Wednesday, December 16, 2009

CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH : CƠ HỘI KHÔNG THỂ BỎ LỠ

Cơ chế phát triển sạch: cơ hội không thể bỏ lỡ
Anh Đức
16/12/2009 - 12:27
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-s%E1%BA%A1ch-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-b%E1%BB%8F-l%E1%BB%A1
“Việt Nam chưa hiểu hết tiềm năng và cơ hội to lớn của các dự án CDM (cơ chế phát triển sạch)”. Đó là nhận định của kỹ sư môi trường và công nghệ sinh học Nguyễn Thị Mỹ, Việt kiều Úc, đã nhiều năm làm việc tại Việt Nam. Bà dành cho Bay Vút cuộc phỏng vấn về CDM và biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ: Theo thông tin từ Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thì các dự án CDM (cơ chế phát triển sạch) ở Việt Nam đã đăng ký được 1,2 triệu CERs (đơn vị giảm phát thải được chứng nhận - Certificated emissions reduction) trong tổng số 329 triệu đơn vị CERs mà các nước được đăng ký thực hiện tính đến nay.
Con số này quá nhỏ bé, nếu so với hơn 193 triệu đơn vị CERs mà Trung Quốc được trao quyền, và cũng rất khiêm tốn nếu so với các nước phát triển khác.
10 năm trước, với tư cách là kỹ sư trưởng về Môi trường của công ty SMEC (Úc), bà Nguyễn Thị Mỹ đã xin được 200 ngàn đô la Úc của chính phủ Úc trong chương trình hợp tác môi trường Úc - ASEAN để cùng UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện mô hình mẫu CDM. Đây là mô hình phân loại rác từ nguồn và xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh.

Bay Vút: Nhận xét chung của bà về tình hình triển khai các dự án CDM ở Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Đa số các dự án CDM của Việt Nam thuộc loại thủy điện, dầu khí và một số về xử lý nước thải của các bãi rác lớn trước đây ở thành phố Hồ Chí Minh như Phước Hiệp, Đông Thạnh và nhà máy sản xuất tinh bột.
Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy xử lí rác quá tốn kém và tập trung về cuối nguồn có thể gây nên tình trạng quá tải. Trong khi đó, các chương trình phân loại và xử lí rác từ đầu nguồn không được thực hiện.
Tương tự, tập trung xử lí nước thải về một nguồn vừa lạc hậu, vừa tốn kém, và tiêu hao quá nhiều năng lượng để nhà máy đó vận hành. Trên thế giới bây giờ không ai đi theo hướng đó.
Gần đây, theo nguồn tài trợ ODA của chính phủ Pháp, dự án xử lí rác đầu nguồn được triển khai ở Hội An theo đúng mô hình mà tôi đã làm 10 năm trước ở Tiền Giang.

Bay Vút: Bà có thể nói cụ thể hơn về ích lợi kinh tế của việc đầu tư vào các dự án CDM?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Mỗi tấn CO2 giảm phát khi được công nhận (certificated) có giá khoảng 10-14 Euros (thay đổi theo thị trường cung cầu).
Mô hình CDM ở Tiền Giang mà tôi thực hiện cho thấy tiềm năng to lớn trong việc giải quyết vấn đề rác thải đô thị, đồng thời mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển bền vững như: cắt giảm sử dụng xăng dầu và tiêu hao thiết bị máy móc của Công ty công trình đô thị; tạo nhiều việc làm từ thu gom phế phẩm để tái chế; tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ rất cần thiết cho nông nghiệp và xuất khẩu nông sản sạch; bảo vệ môi trường thông qua việc giảm khí thải gây biến đổi khí hậu; thu nguồn ngoại tệ từ quyền bán khối lượng giảm khí thải.
Do đó, tôi mong muốn những dự án CDM về xử lí rác thải và nước thải đô thị được mở rộng, người dân cũng sẽ được hưởng lợi ích kinh tế nhiều nhất từ quyền bán khối lượng giảm phát thải khí CO2 và MH4, là hai khí gây hiệu ứng nhà kính.
Các nước công nghiệp cũng hưởng lợi khi mua bán chỉ tiêu giảm phát thải. Ví dụ ở Úc, để giảm được một đơn vị carbon đòi hỏi chi phí cao hơn nhiều so với thực hiện tại một nước đang phát triển như Việt Nam.

Bay Vút: Theo bà thì việc triển khai các dự án CDM ở Việt Nam đang vướng mắc ở khâu nào?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Cái thiếu nhất là chiến lược quốc gia. Việt Nam cần phải hiểu và coi chương trình CDM như là chính sách, chiến lược hành động để đạt được mục tiêu phát triển sạch và bền vững. Điều đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam là nhà nước giao phó cho các địa phương, hoặc những dự án riêng lẽ.
Hiện tại, một số các địa phương đã ký thỏa thuận hoặc hợp đồng với các công ty (nước ngoài hoặc liên doanh) cho các dự án này. Tuy nhiên, còn rất nhiều nơi khác thì không đủ trình độ hay năng lực, hoặc tin tưởng để thực hiện, nên họ bỏ qua.
Khi tôi đặt vấn đề với một số lãnh đạo địa phương, họ nói cái đó rất hay, rất thiết thực nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Họ cũng sợ phải nhập những máy móc thiết bị tốn tiền và không tin rằng rác thải có thể xử lí từ đầu nguồn!

Bay Vút:
Nói về hoạt động của đoàn Việt Nam ở Copenhagen, bà có cho rằng cách thức chuẩn bị và thông điệp được đưa ra là hợp lý?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Việt Nam đã mang đến những hình ảnh về hậu quả đang hiển thị của biến đổi khí hậu trên lãnh thổ nước mình, kèm theo đó là những biện pháp thích ứng trước mắt. Điều đó cần, nhưng tôi cho rằng nó mang tính đối phó, không phải mục tiêu chính.
Tôi đã có kiến nghị và góp ý với phái đoàn cũng như quan chức môi trường Việt Nam về trọng tâm nên hướng tới của Việt Nam. Nhưng rất tiếc là chưa nhận được hồi âm. Đề xuất của tôi là hướng vào mục tiêu cắt giảm lượng khí thải - chủ nhân của biến đổi khí hậu, thay vì chú trọng đến biện pháp đối phó - hệ quả của vấn đề.
Tôi tin rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để thực thi các dự án CDM trên các lĩnh vực then chốt như: năng lượng sạch, xử lý rác thải và nước thải, cắt giảm sử dụng xăng dầu, đầu tư về giao thông công cộng và giao thông thủy, đầu tư cho bảo quản nông sản và thủy hải sản, thay thế nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ giá rẻ và tiêu hao ít năng lượng…

Bay Vút: Như vậy, CDM là mục tiêu quan trọng cho sự phát triển bền vững?
Bà Nguyễn Thị Mỹ: Đúng thế! Tôi rất tâm đắc với bài viết gần đây trên Bay Vút đề cập tới sự chia rẽ giữa các nước đang phát triển tại Hội nghị Copenhagen. Tôi cho rằng, các nước đang phát triển cần xác định rõ kiến nghị, đó là: nguồn hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp các họ giảm lượng phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu lấy từ đâu?
Tôi tin CDM chính là câu trả lời cả trước mắt và lâu dài. Các nước đang phát triển không thể và không nên tiếp tục chạy đua công nghiệp theo lối cũ của các nước đã phát triển. Công nghiệp hóa ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và cứ đà này thì cả Việt Nam trong tương lai gần sẽ làm nhanh quá trình cạn kiệt nguồn năng lượng tự nhiên mà dầu khí được dự đoán là sẽ hết trong vòng 30 năm tới.

Bay Vút:
Xin cảm ơn bà!


No comments: