Saturday, December 5, 2009

HỌ ĐI TÌM CÔNG LÝ NHƯNG KẾT CUỘC LẠI BỊ NÉM VÀO TÙ

Họ đi tìm công lý nhưng kết cuộc lại bị ném vào tù
Clifford Coonan
Bắc Phong dịch
06/12/2009 5:05 sáng
http://www.talawas.org/?p=14589
Bản phúc trình của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) tiết lộ làm thế nào những công dân Trung Quốc khiếu kiện lại bị bịt miệng trong những nhà tù chính phủ tuyên bố không hề hiện hữu.

Họ vượt cả nghìn dặm tới Bắc Kinh để trình với chính phủ những vấn đề oan ức – bị chiếm đất, ăn hiếp, đuổi nhà hay lạm dụng bởi các quan chức địa phương. Nhưng thay vì đạt được công lý, một bản phúc trình mới làm sửng sốt người đọc tiết lộ nhiều người khiếu kiện đã bị ném vào những “hắc ngục” (”black jails”) nhơ bẩn bất hợp pháp; ở đó họ bị ngược đãi, đánh đập, tra tấn, cưỡng hiếp, cướp bóc, bị tước đoạt miếng ăn, giấc ngủ và săn sóc thuốc men.
Chính phủ Trung Quốc nói loại nhà tù như thế là một huyền thoại. “Những thứ như thế làm gì có ở Trung Quốc,” một quan chức bộ ngoại giao nói hồi tháng Tư năm 2009. Đến tháng Sáu chính phủ tái xác định lập trường của mình khi một quan chức tuyên bố: “Không có những hắc ngục trong nước.” Thế nhưng việc công bố những bằng chứng tràn ngập về các vụ xử tệ lén lút ở trung tâm hệ thống cai trị ngay đêm trước ngày ông khách Barrack Obama viếng thăm Trung Quốc sẽ làm gia chủ mất mặt nặng nề.
Nhiều người sống sót tại các hắc ngục đã khai ra chi tiết những điều khủng khiếp mà họ phải trải qua ở đó. Li Ruirui năm 20 tuổi đi từ tỉnh Anhui để thỉnh nguyện với chính phủ về chuyện cô bị các bạn đồng lớp và giáo sư ngược đãi. Nhưng thay vì được trình bày thỉnh nguyện, cô kể mình bị nhốt vào một nhà kho dơ bẩn với những người khiếu kiện khác dưới sự canh chừng của một băng đảng du côn; một đứa trong bọn đã cưỡng hiếp cô.
“Lý do chính tôi tới Bắc Kinh để khiếu kiện là vì tôi bị mấy đứa cùng lớp và giáo sư của tôi nhạo báng ở trường,” cô kể. “Tôi bị ép đến khách sạn Juyuan… [ở đó] tôi sống với hơn 10 người trong một phòng ăn. Đàn ông đàn bà sống chung. Chúng tôi ngủ trên những cái giường tầng… Giường và phòng rất bẩn thỉu và bừa bãi. Bọn canh gác cấm chúng tôi ra ngoài.”
Một phụ nữ 46 tuổi đến từ tỉnh Jiangsu cách thủ đô 100 cây số khóc trong sợ hãi và tuyệt vọng khi bà nhớ lại chuyện mình bị bắt cóc. “Hai đứa nắm tóc tôi lôi đi và tống vào một cái xe,” bà kể. “Hai tay tôi bị trói không cử động gì được. Rồi [lúc quay trở lại Jiangsu] chúng nhốt tôi vào một căn phòng, ở đó hai mụ đàn bà lột quần áo tôi… [và] đập đầu tôi [và] đạp lên thân tôi.”
Một phụ nữ khác 43 tuổi ở cùng tỉnh bôn ba đến Bắc Kinh để khiếu nại chuyện bị đuổi nhà bất hợp pháp. Căn nhà sau đó bị phá sập. Bà bị 4 người đàn ông không tiết lộ danh tánh chặn trên xe lửa. “Họ bảo tôi phải hợp tác với họ nhưng chẳng cho biết hợp tác việc gì. Bà kể bị ép sống 36 ngày trong một hắc ngục ở Jiangsu.
Từ nghìn năm trước, thường dân Trung Quốc muốn có công lý từng lặn lội đến thủ đô để khiếu kiện quan quyền. Truyền thống này tiếp tục tồn tại thời kỳ chuyển sang thể chế cộng sản và những xáo trộn 50 năm qua. Trong nhiều năm, dân khiếu kiện được nghe giải bày ở Nghị hội Quốc dân (National People’s Congress), nghị hội thường niên của Trung Quốc. Hành động này vẫn được những nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân tán dương trước công chúng. Vào tháng 3 năm 2009, thủ tướng Ôn Gia Bảo ca tụng hệ thống này như một “cơ cấu nhằm giải quyết những xung đột xã hội, và hướng dẫn quần chúng trình bày nguyện vọng và quyền lợi của họ qua các cửa ngõ hợp pháp.”
Nhưng trong bản phúc trình Hành lang địa ngục (An Alleyway in Hell), Tổ chức Giám sát Nhân quyền tiết lộ thay vì được xét xử công bằng các vấn đề của họ, người dân khiếu kiện lại bị ném vào những phòng giam chế từ mấy kho chứa bẩn thỉu trong những khách sạn rẻ tiền, phòng của nhà trọ chính phủ, nhà dưỡng lão, hay bệnh viện tâm thần. Công chức, cảnh sát và đám côn đồ đánh thuê đã bắt, nhốt, và đe dọa để họ phải bỏ cuộc trong chuyện đi tìm công lý.
Bà Sophia Richardson, Giám đốc phân vụ Á Châu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền tuyên bố: “Sự hiện hữu của những hắc ngục ngay trung tâm Bắc Kinh là một sự nhạo báng những biện bác của chính phủ Trung Quốc về sự cải thiện nhân quyền và trọng pháp. Chính quyền cần hành động nhanh chóng để đóng cửa, điều tra ai là người điều hành, và cần giúp đỡ những người bị lạm dụng trong những nhà tù này.”
Nguyên nhân cho việc nhốt những người khiếu kiện rõ ràng là để làm giảm lưu lượng người đi, làm nản lòng người khác, và ngăn họ gây rắc rối cho những quan chức địa phương. Những lời khai của các nạn nhân đọc thấy đau lòng.
“Mấy tên canh gác bước vào phòng túm lấy tôi không nói một lời,” một cựu tù nhân kể. “Chúng lên gối vào ngực rồi đấm liên tục vào bụng dưới tôi cho đến khi tôi ngất xỉu. Xong trận, tôi nằm đau đớn, nhưng chúng lại không để dấu vết gì trên thân tôi.”
Những than phiền của dân khiếu kiện bao gồm từ chuyện chiếm đất bất hợp pháp, chính quyền tham nhũng, đến công an tra tấn. Cửa quan đầu tiên họ gõ là những văn phòng “Nhận thư và Tiếp dân” (”letters and visits” offices) ở tỉnh lỵ. Nếu không hài lòng với quan chức địa phương, những người khiếu kiện sẽ nhắm hướng Bắc Kinh để đạo đạt trường hợp của mình. Nhưng trong mấy năm gần đây, thực hành này đã trở nên nguy hiểm. Chẳng hạn, bất cứ người khiếu kiện nào lai vãng Thiên An Môn cũng có thể bị tóm cổ và ném vào những trung tâm giam giữ còn được gọi một cách hoa mỹ là những “khách sạn cho người khiếu kiện”.
Những hắc ngục mọc lên khi chính quyền Trung Quốc bãi bỏ việc bắt giam tùy tiện đám du thủ du thực và những người vào thành phố không có giấy phép cư ngụ. Chính quyền địa phương cũng bị áp lực phải chặn dân khiếu kiện đến Bắc Kinh và những thành phố khác đòi công lý, và họ phải chịu những trừng phạt cơ quan khi có lưu lượng lớn dân khiếu kiện đến từ địa phương của họ. Vì thế họ sung sướng khi thấy dân khiếu kiện bị nhốt và hăm dọa.
Mặc dầu chính quyền phủ nhận sự hiện hữu của các nhà tù này, cơ quan truyền thông nhà nước lại công bố tường trình về chúng. Đa số những người từng bị giam trong hắc ngục được Tổ chức Giám sát Nhân quyền phỏng vấn đã bị bắt không dựa trên cơ sở pháp luật nào và không được thông báo tại sao họ bị bắt. Một người trong họ nói: “Tôi hỏi họ tại sao bắt tôi, thế là cả bọn [canh gác] nhào vào đấm đá và đòi giết tôi. Tôi la to kêu cứu nên họ ngừng lại, nhưng từ đó, tôi hết dám [liều bị đòn].”
Một người từng bị giam, một cô gái 15 tuổi đã bị bắt cóc từ đường phố Bắc Kinh trong lúc khiếu kiện thay cho ông bố tàn tật; cô bị nhốt trong một nhà dưỡng lão ở tỉnh Gansu hơn hai tháng và trở thành nạn nhân của những trận đòn tàn nhẫn. Bà Richardson tuyên bố, “Gieo thêm sự ngược đãi này trên những người đã từng bị xử sai bởi hệ thống luật pháp thì thật đúng là đỉnh cao của đạo đức giả.”

Nguồn:
They come in search of justice – but end up thrown into jail; by Clifford Coonan; The Independent; 12-November-2009.

Bản tiếng Việt © 2009 Bắc Phong
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog



No comments: