, là Ban Lãnh đạo Đảng Cộng Sản TQ luôn có một chiến lược bá quyền qui mô. Hơn thế nữa, tôi thấy rất rõ là họ đang có một chiến lược vĩ đại trong thời điểm hiện tại. Đó là một chiến lược của sự hăm dọa, sự bành trướng, sự quyết đoán, và sự thống trị trên quy mô toàn cầu. Đó là một chiến lược đuổi kịp, vượt qua, và cuối cùng che khuất siêu thế lực đang ngự trị là Mỹ. Tóm lại, đó là một chiến lược giành quyền Bá chủ.
Trung Quốc đang cật lực biến mình thành một “Lãnh chúa”(Hegemon), chữ "Bá" trong tiếng Hoa, từ lâu được người Trung Quốc định nghĩa như là một thế lực duy nhất, thống trị hết thảy. Một vị Lãnh chúa, phải được hiểu là, có quyền thống trị cao hơn một siêu thế lực đơn thuần, thậm chí còn cao hơn một "siêu thế lực đơn độc", tức vai trò quốc tế mà Mỹ hiện nay đang nắm giữ. [3] Trung Quốc cáo buộc Mỹ là “tìm cách nắm quyền bá chủ”, nhưng điều này phải được hiểu là một sự đố kỵ âm thầm và che giấu tham vọng: Đó là quyền Bá chủ mà bản thân Trung Quốc đang tìm kiếm.

Chiến lược vĩ đại của Chủ tịch Mao Trạch Đông


Sự suy tính của những quan chức lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đều được giữ bí mật nghiêm nhặt. Tuy nhiên, mới đây, một vài phát biểu của Chủ tịch Mao được đưa ra ánh sáng cho thấy rằng Trung Quốc đã có một chiến lược thống trị toàn cầu ngay từ những ngày đầu tiên chế độ nầy ra đời. [4] Nhà sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, hóa ra, đã đặc biệt không ngừng đề ra một chiến lược giành quyền Bá chủ toàn cầu.
Đầu tiên, cho phép tôi được nêu ra một ít bối cảnh. Vào ngày 1 tháng 10-1949, khi Chủ tịch Mao tuyên bố thành lập nước CHNDTH(PRC), Mao đã kiểm soát vùng trung nguyên của Trung Quốc. Nhưng Tây Tạng, miền Tây Turkestan (Xinjiang—Tân Cương), Đài Loan, một số khu vực của Mông Cổ và Mãn Châu vẫn nằm ngoài tầm tay của Mao. Chủ tịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc tin tưởng rằng sự vĩ đại từ lịch sử của Trung Quốc, không kém gì chủ thuyết toàn cầu của chủ nghĩa Cộng sản, đòi hỏi phải tái lập đế chế nhà Thanh đã bị sụp đổ gần 40 năm trước.
Những lãnh thổ bị mất phải được chiếm lại, các chư hầu lạc lối cần được hồi phục, và các nước từng nộp triều cống một lần nữa buộc phải tuân theo sự lãnh đạo của Bắc Kinh. Hoạt động quân sự - dùng chống lại quân xâm lăng Nhật, đánh bại Quốc Dân đảng, và đánh chiếm các thành phố - đã trao Trung Quốc vào tay Mao. Bây giờ hoạt động quân sự sẽ được dùng để khôi phục đế quốc. Với những lý do trên, Mao đã can thiệp vào Hàn Quốc từ những năm đầu tiên nắm quyền, xâm lăng Tây Tạng, ném bom Kim Môn (Quemoy), tiếp tục quát tháo Đài Loan, tấn công Ấn Độ gây rắc rối về biên giới Tây Tạng, đối đầu khối Xô Viết, và cung cấp một khối lượng trợ giúp khổng lồ về quân sự cho Việt Nam, bao gồm cả việc đưa quân TQ tham gia cuộc chiến khoảng 300.000 binh sĩ .
Bản đồ đã được vẽ hết lại cho thấy biên giới của Trung Quốc trải rộng xa khỏi phía bắc, nam và tây so khu vực mà quân đội Trung Quốc thực tế kiểm soát được. Bất kỳ vùng đất nào đã được Trung Quốc chạm đến, dù cho ngắn ngủi cở nào, thường được xem là của Bắc Kinh ngay lập tức. Fr. Seamus O'Reilly, một nhà truyền giáo người Columbia, là tu sĩ Công giáo nước ngoài cuối cùng bị trục xuất khỏi Trung Quốc vào năm 1953, nhớ lại đã chứng kiến, trong văn phòng của một sĩ quan Cộng sản địa phương đã thẩm vấn ông, một bản đồ của PRC bao gồm toàn bộ vùng Đông Nam Á - tức Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, và Singapore – tất cả đều nằm trong đường biên giới của Trung Quốc. [5] Nhưng những bản đồ như thế đều được đóng dấu lưu hành nội bộ. Với Mao, mặc dù rất muốn tiến hành chiến tranh để phục hồi từng phần một về cho đế quốc Trung Hoa, nhưng nói chung rất e ngại bày tỏ những tham vọng đế quốc của mình. Ngay cả khi binh sĩ của TQ đang tham chiến ở Triều Tiên hay Tây Tạng, Mao cũng vẫn không ngừng tìm cách trấn an thế giới, trong cách xử sự kiểu buột miệng của một tín đồ Freud, "Chúng tôi không bao giờ muốn làm bá chủ". Mao có thể đã công khai về các ý định độc tài của mình trong nước, nhưng dọc theo biên giới quốc gia vẫn còn phải đối mặt hàng loạt những thế lực hùng mạnh. Mỹ chiếm đóng Nhật Bản và Hàn Quốc, và có căn cứ tại Philippines và Thái Lan. Anh Quốc thì ở Hong Kong và Malaysia. Ngay cả đồng minh ngày xưa của Mao, khối Xô Viết, cũng đang chiếm đóng những vệt lớn lãnh thổ Trung Quốc ở Mãn Châu, Nội Mông và Tân Cương (Xinjiang).
Một khi nắm quyền lực trong tay, Mao đã lao vào một chương trình công nghiệp hóa và (một cách bí mật) quân sự hóa Trung Quốc. Chi tiêu vào quân đội và công nghiệp vũ khí cho nó đã chiếm đến ba phần năm ngân sách quốc gia, một tỷ lệ mà ngay cả nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Mao, Joseph Stalin, không phải là người tằn tiện về chi phí quân sự, cũng đã chỉ trích là "quá mất cân đối".[6] Trang bị loại vũ khí ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân là ưu tiên đặc biệt .
Tại sao lại có sự liều lĩnh, như lịch sử sẽ bộc lộ, và vô ích về mặt kinh tế khi bổ nhào vào việc tăng cường quân sự như thế? Hẳn là Chủ tịch Mao đang theo đuổi, việc ấy sẽ lòi ra, một chiến lược vĩ đại về Bá chủ Trung Quốc. Như khi Mao đã nói toạc ra với thuộc hạ vào năm 1956, rằng "Chúng ta phải kiểm soát cả trái đất".

Thảm họa Bước Nhảy vọt Vĩ đại - trong đó những nông dân nghèo bị lùa vào các công xã lớn do nhà nước kiểm soát - phải được hiểu như là một bộc phát của tham vọng Mao về Bá quyền. Chủ tịch Mao muốn có thép, không chỉ "qua mặt Anh Quốc về sản lượng thép trong vòng 3 năm", không như những lời kể lại lịch sử thường nghe thấy, mà nhằm để xây dựng một lực lượng hải quân biển khơi nhằm chinh phục, bành trướng và thống trị.
"Giờ đây Thái Bình Dương [Taiping Yang theo tiếng Hoa có nghĩa là Biển Thái Bình] không còn được yên bình", Mao đã nói với các tướng lĩnh và đô đốc như trên vào ngày 28/ 6/1958. "Nó chỉ có thể yên bình khi chúng ta đã chiếm lĩnh nó". Lâm Bưu(Lin Biao), đồng minh thân cận nhất của Mao trong quân đội, chen vào: "Chúng ta phải đóng những tàu lớn, và chuẩn bị cặp bến [có nghĩa là xâm lăng] Nhật Bản, Philippines và San Francisco". [chữ nghiêng là người viết thêm vào]. Mao nói tiếp: "Mất bao nhiêu năm để chúng ta đóng được những tàu lớn như thế? Năm 1962, khi chúng ta có XX-XX tấn thép [số liệu bị che giấu từ bản gốc] ..." [7]
Sau đó, cũng năm 1958, kêu gọi tập trung các chủ tịch tỉnh lại để huấn thị, Mao lại càng thêm huênh hoang: "Trong tương lai chúng ta sẽ tạo dựng Ủy ban Kiểm soát Trái đất, và lập một kế hoạch thống nhất cho toàn cầu."
Tháng 8-1958 khi cả nước mới chỉ sản xuất được 4,5 triệu tấn thép, Mao ra lệnh năm ấy phải nâng sản lượng thép lên 11 triệu tấn. Mao nói: “Phải chuyên chế, phải kết hợp giữa Karl Marx và Tần Thuỷ Hoàng”.
Người ta cũng muốn bỏ qua những phát ngôn kiểu như thế, coi đó như là những mê muội viển vông của một kẻ có tiếng là hoang tưởng tự tôn. Thực vậy, chính ở ý tưởng cô lập và bần cùng hóa một nước Trung Hoa trong thập kỷ 50, cộng với nền tảng công nghiệp cỏn con của họ, mà đòi tạo dựng ra một "ủy ban kiểm soát trái đất" thì thật là lố bịch. Tuy thế dù cho những viễn cảnh của Mao về thực hiện "chiến lược vĩ đại" của mình chỉ là con số không đi nữa thì những lời nói của Mao là điều mà lịch sử cần phải lưu tâm. Nó trả lời một cách thẳng thắn và không che đậy đến câu hỏi của bà ngoại trưởng Condi Rice về ý đồ. "Mao thống trị Trung Quốc," tổng kết thích đáng này là của Chang và Halliday, hai người đã có trong tay những tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc làm cơ sở cho nhận xét trên. "Ông ta đã có ý đồ thống trị cả thế giới".
Như chúng ta đã từng thấy trong lịch sử của mình, tính cách của người sáng lập nước có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh tương lai của nước đó, thậm chí nhiều trăm năm sau khi người đó mất đi. Mao đã rời khỏi vũ đài chưa đầy 30 năm qua. Chân dung của ông vẫn còn ngự trị tại Quảng trường Thiên An Môn, và thi thể được tẩm ướp hãy còn nằm đó. Thêm nữa, di sản chính trị của ông hầu hết hãy còn được khẳng định. Đặng Tiểu Bình, người thừa kế của Mao, đã phán quyết sau cùng về ông là "70% là tốt, 30% là xấu".
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở đây là: Có phải chiến lược vĩ đại về Bá quyền là nằm trong "30% còn xấu" mà nó đã được vứt bỏ bởi những người kế nhiệm Mao? Hoặc nó được bao gồm trong phần "70% là tốt" - phần di sản của Mao mà Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và hiện giờ là Hồ Cẩm Đào kế thừa đều bám sát ?
Tổng kết lại, các chứng cứ cho thấy chiến lược vĩ đại Bá quyền của Mao đã được các lãnh đạo kế nhiệm theo sát triệt để. Đồng thời, bọn họ còn bỏ ra nhiều công sức để đạt được các phương tiện về công nghiệp, kỹ thuật và quân sự để hiện thực hóa chủ trương trên. Năm mươi năm sau, ý tưởng về một "Ủy ban kiểm soát Trái đất" - đặt căn cứ tại Bắc Kinh và điều hành bởi Quân đội Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ không còn là chuyện buồn cười nữa.

Từ Mao Trạch Đông đến Hồ Cẩm Đào: Chương trình Giáo dục Lòng yêu nước.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã có một ấn tượng sâu sắc về mối bất bình trong lịch sử đối với phương Tây nói chung - và đặc biệt là Mỹ. Điều này nêu bật khát vọng của ông nhằm hồi phục những gì ông xem là vị trí chính đáng của Trung Quốc trên thế giới, một vị trí trung tâm. Sau cùng, điều này nằm ngay ở tên quốc gia theo nghĩa tiếng Hoa: Zhongguo(TRUNG HOA), nghĩa là Vương quốc Trung tâm của Trái đất. Các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc chia sẻ nghĩa hán âm này cùng các quan điểm bài ngoại từ đó hình thành một nền tảng nhận thức, và là sự biện minh cho xu thế mưu cầu quyền Bá chủ của họ.
Vào ngày 1-10-1949, khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHNDTH , lời nói của ông biểu lộ không chỉ đơn thuần là lòng tự hào quốc gia bị tổn thương mà còn mang một khát vọng phục hận: Trung Quốc luôn là một quốc gia vĩ đại, can trường và siêng năng; chỉ trong thời đại tân kỳ này mới bị bỏ lại đàng sau. Và toàn bộ chuyện đó gây ra bởi sự đàn áp và bóc lột của đế quốc ngoại bang và chính phủ phản động trong nước ... Nguyện vọng của chúng ta là đất nước không còn cảnh bị sỉ nhục và bẽ mặt. Chúng ta phải đứng lên. Trong quan điểm của Chủ tịch Mao, bè lũ phương Tây và các nước thân phương Tây - Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật và Mỹ - đã xảo trá cấu kết nhau thống trị đế chế Trung Quốc xưa kia, làm vuột khỏi tầm tay của Trung Quốc hàng trăm ngàn dặm vuông lãnh thổ và hàng tá nước chư hầu.
Mao nuôi dưỡng hận thù đặc biệt với Mỹ, tuôn ra một bài diễn văn đầy cay đắng và mỉa mai gọi là "Tình hữu nghị" hoặc là Sự xâm lược" vào cuối năm 1949: Lịch sử cuộc xâm lược Trung Quốc của đế quốc Mỹ, từ năm 1840 khi Mỹ giúp Anh trong cuộc chiến tranh Nha phiến cho đến khi bị đuổi cổ khỏi Trung Quốc bởi người Trung Quốc, phải được viết súc tích thành sách giáo khoa nhằm giáo dục thanh niên Trung Quốc. Mỹ là một trong những nước đầu tiên ép buộc Trung Quốc phải nhường lại đặc quyền ngoại giao . . . Mọi 'tình hữu nghị' mà đế quốc Mỹ đã trưng ra cho Trung Quốc trong hơn 109 năm qua, và đặc biệt hành động vĩ đại của 'tình hữu nghị' khi giúp cho Trương Khải Siêu tàn sát mấy triệu người Trung Quốc trong mấy năm sau cùng - mọi việc chỉ nhằm một mục tiêu [theo người Mỹ] . . . đầu tiên là duy trì chủ trương chính sách “Mở Cửa”, thứ nhì là tôn trọng chính quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và thứ ba là chống lại mọi thống trị ngoại bang lên Trung Quốc. Ngày nay, chỉ một số cánh cửa còn mở cho Acheson [Ngoại trưởng Mỹ] và những người như ông, là những dải đất hẹp, như Quáng Đông(Canton) và Đài Loan mà thôi.[8]
Nhớ về khoảng thời gian trong thời kỳ hậu Mao, khi khối Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, người Mỹ phản ứng với một thái độ nhởn nhơ và mong Trung Quốc (nhớ lại Lá bài Trung Quốc) cũng có thái độ tương tự. Nhưng những người hậu duệ có lòng dạ sắt đá của một truyền thống hai ngàn năm làm bá chủ thiên hạ đã nhìn nhận tình hình thế giới mới nầy một cách không vui vẻ chút nào. Trước sự kinh ngạc và hốt hoảng của nhiều người ở Washington, Đặng Tiểu Bình không những đã giải tán thực trạng đất nước đang liên minh với Mỹ, mà ông còn tiến xa hơn qua việc tuyên bố vào tháng 9-1991 rằng "một cuộc chiến tranh lạnh mới" giữa Trung Quốc và siêu thế lực đơn độc còn lại sẽ bắt đầu diễn ra.[9]
Thời điểm then chốt trong quan hệ Mỹ-Trung thực sự đã diễn ra hai năm trước, khi mà hàng triệu người dân xuống đường ở khắp các thành phố lớn Trung Quốc đòi hỏi chấm dứt tệ tham nhũng và quan liêu. Một số người trẻ tuổi thậm chí còn bạo gan hơn, công khai kêu gọi lập chế độ dân chủ. Đảng Cộng sản Trung Quốc dập tắt "sự cố phản cách mạng" này bằng vũ lực đẫm máu – và sau đó, muộn màng nhận thức ra rằng cuộc chiến giành lấy trái tim và khối óc của giới trẻ Trung Quốc đã cận kề mức thảm bại.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tự tô vẽ mình là một lực lượng yêu nước tột đỉnh của quốc gia, nhưng sau tiếng xấu của sự kiện Thiên An Môn, tuyệt vọng tìm cách chống đỡ huyền thoại đang rạn nứt của mình bằng mọi phương tiện rùm beng mà nó kiểm soát được.
Hệ thống giáo dục được huy động vào việc dạy cho học sinh sinh viên về "nỗi nhục trong lịch sử" của Trung Quốc; các xí nghiệp quốc doanh buộc công nhân phải dự các khóa tuyên truyền về lòng yêu nước; các phương tiện thông tin quốc doanh cũng như các trường học nâng cao nhận thức về tính cá biệt (exceptionalism - ý là tính đặc thù chỉ dân tộc Trung Hoa mới có) của người Trung Quốc thông qua cái gọi là "quốc tình giáo dục" tức 'guoqing jiaoyu' (state-of-the-nation education' 国情教育).* Thông điệp chuyển tải là chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể tạo ra được một chính quyền trung ương hùng mạnh, đáp ứng tình cảm đặc biệt của người dân TQ (guoqing-“quốc tình” 国情) và những vấn đề ưu tiên của quốc gia hiện nay, song song với việc tiếp tục phát triển kinh tế và các phương tiện để khôi phục sự vượt trội của người Trung Quốc ở Châu Á và hoàn thành việc "chỉnh đốn những sự kiện lịch sử" (có nghĩa là báo thù những thế lực đế quốc).[10]
Những nỗ lực này đạt đến đỉnh điểm quan liêu vào tháng 9-1994 với việc ấn hành một chỉ thị sâu rộng về mặt Đảng, "Đề cương Chính trị về Thực thi Giáo dục Lòng yêu nước".[11] Trong nhà trường, Đảng ra lệnh 'Giáo dục lòng yêu nước phải xuyên suốt toàn bộ chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến đại học ... và phải thấm nhuần vào mọi đề tài liên quan được giảng dạy trong lớp'. Trong lúc sách giáo khoa lịch sử của Trung Quốc thường luôn nhồi nhét lòng nhiệt thành dân tộc chủ nghĩa và tính bài ngoại, kiểu cách này giờ đây cũng được chèn vào mọi thứ từ sách vỡ lòng cho cấp 1 đến sách khoa học xã hội các lớp cấp 2 và giáo dục chính trị các lớp cấp 3.
Mục tiêu của chương trình đào tạo từ mẫu giáo đến đại học được định hướng lại nhằm sản sinh ra những thanh niên siêu ái quốc. Chính sách giáo dục lòng yêu nước thì thiếu sự chính xác khi mô tả các sự kiện trong quá khứ mà chỉ nhằm truyền bá một siêu tường thuật được chế biến nhằm làm sôi máu, kích động thanh niên Trung Quốc. Các sự kiện lịch sử phức tạp bị bóp méo sao cho ăn khớp với một câu chuyện đạo đức đơn giản hoang đường những con người Cộng sản yêu nước tốt đẹp chống lại những tên đế quốc ngoại bang xấu xa.
Câu chuyện hoang đường này diễn tiến như sau:
Dân tộc Trung Hoa là một giống nòi vĩ đại đã hàng nghìn năm thống trị chính đáng trong thế giới của mình. Những thế kỷ huy hoàng của quốc gia trong Vương triều Trung Hoa bị kết thúc bởi bọn đế quốc ngoại bang, trong tay bọn này, dân tộc Trung Hoa đã chịu đựng sự sỉ nhục hàng trăm năm. Chúng làm ta hổ thẹn, xé rời và ngấu nghiến từng phần cơ thể sống của dân tộc và tổ quốc Trung Quốc, thậm chí còn hăm dọa xâu xé cả nước ra từng mãnh. Nhưng Trung Quốc giờ đang đứng lên và chiến đấu chống lại, quyết định khôi phục sự huy hoàng cho đất nước cũng như các vùng lãnh thổ đã bị tước đoạt. Chúng ta phải cảnh giác với những gì ngoại lai, chỉ tiếp thu những cái giúp chúng ta mạnh hơn và chối từ những gì, như giáo điều Cơ đốc và chủ nghĩa tự do Tây phương chẳng hạn, vì nó làm cho chúng ta suy yếu đi. Nhiệm vụ đầu tiên của nhà nước Trung Quốc do đó là “quốc gia hóa” quần chúng nhân dân và chống lại mọi ý tưởng ngoại lai này. Chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc là người có ý chí và nghị lực để dẫn dắt cuộc đấu tranh này. Một nước Trung Hoa mới cần phải tập trung trong hàng ngũ mình mọi yếu tố Trung Hoa nằm rải rác ở châu Á. Một dân tộc đã chịu đựng một thế kỷ rưỡi bị phương Tây làm nhục chỉ có thể cứu mình bằng cách khơi dậy lòng tự tin. Để khôi phục quốc gia Trung Hoa, quân đội Trung Quốc (PLA) phải được hiện đại hóa và bất khả chiến bại. Thế giới hiện đang chuyển động lên một thời đại hoàng kim mới, và quốc gia Trung Hoa phải nhìn thấy trong đó chủng tộc Trung Hoa sẵn sàng để chiếm lĩnh vị trí thích đáng của mình trong thế giới - một vị trí trung tâm.[12]

Chú ý là Chương trình Giáo dục Yêu nước được trích thẳng ra từ các tập hợp bài viết của Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã được tán thành bởi giới lãnh đạo hiện thời. Điều này gợi ra việc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, giống như Mao, bị thiêu đốt bởi đặc điểm hoang tưởng giống nòi về một Đại Hán Bá Quyền và xem Mỹ như là một chướng ngại chủ yếu trên đường khôi phục vinh quang về một thời đã mất của Trung Quốc.
Trong những lúc mất cảnh giác, một số thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã thừa nhận như thế. Đại tướng Trì Hạo Điền (Chi Haotian-遲浩田) nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng, là một trong số những người đã nói công khai về sự cần thiết phải vượt qua và truất phế ngôi vị của Mỹ. "Nhìn từ góc độ những thay đổi trong tình hình thế giới và chiến lược bá quyền của Mỹ nhằm tạo ra một thế giới đơn cực," Đại tướng Trì đã tuyên bố vào tháng 12-1999 rằng ". . . chiến tranh [giữa Trung Quốc và Mỹ] là không tránh khỏi được."[13]

“Chúng tôi sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ”

Một bí mật bự cỡ Vạn lý Trường thành vây kín công tác an ninh của Trung Quốc cho thấy Đảng Cộng sản TQ xem những quyền lợi của họ và Mỹ về cơ bản và trong thâm tâm là một sự xung đột bất khả dung hòa. Nếu không rơi vào trường hợp này, có thể suy đoán là do mối quan tâm của Bắc Kinh đang muốn chấp nhận một chính sách minh bạch về công tác an ninh nhằm trấn an bạn hàng giao thương lớn nhất của mình.
Thỉnh thoảng Bắc Kinh lại đưa ra những lời che đậy việc họ đang mưu cầu Bá quyền. Thực vậy, cụm từ “Chúng tôi sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ” đã trở thành một điều cũ rích trong diễn văn ngoại giao của Trung Quốc. Những lời chối bỏ đó sẽ, nếu không gì khác hơn, càng tăng cao quan tâm của Mỹ đén những ý đồ thực sự của Trung Quốc. Chủ tịch Mao, kẻ cuồng tín trong việc chuẩn bị tranh đoạt Bá quyền như chúng ta đã bàn phần trên, cũng thường xuyên phát biểu những lời chối bỏ tương tự. Theo quan điểm của tôi, những lời chối bỏ đó đã và đang nhắm vào việc che đậy tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Sau cùng, thông tin trá ngụy đã là một phần trong nghệ thuật lãnh đạo củaTrung Quốc trong thiên niên kỷ. "Trong khi mưu cầu thế lực," chiến lược gia Trung Quốc Tôn Tẩn (Sun-tzu) thường khuyên rằng, "hãy giả lờ như là bạn không có làm việc đó".
Vượt khỏi bức màn che lấp từ chối đó, bí mật ngự trị hoàn toàn. Báo cáo năm 2005 của Lầu Năm Góc gởi lên Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc than phiền rằng "bí mật che phủ hầu hết hoạt động an ninh của Trung Quốc. Thế giới bên ngoài hiểu biết rất ít về những động năng, cách thức quyết định và về những lực lượng chủ chốt đang hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc."[14] Những thông tin cơ bản về quân đội như số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang Trung Quốc ra sao là điều gần như hoàn toàn không rõ ràng, chẳng giúp được gì ngoài việc khơi lên những câu hỏi về ý đồ tối hậu của Trung Quốc. Ngay cả những dữ liệu rất cơ bản như tổng khối lượng ngân sách dành cho quân sự tại Trung Quốc cũng là một bí mật. Như Bộ Quốc Phòng thú nhận, chúng ta "vẫn không biết được tổng khối lượng và thành phần trong các khoản chi tiêu về quốc phòng của chính quyền Trung Quốc. Chỉ ước lượng vào khoảng gấp đôi hoặc gấp ba lần các số liệu công khai chính thức."[15]
Vài người có thể cho rằng giữ bí mật này chỉ là xuất phát không chủ tâm của tính cách bí ẩn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, một tính cách được chia sẻ trong mọi đảng Cộng sản. Thực ra, giữ bí mật vể các vấn đề an ninh là chủ trương chính thức và được khẳng định của giới lãnh đạo Đảng. Trong "Điều răn 24 chữ" của mình, Đặng Tiểu Bình chỉ thị cho các người kế nhiệm "kiềm chế chờ đến lúc, và che dấu nội lực của mình." Những điều răn loại này chỉ hợp lý nếu như giới lãnh đạo CCP dính líu vào một đấu tranh cật lực lâu dài với Mỹ để nắm quyền bá chủ. Trung tướng Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), trước đây là Chỉ huy phó trong Viện Khoa học Quân sự, đã nói về giới lãnh đạo đất nước mình khi ông phát biểu mới đây, "[Về việc nước Mỹ] trong một thời gian tương dối dài, sẽ hết sức cần thiết là chúng ta phải nuôi dưỡng âm thầm ý chí phục thù của mình . . . Chúng ta phải che dấu năng lực của mình và chờ đợi thời cơ".[16]**
Như họ Mao và họ Đặng trước đây, Giang Trạch Dân tiếp tục cảnh giác cái thế giới "chủ nghĩa đế quốc thống trị", và tin rằng xung đột vũ trang sớm hay muộn cũng chắc chắn xảy ra. "Chúng ta phải chuẩn bị tốt cho một cuộc đấu tranh quân sự" chống lại "chủ nghĩa đế quốc kiểu mới", họ Giang đã nói như trên trong năm 1997.[17] Âm mưu của "chủ nghĩa đế quốc kiểu mới" là "chia cắt" và "tây hóa" Trung Quốc, ông ta tiếp, chỉ có thể chấm dứt được việc này bằng một Quân đội Nhân dân Trung Quốc hiện đại và hùng mạnh.
Tôi giả sử rằng ai đó có thể bảo rằng sự giấu giếm này không phải là che đậy những tham vọng đế quốc gì, mà chỉ đơn thuần là một phản ảnh bản chất hệ thống cai trị của Trung Quốc. Thì đây, như tôi đã lưu ý ở trên, là một khuynh hướng tự nhiên về tính thích giữ bí mật thuộc phần của chế độ độc tài một đảng duy nhất. Nhưng điều này khó mà yên tâm cho rằng những ý đồ của Trung Quốc chỉ là do tự bản chất hệ thống cai trị của họ mà ra - một chế độ độc tài độc đảng kiểu Lê- Nin- nít - đó mới chính là gốc rễ vấn đề.

Đảng Cộng sản Trung Quốc là một Đảng Hiếu Chiến .

Chủ tịch Mao đã có câu nói nổi tiếng "Thế lực chính trị đến từ nòng súng". Sự suy rộng này ắt là đúng trong trường hợp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một đảng có được thế lực thông qua một cuộc nội chiến đẫm máu, duy trì thế lực của mình bằng cách không ngừng thanh trừng những kẻ thù thật sự lẫn tiềm tàng, và đã thường xuyên sử dụng vũ lực chống lại các nước láng giềng.
Đặc điểm sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc được biểu thị qua mức độ cao sự tàn bạo được nhà nước phê chuẩn ngay từ đầu, cả ở những chiến dịch khủng bố trong nước. Trong những năm gần đây, chúng ta có những ví dụ về phản ứng hung bạo đối với cuộc biểu tình hòa bình Thiên An Môn, sự thô bạo đang tiếp diễn chống lại phụ nữ trong chính sách chỉ có một đứa con, và sự theo đuổi thanh trừng Xa Luân Công (Falungong), một hệ phái Phật giáo bất bạo động mà thành viên của nó ngày nay vẫn còn bị bắt giữ, hành hạ và đôi khi giết bỏ theo lệnh của những người lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc có những đường biên giới đẫm máu. Do những từ ngữ hoa mỹ yêu hòa bình của mình ràng buộc, Trung Quốc cố tránh né danh tiếng hiếu chiến mà lịch sử xâm lăng các dân tộc chung quanh của họ đã để lại. Trong suốt 25 năm Mao cai trị Trung Quốc, quân đội của ông ta can thiệp vào Triều Tiên, tấn công và chiếm đoạt Tây Tạng, ủng hộ phong trào du kích suốt miền Đông Nam Á, tấn công Ấn Độ, xúi giục nổi dậy ở Indonesia, khiêu khích xung đột biên giới với Xô Viết, chủ mưu tạo khủng hoảng liên tục đối với Đài Loan. Khi có cơ hội xuất hiện cần gởi binh đoàn Trung Quốc ra nước ngoài, thường thì Mao không ngần ngại - đặc biệt nếu như các cuộc khủng hoảng dính líu tới các nước chư hầu trước đây, có thể nói là gần như toàn bộ các nước có cùng biên giới với Trung Quốc. Dưới thời Mao, TQ phải là Bá chủ, Trung Quốc có các đường biên giới đẫm máu.[18]
Những thập kỷ sau Mao, Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam, tấn công các đơn vị hải quân Philippines và Việt Nam trong vùng biển Nam Trung Hoa, rải tên lửa sát nách Đài Loan, và tiếp tục xâm phạm thô bạo vào lãnh hải của Nhật Bản. Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay tiếp tục tồn tại trong tình trạng tổng động viên một phần, và tuyên bố trắng trợn rằng đã chuẩn bị sử dụng vũ lực để giải quyết các khủng hoảng trong nước lẫn những khiêu khích từ bên ngoài.

"Sức mạnh tổng hợp của quốc gia" là Nền tảng cho Bá quyền.

Các nhà chiến lược Trung Quốc nói về những điều kiện tối đa hóa "Sức mạnh tổng hợp quốc gia" của nước mình. Đây là môt nỗ lực cố tình và chủ tâm xây dựng một nền móng công nghiệp cho Trung Quốc như là cơ sở sản xuất vũ khí cho tương lai . Sản xuất vũ khí không phải là việc tình cờ, một sản phẩm phụ của các năng lực sản xuất khác, như nó đã có lúc như thế, ví dụ như, tại Mỹ trong Thế chiến thứ II, và một ít vẫn còn kéo dài đến nay. Đây là một mục tiêu cố ý của chính phủ trong việc theo đuổi những Kế hoạch Năm năm. Đánh thức quan tâm trong sự kiện này cần phải được suy nghĩ nhất quán.
Đầu tiên là nhắc lại một chút về lịch sử. Mao rất vội vã trong việc công nghiệp hóa, xây dựng một bộ máy chiến tranh hạng nhất, và trở nên Bá chủ. Tuy vậy, gần như chỉ độc một thứ ông ta phải bán cho khối Xô Viết để đổi lấy vũ khí là thực phẩm. Xây dựng nên những công xã nhân dân lớn được kiểm soát tập trung đã cho phép ông có nhiều thuận lợi trong việc rút tỉa thực phẩm và công lao động từ những người nông dân. Những loa phóng thanh được dựng lên để thúc dục nông dân làm việc lâu hơn và chịu cực hơn, lần đầu tiên phụ nữ bị buộc phải ra đồng cùng làm việc bên cạnh nam giới. Hầu hết những hạt thóc họ làm ra đều quay về tay những cán bộ Cộng sản phụ trách "Trạm thu mua nông sản Quốc doanh" tại địa phương. Từ đây lúa được tàu chở lên thành phố - rồi sang Liên bang Xô Viết.
Khi Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại tăng tốc, các giới chức cao cấp giữ mức gia tăng chỉ tiêu thu mua lúa giao xuống các trạm thu mua quốc doanh. Đáp ứng lại, cán bộ công xã buộc nông dân làm việc càng lúc càng nhiều hơn mà khẩu phần thì ngày càng ít hơn. Mao, người chỉ xem nhân dân như là một phương tiện cho mục đích của mình, đã không hề lay chuyển trước những báo cáo hàng triệu nông dân đã chết đói. Thay vào đó, tên hoang tưởng tự đại nhẫn tâm này còn tỉnh bơ tuyên bố rằng, để đẩy mạnh hơn nữa tham vọng toàn cầu của mình, "phân nữa Trung Quốc có thể phải chết cũng tốt thôi".
Có thể cho rằng công xã nhân dân là một công cụ bóc lột vĩ đại nhất mà nhà nước Cộng sản đã sáng chế ra. Hiệu quả của nó trong việc bóp nặn giới nông dân được chứng minh là tốt đến nỗi kết quả có mười triệu dân làng bị chết đói từ 1960 đến 1962. nỗ lực của Mao nhằm xây dựng nên kho súng đạn của mình sẽ chi phí khoảng 42,5 triệu sinh mạng.***
Sai lầm đáng giá này đã được chỉnh đốn bởi Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo tiếp sau, ra lệnh sản xuất dân sự phải đồng bộ, và hỗ trợ cho sản xuất quân sự. Đây không phải là sự từ bỏ Bá quyền, nhưng đơn thuần chỉ là tiếp cận hợp lý hơn để đạt được mục đích, là một cách làm đúng tuyến với mục tiêu tôn trọng thời điểm địa chính trị để Trung Quốc thành một "phú quốc cường binh". Nói tóm lại, giới lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đã từ bỏ các phương tiện của Mao vì sự sai lầm hiển nhiên, nhưng không từ bỏ cứu cánh của Mao.
Người ta có thể chính xác khi xem Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật cao Quốc gia của Trung Quốc, hoặc gọi tắt là Chính sách 863, như là một sự bùng phát ngụy biện hơn về những nỗ lực thô sơ của Mao nhằm xây dựng sức mạnh quân sự. "Tuyên ngôn 16 chữ" của Đặng Tiểu Bình cũng cùng nhằm vào điểm trên - tức là mục tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế là để xây dựng sức mạnh quân sự :
"Phối hợp Quân Dân",
"Phối hợp Hòa Chiến",
"Ưu tiên cho Quân",
"Để Dân giúp Quân".

Các nhà phân tích Mỹ, hiểu rằng mỗi cặp bốn chữ trong bốn bộ này như một cách nói dí dỏm - gói gọn trong đó một ít khôn ngoan - thường gộp chúng lại với nhau sẽ có một ý nghĩa như là "phát triển kỹ thuật trong nền kinh tế dân sự để ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho sức mạnh quân sự".[19]
Câu trên là đúng - thực vậy, đúng một cách hiển nhiên - nhưng đó là một hình tượng phản ánh từ sự tin tưởng và thái độ của chính chúng ta trên một khung cảnh văn hóa và chính trị khác biệt. Từ lý do này, đã hiểu lầm tai hại ý nghĩa của Đặng Tiểu Bình.
Họ Đặng không làm ra những câu vè dí dỏm, mà là ban hành lệnh. Đọc lại nó lần nữa như nó được đọc bởi người TQ - và nhớ đó là những lệnh truyền:
Khu vực chủ chốt của nền kinh tế dân sự phải có mục đích quân sự.
Sử dụng thời gian hòa bình để chuẩn bị cho chiến tranh.
Kỹ thuật quân sự và sản xuất vũ khí phải được ưu tiên trong nền kinh tế.
Sản xuất khu vực tư nhân phải hỗ trợ, về kỹ thuật và tài chính, cho sản xuất khu vực quân sự.
Tính tàn nhẫn hám lợi và lão luyện của Đảng Cộng Sản TQ đã hình thành nên một chiến lược kinh tế. Giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách chuyển về nước minh càng nhiều cơ sở sản xuất trên thế giới càng tốt, từ đó gia tăng "sức mạnh tổng hợp quốc gia" của Trung Quốc cùng lúc họ làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách đục khoét cơ sở công nghiệp của Mỹ nói chung và đặc biệt là khu vực trọng yếu trong nền kinh tế có liên quan đến quốc phòng. Trung Quốc sẽ không hời hợt từ bỏ chính sách này, vì nó tăng sức mạnh cho Trung Quốc đồng thời làm suy yếu Mỹ, và là phần không thể tách rời trong động cơ mưu cầu Bá quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc sở hữu nhiều phương tiện triển khai sức mạnh vượt xa khỏi Đài Loan.

Rất nhiều nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc - tên lửa hành trình siêu thanh chống chiến hạm, tàu ngầm tàng hình, căn cứ phóng được hàng loạt tên lửa có hệ thống hướng đích - được nhắm đặc biệt vào các lực lượng và căn cứ của Mỹ. Qua việc sở hữu những loại vũ khí được thiết kế tận dụng vào chỗ yếu của Mỹ, Trung Quốc rõ ràng đang chuẩn bị cho một trận giao tranh với Mỹ.
Bắc Kinh quan tâm đến việc ngăn cản, trì hoản hoặc gây rối ren đến sự trợ giúp của Mỹ đối với Đài Loan trong trường hợp bị xâm lược, từ đó có thể ép buộc nhanh chóng một thỏa ước đầu hàng từ chính phủ dân cử ở Đài Loan. Nhưng trong lúc tập trung vào mục tiêu kề cận là Đài Loan, nhiều năng lực giết chóc mới của Trung Quốc đang triển khai tầm hoạt động rộng lớn vượt khỏi eo biển Đài Loan. Trong bản Tường trình lên Quốc hội năm 2005 của USCC(
United States-China Economic and Security Review Commission), báo cáo này ghi, "Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn triển khai chương trình mở rộng hiện đại hóa quân sự nhắm vào việc gia tăng khả năng triển khai hỏa lực của mình và đối đầu với Mỹ và các lực lượng đồng minh trong khu vực".[20]
Sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc chẳng những hăm dọa Đài Loan - và dính líu đến Mỹ - nhưng cả đến các đồng minh của Mỹ dọc suốt khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tham vọng của Trung Quốc là sở hữu khu vực, ngay cả toàn cầu, và xây dựng một đội quân đệ nhất để thực hiện các tham vọng này. Thật là ngây thơ khi xem việc xây dựng quân đội của Trung Quốc "đơn thuần" chỉ là một phần trong sự chuẩn bị xâm lược Đài Loan mà trong đó những tài sản của quân đội Mỹ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương sẽ phải được trung lập hóa.
Việc xây dựng những căn cứ hải quân của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ dương, và việc hung hăng theo đuổi yêu sách lãnh thổ của họ trong vùng biển Đông và Nam Trung Hoa cho thấy những tham vọng lớn lao hơn của họ.
Cuối cùng, dù cho có đọc lướt qua cuốn Sách Trắng về Quốc phòng của Trung Quốc năm 2004 cũng thấy rằng họ xem sự hiện diện thế lực và quân sự của Mỹ dọc suốt thế giới dưới cặp mắt hằn học, về trung hạn họ tìm cách trở thành một thế lực thống trị ở Châu Á. Mục tiêu này sẽ tất yếu mang Trung Quốc vào vị trí xung đột với Mỹ và các đồng minh, chủ yếu là Nhật Bản.

Trung Quốc theo đuổi việc đòi lại lãnh thổ không phải chỉ Đài Loan.

Thêm bằng chứng cho thấy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc vượt xa khỏi khu vực Đài Loan, là việc họ hung hăng theo đuổi đòi lại lãnh thổ ở miền Đông Trung Quốc và vùng biển Nam Trung Hoa. [21]
Từ những năm đầu thập kỷ 70, Bắc Kinh đã đòi chủ quyền quần đảo Senkaku (hoặc tiếng Trung Quốc là Tiaoyutai—Điếu Ngư Đài) do Nhật bản kiểm soát, và vùng thềm lục địa nới rộng vào lãnh hải Nhật Bản. Việc Trung Quốc không ngừng hung hăng xâm phạm vào bầu trời và lãnh hải nước Nhật đã làm dấy lên cảnh giác ở Tokyo và Washington. Ví dụ như vào tháng 11-2004, Hải quân Nhật đã đuổi một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử thế hệ Han của Trung Quốc ra khỏi lãnh hải tại vùng ngoài khơi Okinawa.
Trung Quốc cũng dàn xếp việc tháo dở các lực lượng hậu cần của Mỹ ra khỏi các nước cộng hòa Trung Á, cho thấy nhiệm vụ của họ trong việc chống khủng bố không quan trọng bằng mong muốn của họ trong việc giảm thiểu ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Sự tiếp cận của Trung Quốc đến các mối liên hệ quốc tế đôi khi được mô tả như là "có giá trị trung lập", "không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ", và có động cơ chủ yếu là nhu cầu về tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Đối với tôi thì nhận xét về tình hình này có bề quá thiển cận.
Trung Quốc đã quan hệ sâu sát với gần như mọi "quốc gia mà nó quan tâm", dù cho các nước này có trữ lượng khoáng chất hoặc dầu mỏ hay không. Nhiều nước, "bị bơ vơ" trên trường quốc tế vì những vi phạm nhân quyền của họ, vì giúp đỡ khủng bố, phát triển vũ khí hạt nhân, và những hoạt động bị phản đối khác. . . đều được Trung Quốc chấp nhận. Các nước Cuba, Venezuela, Zimbabwe, Iran, Myanmar, và Sudan là trong số những nước này, nhận được yểm trợ từ Trung Quốc trong các cuộc hội thảo quốc tế, nhận các gói cứu trợ hào phóng, và vũ khí.
Trong lúc những mối quan hệ này được thúc đẩy do nhu cầu tài nguyên của Trung Quốc và được phân tích là nhằm thúc đẩy quyền lợi chính mình, họ lại ngây thơ phớt lờ những điều thông thường sâu sắc hơn đã ràng buộc một hệ thống độc tài này vào hệ thống độc tài khác. Chẳng qua là giới chóp bu Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với các nhà lãnh đạo của các nước trên, vì họ cũng dính líu đến vi phạm nhân quyền, phát triển vũ khí hạt nhân, và những hoạt động có thể bị phản đối khác.
Trung Quốc, qua việc nâng đỡ và hợp pháp hóa các chính phủ của "các quốc gia có vấn đề", làm suy yếu hệ thống quốc tế do Mỹ thống trị. Thấy rõ việc mất ghế của Mỹ trong Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc, Trung Quốc tạo ra một hệ thống tranh thủ đồng minh có hiệu quả, cho phép họ được gia nhập để làm suy yếu, hoặc phớt lờ trật tự thế giới đang tồn tại. Điều mà chúng ta thấy ở đây không phải là một chính sách đối ngoại "có giá trị trung lập", như một số người khẳng định, nhưng là một phác thảo của trật tự thế giới chuyển đổi, cái "Made in China"(sản phẩm do TQ chế tạo), chứ không phải được làm tại Mỹ.

Bá quyền và những người thừa kế của Mao.

Không như Đệ tam Đế chế của Adolf Hitler hoặc Liên bang Xô Viết của Joseph Stalin, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông sống sót tận đến ngày nay, đảng cầm quyền của nó vẫn còn tại vị, hệ thống nhà nước phần lớn là không thay đổi. Chuyện hoang đường và những lời dối trá tiếp tục chống đỡ hình ảnh của Mao và cũng là bênh vực cho sự hợp pháp về chính trị của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới lãnh đạo Cộng sản hiện nay hãnh diện tự tuyên bố mình là người kế thừa của Mao, duy trì chủ nghĩa độc tài kiểu Lê-Nin-nít của Mao, tiếp tục chương trình xây dựng quân sự của ông ta và, bằng chứng dường như chỉ rõ ra, đang ấp ủ tham vọng vĩ đại của Mao.
Mọi việc cho thấy một nước Trung Quốc là có, tổng hợp lại, nỗi oán hận lịch sử của chế độ Cộng hòa Weimar****, chủ nghĩa dân tộc hoang tưởng của một quốc gia Hồi giáo cách mạng, và tham vọng Bá quyền của Liên bang Xô Viết lúc cực thịnh. Lúc Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thêm và toan tính chỉnh đốn lại những oán hận lịch sử này và ra tay hành động thực hiện tham vọng Bá quyền, họ sẽ phủ một bóng tối dài lê thê lên bầu trời Châu Á và thế giới.

Kiến nghị:

1- Khẩn cấp cần tăng cường khả năng quân sự của Mỹ trong miền Tây Thái Bình Dương nhằm chống lại quân đội Trung Quốc đang xây dựng san sát nơi đây.
2- Quốc hội phải tái khẳng định là tương lai Đài Loan phải được định đoạt bởi nhân dân Đài Loan.
3- Quốc hội phải ủy thác một cuộc nghiên cứu về việc với sự nhảy vọt 12% hàng năm trong ngân sách quân sự Trung Quốc sẽ cho phép họ gia tăng tiềm năng quân sự ra sao trong những năm tới.
4- Quốc hội phải khuyến khích tạo ra một chương trình trao đổi liên quân sự với quân lực Đài Loan nhằm lập kế hoạch ứng phó trước việc bất ngờ.

--------------------------------------------------
HLT phụ chú
(*)xem thêm cd1.edb.hkedcity.net/cd/EN/Content_2908/e03/chapter3_19-29.pdf
(**)theo Bruce A. Elleman, Giáo sư Trường Cao đẳng Hải quân Mỹ(US Naval War College) trong ”Tranh chấp lãnh hải và tác động tới chiến lược biển: Một góc nhìn lịch sử “(Tạp chí thời đại Mới 11/2009): Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), Trung Tướng nguyên chỉ huy của Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, đã phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân đề bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một inch trong tổng số ba triệu km đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển.”
Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China's Conditional Multilateralisni and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, January 2000), pp. 18-19.
(***)Những sai lầm của ĐCSTQ và người lãnh đạo chủ yếu – Mao Trạch Đông – trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1976 rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến sinh mệnh và tài sản của hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc (có tư liệu nước ngoài nói: “nhảy vọt lớn” và “đại CMVH” đã làm chết khoảng 40 triệu người và hàng trăm triệu người bị lâm vào cảnh tù đày, đấu tố; cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng, Nhà xuất bản Thư tác phường, 2007 (tái bản 2008) thống kê con số bị chết trong cả hai cuộc “đại” ấy là 55 triệu 550 nghìn người).Theo Dương Danh Dy ”Trông người để ngẫm lại ta: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải quyết một số vấn đề lịch sử như thế nào?”http://bauxitevietnam.info/c/20229.html
(****)Weimare Republik Nhà nước “Cộng Hòa Weimare” được thành lập năm 1919 dưới thời Hitler và tan rã vào năm 1933.
(http://ja.wikipedia.org/wiki/%E3%83%B4%E3%82%A1%E3%82%A4%E3%83%9E%E3%83%AB%E5%85%B1%E5%92%8C%E6%94%BF)

chú thích:

[1] Chủ nhật, 20-11-2005
[2] Tôi có kể chung vào đây khoảng 900.000 người trong cái gọi là Công an Nhân dân Vũ trang (PAP). PAP, nói cho đúng ra, thì không phải là lực lượng cảnh sát chút nào. Nó được tạo ra theo sau vụ biểu tình Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 từ những đơn vị quân đội chính qui trang bị vũ khí đầy đủ, được giao nhiệm vụ trấn áp các cuộc nổi dậy trong nước xảy ra sau này.
[3] Khái niệm về bá quyền, nói một cách thích hợp, được đưa vào bài diễn thuyết ngoại giao hiện đại là do chính người Trung Quốc. Trong thời gian Henry Kissinger bí mật viếng thăm Bắc Kinh năm 1971, người phiên dịch mò mẫm tìm chữ tương đồng trong tiếng Anh cho từ ngữ lạ lẫm này. Họ tìm thấy định nghĩa của từ "hegemony" là "một cột hay trục đơn độc cho sức mạnh", hoặc là "lãnh đạo hoặc có ảnh hưởng nổi trội được thực hiện bởi một nước này lên các nước khác". Không định nghĩa nào trên đây nắm được toàn bộ khái niệm rất giàu ý nghĩa và đôi khi mang sắc thái hung hãn này, chữ Bá trong tiếng Trung Quốc. Bá là một trật tự chính trị được phát minh bởi các nhà chiến lược Trung Quốc cổ xưa 2.800 năm trước, chuyên biệt dựa trên mặt sức mạnh đơn thuần. Dưới Bá, như nó đã tiến hóa hơn 6 thế kỷ tiếp đó, toàn bộ sự kiểm soát của nhân dân và tài nguyên trong một quốc gia đều tập trung vào tay của Bá trong quốc gia, hoặc Bá Hoàng - Bawang - (nôm na gọi là vua của Bá), người này dùng thế lực đó để xây dựng quyền lãnh đạo cho mình, tức Bá Quyền (nôm na gọi là quyền lực của Bá), trên mọi quốc gia khác trên thế giới lúc ấy. Đưa vào cách nói hiện đại, có thể nói các nhà chiến lược Trung Quốc thời cổ đã phát minh ra chế độ cực quyền hơn hai thiên niên kỷ trước khi Lê Nin giới thiệu nó đến phương Tây, nhằm mục đích đạt được một loại trạng thái siêu-siêu-thế-lực. Đọc về Bá quyền tôi đã viết trong chương 1.
[4] Rong Chang và Jon Halliday yêu cầu được quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về các buổi nói chuyện riêng tư của Mao và các nhóm lãnh đạo Đảng có vẻ đáng tin đối với tôi qua sự súc tích của các tài liệu dồi dào khác của họ về tiết lộ hồ sơ các hành động sai lầm của Mao ngược về trước tận những năm thuộc thập niên 20.
[5] Trò chuyện cá nhân, 28-8-1998.
[6] Chang and Halliday, p. 381.
[7] Chang and Halliday, p. 426.
[8] Mao Trạch Đông, “ ‘Friendship’ or Aggression,” Tuyển tập của Mao Tse-tung, vol. 4 (Beijing: Foreign Language Press, 1969), 447–49. Bài diễn thuyết này là một phản ứng lại Bạch thư của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính thức được gọi là Các mối quan hệ Mỹ - Trung, và công văn “Letter of Transmittal” của Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson cũng từ Bộ Ngoại giao gởi cho Tổng thống Truman, cả hai được phát hành vào ngày 5-8-1949.
[9] Sách: Steven W. Mosher, Hegemon: China’s Plan to Dominate Asia and the World (Encounter Books, 2000), Phần giới thiệu.
[10] Về định nghĩa này, đọc Liu Hong et al., eds., Zhongguo guoqing, lưu hành nội bộ (Beijing: Zhonggong zhongyang dangxiao chubanshe, 1990), 3–8; cited in Geremie Barme, In the Red: On Contemporary Chinese Culture (New York: Columbia University Press, 1999), 446 n. 15. Nhấn mạnh tính cá biệt của người Trung Quốc cũng giúp cách ly Vương quốc Trung tâm (Trung Quốc) khỏi các ý kiến lật đổ ngoại lai, như quan điểm phổ quát về nhân quyền chẳng hạn. Nó cho phép Đảng cự tuyệt các nhà phê bình phương Tây về các dữ liệu nói về nhân quyền của mình bằng cách trả lời, một cách có hiệu quả, là "ở đây chúng tôi có các tiêu chuẩn khác". Đây là cách lạng lách tránh né được sử dụng qua Bạch thư chính thức về nhân quyền ấn hành vào năm 1991. Đọc Guowuyuan Xinwen Bangongshi, Zhongguode renquan Zhuangkuang (Tình hình Nhân quyền tại Trung Quốc) (Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, 1991).
[11] Đọc “Aiguozhuyi jiaoyu shishi gangyao” (Đề cương chính trị về thực thi giáo dục ái quốc), Renmin ribao, 6 September 1994.
[12] Dựa theo diễn giải của Churchill về cuốn Mein Kampf, về những điều ông trải qua trong Thế chiến thứ II,vol. 1 (New York: Houghton Mifflin, 1948).
[13] Hegemon, “Introduction.”
[14] “The Military Power of the People’s Republic of China, 2005,” Annual Report to Congress, Office of the Secretary of Defense, Executive Summary, p. 1
[15] Đã dẫn, p. 1.
[16] Megatrends China (Beijing: Hualing Publishing House, 1996); cited in Bruce Gilley, “Potboiler Nationalism,” Far Eastern Economic Review, 3 October 1996. Theo một vài tuyển tập của Trung Quốc về Thảo luận Môi trường An ninh trong Tương lai, lãnh đạo Trung Quốc sau này là Đặng Tiểu Bình là tác giả của chiến lược quân sự "chờ đợi thời cơ và xây dựng năng lực".
[17] New China News Agency, 31 July 1997. Quoted in Lam, p. 161.
[18] Jonathan Wilkenfield, Michael Brecher, and Sheila Moser, eds., Crises in the Twentieth Century, vol. 2 (Oxford: Pergamon Press, 1988–89), 15, 161. Samuel P. Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (New York: Simon & Shuster, 1996), 258.
[19] Xem, inter alia, The USCC 2005 Report, p. 88.
[20] Tường trình gởi Quốc hội năm 2005, U.S.-China Economic and Security Review Commission, p. 9.
[21] Tường trình USCC 2005 cũng ghi nhận rằng, “Trong lúc Đài Loan vẫn là một tiềm năng then chốt kích hỏa, Trung Quốc hung hăng theo đuổi yêu sách lãnh thổ ở vung biển Tây và Nam Trung Hoa, nhắm vào những tham vọng vượt khỏi một kịch bản Đài Loan, và có tư thế hăm dọa ngày càng tăng đến các quốc gia khác, kể cả đồng minh thân cận của Mỹ nằm quanh Trung Quốc.” p. 8

Thượng Tướng Chen Bingde(陳炳德-Trần Bỉnh Đức), member of the Central Military Commission and chief of general staff of the PLA picture(Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân TQ-Ủy viên quân ủy trung ương)
http://bauvinal.info.free.fr/songngu/hinh/phaichangchndth22.jpg


Bauxite Việt Nam International http://bauvinal.info.free.fr , http://bauxitevietnam.free.fr

No comments: