Friday, December 4, 2009

NEPAL BÁO ĐỘNG NẠN BĂNG TAN TRÊN HY MÃ LẠP SƠN

Nêpal đánh động công luận thế giới về nạn băng tan trên Himalaya
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 04/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 04/12/2009 15:51 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_5930.asp
Ảnh chụp vệ tinh của Ấn Độ cho thấy là trong 40 năm, diện tích các ''thác băng'' Himalaya đã bị thu hẹp 16%. Theo đà này, nhiều khối băng tại dãy núi có nguy cơ biến mất vào khoảng năm 2035. Hiện tượng này không chỉ đe dọa các nước gần, mà còn cho cả những nước xa, lệ thuộc vào các con sông bắt nguồn từ Himalaya.

Để thu hút sự chú ý của thế giới về tác hại của biến đổi khí hậu đối với nước mình, một số chính phủ đã không ngần ngại đề ra những sáng kiến độc đáo. Trong trường hợp Maldives, một đảo quốc nhỏ bé gần Ấn Độ, nước này có nguy cơ bị chìm hẳn dưới biển nếu mực nước dâng lên, còn Nêpal thì rất lo ngại phải gánh chịu hậu quả của tình trạng các thác băng trên rặng Himalaya tan chảy nhanh chóng vì nhiệt độ trái đất gia tăng.

Cuộc họp ở độ cao hơn 5000 mét
Điạ điểm được thủ tướng Nêpal cùng 22 bộ trưởng của ông chọn làm nơi họp là bình nguyên Kalapattar, ở độ cao 5.262 mét, trên sườn núi Everest có độ cao chính thức là 8848 mét. Tại đấy, các thành viên chính phủ đã thông qua bài diễn văn mà thủ tướng Madhav Kumar Nepal sẽ đọc tại Hội Nghị Copenhagen về Biến đổi khí hậu vào tuần tới.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, bà Sujata Koirala, phó thủ tướng Nêpal cho biết là nước bà sẽ kêu gọi các nước giầu đóng góp 1,5% GDP của họ vào quỹ giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu vì chính lượng khí các bon các nước giầu thải ra đang làm các nước nghèo khốn đốn.
Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tồn tại quá nhiều trong không khí đã làm khí hậu trái đất ấm lên làm tan các lớp băng trên dãy Himalaya. Theo giới nghiên cứu khoa học, đặc biệt là theo các chuyên gia trong Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC, từ năm 1970 đến nay, nhiệt độ trên đỉnh Himalaya đã tăng thêm 1°C, gấp đôi mức bình quân trên trái đất. Điều này đã khiến cho các khối băng trên Himalaya tan chảy và thu hẹp lại với một tốc độ đáng báo động.
Hình ảnh vệ tinh do Ấn Độ chụp được cho thấy là từ năm 1962 đến 2004, diện tích hơn 1000 ''thác băng'' trên dãy Himalaya đã bị thu hẹp khoảng 16%. Nếu đà này tiếp diễn, rất nhiều khối băng tại nơi này có thể biến mất hoàn toàn vào khoảng năm 2035. Hiện tượng này gây nguy hại không chỉ cho các quốc gia ngay dưới chân núi như Nêpal, mà còn cho cả những nước ở xa nhưng lệ thuộc vào các con sông bắt nguồn từ Himalaya.

Băng tan : Lũ lụt trước mắt, khô hạn trong tương lai
Một trong những hậu quả trước mắt mà các nước như Nêpal hay Bhutan đã phải gánh chịu là nạn đất sát lở và lũ quét. Theo một báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc Unesco vào năm 2006, băng tan nhanh chóng trên đỉnh núi tạo ra những cái hồ nước to lớn ở trên vùng đồi núi, khoảng 4000 cái tiêng tại Nepal và Bhutan. Mức nước càng lúc càng dâng cao có thể phá vỡ bờ hồ và gây lụt lội phiá dưới.
Tại Népal, vào năm 1985, một cái hồ như vậy đã bị vỡ, một thác nước cao 15 mét đã đổ ấp xuống thung lũng phiá dưới khiến gần 10.000 người thiệt mạng, chưa kể đến thiết hại đáng kể về vật chất.
Ngoài ra, việc thác băng trên đỉnh Himalaya tan nhanh trước mắt sẽ nâng cao khối lượng nước của các con sông như sông Hằng, sông Mekong, sông Dương Tử, tạo ra lũ lụt tại các nước hạ nguồn. Trận lụt thế kỷ tại Việt Nam năm 2000, hay tại Lào năm 2008 có thể đã xuất phát từ hiện tượng này. Tuy nhiên, theo giới khoa học, trong trung hạn, do việc băng tuyết trên đỉnh Himalaya không còn nữa, các con sông có nguy cơ bị cạn dòng, ảnh hưởng đến cả tỷ người sống nhờ vào các con sông đó.
Về phần mình, Nepal đã thấy khí hậu của nước mình tăng với tốc độ nhanh hơn mức bình quân của trái đất. Vào năm ngoái, nước này đã bị một mùa đông khô hạn nghiệm trọng nhất từ 40 năm qua, làm phát sinh một vụ cháy rừng rộng chưa từng thấy phá hoại toàn bộ hoa màu vốn lệ thuộc vào mưa mùa đông.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến những nước ở vùng duyên hải thấp hay đảo quốc cho đến giờ đã được nhiều người chú ý. Riêng tác hại của hiện tượng băng tan trên đỉnh Himalaya đến những quốc gia trong vùng vẫn còn ít được quan tâm.



No comments: