Monday, December 21, 2009

NỖI BUỒN MANG TÊN SEAGAMES

Suy nghĩ vẩn vơ (28) - Nỗi buồn mang tên Seagames
Phan Chí Thắng

20 Dec, 2009
http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/204569
Lão Hâm đoan chắc là cả nước Việt nam buồn vì đội U23 của mình đã thua đau trong trận chung kết bóng đá Seagames 25 tổ chức tại Lào.
Lão Hâm cũng tin chắc là mình yêu bóng đá không kém bất kỳ ai. Vì quá yêu và đã quá nhiều lần tình yêu đó không được đền đáp, dịp Seagames này Lão Hâm không ồn ào bộc lộ cái tình cảm da diết và bỏng cháy ấy như nhiều người khác.
Yêu làm gì để rồi bị phản bội? Nhiều người có kiểu nghĩ như lão, vậy mà nhiều người vẫn yêu, vẫn đam mê quên hết mọi thứ trên đời... Bóng đá là thế. Hình như tình yêu nói chung là thế.
Lão Hâm không lên diễn đàn hò hét bình luận, không tỏ ra cho mọi người thấy là mình mất ăn mất ngủ chờ đợi từng giờ từng phút cho đến trận chung kết tai họa đó. Lão đọc tất cả những tin đưa về bóng đá Seagames, nghe hết những lời bình luận khôn ngoan và cả những bài phát biểu ngớ ngẩn trên các thể loại TV của Việt nam. Về mặt truyền hình bóng đá thì Việt nam chắc chắn là đứng đầu thế giới: truyền hình trung ương, truyền hình địa phương, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp... đua nhau làm trực tiếp, với hàng chục chuyên gia bình luận, trước, giữa và sau trận đấu. Các chuyên gia này khẳng định hiện nay bóng đá Việt nam đã thống trị khu vực (ao bèo) Đông nam Á. Các vị chuyên gia này đúng là chuyên huyênh hoang chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, làm cho cái tính tự sướng của người Việt chúng ta được bơm phồng lên như quả bóng bay chỉ chực lao vút lên trời cao rồi nổ tung khi chỉ một đầu mũi kim bé nhỏ châm vào. Và cũng chính họ gây áp lực làm cho tâm lý các cầu thủ nặng nề, hai chân các cầu thủ tê cứng, cái đầu không còn tỉnh táo.
Thua trận ai chẳng buồn, chẳng thất vọng, thua đến năm keo liên tục thì chỉ có Ngọc Hoàng Thượng đế may ra mới ăn ngon ngủ yên.
Cái buồn của lão Hâm nặng nề hơn ở chỗ lão không mê bóng đá như một trò mua vui, lão am hiểu bóng đá nước nhà và cũng như nhiều người, lão biết phải làm gì để bóng đá nước nhà phát triển. Và cũng như nhiều người, biết và hiểu chỉ để mà biết và hiểu. Bóng đá là thế, người biết và hiểu thì không còn sức đá bóng, người đá bóng hoặc làm bóng đá nói chung thì lại ít biết và hiểu.
Chúng ta có phát triển bóng đá hay không? Câu trả lời của lão Hâm là không! Vì sao vậy? Nền bóng đá của một đất nước chỉ có thể phát triển khi nó phát triển ở những trung tâm văn hoá, kinh tế lớn. Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh, những địa phương giàu truyền thống bóng đá nhất, mười năm lại đây không đào tạo ra được một cầu thủ nào cho đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ của những thành phố này lết bết ở nửa dưới bảng xếp hạng của cái V-league mà báo chí nước nhà khoe khoang là hấp dẫn nhất khu vực. Với sự tôn trọng các vùng nông nghiệp và nông thôn, ta vẫn cứ phải nói rằng, trẻ em nông thôn bây giờ ham đá bóng bởi vì đó là một con đường kiếm tiền nhanh chóng nhất, trong khi trẻ em thành phố không còn chỗ chơi bóng đồng thời bố mẹ chúng định hướng con em mình đi theo con đường khác, không phải con đường bóng đá.
Khát vọng chiến thắng là chính đáng, nhưng mong muốn chiến thắng chỉ bằng mỗi một tinh thần chiến đấu của các cầu thủ là không xác đáng. Không có thể hình, thể lục, không vượt trội đối phương về kỹ chiến thuật, làm sao vô địch?
Phải đầu tư đào tạo tài năng trẻ, phải cơ cấu lại toàn bộ bộ máy điều hành bóng đá Việt nam, một tổ chức kỳ lạ có ông Phó Chủ tịch leo lên được cái chức đó chỉ nhờ giỏi ngoại ngữ. Không phải là cứ ngồi chờ cho đến đợt Seagames tiếp theo để hy vọng, để hồi hộp xem ta có thua Thái Lan hay không.
Đêm ngày 17 tháng mười hai buồn không tả xiết. Người ta vứt cờ ra đường, những lá cờ được mua để vẫy chào Việt nam chiến thắng.
Cờ đỏ mặt đường, cờ đỏ vỉa hè, rơi cả xuống cống.
Cảnh tượng đó phản cảm quá. Lòng tự hào dân tộc bị xúc phạm nặng nề.
Mấy thằng bé cạnh nhà lão Hâm rủ nhau đi nhặt cờ, chúng nó thu gom để đến kỳ Seagames sau lại mang ra bán.

No comments: