Wednesday, December 16, 2009

NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG NƯỚC NGHIÊM TRỌNG Ở CHÂU Á KHÔNG CÒN XA

Nguy cơ khủng hoảng nước nghiêm trọng ở Châu Á không còn xa
Anh Vũ
Bài đăng ngày 15/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 15/12/2009 14:07 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6079.asp
Sẽ có khoảng từ 120 triệu đến 1,2 tỷ người châu Á phải sống trong tình trạng thiếu nước trầm trọng từ nay đến năm 2020. Năng suất lương thực của khu vực Nam Á có thể sẽ giảm 30% từ nay đến năm 2050. Trên đây là dự báo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu GIEC được Liên hiệp quốc công bố từ hồi năm 2007.
Cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước ở châu Á đang dần trở thành một sự thật hiển nhiên khi mà những biểu hiện về biến đổi khí hậu do quá trình ấm dần của Trái đất đang ngày càng rõ nét.
Cơn khủng hoảng nước tác động lên châu Á cả hai mặt thừa và thiếu: thừa là khi mực nước biển dâng cao sẽ gây ra ngập lụt làm đảo lộn đời sống kinh tế xã hội của rất đông dân cư tập trung tại các vùng như châu thổ sông Dương Tử, Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Hằng ở Ấn Độ, Brahmaputra ở Bangladesh hay vùng châu thổ Irrawaddy của Miến Điện.

Băng càng tan, nước càng thiếu
Cùng lúc đó, do hiện tượng trái đất đang ấm dần, lớp băng trên đỉnh Himalaya - vốn là nguồn cung cấp nước chính cho khu vực - sẽ tan chảy nhanh chóng khiến các nước Nam Á và Trung Quốc phải sống trong cảnh thiếu nước. Mỗi năm, lớp băng này cung cấp hàng triệu mét khối nước tỏa ra các dòng sông ở châu Á. Theo báo cáo mới đây của Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), đến năm 2050, 1/4 lượng băng của thế giới có thể sẽ biến mất và đến năm 2100 có thể chỉ còn phân nửa.
Theo các chuyên gia, tình hình càng bi thảm hơn vì nguồn nước sạch của một vùng rộng lớn của thế giới vẫn phụ thuộc vào lượng băng tan chảy này. Hiện nay, lượng nước đủ dùng bình quân cho một người ở Ấn Độ trong một năm đã giảm xuống còn 1.869 m3 so với cách đây 20 năm là 4.000 m3 và đến năm 2025, con số này có thể chỉ còn chưa đến 1.000 m3.

Khủng hoảng nước kéo theo khủng hoảng lương thực
Mới đây nhất, hồi tháng 8, trong Tuần lễ nước thế giới tại Thụy Điển, Viện Quản lý nước quốc tế, phối hợp nghiên cứu cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), đã công bố báo cáo, trong đó đưa ra kết luận rằng châu Á đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước nghiêm trọng, mà nếu không nhanh chóng giải quyết, nó sẽ kéo theo khủng hoảng lương thực, bất ổn xã hội trong tương lai không xa.
Theo một bài viết trên mạng Asia Sentinel tại Hồng Kông, bản báo cáo trên tuy nhiên đã không đề cập đến vấn đề được cho là quan trọng nhất còn mang tính quyết định hơn cả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp ở Nam và Đông Nam Á: Trung Quốc, vì lợi ích của riêng mình, đang có kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi trên cao nguyên Tây Tạng, nắn dòng những dòng chảy của các con sông mang tính "huyết mạch" cho sản xuất nông nghiệp như Mekong, Salween, Irrawaddy, Brahmaputra và sông Hằng. Những vấn đề như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp ở Bangladesh, Việt Nam, Cam Bốt, Myanmar, Thái Lan, những nước nằm ở hạ lưu của các nguồn nước nói trên.
Báo cáo nhận định: khu vực Nam Á sẽ phải tăng sản lượng lương thực tới 100% vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu. Về lý thuyết, mục tiêu này có thể đạt được vì sản lượng hiện nay ở khu vực còn tương đối thấp. Nhưng nếu như việc tăng sản lượng lương thực là khả thi, thì nhu cầu về nước cho nông nghiệp để làm được điều đó sẽ tăng lên gấp bội. Trong khi đó, các chính sách điều chỉnh và khai thác nguồn nước lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thách thức của khu vực Đông Á lại tương đối khác và thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Sản lượng lương thực có ít khả năng được cải thiện hơn so với Nam Á, trong khi nguồn nước đang giảm dần dù chưa tính đến nhu cầu của nông nghiệp và quá trình đô thị hóa. Đông Nam Á có tiềm năng gia tăng sản lượng nông nghiệp cao hơn các khu vực khác của châu Á, nhưng có nguy cơ đối mặt với những hiện tượng thiên nhiên như El Nino, đồng thời tương lai của các dòng sông chảy bắt nguồn từ Trung Quốc đang đặt ra vấn đề lớn.

Nguy cơ từ các con đập của Trung Quốc
Trung Quốc đã triển khai những công trình thủy lợi nắn dòng đưa nước từ các sông hướng Đông của mình về miền Bắc khô hạn. Điều này về lý thuyết chưa ảnh hưởng đến các quốc gia khác, nhưng kế hoạch của Trung Quốc về những con đập trên thượng nguồn Mekong là mối đe dọa rõ ràng cho nguồn nước của các quốc gia hạ nguồn.
Giám đốc Viện quản lý nước Quốc tế (IWMI), ông Colin Chartras nhận định, nhu cầu lương thực của châu Á sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá lượng thực thế giới tăng lên, tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Cách tốt nhất hiện nay là châu Á cần phải có biện pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, đặc biệt trước viễn cảnh bị tác động của việc khi hậu nóng lên toàn cầu. Vấn đề nước cũng đang nóng lên từng ngày tại châu Á.



No comments: