Thursday, December 24, 2009

NƯỚC MẮM PHÚ QUỐC : MAI NÀY AI NHỚ !

Nước mắm Phú Quốc: Mai này, ai nhớ...?!
Lao Động số 293 Ngày 24/12/2009 Cập nhật: 8:53 AM, 24/12/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Nuoc-mam-Phu-Quoc-Mai-nay-ai-nho/200912/168220.laodong
(LĐ) - Nguồn cá cơm nguyên liệu của nước mắm Phú Quốc ngày một giảm và dần cạn, trên thị trường có đến 90% hàng nhái... thường trực làm thương hại đến uy tín, hủy diệt thương hiệu...
Tất cả như đang dồn đẩy đặc sản nước mắm Phú Quốc nổi tiếng toàn cầu đối mặt với tương lai đầy khó khăn và thách thức với nhiều khả năng sẽ bị mai một... sau trên 200 năm hình thành và phát triển.

“Mắc cạn” nguyên liệu
“Nước mắm Phú Quốc hấp dẫn được người tiêu dùng bởi chất lượng và mùi vị đặc trưng. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên mùi, vị đặc trưng đó chính là nguyên liệu cá cơm tren vùng biển Phú Quốc”, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc mở đầu câu chuyện. Tuy nhiên theo bà Tịnh, nghề làm nước mắm ở Phú Quốc đang “mắc cạn” ngay tại nơi chôn nhau, cắt rốn bởi nạn thiếu nguyên liệu.
Toàn huyện Phú Quốc có 84 nhà thùng (cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm), với năng lực sản xuất theo thiết kế khoảng 12 triệu lít/năm. Tương ứng với công suất này, mỗi năm Phú Quốc cần trên 200 ngàn tấn cá cơm nguyên liệu. Thế nhưng thời gian gần đây, nhất là từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm làng nghề nước mắm ở đây chỉ thu mua được chưa đầy 70% nhu cầu dù các nhà thùng đã nỗ lực vượt bực, như: Cho ghe đánh bắt mượn tiền trước để giữ mối, hoặc tranh thủ đưa ghe ra tận hải phận nước bạn để chủ động mua hàng.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu cá cơm nguyên liệu là do khai thác tràn lan, đánh bắt quanh năm, thậm chí đánh bắt ngay trong mùa sinh sản khiến cá không có nhiều cơ hội để hồi phục bầy đàn, dẫn đến cạn nguồn. Gần đây lại xuất hiện nhiều đối tượng cùng tham gia chia sẻ, như: Cơ sở sản xuất nước mắm ngoài Phú Quốc, cơ sở sản xuất cá cơm sấy...
Tuy nhiên điều đáng lo hơn ở đây lại chính là hệ lụy của sự cạn kiệt: Tỉ lệ cá tạp trong cá cơm nguyên liệu đã vượt xa “ngưỡng cho phép” là 15% và có dấu hiệu ngày một tăng. Tất cả như đang dồn đẩy làng nghề nước mắm Phú Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: Vừa duy trì giá bán để giữ thế cạnh tranh, vừa phải đẩy giá mua nguyên liệu lên cao để duy trì sản xuất.

“Chết đứng” với hàng nhái
“Tối đa, mỗi năm toàn Phú Quốc sản xuất ra khoảng 12 triệu lít nước nắm, thế nhưng mỗi năm trên thị trường lại tiêu thụ đến 180-200 triệu lít nước mắm mang nhãn mác Phú Quốc”, bà Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc bức xúc. Như vậy, theo phép tính đơn giản, có đến 90% nước mắm Phú Quốc lưu hành trên thị trường là hàng nhái thương hiệu.
Theo phản ánh của một số nhà thùng Phú Quốc, có không ít doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm, nước chấm khá nổi tiếng trong đất liền, dù chẳng liên hệ gì nhưng vẫn “vô tư” công bố sản phẩm do mình làm ra là “nước mắm Phú Quốc” chính hiệu. Tuy nhiên theo bà Tịnh, điều khiến cho các nhà thùng ở Phú Quốc mất ăn mất ngủ không chỉ dừng lại ở nạn ăn cắp tên tuổi, mà còn thể hiện ở nạn giả chất lượng, gian lận độ đạm... trực tiếp làm thương hại đến uy tín, hủy diệt thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
Bởi hiện tại trên thị trường, bên cạnh hành vi phổ biến là “vô tư” sử dụng cụm từ “nước mắm nhĩ Phú Quốc”, còn có vấn nạn “vẽ bùa tự đeo” về độ đạm khi có nơi tự công bố sản phẩm của mình đến 60 độ đạm. Đây là chuyện chưa một lần có trong lịch sử trên 200 năm nước mắm Phú Quốc. Bởi trên thực tế, cao nhất nước mắm Phú Quốc cũng chỉ đạt mốc 42 độ đạm.
Tuy nhiên hành động gian dối này không dừng lại ở chỗ “móc túi” người tiêu dùng mà còn gieo rắc tiếng xấu cho thương hiệu đặc sản của đảo Ngọc mà nhiều thế hệ đã dày công gầy dựng. Bởi bên cạnh một số sản phẩm tự công bố độ đạm cao (60) để bán với giá “trên trời”: 60-70 ngàn đồng/lít, một số nơi lại rao bán sản phẩm nước mắm Phú Quốc với giá mà nước mắm Phú Quốc chính hiệu không bao giờ dám cạnh tranh: 4.000 đồng/lít.

Vẫn còn cơ hội?!

Thật ra đây không phải là lần đầu nước mắm Phú Quốc lâm vào thế chao đảo nếu nhìn ngược lại quá trình hình thành của làng nghề có trên 200 tuổi này. Vào những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, nước mắm Phú Quốc đã từng rơi từ ngôi vị hoàng kim xuống đáy khủng hoảng.
Nguyên nhân cơ bản là bế tắc trong cơ chế bao cấp. Sau ánh sáng đổi mới, nước mắm Phú Quốc lại dần hồi phục rồi phát triển mạnh trong cơ chế thị trường. Còn giờ đây, cơ chế ngày một thông thoáng hơn, chính sách ngày một “mở cửa” nhưng vì sao nước mắm Phú Quốc lại rơi vào hố khủng hoảng?
Theo một doanh nghiệp có nhiều đời gắn bó với nghiệp nhà thùng ở Phú Quốc, nguyên nhân cơ bản là do khai thác cá cơm, sử dụng nhãn mác nước mắm Phú Quốc đang trong trạng thái rơi tự do về quản lý. Trong khi đó, dù đã gióng lên nhiều tiếng kêu cứu, thậm chí đề xuất giải pháp xử lý trong các cuộc hội thảo, hội nghị hoành tráng, nhưng đến nay các giải pháp ngăn chận, can thiệp hữu hiệu vẫn như còn nằm đâu đó trên bàn giấy.
Nếu kéo dài trạng thái thờ ơ này, cá cơm sẽ bị tận diệt. Liệu mai này còn ai nhớ đến nước mắm Phú Quốc?!

Lục Tùng


No comments: