Sunday, December 20, 2009

KBC HẢI NGOẠI HỘI NGỘ

KBC Hải Ngoại hội ngộ, nhớ thời chinh chiến
Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, December 19, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105778&z=1

Phương Hồng Quế ‘lên lon’ Hạ Sĩ Nhất sau 30 năm

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/105778-medium_kbca.jpg

WESTMINSTER (NV) - Ðêm Hội Ngộ của các KBC (đơn vị Bưu Chính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - QLVNCH) tại Nam California diễn ra trong không khí ấm cúng tại nhà hàng Paracel Seafood tối 18 Tháng Mười Hai vừa qua, do Nguyệt San KBC Hải Ngoại tổ chức.

Khoảng 400 cựu chiến sĩ thuộc các “KBC” (tức các đơn vị khác nhau) trước năm 1975, có mặt từ lúc năm giờ chiều. Ngay trước cửa nhà hàng, anh chị em cựu quân nhân tụ họp khá đông, thành từng nhóm. Họ ồn ào vui sướng, tay bắt mặt mừng, hàn huyên. Kỷ niệm, của thời chinh chiến, đã là chất keo gắn liền những người lính già, của một thời đã xa.

Nay, sau 34 năm “giã từ vũ khí,” các sinh hoạt ở hải ngoại cho thấy người lính QLVNCH vẫn là người đi tiên phong trong bất cứ cuộc tranh đấu nào, cho đất nước và dân tộc.
Khách quan tự hỏi, cả kim cổ đông tây, liệu có một quân đội nào sau khi rã ngũ hàng mấy chục năm trời mà tình lính với nhau vẫn còn nguyên vẹn? Tình của những người lính trong đêm hội ngộ KBC như chưa hề giải ngũ. Lòng của những người lính già vẫn nhắn nhủ nhau, hãy vì “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm.”

Nguyệt san KBC Hải Ngoại, trong dịp kỷ niệm bảy năm, nhấn mạnh chủ trương: “Trước Hiện Tại, Ngẫm Về Quá Khứ Ðể Nhìn Vào Tương Lai.” Chủ nhiệm Bồ Ðại Kỳ, niên trưởng đại tá Binh Chủng Không Quân, nói rằng: “Dù chúng ta đã mất nhiều thứ sau biến cố 1975, hàng ngũ chúng ta vẫn còn, dù có đôi chút xô lệch. KBC Hải Ngoại là một ‘sân chơi’ cho anh em chúng ta.”
Ông Bồ Ðại Kỳ phát biểu trong đêm hội ngộ: “Ở đây, chúng ta có thể gặp được cái nhìn của tất cả những người lính trong cuộc chiến Việt Nam, mỗi người một góc nhìn để chúng ta có thể nói lên được sự hy sinh của cả một thế hệ thanh niên miền Nam, mà vì sự chia sẻ sắp xếp của các thế lực quốc tế, chúng ta đành phải giã từ vũ khí, nhận lãnh trách nhiệm với dân tộc.”

Từ những ngày Cộng Sản Bắc Việt phát động cuộc xâm chiếm miền Nam, ở hậu phương, những cô gái tuổi xuân thì đã thành một đoàn ngũ “em gái hậu phương,” luôn luôn hướng về các anh trai nơi tiền tuyến. Em gái hậu phương có mặt trao những vòng hoa chiến thắng cho người lính vừa thắng trận trở về. Em gái hậu phương còn có mặt qua “Thư gửi người tiền tuyến,” qua những món quà Xuân trong “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ.”

Và hàng ngũ nữ nghệ sĩ thì tích cực hơn nhiều, không ngớt tham gia vào các cuộc văn nghệ tiền đồn. Tiếng ca của các em luôn vẳng đến nơi tiền tuyến. Thế nên, trong hàng ngũ ca sĩ thời VNCH lúc bấy giờ, đã có các nữ ca sĩ được các quân nhân coi là “ca sĩ của lính,” như Ngọc Minh, như Mai Lệ Huyền, như Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Phương Hồng Quế...

Ðặc biệt, một số nữ ca sĩ còn được các đơn vị trưởng gắn cho cấp bậc danh dự trong quân đội. Ca sĩ Phương Hồng Quế cho đến nay vẫn luôn có mặt sinh hoạt với anh em cựu chiến sĩ QLVNCH. Và trong dịp này, cô được Tướng Lê Minh Ðảo đích thân trao plaque “Hạ Sĩ Nhất Danh Dự” ngay trong đêm hội ngộ.
Ðêm hội ngộ cũng được gây quỹ thông qua buổi đấu giá hai bức tranh. Một bức vẽ lại hình người lính VNCH, từng được in trên bao thuốc lá quân tiếp vụ ngày xưa, và một bức có tên “Em Gái Hậu Phương.” Kết quả, dược sĩ Nguyễn Phước Quan, thành viên Hội Ðồng Quản Trị Công Ty Người Việt, mua được bức thứ nhất, với giá $600; và ông Linh Nguyễn thuộc Phòng Thương Vụ nhật báo Người Việt, mua được bức thứ hai với giá $400.


No comments: