Một món đồ chơi
Bông Súng
Đăng ngày 2-12-2009
http://danchimviet.com/articles/1743/1/Mt-mon--chi/Page1.html
Tôi có chút tản mạn về một món đồ chơi rất là giản dị, dân tộc naò cũng có. Một thứ đồ chơi mà vật liệu làm ra nó rất đa dạng tù thô sơ như đá, đất sét, gỗ, xương, vải, và giấy, sau nầy là sành sứ, cao su, nhựa v.v... Mónđồ chơi nầy có lẽ là thứ có từ buổi ban đầu nền văn minh của nhân loại. Một thứ đồ chơi nó mang bản sắc văn hoá, nó mang biểu tượng đẹp, và nó không chỉ là đồ chơi của trẻ con mà còn có giá trị sưu tập trong bảo tàng viện để nói lên lịch sử và văn minh riêng của mỗi dân tộc ở mỗi giai đoạn khác nhau. Món đồ chơi đầy màu sắc và ý nghiã đó không gì sánh hơn là con búp bê. Ngày nay, ở VN với sự “sáng tạo”, chúng ta không những có búp bê bằng nhựa đơn giản thánh thiện cho trẻ thơ, bên cạnh còn có những "búp bê" bằng xương thịt, biết nói, biết làm tình. Một thứ "búp bê" quà cáp của giới trẻ đại gia, sản phẩm thời đương đại của VN hiện nay, đang làm đau lòng các bậc cha mẹ, làm hổ thẹn cho những người làm công tác giáo dục, đau đầu những vị thẩm quyền có lương tri.
Nhớ lại thời gian miền Nam vừa mới bị “giải phóng” xong, cậu tôi cũng như bao nhiêu người khác đã tập kết ra Bắc theo CS vào lại miền Nam để tìm lại thân nhân. Cái món quà mà cậu tôi mang vào không gì lớn hơn có thể so sánh là niềm vui đoàn tụ, má tôi gặp lại cậu tôi sau bao nhiêu năm trời xa cách. Trước ngày cậu tôi ra lại Bắc, mẹ tôi sắm thật nhiều quà. Dĩ nhiên, có vài món đồ chơi cho mấy con cậu tôi là hai con búp bê nhựa, và một quả bóng hơi làm bằng nhưạ, những thứ đồ chơi rẻ tiền cho trẻ con thường thấy treo lủng lẳng ở các tiệm tạp hóa ở khắp Sài Gòn thời đó. Cũng không phải cá biệt chỉ riêng má tôi mua làm quà, những con búp bê nhựa bận áo bà ba hoa hoè, hoặc bận áo đầm nhỏ xinh xinh với mắt nhắm khi để nằm và mắt mở khi để ngồi hay đứng, mà hầu như ai đi ra lại Bắc cũng mua vài con để làm quà, kể cả những anh bộ đội về lại quê sau ngày "giải phóng".
Ngày đó tôi chưa ý thức được món đồ chơi vô hồn tầm thường nhưng bên trong chứa một gía trị nhân bản. Nó gợi cho trẻ con tấm lòng nhân ái, biết thương người, biết săn sóc qua trò chơi gia đình chị em với búp bê. Nó tạo ra một phản xạ tâm lý lành mạnh cho trẻ con, giúp trẻ con phát triển ngôn ngữ, sự tưởng tượng và nhân cách để lớn lên trở thành một người quan tâm đến xã hội và những người xung quanh. Hình ảnh búp bê vô hồn không chỉ là đồ chơi con nít, nhưng với giới trẻ nó còn phản ảnh qua một hình ảnh tình yêu trong sáng hồn nhiên của thanh thiếu niên ca hát trong những phong trào du ca, phong trào sinh hoạt hướng đạo, gia đình phật tử, tổ chức thanh niên hồng thập tự, thanh niên công giáo… Một thời con búp bê với tâm hồn trong sáng được diễn tả bởi bài hát “búp bê vô hồn” qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan. (một trong những danh ca của phong trào nhạc trẻ thời trước 1975). Một thời sinh hoạt trăm hoa đua nở, sôi động của giới trẻ mang tâm nguyện phục vụ xã hội, đất nước, mà rất tiếc lúc đó tôi còn quá nhỏ để được hoà nhập vào sự năng động lớp trẻ đàn anh đàn chị thời đó, và những sinh hoạt đó chỉ có thể có và bảo đảm trong một xã hội tự do và dân chủ.
Qua hơn ba mươi năm đất nước VN dưới chế độ CS, lòng người thay đổi kỳ lạ, lối chơi cũng có khác. Một lớp trẻ dựa vào “hồng ân”, đặt quyền, những đại gia trẻ giàu tiền lắm của bày ra trò “lễ nghĩa” cũng khác thường. Họ tặng nhau cái trò chơi lăng mạ trên thân phận một con người. Một con “búp bê” bằng xương thịt, được gói ghém bên ngoài bằng cái hộp màu mè, lịch sự gọi là quà sinh nhật. Không lẽ tiền bạc tư bản đã làm cho họ mất đi thị giác, không thấy được bên dưới cái phấn son giả tạo lòe loẹt là một thân phận sỉ nhục của một con người. Nếu nói đây là con “búp bê thiếu vải che thân“ là tự nguyện vậy họ là đám người đã mất cả lương tri. Không lẽ cái đám người may mắn hơn những tầng lớp nghèo khổ khác, được hưởng thụ dồi dào bơ sửa tư bản đã làm họ mất cả khứu giác và vị giác, họ thích hưởng thụ luôn cả cái mùi thối rửa, vị nhơn nhớt của một thân thể vô hồn ướp bởi những thứ nước hoa rẻ tiền. Họ không còn là con người bình thường đáng để tôn trọng. Ngày nay, VN với văn hoá suy đồi, nền giáo dục bế tắc, du nhập bắt chước cả sự xấu lẫn sự tốt một cách hỗn loạn từ bên ngoài là di hại xâu xa của cái gọi là cuộc cải cách ruộng đất, đã làm đảo lộn cả một trật tự xã hội, phá bỏ nền đạo lý 4000 nghìn năm của dân tộc thay vào đó là một chủ nghĩa CS vong bản, phi nhân do đảng CS phát động cách đây đúng 50 năm. Có một câu nói đúng: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, của một người có lẽ đối với tôi cũng không còn quan trọng để nhắc tên, có lẽ là cái thời gian cần 50 năm nữa để con người VN phục hưng lại nhân vị đã mất từ cuộc CCRĐ.
Với tôi, mong ước câu nói trên sẽ sai hoàn toàn, thời gian sẽ rút ngắn, nếu giới trẻ VN biết mạnh dạn từ bỏ những trò chơi thác loạn, vô bổ, những thói hư tật xấu; biết mạnh dạn tham gia vào xã hội để đòi hỏi thực thi quyền căn bản của con người một cách đầy đủ; biết bảo vệ nhân phẩm và tôn trọng cuộc sống những người xung quanh; biết đòi hỏi trách nhiệm, qui trách nhiệm và thực thi công lý rõ ràng; và từ bỏ cái ý thức hệ CS mà nhân loại tiến bộ đã ném nó vào trong sọt rác cách đây 20 năm. Hy vọng lớp trẻ VN xây dựng được một đất nước VN huy hoàng trong tương lai.
© Đàn Chim Việt Online
No comments:
Post a Comment