Tuesday, December 22, 2009

HOÀN TOÀN KHONG PHẠM HUÝ, và RẤT ĐÁNG ĐỌC . . .

Hoàn toàn không phạm huý, và rất đáng đọc...
Nguyễn Tôn Hiệt

21.12.2009
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=6F6AD1C0F9D7B6D373E9318210C14B44?action=viewArtwork&artworkId=9626
Ngày xửa ngày xưa, ở cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, tại nước An Lam, có một thời văn chương tự do theo định hướng của triều đình. Thời đó có lắm chuyện vui và nhiều ý nghĩa mà tại hạ đã được chứng kiến. Nay tại hạ được tái sinh vào thời đương đại, vẫn còn nhớ dăm ba chuyện trong tiền kiếp, xin kể lại một chuyện để giúp vui cho quý độc giả.
Vào thời đó, các văn nhân và thi sĩ khi cầm bút thì được hoàn toàn tự do, nhưng phải tham khảo cuốn “Cẩm Nang Huý Kỵ” để có thể viết ra những tác phẩm hoàn hảo theo tiêu chuẩn của Ban Kiểm Huý. Họ phải hết sức cẩn thận rà xét từng chữ vì, nếu không, họ có thể phạm huý (tức là vi phạm vào bộ từ ngữ cao nhã thiêng liêng mà triều đình đã cấm sử dụng). Bất kỳ một bài thơ, một bài phú nào viết ra, nếu muốn được cho phép ấn hành, thì đều phải nộp cho Ban Kiểm Huý xét duyệt. Bài nào không phạm thì được ấn hành. Bài nào phạm thì được Ban Kiểm Huý cắt gọt giùm cho tươm tất hoặc vứt vào sọt rác.
Chỉ có một số người dở điên dở dại không hiểu nổi cái văn chương tự do theo định hướng của triều đình nghĩa là gì, nên mới lén in tác phẩm của mình rồi chuyền tay nhau mà đọc hoặc lén gửi cho những kẻ lữ hành mang đến những xứ khác mà phổ biến. Văn chương của những người dở điên dở dại này tất nhiên được xếp vào loại tà văn hay loạn văn, và các tác giả này tất nhiên bị đuổi ra khỏi văn giới.
Tuyệt đại đa số trong văn giới ngoan ngoãn răm rắp tuân theo “Cẩm Nang Huý Kỵ”. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người tài hoa nhất trong cái văn giới ngoan ngoãn ấy bắt đầu cảm thấy nếu cứ răm rắp tuân theo “Cẩm Nang Huý Kỵ” thì không thể nào mà thoả chí văn chương, vì sáng tạo mà cứ ôm kè kè cái cẩm nang ấy thì tâm hồn không thể bay bổng, cảm hứng không thể tuôn trào.

Thế rồi, họ mới tìm cách để viết hoàn toàn tự do mà lại không phạm huý, và cuối cùng họ tìm ra hai cách.
Cách 1: Học thuộc lòng cuốn “Cẩm Nang Huý Kỵ”. Đây là cách thuận tiện nhất và tốt nhất, vì thuộc lòng cuốn “Cẩm Nang Huý Kỵ” thì khá dễ dàng, và sau khi đã thuộc lòng thì tác giả chẳng bao giờ cần ôm khư khư nó để tham khảo nữa, mà lại có thể viết ro ro hoàn toàn tự do theo cảm hứng bất cứ lúc nào. Viết xong, trước khi đem nộp cho Ban Kiểm Huý, tác giả đã biết chắc là sẽ đầu xuôi đuôi lọt, thậm chí có khi còn được đề bạt lên triều đình để tuyên dương.
Cách 2: Cứ viết theo cảm hứng và sẵn sàng để cho Ban Kiểm Huý cắt gọt. Tất nhiên đây là cách tự nhiên hơn, vì tác giả có thể mặc tình mà tung hoành ngọn bút.

Tuy vậy, cách này lại có cái bất tiện là nếu tác phẩm phạm huý nhiều quá thì sẽ bị Ban Kiểm Huý vứt vào sọt rác, lắm khi tác giả lại bị khiển trách nặng nề, không khéo có thể bị đuổi ra khỏi văn giới.
Vì thế, một số người khôn ngoan đã kết hợp cả hai cách. Nghĩa là họ đã học thuộc lòng cuốn “Cẩm Nang Huý Kỵ”, nhưng lại làm ra vẻ bất chấp, như thể chẳng hề màng ngó đến cuốn ấy, làm ra vẻ cứ viết thoăn thoắt, chẳng cần biết huý kỵ là gì. Cách kết hợp này quả là thượng sách, vì tác giả vừa viết hoàn toàn tự do, vừa không phạm huý, vừa có cơ hội được triều đình khen thưởng, lại vừa được người đời nể trọng như một người cầm bút có khí phách!

Có một nhà thơ lão thành trước kia đã từng phạm huý và bị trừng phạt, sau khi được ân xá thì nổi tiếng khôn ngoan vì biết kết hợp cả hai cách hết sức nhuần nhuyễn. Ông có thể tự do viết lách, nói năng đủ chuyện trên trời dưới đất mà không bao giờ còn phạm húy nữa. Ông tuyên bố hùng hồn: “Hãy cứ viết theo cảm hứng của mình, viết xong thì gửi cho nhà xuất bản, nếu họ không chấp nhận xuất bản thì thôi, còn nếu họ có cắt xén thì những chữ còn lại của tác phẩm cũng vẫn chứa đựng đủ tinh thần của mình, nghĩa là phải viết thế nào mà sau khi họ thẳng tay cắt xén, thì cũng vẫn còn những điều đáng đọc...”
Sau lời tuyên bố hùng hồn ấy, tất cả những tác phẩm của nhà thơ lão thành khôn ngoan đều được xuất bản trọn vẹn và thậm chí còn được triều đình trao giải thưởng, vì Ban Kiểm Huấn có lục lạo đến bét mắt vẫn không thể tìm ra một chữ phạm huý! Khôn ngoan và tài tình đến thế là cùng!

Một nhà thơ trẻ tài hoa nghe lời tuyên bố hùng hồn ấy, tưởng bở, bèn bắt chước viết ào ào theo cảm hứng, không thèm tham khảo cuốn “Cẩm Nang Huý Kỵ” mà chính anh chưa từng học thuộc lòng. Viết xong một tập thơ, anh gửi ngay cho nhà xuất bản. Theo thủ tục, Ban Kiểm Huý của nhà xuất bản giở ra đọc kỹ và cắt bỏ những chữ vi phạm. Cắt xong, Ban Kiểm Huý cho phép xuất bản. Thế là nhà xuất bản đem in.
Khi sách in xong, nhà thơ trẻ hồ hởi mời văn thi hữu đến ăn mừng ngày ra mắt sách. Sau những bài diễn văn long trọng của đám quan lại, sau những lời phát biểu hoa mỹ của đám cán bộ học giả và cán bộ phê bình gia, sau những ly rượu chúc mừng, nhà thơ trẻ bắt đầu ký tặng sách cho văn thi hữu. Trên trang đầu của mỗi cuốn, anh viết “Kính tặng nhà văn [hay nhà thơ] A [B, C...] những điều đáng đọc trong tác phẩm này”, rồi anh ký tên.
Sau khi được tặng sách, các văn thi hữu đều vội vã giở ra ngay để lướt mắt qua những trang sách mới. Biết trước rằng nhiều chữ nghĩa trong sách đã được Ban Kiểm Huý cắt gọt, nên họ không ngạc nhiên lắm khi thấy cuốn sách chỉ còn là một tập giấy trắng dày mấy trăm trang. Dẫu sao, trong sách cũng còn lại một điều gì đó đáng đọc, họ tự nhủ như thế. Và quả đúng vậy, họ lật mãi cho đến cuối sách thì thấy còn đúng một chữ mà Ban Kiểm Huý đã không cắt. Đó là một chữ hoàn toàn không phạm huý, nhưng vẫn chứa đựng đủ tinh thần của tác giả, và rất đáng đọc: Cứt

----------------

Bấm vào đây để đọc
tất cả tác phẩm của Nguyễn Tôn Hiệt đã đăng trên Tiền Vệ



No comments: