Wednesday, December 16, 2009

MỸ HOA ĐẤU KHẨU TẠI COPENHAGEN

Mỹ Hoa đấu khẩu
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 15, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105599&z=7
Hai nước Mỹ và Trung Hoa đang đấu khẩu tại Copenhagen, trong Hội nghị về Thay đổi Khí hậu kỳ thứ 15 do Liên Hiệp Quốc tổ chức, gọi tên là COP15. Trong hai ngày nữa, nếu hội nghị không đưa tới một kết quả nào đáng gọi là “có tiến triển” thì, trước mặt đại biểu 192 quốc gia tham dự, nước này sẽ chỉ tay vào nước kia mà tố: Lỗi tại bên đó cả!

Trung Quốc đã thành công một bước khi lôi kéo được 77 quốc gia cùng kết lại thành một khối những nước “đang phát triển,” (cũng gọi là “nước nghèo”) đứng đối lập với các “nước giàu,” tức là đã phát triển. Trước khi hội nghị khai mạc, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hà Á Phi đã lên án Mỹ không theo gương Âu Châu đóng góp tiền cho quỹ giúp những nước nghèo giảm bớt việc thải khí CO2 làm bầu khí quyển Trái Ðất nóng lên dần. Các nước nghèo ở đây đại đa số là các nước Á Phi!

Ðại diện Mỹ đã đáp lễ nói rằng dân Mỹ không thể nào chấp nhận đóng thuế để chính phủ đem tiền đi giúp Trung Quốc làm bổn phận đó. Cuộc đấu khẩu “hâm nóng” hội nghị không khác gì khí CO2 làm khí hậu nóng thêm. Các nước nghèo khác thấy thái độ gây gổ của Trung Quốc chỉ làm cho cuộc bàn cãi bị trì hoãn và có thể chấm dứt mà chẳng thấy được đồng nào cả, cho nên đã bất bình. Mấy ngày sau, phía Trung Quốc phải thanh minh rằng họ chỉ kêu gọi Mỹ phải góp tiền giúp các nước nghèo, nhưng chính họ sẽ không nhận đồng nào trong đó cả! Các nước Á Phi càng bực mình. Nếu Trung Quốc không cần tiền thì đừng tố cáo gây ồn ào làm gì, để yên cho các nước nghèo bàn thẳng chuyện ai sẽ nhận được bao nhiêu tiền, có phải nhanh chóng hơn không?

Cuối cùng, cuộc bàn cãi trong hội nghị này là vấn đề Tiền. Tại sao lại dính đến tiền, cần tìm hiểu nguồn cơn cho rõ.

Nguyên do là bầu không khí bao quanh Trái Ðất đang bị đe dọa sẽ nóng lên dần dần, có thể tai hại cho tương lai nhân loại. Một lý do chính khiến nhiệt độ tăng là việc đốt các nhiên liệu, như dầu lửa, than đá, khí đốt, vân vân, thải ra chất CO2 ngày càng nhiều mà không tiêu đi đâu được. Lớp khí đó giống như một chiếc chăn, mền phủ lên khí quyển mỗi ngày một dầy thêm. Tấm mền giữ sức nóng mặt trời tỏa xuống mỗi ngày giống như trong nhà kiếng trồng cây cảnh vậy. Cho nên Trái Ðất ngày một nóng thêm. Người ta sẽ hỏi: Nếu khí hậu nóng hơn thì “mở máy lạnh,” tại sao phải lo? Lo vì nếu nhiệt độ trung bình trên Trái Ðất tăng thêm 2 độ nữa thì sẽ có nhiều hậu quả không thể biết trước sẽ đối phó ra sao: Mùa mưa, hướng gió sẽ thay đổi, ruộng nương mùa màng sẽ bị ảnh hưởng; băng đá trên địa cực sẽ tan ra, mực nước biển sẽ lên cao, nhiều thành phố và vườn ruộng ven biển sẽ bị ngập, vân vân. Người ta đã tính ra rằng kể từ khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ đến nay, đốt than đốt dầu mãi, nhiệt độ trên mặt đất đã tăng thêm 0.7 độ bách phân. Nhưng trong 2 trăm năm đã qua tốc độ tăng còn chậm, bây giờ tăng nhanh hơn vì các nước đều đang kỹ nghệ hóa, họ tiêu thụ số dầu lửa, hơi đốt và than nhiều gấp trăm lần hồi thế kỷ trước!

Hội Nghị Kyoto năm 1997 đã công nhận mối nguy cơ khí hậu nóng dần, kết luận rằng cả thế giới phải giảm bớt tốc độ thải CO2 vào trong khí quyển. Không thể nào không phun thêm CO2 lên trời được, nhưng phải kềm chế cho phun lên ít ít thôi. Công ước Kyoto chỉ đòi hỏi các nước giàu hạn chế số khí CO2 thải ra, còn các nước nghèo được miễn. Nhưng có hai nước hiện nay thải nhiều khí CO2 nhất, cộng chung hai nước thải 40% số khí CO2 vào trong khí quyển mỗi ngày, thì không hạn chế số khí thải của họ. Ðó là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã rút ra khỏi công ước Kyoto, không ký thì không nhận trách nhiệm phải thi hành. Trung Quốc thì được xếp vào loại nước nghèo, cho nên không phải tự hạn chế. Công ước Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, nếu không được các quốc gia ký kết triển hạn. Cho nên các nước nghèo hiện đang nghi ngờ các nước giầu muốn cứ để mặc cho nó chết nhẹ nhàng. Mà họ cũng không chấp nhận cho Trung Quốc, hiện nay đang thải nhiều khí CO2 nhất thế giới nhiều hơn cả Mỹ, mà lại đi “phá đám” có thể làm cho hội nghị bị vỡ, mọi người ra về tay không!

Ðiều mà các nước nghèo muốn đạt được là Tiền. Hội nghị COP 15 phải đưa tới những cam kết của các nước giàu giúp đỡ các nước nghèo trong kỹ thuật hạn chế khí thải CO2. (Trung Quốc, Ấn Ðộ, hiện nay làm ô nhiễm không khí thế giới nhiều nhất nhưng không phải đóng góp!)

Tại sao cần giúp đỡ? Vì muốn giảm bớt số khí CO2 phun vào khí quyển thì phải có những kỹ thuật mới rất tốn tiền. Nước giàu có thể bầy ra những “kỹ thuật sạch” đó, giống như phú quý sinh lễ nghĩa; còn các nước nghèo khó có tiền để được xài sang như vậy. Cho nên các nước tiên tiến phải góp tiền trợ giúp các nước nghèo. Trong những thế kỷ trước các nước giàu đã thải nhiều khí CO2 quá rồi, bây giờ họ không những phải giảm bớt mà còn có bổn phận giúp các nước nghèo giảm tốc độ thải CO2 nữa. Từ năm 1890 đến 2007, các nước giàu thải vô không khí 60% số CO2, riêng nước Mỹ với dân số bằng 5% số dân thế giới, đã chịu trách nhiệm 30%! Cho nên một hiệp ước về khí hậu trước đây đã quy định các nước giàu phải giúp tiền các nước nghèo mua hoặc sản xuất kỹ thuật hạn chế khí CO2.

Chính phủ Mỹ không chấp nhận quy tắc đóng góp vì các xí nghiệp Mỹ phản đối. Ấn định giới hạn số khí CO2 được phép thải ra tức là bắt các xí nghiệp phải tiêu tiền thay đổi kỹ thuật sản xuất cho “sạch” hơn, thải ít CO2 hơn trước. Tốn tiền tức là chi phí tăng lên, giá thành sẽ lên, hàng sẽ khó bán. Dân Mỹ không muốn đóng thuế để giúp các xí nghiệp Ấn Ðộ hay Trung Hoa có tiền thay đổi kỹ thuật sạch, rồi chính họ sẽ cạnh tranh với hàng hóa Mỹ!

Hiện nay các nước nghèo đang phát triển chính là nơi đang phun nhiều khí CO2 vào khí quyển nhất. Họ muốn các nước giàu phải hứa giúp. Muốn giúp, phải góp tiền, mà số tiền chi ra có thể lên tới 100 tỷ đô la một năm, hay còn nhiều hơn.

Trong hội nghị, các nước giàu đặt điều kiện ngược lại: Họ muốn trước hết các nước nghèo phải tự mình ấn định chỉ tiêu phải đạt được trong việc hạn chế việc thải khí CO2! Nếu không, thì không thể bàn chuyện giúp đỡ mua kỹ thuật sạch. Trong khi các nước nghèo chỉ muốn hứa hẹn chung chung thôi. Trung Quốc đã bị các nước nghèo khác phản đối khi chính phủ Bắc Kinh ủng hộ việc bắt các nước nghèo phải ký kết với giới hạn rõ ràng!

Trước khi lên đường đi Copenhagen, Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị lập một quỹ 350 tỷ đô la để giúp các nước nghèo phát triển năng lượng sạch trong 5 năm, nước Mỹ sẽ xin góp 85 tỷ vào trong quỹ đó. Chương trình này sẽ giúp mua kỹ thuật dùng năng lượng mặt trời để bớt dùng than, dầu sản xuất điện. Sẽ dùng những khí cụ trong nhà loại mới ít tốn điện hơn, như máy lạnh, máy giặt, vân vân. Và sẽ nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng sạch mới, không thải ra khí CO2. Hiện nay chính phủ Mỹ cũng đang khuyến khích các doanh nhân hướng về nghiên cứu và sản xuất các kỹ thuật năng lượng sạch mới, với chương trình kích thích kinh tế. Ðây là một ngành đang lên, có hy vọng sẽ là một ngành hái ra tiền trong tương lai, khi cả thế giới thấy phải bớt hoặc ngưng dùng than đá, khí đốt và dầu lửa.

Cuối cùng trong hội nghị Copenhagen các nước giàu sẽ phải cùng ấn định hạn chế việc thải khí CO2, từ nay đến năm 2020, hoặc lâu nhất là 2050. Các nước nghèo nhưng lớn như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Brazil cũng sẽ ấn định mức giới hạn phải đạt được. Các nước giàu sẽ hứa giúp tiền cho các nước nghèo và nhỏ thay đổi kỹ thuật năng lượng sạch, nhưng chưa biết sẽ đặt ra nhưng điều kiện nào.

Ông Obama sẽ khó hứa hẹn nhiều với các nước khác trong hội nghị Copenhagen. Vì ông còn bị Quốc Hội kiểm soát chi tiêu. Trước khi ông lên đường, 10 nghị sĩ đảng Dân Chủ đã công khai gửi thư khuyến cáo rằng ông đừng quên “Chỉ Quốc Hội Mỹ mới có quyền hứa hẹn lâu dài, chứ không phải ông tổng thống!” Chính sách ngoại giao ở Mỹ là do Thượng Viện quyết định. Ngân sách chi tiêu là do cả hai viện Quốc Hội kiểm soát. Cho nên quyền hành của ông tổng thống Mỹ bị giới hạn, mà giới hạn lớn nhất chính là lòng dân.

Gần 50% dân Mỹ vẫn không tin rằng việc họ thải chất CO2 lại làm cho khí quyển Trái Ðất nóng hơn! Họ không tin như vậy thì không những chính phủ sẽ khó thuyết phục họ hạn chế họ tiêu thụ than và dầu, mà càng khó hơn nếu muốn dùng tiền đóng thuế của họ để giúp dân Á Châu, Phi Châu tiết kiệm năng lượng! Dân Mỹ đã quen dùng điện, hơi đốt để sưởi hồ bơi, chạy máy lạnh, lái xe, cắt cỏ, hành động nào cũng thải CO2 cả, thải nhiều nhất là các nhà máy điện dùng than. Làm sao can ngăn họ được? Hiện nay tiểu bang California đang dẫn đầu nước Mỹ, và thế giới, trong việc sử dụng điện mặt trời, nhưng không phải người Mỹ nào cũng thích những kỹ thuật mới lạ như dân California!

Cho nên trong ngày Thứ Sáu này, chúng ta không hy vọng ông Obama và ông Hồ Cẩm Ðào gặp nhau sẽ vui vẻ như tháng trước gặp ở Bắc Kinh. Khi đó, hai ông đều lên tiếng hứa hẹn hai nước sẽ hợp tác cùng hạn chế khí CO2 thải vào không khí. Nhưng bây giờ là lúc đi vào chi tiết, cả hai đều sẽ ngập ngừng. Nếu kết quả hội nghị chỉ là nói suông chứ không cam kết điều gì cụ thể, Mỹ sẽ đổ lỗi tại Tàu và Tàu sẽ đổ tội cho Mỹ!



No comments: