Wednesday, December 23, 2009

LUẬT ĐẤT ĐAI MỚI, TREO LƠ LỬNG ĐẾN BAO GIỜ ?


Luật đất đai mới, treo lơ lửng đến bao giờ?
Bùi Tín viết riêng cho VOA
22/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-23-voa6.cfm
Đã hơn 2 năm nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai đã nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội trong nước.
Trong báo cáo của Ban pháp luật của Quốc hội cũng như trong báo cáo của bộ trưởng phát triển nông thôn Cao Đức Phát trước quốc hội, việc sửa đổi bổ sung Luật đất đai hiện hành đã trở nên cần thiết và cấp bách.

Trên báo chí trong nước đã có nhiều loạt bài báo động về hiện tình nông dân, nông thôn và nông nghiệp. Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có những phát biểu mạnh mẽ, tâm huyết về hoàn cảnh bi đát của nông thôn và nông dân nước ta trong thời đổi mới. Nào là nông dân đang bị bỏ rơi, bạc đãi; về môi trường nông thôn đang là bãi rác khổng lồ; giáo dục và y tế ở nông thôn sa sút thảm hại; nạn ly nông diễn ra không có cách gì ngăn chặn; nông dân bỏ ruộng đồng để thành lao động làm thuê và dân cửu vạn; ruộng đất của nông dân đang bị tước đọat, cướp bóc không thương tiếc, bọn cò đất và cường hào mới ở nông thôn lộng hành ngang nhiên. Có những tiếng nói phẫn uất phê phán đảng cộng sản đã phản bội liên minh công nông, bạc đãi người bạn đồng minh chiến lược của giai cấp công nhân, chiếm hơn 70% số dân nước ta.

Hiện nay kiện cáo và khiếu kiện ở trong nước phần rất lớn là liên quan đến ruộng đất. Dân oan kêu cứu ở khắp nơi là nông dân bị tước đoạt ruộng vườn, nhà cửa.
Những vấn đề thực tiễn như thu hồi và bồi thường ruộng đất, tái định cư, khung giá đất, quy hoạch xử dụng đất, giao đất, đất tách hộ, cho thuê đất, tranh chấp đất đai, vấn đề chủ quyền và thuê, chuyển quyền xử dụng đất ... đang là một mớ bòng bong phức tạp, bất công, phi lý, bắt nguồn từ điều phi lý gốc là tước đoạt quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất.

Ngay tại quốc hội, nhiều đại biểu yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung thật cơ bản, một loạt nội dung trong Luật đất đai hiện hành, được thực hiện từ năm 1987, đã qua 3 lần bổ xung, sửa đổi (năm 1993, 1998 và 2003). Nhiều đại biểu tán thành ý kiến chung toàn xã hội yêu cầu thảo hẳn một Luật mới về đất đai. Năm 2008 Quốc hội đã ghi trong chương trình làm luật năm 2009 của mình ở hàng đầu là Luật đất đai.

Nay đã sắp sang năm 2010, vấn đề cực kỳ trọng đại và cơ bản, cấp bách này vẫn chưa được giải quyết! Vì sao vậy?

Cuộc họp cuối năm của quốc hội kỷ 6 khoá XII đã bế mạc cưối tháng 11. Một loạt bộ luật mới được thông qua. Đó là Luật về người cao tuổi, Luật về khám chữa bệnh, Luật viễn thông, Luật tần số Vô tuyến điện và Luật dân quân tự vệ...
Hai bộ luật mà xã hội sốt ruột, mong đợi, ngóng trông nhất là Luật đất đai và Luật báo chí không thấy tăm hơi đâu cả!

Trong kỳ họp 5 khoá XII tháng 6-2009, quốc hội chỉ mới sửa có một điểm trong điều 121 trong Luật đất đai hiện hành, quy định cho người Việt ở nước ngoài về nước để đầu tư, người có công đóng góp cho đất nước, là nhà văn hoá, nhà khoa học được sở hữu nhà ở trong nước, kèm theo lời hứa sẽ sớm sửa đổi căn bản, đồng bộ bộ luật đất đai hiện hành. Kỳ họp vừa qua đã quên (!) mất lời hứa ấy.

Thì ra bộ chính trị độc quyền cai trị đất nước lo sợ rằng cuộc thảo luận để sửa căn bản, sửa đồng bộ Luật đất đai hiện hành có thể dẫn đến những đòi hỏi chính đáng của nông dân, của nhân dân, của toàn xã hội. mà họ không thể từ chối, nhưng họ một mực không muốn thực hiện.

Đó là quyền sở hữu tư nhân về nhà đất được phổ cập trên toàn thế giới hiện nay, là quyền sở hữu tư nhân về nhà đất tồn tại từ ngàn xưa, được công nhận suốt thời kỳ phong kiến, qua thời kỳ thực dân Pháp, quyền sở hữu chính đáng, thiêng liêng ấy đã bị đảng cộng sản tịch thu, qua nội dung xác định đất đai là "thuộc quyền sở hữu của toàn dân", nhưng toàn dân là những ai, thì không thể xác định, nên nhà nước của đảng cộng sản đành (!) đứng ra làm chủ vậy.

Mời các bạn đọc lại bài viết của em sinh viên năm thứ 2 khoa Luật Đỗ Thuý Hường về đề tài cực kỳ hệ trọng và lý thú này. Em Hường nhận xét rằng chỉ qua một dòng chữ, những người không hề giỏ một giọt mồ hôi khai phá đồng ruộng bỗng ngang nhiên làm chủ toàn bộ đất đai của nước ta. Không có gì phi lý bằng!

Năm 2010 là năm chuẩn bị cho đại hội đảng CS thứ XI, cho nên việc sửa đổi bổ sung căn bản đồng bộ Luật đất đai sẽ còn có thể bị bộ chính trị treo lơ lửng trên đầu xã hội, trên đầu bà con nông dân ta, chưa biết treo đến bao giờ!
Trừ phi toàn thể xã hội Việt Nam, toàn thể Nông dân Việt nam ta thức tỉnh và đòi hỏi quyết liệt bộ chính trị phải giữ đúng lời hứa.
Trừ phi xã hội công dân vừa hình thành trong nước ta, dẫn đầu bởi mấy nghìn trí thức dân tộc - được cả một lớp sinh viên trẻ ngưỡng mộ - yêu thật lòng nước mình, thương thật lòng nông dân mình, cất tiếng mạnh mẽ với lý lẽ đầy đủ và chặt chẽ. Lời nói phải, củ cải cũng phải nghe, huống gì là bộ chính trị. Tại sao đã trả lại quyền sở hữu tư nhân về cửa hàng, kho hàng cho thương nhân, trả lại quyền sở hữu tư nhân về xưởng máy cho nhà kinh doanh công nghiệp, lại không chịu trả lại quyền sở hữu tư nhân vế ruộng đất, ao hồ cho nông dân?
Trừ phi ngay trong quốc hội có một số đại biểu tâm huyết với dân, đau nỗi đau của dân, của nước, cùng chung nhịp đập của tim, cùng chung tần số của trí não với giáo sư Võ Tòng Xuân và nhà văn - nhà báo Nguyễn Quang Thiều khi nhìn thấy rõ bi kịch thảm thương của nông dân, nông thôn, nông nghiệp nước ta giữa thời gọi là đổi mới.

Năm 2010 phải là năm của Đấu tranh và Hy vọng !

Paris, 21-12-2009.


No comments: