Monday, December 7, 2009

HIẾN CHƯƠNG NHÂN ÁI

Charter for Compassion: Hiến chương Nhân ái
Nguyễn Ước
07/12/2009 4:30 chiều
2 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14500
Hiến chương Nhân ái (Charter for Compassion) vừa được công bố trên khắp thế giới vào ngày 12.11.2009 vừa qua, nói về lối suy nghĩ nhân ái, và quan trọng hơn nữa, hành động đầy lòng từ bi. Tới nay, trong chưa đầy một tháng, nó đã nhận được sự tán trợ của khoảng 27 ngàn người trong đó có những khuôn mặt nổi bật như Ðức Ðạt lai Lạt ma, Tổng giám mục Desmond Tutu, Hoàng hậu Rania Al Abdullah xứ Jordan, học giả Hồi giáo Shaykh Abdullah Bin Bayyah, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình Jody Williams, v.v…

Khởi đi từ sáng kiến của Karen Armstrong, một tác giả người Anh, với hơn 20 tác phẩm viết chủ yếu về đề tài tôn giáo đối chiếu và là thành viên của Hiệp hội Văn chương Hoàng gia Anh. Ngày 28.2.2008, bà nhận được giải thưởng TED, một tổ chức hàn lâm của sáng hội phi lợi nhuận
The Sapling Foundation, hằng năm trao cho ba cá nhân có các tư tưởng xuất sắc, đáng được loan truyền, trong các lãnh vực công nghệ (technology), giải trí (entertainment) và thiết kế (design); mỗi phần thưởng gồm 100.000 Mỹ kim và sự chấp nhận tổ chức, huy động tài nguyên để thực hiện một lời ước của người trúng giải.

Lời ước của Karen Armstrong là được góp phần làm nên, công bố và cổ động cho một Hiến chương Nhân ái, vì theo bà, sau hơn 20 năm nghiên cứu về tôn giáo, bà nhận thấy lòng từ ái là cốt lõi lời dạy của mọi tôn giáo. Ðể thể hiện ước vọng đó, ngày 1.9.2008, một trang web được thiết lập nhằm xây dựng một mạng lưới thân hữu với các tổ chức trên khắp thế giới, mời gọi người thuộc mọi tín ngưỡng, quốc tịch và bối cảnh khác nhau cùng tham gia soạn thảo. Trong sáu tuần lễ, đã có sự đóng góp của hơn 150.000 người ở 180 quốc gia.

Ngày 24.2.2009, một Hội đồng Lương tâm (Council of Conscience) họp tại Versey, Thụy sĩ, để tổng kết và soạn thảo Hiến chương. Hội đồng này có hơn 30 thành viên, gồm các nhà tư tưởng và các thủ lãnh đa quốc tịch, thuộc 6 tín ngưỡng. Trong danh sách đó có Tho Ha Vinh, một người Việt với bối cảnh Pháp, Trưởng ban Huấn luyện, học tập và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, và là thành viên của Dòng tu Tiếp hiện (Order of Interbeing) thuộc pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ngày 27.9.2009, Karen Armstrong tham dự cuộc hội thảo về hành động nhân ái tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình tại Vancouver (Canada) với Ðức Ðạt lai Lạt ma và nhiều vị được giải Nobel.

Hiến chương Nhân ái ngắn gọn, chỉ khoảng 300 chữ Anh, mộc mạc và cô đọng, dễ đọc và tiện luân lưu, nhưng đòi hỏi người đọc hồi nội tự kiểm để từ đó phóng ngoại với hành động tích cực.

Từ ngày xuất hiện đến nay, Hiến chương nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Hơn 20 tổ chức trên khắp thế giới chào mừng bằng sinh hoạt và lễ lạt; tổ chức thi luận văn cho giới trẻ về đề tài này tại Australia; dựng Bức tường Nhân ái tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur; triển lãm nghệ thuật ở New York về chủ đề nhân ái; cộng đồng Islam tại nhiều nước ở châu Âu đang mở các cuộc thảo luận công cộng về lòng nhân ái, đài Tiếng nói Hoa Kỳ dành trọn phần tin tức trong buổi phát thanh tiếng Việt tối Thứ hai 30.11.2009 (viet2230aSUN.mp3) để tường trình về bản Hiến chương, v.v…

Cũng theo bà Karen Armstrong, điểm xuất phát của bản Hiến chương là ta hãy cùng trải nghiệm, cùng cảm nhận với người khác, và đặt mình vào vị trí của người khác. Thêm nữa, từ bản Hiến chương này có thể tiến tới thành lập toán đáp ứng nhanh để lên tiếng khi có khủng hoảng liên quan đến lòng nhân ái, đặc biệt vào lúc có quá nhiều thù hận trên thế giới truyền thông, nhằm đem lại tiếng nói cho đám đông thầm lặng thuộc mọi truyền thống tôn giáo và cung cấp công cụ để cùng nhau xây dựng một xã hội toàn cầu tốt đẹp hơn, nơi mọi người có thể sống hòa hợp và an lành.

Bạn đọc có thể vào
http://charterforcompassion.org để tìm hiểu thêm về quá trình hình thành, các thành phần tham dự và nguyên văn tiếng Anh của Hiến chương Nhân ái (trong đó có một bản dịch tiếng Việt khác, dạng PDF), xem video gồm hàng chục tiếng nói khác nhau, và ký tên tán trợ.

Cũng có thể đọc thêm về TED Prize tại http://en.wikipedia.org/wiki/TED_(conference), và tiểu sử của Karen Armstrong tại
http://en.wikipedia.org/wiki/Karen_Armstrong

-------------------------------------------------------------

Hiến chương Nhân ái – Lời kêu gọi kết hiệp thế giới
Nguyễn Ước dịch

Nguyên tắc nhân ái nằm tại tâm điểm của hết thảy các truyền thống tôn giáo, đạo đức và tâm linh, đang hằng kêu gọi chúng ta đối xử với mọi người như chúng ta muốn mình được đối xử. Lòng nhân ái thúc giục chúng ta hoạt động không mệt mỏi nhằm xoa dịu khổ đau của đồng loại, truất phế bản thân khỏi vị trí trung tâm của thế giới và đặt tha nhân vào chỗ đó, đồng thời tôn vinh sự thánh thiện bất khả xâm phạm của mỗi người, đối xử với mọi người, không loại trừ ai, bằng tinh thần tuyệt đối công lý, bình đẳng và kính trọng.

Trong cuộc sống riêng tư lẫn công cộng, chúng ta cũng nhất thiết tự kiềm chế một cách kiên định và đồng cảm để không gây đau đớn. Hành động hay phát ngôn bạo động xuất từ ác ý, xô-vanh chủ nghĩa hoặc vị kỷ nhằm làm hao mòn, tước đoạt hoặc phủ nhận các quyền căn bản của bất cứ người nào, và kích động hận thù bằng cách gièm pha kẻ khác – kể cả kẻ thù của mình ­– là một sự phủ nhận tình nhân đạo chung của chúng ta. Chúng tôi thừa nhận rằng chúng ta đã và đang sống không nhân ái và rằng thậm chí có một số người còn nhân danh tôn giáo làm gia tăng tổng số khốn khổ của con người.

Chúng tôi, bởi thế, kêu gọi mọi người, cả nam lẫn nữ
— khôi phục lòng từ bi trở lại vị trí tâm điểm của đạo đức và tôn giáo;
— quay về với nguyên tắc cổ xưa rằng bất cứ sự diễn giải kinh sách nào dẫn tới bạo động, hận thù hoặc khinh miệt đều không chính đáng;
— đảm bảo cung cấp cho tuổi trẻ thông tin chính xác và đầy tôn trọng về các truyền thống, tôn giáo và nền văn hóa khác;
— khích lệ sự tán dương tích cực tính chất đa dạng của tôn giáo và văn hóa;
— trau dồi sự cảm thông đầy hiểu biết về khổ đau của mọi người – kể cả của những ai bị xem là kẻ thù.

Chúng ta cần phải khẩn trương biến lòng từ bi thành một sức mạnh rõ rệt, sáng chói và năng động trong thế giới đa cực của mình. Ðược bắt rễ trong một quyết tâm đã thành nguyên tắc nhằm vượt lên trên sự vị kỷ, lòng nhân ái có thể phá tan các ranh giới chính trị, giáo điều, ý thức hệ và tôn giáo. Ðược sinh ra từ sự tương thuộc sâu xa của chúng ta, lòng nhân ái là cốt lõi cho các quan hệ nhân tính và cho một nhân loại toàn mãn. Nó là con đường dẫn tới thức ngộ, và không thể thiếu cho sự tạo ra một nền kinh tế công chính và một cộng đồng toàn cầu hòa bình.

© 2009 Nguyễn Ước
© 2009 talawas blog





No comments: