Người Việt dễ ghét
Nguyễn Hưng Quốc
18/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-18-voa36.cfm
Từ trước đến nay, một cách công khai, trên sách báo cũng như trên các diễn đàn, hình như ai cũng nói người Việt…đáng yêu. Đó cũng là nhan đề cuốn sách do Doãn Quốc Sỹ viết và xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Xuất phát từ một lập trường và động cơ chính trị hoàn toàn ngược lại với Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hạnh, giả danh một người Ý (Pazzi), cũng vội vã viết cuốn “Người Việt cao quý”, trong đó, nội dung chính của khái niệm “cao quý” cũng là…sự đáng yêu.
Mà không phải chỉ có người Việt Nam mới nói thế. Tôi có khá nhiều sinh viên Úc hoặc người các nước khác thường đi Việt Nam. Nhiều người không ngớt khen là người Việt Nam đáng yêu. Cách đây mấy năm, có một sinh viên người Na Uy sang Úc du học. Trên đường từ Na Uy sang Úc, anh ghé Việt Nam chơi hai tuần. Lý do ghé Việt Nam chỉ có tính chất thực dụng: vật giá rẻ. Vậy thôi. Nhưng hai tuần ở Việt Nam đã làm thay đổi hẳn kế hoạch học tập của anh. Mê Việt Nam trong thời gian hai tuần ấy, sang Úc, anh quyết định chọn Tiếng Việt làm một trong hai môn học chính trong chương trình Cử nhân. Hỏi: Mê nhất ở Việt Nam là điều gì? Anh đáp: Con người. Và nói thêm: “Người Việt rất đáng yêu”.
Cách đây mấy ngày, tôi cũng lại gặp một sinh viên khác, cũng mê Việt Nam như thế. Sau khi học xong trung học, thay vì vào đại học ngay, cô quyết định nghỉ một năm để đi làm và đi du lịch. Sau khi qua nhiều nước, cô ghé Việt Nam. Cũng chỉ là một quyết định tình cờ. Thoạt đầu, định ở vài ba tuần. Nhưng rồi cô lại đâm mê Việt Nam. Bèn quyết định ở lại thêm vài tháng. Trong vài tháng ấy, cô xin dạy học trong một trung tâm sinh ngữ tại Sài Gòn. Cô càng mê hơn nữa. Về lại Úc, cô bèn quyết định học tiếng Việt để sau này có cơ hội quay sang làm việc lâu dài tại Việt Nam. Hỏi lý do, cô cũng đáp như anh sinh viên người Na Uy kể trên: “Người Việt đáng yêu”.
Người Việt đáng yêu như thế nào? Tôi chưa bao giờ có ý định làm một cuộc điều tra thật đàng hoàng về đề tài này. Nhưng từ những gì tôi nghe từ các sinh viên cũng như bạn bè, đồng nghiệp của tôi, những nét đáng yêu nhất của người Việt Nam thường được nêu lên là: vui vẻ, cởi mở và thân thiện.
Tuy nhiên, tất cả những điều kể trên chỉ là một khía cạnh. Có một khía cạnh khác, vì lịch sự, người khác ít nói; và vì tự ái, chúng ta cũng ít khi đề cập: Có vô số người chê người Việt là cục cằn, thô lỗ, ích kỷ, tham lam vặt, hay nói dối vặt, thiếu kỷ luật, thiếu lịch sự, nói chung, là…dễ ghét. Ngay chính những người được xem là “mê” Việt Nam cũng thấy điều đó. Và dĩ nhiên, với tư cách là người Việt Nam, chúng ta cũng thừa biết điều đó.
Thật ra, ở quốc gia nào cũng có những người đáng yêu và những người dễ ghét. Đó là chuyện bình thường. Tuyệt đối không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chỉ có vấn đề là: ở những nơi khác, nét đáng yêu và đáng ghét ở con người chủ yếu là do cá tính, hay nói cách khác, do Trời sinh; còn ở Việt Nam, chủ yếu do văn hoá, hay nói cách khác, do xã hội, đặc biệt, do chế độ sinh. Ở những nơi khác, sự phân bố của những người được xem là đáng yêu và những người bị xem là đáng ghét hoàn toàn có tính ngẫu nhiên; ở Việt Nam thì khác: nó có tính quy luật để theo đó, người ta có thể vẽ lên được một “bản đồ” đáng yêu / đáng ghét của người Việt một cách khá chính xác.
Đại khái “bản đồ” ấy như thế này:
Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.
Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.
Cái dễ ghét ấy có thể được nhìn thấy ngay trên các chuyến bay về Việt Nam: Theo nhận định của nhiều người vốn đi nhiều, ít có tiếp viên hàng không nào dễ ghét như tiếp viên hãng Hàng Không Việt Nam; ít có công an cửa khẩu và nhân viên hải quan nào dễ ghét như những người làm việc tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Một sinh viên của tôi, người Úc, rất mê Việt Nam, và vì mê Việt Nam, cuối cùng, lấy vợ Việt Nam. Chính trong thời gian làm đám cưới, phải chạy vạy làm đủ các loại giấy tờ, từ hôn thú đến bảo lãnh vợ sang Úc, anh phờ phạc cả người. Quay về Úc, anh than: Chưa bao giờ anh thấy nhân viên hành chính ở đâu dễ ghét bằng các nhân viên hành chính ở Việt Nam.
Một người bạn khác của tôi, về Việt Nam thăm thân nhân bị bệnh, phải nằm bệnh viện, than: Chưa bao giờ thấy bác sĩ và y tá ở đâu lại dễ ghét như ở Việt Nam. Mặt mày ai cũng hầm hầm hay lạnh tanh. Người ta hỏi gì cũng quát, nạt. Họ chỉ dịu giọng được một lát khi nhận tiền lót tay. Một người bạn khác rất có thiện chí giúp đỡ Việt Nam, nhiều lần tổ chức quyên góp từ quần áo, sách vở đến máy vi tính ở Úc để chuyển về tặng cho người Việt; nhưng sau đó, đâm nản, cuối cùng, bỏ cuộc. Anh nói: “Mình mang quà về giúp, nhưng ở đâu cũng bị làm khó dễ.” Và kết luận: “Người Việt thật dễ ghét!”
Xin lưu ý: những nhân viên các loại và các cấp bị xem là dễ ghét trong công sở ấy có thể trở thành cực kỳ dễ thương với bạn bè, người thân hoặc người quen. Một viên công an mặt mày lúc nào cũng lạnh như tiền và lăm lăm đòi móc túi những người dân đến xin chứng nhận một thứ giấy tờ gì đó có thể là một người cởi mở, hào hiệp và hào phóng khi ngồi vào bàn nhậu với bạn bè. Nhưng trong quan hệ công cộng thì họ lại biến thành một người khác hẳn.
Có thể nói gọn lại thế này: Trong quan hệ cá nhân, người Việt thường đáng yêu; nhưng trong quan hệ công cộng, nhất là ở công sở, người Việt thường rất dễ ghét.
Cũng có thể nói một cách khái quát hơn: ở Việt Nam, cứ hễ có chút quyền lực, bất kể là quyền lực gì, người ta liền biến ngay thành người dễ ghét. Bản tính dễ thương đến mấy cũng thành dễ ghét. Nếu không dễ ghét vì sự hách dịch, quan liêu hay tham lam thì cũng dễ ghét vì sự chậm chạp, cẩu thả, lười biếng và vô trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều người nhận xét: Chơi với người Việt thì vui, nhưng làm việc với người Việt thì đúng là một cực hình. Trên bàn nhậu, ai cũng thông minh, biết điều, cởi mở; nhưng quay lại bàn giấy thì người ta lại lề mề, khó khăn, tắc trách, rất ít đáng tin cậy.
Do đó, vấn đề không phải là bản tính mà là văn hoá. Mà văn hoá, nhất là văn hoá hành chính, lại gắn liền với chế độ.
Bạn có nghĩ vậy không?
No comments:
Post a Comment