Wednesday, December 9, 2009

KHI THANH NIÊN VIỆT LÊN TIẾNG BẢO VỆ TỔ QUỐC

Khi thanh niên Việt lên tiếng bảo vệ tổ quốc
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Tuesday, December 08, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105264&z=2

Kỷ niệm 2 năm ngày biểu tình Trường Sa-Hoàng Sa
Xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn, ngày 9 tháng 12 năm 2007


SÀI GÒN (NV) - Ðúng ngày này, hai năm trước, hàng ngàn sinh viên ở cả hai đầu nước Việt Nam nườm nượp xuống đường biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và phản đối việc Trung Quốc dự định lập huyện đảo Tam Sa. Cuộc biểu tình tự phát có một không hai gây tiếng vang to lớn và vẫn còn ảnh hưởng tới ngày hôm nay. Nhiều người từng trực tiếp tham gia cho rằng cuộc biểu tình này dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của giới trẻ, trong nhận thức của người dân, và cả trong hành động của nhà cầm quyền.
Biến cố thúc đẩy thanh niên Việt Nam lên tiếng đòi biểu tình là một quyết định của Quốc Hội Trung Quốc thành lập Tam Sa. Theo tin tức nhận được khi đó, Tam Sa sẽ là một thành phố cấp huyện, thuộc tỉnh Hải Nam, có thẩm quyền với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) của Việt Nam. Cùng lúc đó, xuất hiện nhiều hình ảnh bản đồ Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Ðông theo đường “lưỡi bò.” Hai tin tức trùng hợp này lan tràn nhanh chóng trên Internet, gây phẫn nộ trong giới dùng Internet nhiều nhất tại Việt Nam, là thanh niên sinh viên.
Nguyễn Ðình Thắng là một thanh niên đã tham gia cuộc biểu tình tại Sài Gòn ngày Chủ Nhật 9 tháng 12 năm 2007. Anh thú nhận, “lúc đầu cũng không nghĩ là có biểu tình.” Ðến khi ra tận nơi, thấy sinh viên tập trung rất đông, Thắng mới thấy cuộc biểu tình có diễn ra thật và anh nhập cuộc.
Tới sớm hơn Thắng là Thảo, một nữ sinh viên cũng biết về cuộc biểu tình qua các trang blog. Thảo cho báo Người Việt biết cô tham gia vì biển Ðông “là vấn đề em quan tâm.” Thảo tới sớm, tới từ trước 8 giờ, trong khi lời kêu gọi biểu tình lúc 9 giờ sáng.
Ngay từ lúc gởi xe cách địa điểm biểu tình khoảng 50m, đi bộ tới, cô đã thấy không khí “cũng lạ kỳ lắm. Quang cảng thì bình thường, nhưng con người bất bình thường.”
Tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc nằm tại số 39 Nguyễn Thị Minh Khai, tức là gần ngã tư Hồng Thập Tự và Duy Tân cũ. Ngay từ lúc đi bộ qua số 4 Phạm Ngọc Thạch (Nhà Văn hóa Thanh Niên), Thảo đã nhận thấy “có nhiều nhóm người, vừa công an, vừa thường dân.” Phía trước Tòa Tổng Lãnh Sự chưa có ai. Thảo đứng quan sát.
Ðược một lúc, Thảo thấy có nhóm chăng cờ, có nhóm rút biểu ngữ trong túi ra. Lúc đó họ mới biết mặt nhau, mới biết là có sự hưởng ứng cho lời kêu gọi biểu tình, và cùng kéo về hướng Tòa Tổng Lãnh Sự.

Ngăn cản
Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn sinh viên đừng tham gia. Trong một công văn ký ngày Thứ Sáu, Tiến Sĩ Hà Quang Thụy - hiệu phó Ðại Học Công Nghệ thuộc Ðại Học Quốc Gia Hà Nội yêu cầu: “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của đảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương trên”.
Trong công văn, chủ trương của nhà cầm quyền Việt Nam được mô tả là: “Mong muốn tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế”.
Người dân cũng nhiều người lo ngại vụ biểu tình. Thảo kể rằng cô đã “được cảnh báo trước là không nên đi.” Những lời cảnh báo này đến từ người thân, bạn bè; họ lo ngại là cô sẽ “bị để ý, bị gây khó khăn.”
Một số người bị yêu cầu đích danh không tham gia. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, lúc đó còn tự do, viết trên mạng rằng vào hôm Thứ Bảy, “an ninh, công an, đảng ủy quận, phương đến gia đình mình để ‘vận động’ mình không tham gia biểu tình.” Những người này tố cáo Trung là “có âm mưu kích động” cuộc biểu tình.
Nhạc sĩ Tô Hải, đã 80 tuổi, cũng cố gắng đến tham gia biểu tình nhưng bị chặn lại từ ngoài, không được cho vào.
Ngay tại địa điểm biểu tình, Thảo nhận thấy có một số giảng viên đại học được phái đến để “khuyên can sinh viên.”

Ðám đông nườm nượp
Bất kể ngăn chặn, rất nhiều thanh niên tham gia biểu tình. Ở Hà Nội, hơn 500 người tụ tập đối diện Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại số 46 Hoàng Diệu. An ninh mặc thường phục lẫn cảnh phục đứng dàn rất đông trước cửa tòa đại sứ và trong lòng đường Hoàng Diệu. Ðường phố chung quanh tòa đại sứ bị chặn lại không cho xe vào.
Tại đây, theo lời kể của blogger Người Buôn Gió, có lúc một người cầm loa nói: “Yêu cầu mọi người giải tán, việc này đã có chính phủ Việt Nam và Trung Hoa giải quyết.” Blog Người Buôn Gió kể: “Câu nói trịch thượng này khiến đám đông phẫn nộ, họ phản đối nhao nhao:
- Giải quyết gì, 30 năm nay rồi có giải quyết gì đâu.
- Không giải tán, quyền gì mà bắt chúng tôi giải tán.”

Tại Sài Gòn, “khi người đã bắt đầu đông rồi thì công an chặn lại không cho vô thêm nữa,” Thắng kể. “Có một số bạn đi ra mua nước uống, lúc quay về không trở vào trong được.”
Ðiều Thắng nói cũng giống lời kể trên blog “Công Lý và Sự Thật” của Tạ Phong Tần. Trên blog, cô cho biết một số thanh niên đi mua nước không được vào lại, nên thùng nước phải xé ra và từng chai nước được chuyển riêng lẻ vào trong.
Trong số những người ra sớm là Phan Thanh Hải, một luật gia mới xong giai đoạn tập sự và cũng là blogger Anhbasg. Hải nổi tiếng vì đoạn băng thu thanh tiếng Hải cố vấn cho sinh viên Kim Duy khi anh bị công an tịch thu xe, đòi khám nhà, đòi kiểm tra hộ khẩu, chỉ vì Kim Duy vẽ tranh biếm họa chống Trung Quốc xâm lược.
Hải kể lại cho báo Người Việt: “Buổi sáng, tôi tới ngồi cà phê hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch cùng với nhóm văn nghệ sĩ, sau đó mọi người cùng rủ nhau đi.” Lúc Hải đến nơi thì vẫn còn vắng. Hải cũng thấy người này người nọ nhưng “không ai biết ai vì blog đâu ai biết mặt ai.”
Nhóm của Hải đứng bên ngoài Nhà Văn hóa Thanh Niên, chờ. Lúc đó, Hải thấy một nhóm người lấy ra một lá cờ Trung Quốc. Họ trải lá cờ xuống đất rồi thò chân giẫm lên, và chụp hình. Hải cũng ghé vào, xin được thò chân đạp lên chụp hình. “Chụp được vài tấm thì xuất hiện vài anh bảo vệ chỉ trỏ 'Sao lại làm chuyện này.'” Họ bảo, “Tại sao cờ nước người ta lại giẫm lên?”
Lời qua tiếng lại, những người dân quân quay vào trong, có vẻ nhưng kêu thêm người. Một người bèn nhét lá cờ vào giấu vào đế giầy rồi lết đi. Lúc đó, cả nhóm cùng kéo về phía Tòa Tổng Lãnh Sự.
Ðám người biểu tình mỗi lúc mỗi đông. Bên kia đường, công an, cảnh sát chặn lại. Họ cấm, “Không được qua đây.” “Không được chụp hình.” Hải cãi, “Có bảng cấm chụp hình không?”
Nhưng rồi đoàn biểu tình cũng đồng ý đi qua bên kia đường, phía đối diện Tòa Tổng Lãnh Sự. “Mỗi người móc đồ chơi ra,” Hải kể. Nhiều người phất cờ. Rất nhiều biểu ngữ tự vẽ, và một số tranh biếm họa. Từ bên trong Tòa Tổng Lãnh Sự, một số nhân viên Trung Quốc chụp hình ra.
Biểu ngữ viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Hoa, tất cả đều một nội dung tương tự nhau:
“Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam.”
“Ðảo Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam chúng tôi!!”
“Trung Quốc ngưng ngay hành động xâm lược.”
Nhà thơ Thận Nhiên, Việt kiều Mỹ, mặc áo thun với dòng chữ viết tay: “Môi Việt Nam thì mềm, răng Bắc Kinh là răng cá mập.”
Áo của nhà thơ Lynn Bacardi có dòng chữ, cũng viết tay: “Ðừng để chúng cắt rời H.Sa và T.Sa ra khỏi thân thể đất nước.”
“Không khí rất hào hùng phấn khởi,” Thắng kể. “Nó cứ như mọi người bị đè nén lâu rồi, muốn nói cũng không được nói,” bây giờ bùng ra.
Blogger Hồ Lan Hương viết rằng không khí rất “náo nhiệt.” Cô viết: “Trái tim của từng người nơi này rung lên niềm tự hào con dân nước Việt. Chúng tôi tất thảy đều căm phẫn bọn cầm quyền Bắc Kinh, sự căm phẫn được thoát ra từng lời hô khẩu hiệu, từng lời hát thúc giục lên đường chống lại bọn xâm lăng.”
Nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính quyền thành phố, phó chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân Nguyễn Thành Tài, kêu gọi thanh niên bỏ hàng biểu tình, vào hội trường Nhà Văn hóa Thanh Niên nghe ông nói chuyện. Một số người đi theo, nhưng cũng nhiều người nhất định không đi, ở lại biểu tình. Phải đến sau 1 giờ trưa, cuộc biểu tình tự phát mới vãn.

Phản ứng: Thẩm vấn, bỏ tù

Sau một ngày tung cảnh sát, công an dàn trải khắp chỗ biểu tình nhưng không ngăn chặn gì, nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu siết mạnh.
Có người cho rằng Việt Nam phản ứng mạnh vì nhu cầu ngoại giao với Trung Quốc. Hai ngày sau vụ biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương như vậy.”
Trên thực tế, công an Việt Nam đã áp dụng biện pháp mạnh ngay từ hôm biểu tình. Cô Thảo kể, “Không cần chờ mấy hôm đâu, ngay hôm đó em vừa lấy xe ra là có người đến yêu cầu em về đồn công an phường ở chỗ đó rồi.” Cô không chịu, bảo, “Em đi từ sáng đến giờ chưa ăn gì, bây giờ phải ăn trước rồi đi đâu mới đi.”
Người công an bèn nói, về đồn, họ mua cơm cho ăn. Không còn lý do để từ chối, cô đành theo họ về đồn.
Tại đây, một sĩ quan công an nói chuyện nhã nhặn, “có ý muốn em cung cấp thông tin, nhưng em nhất quyết từ chối,” cô kể lại. Xong, đi về, tưởng rằng thế là hết.
Một ít lâu sau, Thảo bắt đầu vào làm việc tại VietNamNet. “Mới vào làm, đã có mấy ông công an đến nói chuyện với sếp. Vậy là tự nhiên em nổi tiếng,” Thảo nói. “Sếp lúc đầu thấy vậy cũng muốn đuổi em, nhưng sau lại thôi.” Một năm sau, Thảo nghỉ làm ở VietNamNet, qua làm một công ty khác, thì không thấy công an làm gì.
Ðó là nhẹ. Ở Hà Nội, nhà văn Trang Hạ viết trong blog mình rằng cô bị công an phường bắt giữ gần 12 tiếng đồng hồ vì phát đề can in chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.”
Ở Sài Gòn, blogger Ðiếu Cày bị công an kêu lên kêu xuống nhiều lần, rồi cuối cùng bị bắt và bị kết án tù 2 năm rưỡi với tội danh trốn thuế, mặc dù quá trình tố tụng hoàn toàn đi ngược với thủ tục đối với tội danh này.
Nhà thơ/blogger Uyên Vũ từ sau vụ biểu tình bị công an tới thăm sở làm, rồi bị mất việc từ đó tới nay.
Phan Thanh Hải thì “ngay từ khoảng đó đã có công an khu vực tới tâm sự rồi.” Sau đó chừng một tuần có giấy mời, cũng là lúc giới blogger đang chuẩn bị cuộc biểu tình thứ nhì. Hải kể rằng anh “la ầm ĩ,” bảo với công an rằng “không đi đâu hết, không có mời mọc gì hết” - vì giấy mời là mời lên làm việc ngày Chủ Nhật, mà Chủ Nhật là ngày đã định đi biểu tình đợt nhì rồi. Hải nhất quyết không lên đồn như trong giấy mời.
Vài tháng sau, Hải thi đậu kỳ thi kết thúc tập sự luật sư. Ðoàn Luật Sư Thành Phố thông báo kết quả, mời dự lễ kết nạp. Nhưng cuối cùng thì chứng chỉ và thẻ luật sư bị Bộ Tư Pháp giữ lại. Sau nhiều lần khiếu nại qua lại, Bộ Tư Pháp mới có công văn, không gởi cho Hải mà gởi cho Ðoàn Luật Sư, nêu lý do Hải “biểu tình gây phá rối trật tự” và “lợi dụng quyền luật sư” ngược lại quyền lợi nhà nước.

Biện pháp ngăn ngừa: Chặn Internet
Từ sau vụ biểu tình này, nhà nước Việt Nam càng quan tâm hơn nữa tới việc ngăn chặn thông tin bằng đường Internet. Cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 cũng như lần thứ nhì ngày 16 tháng 12 đều do giới blogger khởi xướng và kêu gọi bằng blog, bằng email, bằng diễn đàn điện tử.
Biết vậy, nhà nước bắt đầu siết chặt các blog, và họ làm vậy bằng cách siết chặt cá nhân các blogger. Blogger Ðiếu Cày bị bắt đi tù. Rất nhiều blogger bị kêu lên thẩm vấn.
Sinh viên Nguyễn Ðình Thắng cho biết anh không bị khó dễ gì, nhưng theo anh đó là vì anh không viết blog. “Những người hoạt động mạnh mẽ trên mạng đều gặp rắc rối,” Thắng nói.
Cho tới hai năm sau, nhà nước Việt Nam vẫn duy trì thái độ cứng rắn đối với người sử dụng Internet.
Vào Tháng Năm, năm 2009, doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt, cùng lúc với Luật Sư Lê Công Ðịnh, vì thông tin đưa trên trang blog Change we need.
Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung bị bắt vào Tháng Tám. Anh được biết nhiều với những bài viết trên mạng, trên các trang diễn đàn, cũng như trên trang blog cá nhân.
Nhà báo Huy Ðức, nổi tiếng với trang blog Osin, bị cắt hợp đồng với báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Hai blogger Mẹ Nấm và Người Buôn Gió cũng bị bắt rồi được thả vì bài viết trên Internet báo động về ảnh hưởng của Trung Quốc trong vụ khai thác bô-xít.
Nhạc sĩ Tô Hải vào Tháng Chín bị cắt Internet. Nhân viên hãng Internet nói thoái thác với ông rằng “đường dây bị mục nát cần sửa chữa.”
Tới gần đây, khi số người Việt Nam sử dụng trang mạng xã hội Facebook lên tới trên 1 triệu người, nhà nước Việt Nam bắt đầu chặn trang này.

Cuộc biểu tình ảnh hưởng tư duy người dân
Mặc dù người biểu tình bị gây khó khăn rất nhiều, tất cả những người từng tham gia biểu tình đều cho rằng việc làm của họ có tác động lớn tới người dân, tới thanh niên sinh viên.
Thắng cho rằng cuộc biểu tình “có ảnh hưởng.” Biến cố này “báo động đến người dân, những người không biết về Trường Sa Hoàng Sa thì bây giờ biết.” Thắng cũng cho rằng cuộc biểu tình đã tác động lên nhà cầm quyền, “gây áp lực lên chính quyền, làm cho họ không thể nhu nhược mãi.”
Ðối với thanh niên sinh viên, cuộc biểu tình của hai năm trước đã “đánh thức lòng yêu nước,” nhắc nhở họ là Trung Quốc rất mạnh, “từ đời nào tới giờ chuyên dùng vũ lực,” nhắc nhở đề phòng Trung Quốc và “dã tâm lấy hết biển Ðông,” theo lời Thắng.
Thảo cũng cho rằng cuộc biểu tình có mặt ảnh hưởng tích cực là “số người biết về lãnh thổ Việt Nam, về biển đảo, được nhân rộng ra.” Mặt khác, Thảo bi quan về phương pháp biểu tình. Cô cho rằng biểu tình khiến nhà nước phản ứng mạnh, “việc khác bị khó khăn.” Tuy nhiên, cô khẳng định cô “không có gì để tiếc,” vì mục tiêu yêu nước là chính đáng.
Thảo còn tiên đoán, nếu vụ Tam Sa xảy ra ngày hôm nay, “số lượng đi biểu tình sẽ đông hơn, một phần vì nhận thức cao hơn, một phần vì quan tâm nhiều hơn.” Cô nói, “Chưa đụng tới thì chưa đi,” chứ đụng tới thì thanh niên sinh viên sẽ đi.
Phan Thanh Hải đánh giá, “Cuộc biểu tình đem lại giải tỏa tâm lý và không khí hào hứng, phấn chấn cho rất nhiều người.” Cuộc biểu tình cho người ta cơ hội bộc lộ vụ “mất đất, mất biển, mất đảo.”
Hải còn cho rằng cuộc xuống đường Trường Sa - Hoàng Sa ngày 9 tháng 12 năm 2007 đã phá tan thành kiến về việc biểu tình. “Biểu tình ở Việt Nam là chuyện gì ghê gớm lắm,” Hải nói, nhưng nay thì khác. “Không còn là điều cấm kỵ nữa. Ở nước khác, khi mà người dân có một suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng muốn đề bạt lên thì họ đi biểu tình thôi.”
Cuộc biểu tình hai năm trước cũng mở ra hàng loạt thông tin. Nhà nước đã phải “công khai dần những chuyện biên giới,” theo Hải. “Người dân quan tâm nhiều hơn trước rất là nhiều.”
Bởi vì, theo lời người blogger lấy tên Anhbasg, “Trung Quốc là nỗi ám ảnh mấy ngàn năm với dân tộc Việt Nam.”



No comments: